18.7.19

CHUYẾN HÀNH HƯƠNG SỐ 2 | CLTNNC#6

Đây là lần hành hương thứ hai của tôi. 

Ở lần một, tôi tìm đến đại lộ Lê Văn Duyệt. Khó có thể đi hết chiều dài với mật độ xe cộ như bấy giờ! Tôi chỉ tản bộ một đoạn ngắn từ điểm đầu là tượng Phù Đổng Thiên Vương. Tôi có lưu từ trước một bức họa rất đẹp của Đức Thượng Công, chẳng rõ ai là tác giả. Mang theo bên mình, tôi dành vài khắc để ngưỡng vọng. Đó là thời điểm trước đêm 7.7 (đêm công diễn Cải lương - Trăm năm nguồn cội).

Sau cột mốc 7.7, tôi tiếp tục cuộc lữ, trở về với khởi thủy. Lần này, ấn dấu xuất phát là Cầu Bông. Phẩm chất đi nhiễu dẫu chưa đạt độ lặng lắng và chơn thiệt nhưng tự nghĩ đã tốt hơn lần thứ nhất nhiều phần. Khi đến trước cổng tam quan, tôi dừng lại vài giác để hướng tầm mắt lên phương cao. Có lẽ nhờ vậy mà đủ tĩnh yên để không đi sai lối. Theo thói quen, tôi ưa đi ở làn trái. Đi như vậy để thấy rõ luồng di chuyển đến từ phía trước mặt. Tư thế và tâm thế luôn chủ động. Nhưng khi bước vào tả ngạn thì thấy ngay bảng điều hướng với mũi tên hướng ra ngoài và chữ viết ghi rõ. Thật may mắn, nhờ cẩn trọng nên đã không sa vào lầm lỗi “đi như con thú hoang”! Lùi ra và bước sang mạn phải, tôi chánh thức thể nhập vào khu vực mộ phần.

Lối đi của tôi không theo Phật giáo. Đúng hơn là tôi đi theo phương pháp dưỡng sinh. Phép này tôi cũng chưa thông thuộc. Chỉ lấy một điểm tựa để điều chỉnh thân tâm. Đó là sự thư giãn. Không gồng cố, không ra vẻ. Tự nhiên và trung thực với chính mình. Tôi chọn đi theo vòng tròn (lối ôm bao toàn bộ lăng) rồi sau đi thêm vòng nữa, chọn dừng lại ở bất kỳ nơi đâu mà mình thấy thanh cảnh. Cuối cùng là tôi đi vào trái tim của khối kiến trúc.

Chẳng có hương hoa, nhang đèn hay vật phẩm! Mà cũng từ rất lâu trong những chuyến hành hương tôi không có gì để làm thức dâng cả. Ngoài sự trung thực suy xét mình. Ngoài khát khao thấu rõ hành trạng của tiền nhân. Hôm nay dự tưởng cũng chỉ có những bước chân thầm thì nguyện làm trầm hương dâng kính…

Nhưng… dư âm của đêm diễn tối qua hãy còn ngân vọng. Sáu căn xô đẩy. Môi má khẽ rung. Tôi biết mình đang mấp máy mấy câu của bài Vọng Cổ:

- Đường dầu xa ong bướm
Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang

Thanh âm lan truyền thinh không / như một nén hương không màu / thay cho niềm riêng quy mạng.

Sự kiện “Cải lương – 100 năm nguồn cội” đã thâu tóm tư duy tôi 2 tuần lễ nay. Với tập tính ưa truy cứu vào phần gốc rễ, tôi đã đi xa hơn cột mốc Dạ Cổ Hoài Lang. Cải lương vốn dĩ thoát thai từ hát bội. Vậy là tâm trí ngược dòng lịch sử, chuyển di đến tận cuộc kháng chiến quân Nguyên Mông của nhà Trần. Tôi tạm viết xuống những danh xưng: Lý Nguyên Cát, Đào Duy Từ, Đào Tấn, Lê Văn Duyệt. Cái tên sau cuối thu hút tôi nhiều nhất. Một vị tướng tài, lập nhiều công trạng, được cả dân bản xứ lẫn ngoại tộc tôn thờ. Đời công thăng trầm, đời tư dị biệt. Và vượt trên hết là tình yêu hát bội của Đức Tả Quân. Đến mức từng lập cả một đoàn hát ngay trong trấn phủ. Khi trình diễn có khi Tổng trấn Gia Định thành còn trực tiếp cầm chầu. Những đêm diễn lại còn mở rộng cho toàn thể dân chúng cùng đến thưởng thức. Với những người làm văn nghệ, có lẽ một bóng hình như Đức Thượng Công chính là cánh tay nâng đỡ lớn nhất, là nhà bảo trợ, là đồng minh trong mơ.

Đúc kết vừa nêu đã đưa bước chân tôi lên đường. Chuyến hành hương chưa từng! Đã qua 2 kỳ và hẳn là sẽ còn thêm nhiều phiên nữa! 29 năm uống nước sông thành phố. 29 năm mê mộng. Chưa từng thấy rõ… một TÌNH YÊU…

#Nhiên
8.7.2019


Cải lương – Trăm năm nguồn cội, Cải lương, Trăm Năm Nguồn Cội, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, Góc 0, Góc Nghệ, Góc Không, Lăng Ông, Lăng Ông Bà Chiểu, Tả Quân Lê Văn Duyệt, Đức Tả Quân, Đức Thượng Công