15.7.19

GIẤC MỘNG ĐỎ 1 | CLTNNC#12

Cải lương trăm năm nguồn cội, trăm năm nguồn cội, cải lương, vũ đạm nhiên, đạm nhiên, nhiên, quang thảo, đạo diễn Cải Lương Trăm Năm Nguồn Cội, góc o, góc nghệ, Tả Quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn thành Gia Định, Lê Văn Duyệt
Tôi đang ngồi trong phòng trang điểm của nhà hát. Đây mới là lần đầu tiên tôi có mặt trong không gian nghe nói dài rộng chừng 4m5 x 9m. 

Tiếng chuông reo. Chỉ còn ít phút nữa chương trình Cải lương – Trăm năm nguồn cội (CLTNNC) sẽ diễn ra. Đây đã là đêm thứ 3. Khán giả vẫn đến rạp đầy ắp. Và tôi sẽ lần đầu thâu nhận thanh âm chương trình từ một vị trí khác lạ. Náo nức, hồi hộp, đợi chờ… thế mà không hiểu sao tôi lại ngủ thiếp đi một giấc thật dài…!!!

Đến khi bừng tỉnh thì đã 22 giờ 30 phút hơn. Kết thúc mất rồi! Tôi tiếc nuối nhìn quanh thì lúc này 2 người bước vào. Có lẽ căn phòng đã chật đầy các nhân sự liên quan nhưng tôi không thể thấy rõ họ. Chỉ thấy trước mặt 2 người. Một người mặc áo trắng. Là Quế Trân, thủ vai Thượng Dương trong tiết mục cuối. Một người mặc áo đỏ mà sắc ấy lóe chớp, chiếm phủ thị giác, tràn lấp căn phòng, tràn lấp cả giấc mộng. Chiếc áo ấy tôi đã thấy, đã thích thú, đã ghi nhớ suốt 2 tuần nay. Chiếc áo đó, chiếc áo Đức Tổng trấn Gia Định thành. 

Người mặc áo vừa nói, vừa khóc, người kề bên cũng khóc, những giọt lệ hạnh phúc.

Vừa trên là một phần trong giấc chiêm bao của tôi, xảy ra vào ban trưa ngày 11 tháng 7. Tôi định gọi “giấc mộng hồng son” nhưng thấy nghe sao giống như bắt chước vở "Giấc mộng vàng son". Mà mình thì muốn phải xuất hiện từ "đỏ". Vậy nên tôi tóm gọn thành “giấc mộng đỏ”.

Tôi rất thích những dữ kiện mà tâm thức đã chìa ra cho mình. Tôi nhớ lại từng chi tiết và vội vàng ghi chép ngay phòng trường hợp sẽ quên. Thường là vậy, khoảng 2 hay 3 giờ sau khi chiêm bao, các thông tin sẽ dần trôi vào quên lãng. 

Dù chưa từng vận dụng các lý thuyết và kỹ thuật của Carl Gustav Jung vào việc giải mộng nhưng tôi rất yêu quý nhà tâm lý này. Vì lẽ ông rất nghiêm túc với công việc giải mộng. Ông siêng năng ghi chép mọi phản hồi từ tâm thức và hình thành một thói quen phân tích giấc mơ rất chuyên nghiệp. Mọi thứ dựa trên khối lượng tri thức về biểu tượng khổng lồ mà ông tích lũy trong dân gian và qua quá trình tham học cũng như tự suy xét. Có thể nói nhờ nguồn cảm hứng từ ông mà tôi thêm yêu quý nghệ thuật hay tất cả các loại hình sáng tạo. Tôi đã không còn ở trong vai trò của người thưởng thức đơn thuần mà manh nha xu hướng đi sâu vào quá trình tạo tác của người nghệ sĩ, để tìm hiểu những căn nguyên trong sự sáng tạo của họ.

