16.7.19

TIẾNG NÓI NGOÀI HÌNH | CLTNNC#13

Quang Thảo, Cải lương, Trăm năm nguồn cội, Đạm Nhiên, Nhiên, Góc O, Góc Nghệ, Cải lương – trăm năm nguồn cội

Sau đêm đầu về nhà, tiếng nói của anh Quang Thảo cứ ong ong trong đầu tôi. Dùng “ong ong” chắc là không chính xác. Vì có khi tiếng nói đến bất chợt, tắt rồi lại vang bất chợt. Cường độ cũng chỉ thoang thoảng, thầm thì.

Suốt cả tuần như vậy. Chưa bao giờ tôi lại có một hình dung sắc nét về giọng nói của một diễn viên đến thế. Rồi từ chỗ thụ động giờ tôi có thể chủ động. Tập trung khơi gợi cho trí óc một chút là tiếng nói ấy lại khởi phát nơi lòng.

Chắc chắn là tôi đến với đêm Cải lương – Trăm năm nguồn cội vì cái tên Quang Thảo. Ở tuổi tôi có lẽ một cái gì đó mới hoặc chưa từng sẽ rất khó lòng quyến rũ. Đi đâu đó thường là tìm lại ký ức. Mà với tôi thì Quang Thảo là một ký ức, có thể chưa dài lâu nhưng đủ để nhớ và muốn tìm lại.

Tôi chẳng hiểu mình có phải là số nhỏ, số lẻ đơn độc hay không? Cũng chẳng dám đi tìm đồng minh đội nhóm mặc dù tôi biết với Quang Thảo số lượng người yêu mến cũng có thể lập thành bang hội. Chỉ là những người đó có lẽ có xu hướng thâu mình nhiều hơn. Đó có thể là người đã từng xem kịch Quang Thảo, từng xem Quang Thảo dàn dựng, từng đến ăn quán chay Quang Thảo, từng tham gia mấy chương trình thiện nguyện Quang Thảo và ấp ủ một đời sống thuần nông bằng việc lập một vườn rau cây trái như Quang Thảo. Xét đến tất cả các đặc điểm trên, nếu thỏa hết thì tôi nghĩ những người yêu mến anh đa phần là náu mình.

Đêm thứ hai, ngồi ở hàng O, bỗng nhiên tôi nghe bạn kế bên gọi điện. Đây là trước giờ sân khấu lên đèn. Bạn nói gì đó thì là câu chuyện riêng của bạn. Tôi không muốn nghe nhưng mà rớt ra từ đó 2 tiếng “Quang Thảo”. Đang lim dim thư giãn thì tôi giống như tỉnh trí: 

“Một điều cũng Quang Thảo. Hai điều cũng Quang Thảo!”. Cách mà bạn nhấn nhá với người ở đầu dây bên kia làm tôi nhận ra một lẽ giản dị, “Mình không đơn độc!”.

Con số “vì Quang Thảo mà đến” không biết là bao nhiêu nhưng qua kinh nghiệm thực tế này tôi tin con số đó có thật và rất “hữu cơ”, giống như làm nông bền vững, không ép uổng, không hóa chất mà tự nhiên ra hoa ra trái.

Lúc tôi rời nhà hát, một cảm giác dịu mát ngập tràn. Chẳng hiểu là trời mưa trong bao lâu mà đường xá tạnh ráo lúc này ươm một vị thanh lương dễ chịu đến lạ lùng. Có những đoạn hương hoa nhẹ thấm vào khoan mũi. Có những đoạn mùi thanh khiết của cỏ cây như quấn lấy thân người. Tôi đi từ Mạc Đĩnh Chi đến Lê Duẩn rồi Nguyễn Du. Lúc nào tôi cũng yêu thích đi bộ ở đoạn này. Cây xanh của thành phố tập trung nhiều nhất ở đây. Tôi đoán vậy mà giống như đoán nhiều lần thì thành ra chân lý nên cũng chẳng mong thống kê kiểm chứng. Giờ thì nhờ cơn mưa mà độ sạch / trong / nhẹ / khỏe / càng tăng lên bội phần.

Đi một hồi thì tiếng nói Quang Thảo lại khe khẽ, lớn dần lên theo từng nhịp chân bước. Không hiểu trong sân khấu thì thế nào chứ ở điện ảnh thì tôi gọi đây là “tiếng nói ngoài hình”. Khi nghe một âm thanh, một giọng nói mà khán giả không thấy hình ảnh người diễn viên đang mấp máy khuôn miệng thì đó gọi là “tiếng ngoài hình”. Tôi hiểu ngắn gọn là vậy. Nhưng đây chỉ là danh xưng thôi. Quan trọng là tôi cần tìm ra lý do vì sao lại có hiện tượng này.

Anh Quang Thảo có đài từ truyền cảm. Ngoại hình, khuôn mặt bắt sáng. Diễn xuất hình thể đã nhiều phần thuyết phục được tôi. Tuy nhiên, tất cả những điều vừa kể chưa đủ để lý giải cho chuyện “tiếng nói ngoài hình”. 

Đi một đoạn nữa thì tâm trí tôi bắt đầu liệt kê các bằng chứng thành những gạch đầu dòng. Những gạch này tôi đã ghi nhận trong khi xem từng tiết mục của đêm thứ hai. Giờ giống như tổng kết:

- giọng đọc thuyết minh hai phim ngắn về Cao Văn Lầu, về Phùng Há
- giọng thoại của sứ giả phe Tống Triều với Thượng Dương

Trước đó ở đêm đầu thì có:

- giọng hát trong tiết mục hợp xướng mở đầu
- giọng thoại của nhân vật Luân trong “Đời Cô Lựu”

Tất cả giọng nói này, có cái là trực tiếp, có cái là thu âm sẵn để lồng vào phim. Có cái thì nhìn thấy. Có cái phải lắng lòng mới thấy. Tất cả đều thuộc duy nhất 1 người. Đó là Quang Thảo.

Đêm đầu có lẽ tôi bị phân tán chia chẻ theo nhiều ngã ngách. Nhưng tâm thức cũng đã kịp lưu vết những bằng cớ. Những bằng cớ âm thanh (chưa thống kê viết xuống) kết hợp cùng ký ức quá khứ đã tạo ra hiện tượng “lời thì thầm bên tai”. Đến đêm thứ hai, tâm thức lại tiếp tục lưu giữ. Bằng cớ rõ ràng thêm hơn. Và sự xác nhận đến trong lúc cơ thể và tinh thần ở trong trạng thái thư giãn, thoải mái nhất.

Thân chào bạn, tiếng nói ngoài hình! Mà giờ cũng đã thành tiếng lòng tôi.

#Nhiên
16.7.2019