12.7.19

HÀO QUANG | CLTNNC#9

Cải lương, trăm năm nguồn cội, Đạm Nhiên, Nhiên, Góc O, Góc Nghệ, Vũ Linh, Hàn Mặc Tử, Quang Thảo
Lúc anh Vũ Linh bước ra, phía sau anh là tấm màn in lời hát của bài Dạ Cổ Hoài Lang của tiết mục trước. Đêm nay anh mặc một chiếc áo dài cách tân màu xanh nổi bật trên nền phông trắng. 

Tôi chưa biết màu chủ đạo của chương trình Cải lương – Trăm năm nguồn cội là màu gì. Nhưng nhìn vào tập sách và chiếc vé giới thiệu thì màu lục lam chiếm giữ thị giác của tôi nhiều nhất. Thế nên cảm giác dễ chịu, thư thái, tin cậy và bình yên được tiếp dẫn từ bìa sách, vé xem đến chiếc áo anh mặc. 

Nhớ thập niên 1990, cứ hễ mở ti vi lên là gần như lúc nào cũng thấy những hoạt ảnh và âm thanh từ anh Vũ Linh. Đó là thời màn hình trắng đen dần dần bị thay thế bởi màn hình màu và những băng phim hình chữ nhật thì được thuê mướn khắp hang cùng ngõ hẻm. Tôi không ở trong men tình với cải lương. Vậy nên không có quá nhiều ký ức với anh. Tuy nhiên, còn nhớ, lúc đi học ở trường tiểu học Phú Lâm, mỗi khi đi ngang qua nhà ăn hay mấy tụ điểm bán vặt ở cổng trường thì thấy trong nhiều bịch kẹo, bịch me có mấy tấm hình khổ nhỏ gọn trong lòng tay của anh Vũ Linh. Có khi bán rời, in đồng loạt trong những tấm bìa cứng lớn rồi cắt ra thành nhiều tấm nhỏ. Đó là chưa kể tới bìa sổ tay, ảnh dán tường. 

Không riêng gì nghệ sĩ cải lương, nhiều nghệ sĩ ở các lĩnh vực liên đới như truyền thanh, truyền hình, điện ảnh, âm nhạc cũng hiện diện ở khắp nơi theo một kiểu cách như vậy. Ngoài người thật, những khuôn mặt thân quen còn là các nhân vật truyện tranh, hoạt hình. Nghĩa là ảnh được chụp cắt trích xuất từ trong các xuất phẩm nghe nhìn rồi sau in ấn hàng loạt. Bản quyền sở hữu trí tuệ là một dấu hỏi lớn. Nhưng một lần nữa, những ấn bản như thế là một dạng khẳng định mức độ được yêu thích và tầm ảnh hưởng của những cái tên.

Vậy là dù không say sưa trong cơn mê của một tín đồ “đạo hát” nhưng tôi, một đứa nhỏ lớp 3, lớp 4 khi đó cũng đã kịp lưu trữ một ít hiểu biết sơ khởi về người nghệ sĩ Vũ Linh và vị trí của anh trong lòng người lúc bấy giờ. Chuyện có lẽ cũng chỉ dừng lại như vậy và không có gì tiến triển hơn nếu không có đêm 7.7 vừa rồi. Đó có lẽ mới là lần đầu tôi được nghe anh hát trực tiếp, lần đầu được thấy nhân dáng anh trực diện. 

Đã được thông báo từ trước về sự xuất hiện của anh, dự tưởng cảm giác bất ngờ sẽ ở độ vừa phải. Nào ngờ vượt hơn thế rất rất nhiều. Trước tiên là về ngoại hình. Anh trẻ hơn rất nhiều so với tuổi sinh học. Sau đó là tiết mục. Có lẽ duy chỉ có anh là có cách trình diễn như vậy trong chương trình. Chỉ là đơn ca với phần nhạc đệm của dàn nhạc cổ. Và trên tất cả là phong thái trình diễn. Anh chỉ đi ra điểm giữa của sân khấu và đứng im một chỗ. Sự chuyển động nếu có chỉ là phần thân trên. Điều duy nhất mà khán giả chứng kiến chỉ là giọng hát qua bài “Hàn Mặc Tử”. 

Ấn dấu của tuổi tác, của bệnh tật lộ rõ trong màn trình diễn nhưng tiếng ca vẫn xuyên qua, vút lên, tạo ra một phong vị hoàn toàn khác với phần còn lại của chương trình. Như trong một cõi riêng vậy. Độc một tiếng hát hòa điệu với tiếng đờn gói hết không gian, thời gian, cô đúc những giác quan người thưởng ngoạn thành một khối. Nếu như ở trong một điều kiện thể lực sung mãn hơn, không hiểu hiệu ứng về âm thanh sẽ còn ngọt / vang / gây thương nhớ đến mức nào?

Cảm giác về một ca nhân chỉ đứng yên rồi cất lên tiếng hát và thu phục hết tất cả sự chú tâm và tình cảm của người nghe đối với riêng tôi trong khoảnh khắc này chỉ có thể là một người khác. Andrea Bocelli. Hẳn nhiên là tôi cũng chưa từng được nghe ông biểu diễn trực tiếp. Và thật khó tin nếu đặt cạnh nhau hai con người, hai quốc tịch, hai thể loại. Nhưng tôi vẫn thấy được sự tương đồng. Một người bị khuyết tật từ thuở 12. Còn một người vừa trải qua cơn bạo bệnh. Cả hai ít nhiều đều gặp khó khăn và không thể di chuyển linh hoạt khi biểu diễn. Họ thật sự chỉ có tiếng hát. Mà tiếng hát thì ngay khi cất lên đã lập tức thâu phục tâm hồn người nghe hoàn toàn. Những tràng pháo tay vang dội minh chứng cho lời tôi.

Tôi đã ngồi xem qua màn hình Andrea Bocelli. Với đôi tai của một khán giả phổ thông, tôi không thể hiểu sâu sự phát triển của giai điệu hay kỹ thuật xướng âm của người hát. Tất cả những gì tôi có thể suy xét chỉ là cảm giác ngay lúc đó, sự cảm nhận tức thời và mình chỉ thể nói ra hay viết xuống bằng vốn từ vựng ít ỏi. Nhưng tôi cam đoan với chính mình là thính giác đưa tới khi nghe Vũ Linh cũng đồng một dạng với những gì tôi nghe, tôi thấy từ ông Bocelli. Có khi còn có phần chân thực hơn vì đây là trình diễn sống, hát sống và chơi nhạc sống. 

Tôi tưởng như những câu ca từ cổ họng của anh Vũ Linh như một đôi cánh đang bay lên và phủ chiếm bóng râm toàn bộ khối kiến trúc nhà hát. Anh đưa một ánh nhìn sang bên này, anh phất một cánh tay sang bên kia. Như một vị thần đang hô phong hoán vũ. Và hào quang là có thật! Vẫn hay nghe nói về hào quang của một người nghệ sĩ khi trình diễn thì giờ tôi được chứng thực. Tôi biết không phải lúc nào cũng có thể bắt gặp thứ ánh sáng đặc biệt này.

Đây mới chỉ là đêm đầu! Còn bao nhiêu là đêm nữa! Chỉ thầm mong anh thật mạnh khỏe để thi triển tất cả các tầng nội lực và kinh nghiệm qua gần 5 thập niên ca diễn của mình!

#Nhiên