Tôi đang cầm quyển “Hát bội, đờn ca tài tử và cải lương (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX)” của Nguyễn Lê Tuyên và Nguyễn Đức Hiệp. Phút này, tôi đang đứng dưới “vòm lá me bay” ngay sát trường THPT Lê Quý Đôn.
Nếu đúng theo ghi chép ở trang 15 của sách, “rạp hát bội của ông ở gần chùa Khải Tường, nay là khu vực trường Lê Quý Đôn, Sài Gòn ngày nay”, thì dưới tán cây xanh này thuở xưa chính là nơi sáng ánh những vở tuồng như San Hậu. Chưa bao giờ tôi thử để cho tâm trí mình phác thảo trong không gian khối kiến trúc bát giác của thành Gia Định. Cũng chưa bao giờ tôi lại thấy ấn dấu của Tả Quân nhiều đến vậy tại thành phố này.
Quyển này tôi đọc từ 2017. Đi tìm một quyển sách khác không thấy lại thấy quyển này. Sách nhẹ, mỏng, có tính chất lược sử trăm năm. Quả đúng là tư liệu thích hợp cho một người đang tập yêu hát bội, đờn ca tài tử và cải lương như tôi.
Một năm sau, một phim điện ảnh ra mắt, ít nhiều dựa trên không khí thập niên 1990 với rất nhiều hình ảnh, âm thanh, thoại kể và tự sự dính líu tới cải lương. Vậy là tôi có dịp mang sách ra đọc lần nữa.
Một năm tiếp nữa tức bây giờ, chương trình “Cải lương – Trăm năm nguồn cội” (CLTNNC) sáng đèn. 3 suất đã diễn ra. 3 đêm diễn tiếp theo đang chờ đón. Vào các đêm tới đây tức 9,10,11 tháng 8, tôi dự định sẽ mời vài người bạn đi cùng. Tưởng như nhìn họ tôi thấy tôi của 2 năm về trước. Lời mời của tôi sẽ viết với tất cả sự trân trọng nhưng điều kiện của tôi là sự đọc, một lần đọc giản đơn với quyển sách này. Giá sách chỉ ở mức 45.000 vnd. Ai cũng có thể mua. Nếu ngần ngại thì có thể đến Góc O để mượn đọc. Nếu là vậy thì chỉ đọc tại chỗ, không mang về. Quyển này với chỉ 131 trang nội dung, nếu trừ đi phần hình ảnh thì số trang chữ còn ngắn thêm hơn nữa, có lẽ cũng chỉ mất khoảng chưa tới 2 giờ là đọc hết.
Cấu trúc và tính chất của chương trình CLTNNC với tôi khác nào là những diễn bày sinh động bước ra từ sách. Đọc sách rồi đi coi hát giống như 1 bên cánh chim và nếu có cả hai song hành thì tâm hồn như rộng mở. Bay lên!
Hy vọng là những người tôi mời dù đi hay không thì cũng sẽ ít nhiều dành sự quan tâm đến lịch sử trăm năm của cải lương được gọn gói trong tập sách mỏng nhẹ này!
Trở lại với năm 2018, một buổi nói chuyện nhỏ dành cho 30 người đã được mở ra. Mục đích của buổi nói chuyện là phân tích giá trị nội tại của bộ phim mà tôi đã nhắc ở trên. Đây là một hoạt động tự phát không nằm trong hệ sinh thái của bản thân bộ phim. Dù không nằm trong nhưng giờ đây nhìn lại thì tôi ý thức rằng nếu không có những diễn tiến tương tự thì bất kỳ bộ phim nào cũng sẽ có một đời sống thiếu tính bền vững, chông chênh giữa lằn ranh thực / ảo, chân / giả. Kết thúc buổi hôm đó, mỗi người tham dự khi ra về được tặng một món quà. Đó chính là tựa sách mà tôi cầm dưới hàng cây me trưa này. 30 người tham dự đều mang 1 tặng phẩm ra về. Nhưng tính toán sao đó, mua nhập sao đó mà chỉ có 29 quyển. Tôi biết chắc chắn điều này vì tôi không được phát. Với tôi, điều này cũng chẳng có chút chi phiền lòng. Vì tôi đã có sẵn 1 quyển, có thêm hay không có cũng không sao. Quan tâm của tôi là 29 vị bằng hữu kia, 1 năm qua, phản ứng giữa họ và sách đã diễn ra như thế nào.
Trăm năm cải lương, trăm năm trên tay cầm, ý thức về trăm năm đã có gì đổi khác? Có bao nhiêu người trong danh sách 30 kia đã cầm sách, mang vé, cùng về trẩy hội trăm năm…
…trong những đêm qua và những đêm sắp tới?
#Nhiên
13.7.2019