Nay là rằm tháng 6 âm lịch, tôi đi viếng Lăng Ông. Chưa biết mang theo gì thì nghĩ đến mấy chiếc vé Cải Lương – Trăm Năm Nguồn Cội. Chương trình cũng đã tạm ngưng sau 3 suất diễn tháng này để trở lại vào tháng sau nhằm ngày 9, 10, 11 tháng 8 dương lịch. Giữ vé trong tay, tôi tự xem đó như một lời thầm chúc thành tựu cho các suất sau của đoàn hát.
Tôi cùng từng dự định sẽ mang sách theo bên người, những quyển liên quan. Ít nhất là tôi đã tìm ra 3 tựa:
- [1] Gia Định Tổng trấn Tả quân Lê Văn Duyệt (Ngô Tất Tố)
- [2] Lê Văn Duyệt – Từ nấm mồ oan khuất đến Lăng Ông (Hoàng Lại Giang)
- [3] Lê Văn Duyệt với vùng đất Nam bộ (nhiều tác giả)
Quyển số 1 đã ra nhiều năm và chẳng biết đã tái bản mấy lần. Hơi khó tìm nhưng chắc chịu khó lùng sục thể nào cũng ra. Nhưng tôi thích bản in đầu, năm 1937 của nhà Mai Lĩnh. Thích là thích thế chứ tự biết gần như vô vọng nếu muốn tìm được bản in năm ấy. Mà dù cho có tìm chắc cũng không đủ tiền để mua quyền sở hữu. Quyển số 2 tôi tìm thấy thông tin bản in đầu là vào 1999. Sà vào chợ sách xưa trực tuyến thì chỉ thấy ảnh bìa, bản in 1999 đã có người mua mất. Quyển số 3 thì in gần đây và dường như cũng đã tái bản mấy bận. 2 quyển số 2, số 3 ấn bản in những năm gần nhất tôi đã khẽ chạm tay nhưng vẫn chưa quyết vì tự nghĩ đây chưa phải thời điểm chín mùi.
Đêm trước rằm, em Hòa Bình có nhắn cho tôi thêm 1 tựa sách nữa. Đó là “[4] Di sản Tả quân Lê Văn Duyệt”. Đây là bản mới vừa ra mắt năm ngoái (2018). “Ngay trong lăng!”, Hòa Bình nhắn tin khi tôi hỏi về nơi bán. Đặc biệt hơn là Hòa Bình đã nhận được lời hứa tặng. Chỉ cần đến vào ban sáng và gọi điện trước. Vậy là tôi cảm thấy định mệnh hay đúng hơn là theo ý nghĩa logic và cả lý lẽ của trái tim, “Di sản Tả quân Lê Văn Duyệt” sẽ là cuốn đầu tiên tôi thâu giữ trong bộ sách chuyên đề viết về Tổng trấn thành Gia Định (ít nhất 4 quyển). Có thể chưa phải ngay tháng này vì tôi không thể thu xếp đến lăng vào buổi sáng. Có thể là đầu tháng 7 âm lịch hoặc rằm tròn đúng một trăng.
Hành trang của tôi trong lần thứ hai viếng lăng như vậy là vô cùng gọn nhẹ (chủ ý). Tôi thậm chí không mang theo dù. Chỉ có 1 túi vải, 1 quyển sách mỏng để kẹp giữ 3 chiếc vé.
Lúc tôi vừa lên xe Mười Bốn thì trời kéo mây đen bịt bùng. Trời mưa lớn ngay khi tôi vừa xuống xe. Phải đục mưa hơn nửa giờ. Đến khi ngơi, bước ra trạm dừng thì đợi xe Năm Tư mà đợi hoài. Giãn cách giữa các lượt xe thường là 10 đến 15 phút mà chiều nay đợi phải hơn nửa giờ chẳng thấy tăm hơi. Vậy là chôn chân hơn 1 giờ đồng hồ ở Ngã Bảy. Sau đó đành đón xe Trăm Năm Mươi để đi Cầu Bông. Lúc tản bộ ở Nghĩa Trang Lớn thì bấy giờ lại thấy xe Năm Tư chầm chậm lướt qua. Dầu sao đi nữa tôi biết mình cũng đang gần kề hay là đã thật sự bước vào cánh đồng Mả Biền Tru hay có khi gọi là Đồng Tập Trận. Có lẽ một sắp xếp vô hình nào đó đã đưa lối dẫn đường để tôi có thể ở lâu hơn với liệt vị.
Tư duy có một sự định hướng giản tiện nhưng chung cuộc tuyến đường thực tế lại trúc trắc và kéo dài hơn dự liệu.
Tôi đến Lăng Ông thì cũng đã hơn 7 giờ tối. Cổng vào đã đóng. Dẫu vậy, tôi đi một vòng quanh phía ngoài và có thêm vài ghi nhận để củng cố hơn nữa cái thấy của mình về thái độ của những người dân xung quanh với nơi tôn nghiêm này. Những chuyện kém vui sẽ được bàn trong một dịp khác. Trời bấy giờ vẫn đang mưa. Không nặng hạt như ban chiều nhưng đủ để làm thấm ướt chiếc túi vải mà tôi đã dùng tạm để che đầu suốt buổi. Bên trong quyển sách mỏng đã ướt hết cả mép giấy. Duy chỉ còn 3 chiếc vé màu xanh thắm là vô sự. Tôi đi ra khu nhà được gọi Trung tâm văn hóa kề bên lăng. Tìm một vị trí cao thoáng để có thêm một góc nhìn mới về lăng và cũng đồng thời cúi đầu trầm tưởng. Gần nửa tháng nay, đi đâu cũng chỉ thấy dấu xưa của Thượng Công. Nào là cư xá, ngôi trường, con đường từng mang tên, nào là rạp hát, tờ tiền, nào là những trận đánh, nào là thành xây, kênh đào.
Nhắc đến lịch sử 100 năm Cải Lương có lẽ có thể tạm lướt nhanh qua vị thế của hát bội vốn xuất hiện trước đó. Nhưng nếu có nhiều thời gian hơn, biên độ được dài kéo thêm hơn, 200 rồi đến 300 thì chắc chắn không thể dành những câu chữ vắn tắt để nói về vị hộ thần Gia Định, không những trong địa hạt văn hóa, nghệ thuật mà còn là lịch sử, địa lý, kinh tế của thành phố và cả dải đất phương Nam này.
#Nhiên
17.7.2019