Hẳn nhiên tôi chỉ mới ở trong những ngày đầu, mới tập những bước đi dò dẫm. Chẳng hạn như với CLTNNC, một chương trình giải trí tổng hợp với trọng điểm là dòng thời gian 100 năm của bộ môn cải lương, thao thức của tôi là muốn được nhìn thật sâu, dò thật kỹ vào kết cấu của nó, vào cấu trúc, vào đề cương kịch bản, vào kịch bản văn học, vào kịch bản phân cảnh. Tôi muốn chứng kiến toàn bộ những phác thảo trên giấy đầu tiên cũng như tư duy kết cấu không gian của đạo diễn chương trình này. Muốn nhìn từ A đến Z và thực tế của tôi đang là từ Z (những đêm diễn mà tôi tham gia dưới vai trò khán giả) lần hồi đến A (ý tưởng ban đầu). 

Thao thức là vậy, mong muốn là vậy. Có thể là tôi không nói ra, viết ra hay tiết lộ. Hoặc có khi nói, viết cũng không thể nói, viết hết toàn bộ những gì bên trong mình. Sau khi xem trực tiếp, tôi đã nhận thức vài điều nhưng tiếc là chưa thể ghi ra trọn vẹn. Mọi đúc kết vẫn còn đang trôi, đang chảy ở những dạng ẩn ngôn…

…Và giấc mơ đến, trong lúc thân thể thả lỏng, trong lúc tâm tư không ở trong trạng thái gồng cố và căng thẳng, tôi thấy rõ ràng mình đang hiện diện trong phòng trang điểm, phòng phục trang. Tấm gương, những bóng đèn lắp đặt theo dáng hình của chiếc gương. Đó là thiết kế nội thất thường thấy nhất. Nhìn là biết ngay mình đang ở khu vực nào. Sự xê dịch từ hàng ghế ngồi khán giả vào sâu đến đây đó là cách tâm thức đã nói hộ lòng tôi, diễn đạt thay tôi. Trong tàng thức có những hạt giống và chúng biểu hiện thành những hình ảnh trên bình diện ý thức. 

Toàn bộ văn chương tự sự trong bài nhật ký này của tôi đã được tâm thức chuyển thành những chuỗi tranh chuyển động có chất điện ảnh. Hình ảnh thay cho lời văn. Hành động thay cho diễn giải độc thoại. Ở đây đang có 1 khán giả muốn hiểu sâu hơn về cách diễn ra của 1 chương trình nghệ thuật, muốn phân tích kỹ thuật dàn dựng. Và điều trông thấy là anh ta đã (bằng một cách nào đó) có mặt trong hậu trường nhà hát.

Hiểu biết về thuật kể chuyện bằng hình của tôi nếu được tích lũy liên tục và gia tăng theo ngày tháng thì tin rằng giấc mơ sẽ còn có những cách diễn đạt giàu ngôn ngữ điện ảnh hơn nữa. Đây mới chỉ là phần bài làm rất đơn sơ của tâm thức tương ứng với vốn liếng mà tôi đang học hỏi, tiếp thu, tư duy trong khi tỉnh táo. Đến khi say ngủ thì tôi sẽ có đáp số với những gì mà mình đã nhọc công. Dĩ nhiên, không thể tạo ra chiêm bao, không thể cưỡng ép chiêm bao. Chúng chắc chắn đến, sẽ đến nhưng không thể biết khi nào và diễn tiến ra sao. Nhiệm vụ của ý thức, của các giác quan còn lại là chăm chỉ tạo ra những điều kiện thuận lợi.

Về giấc mơ này, còn có một kết cuộc vô cùng đặc biệt. Đó là 2 người đã bước vào căn phòng. Chiếc áo người đàn ông đang mặc, chiếc áo rực sáng màu đỏ, chiếc áo của Tả Quân. Ai là người mặc chiếc áo đó?

Nếu ai đã đọc hết 11 bài nhật ký trước đó của tôi thì có lẽ họ sẽ đoán được.

Ai đang mặc áo của Tả Quân?

Câu trả lời là người tổng đạo diễn của CLTNNC.

Anh Quang Thảo.

Vì sao lại chiêm bao ra hình ảnh này?

#Nhiên
15.7.2019