Từ đầu tuần tôi đã có dự định gói một ít chôm chôm gửi tặng anh Quang Thao. Anh là đạo diễn cho chương trình Cải lương - Trăm năm nguồn cội sẽ công diễn vào ngày chủ nhật này (7.7.2019) tại Nhà hát Bến Thành.
Dù đã thấm nhuần “lý luận hệ thống” và tự hiểu rằng: bất chấp là một khán giả đơn lẻ trong hệ sinh thái sân khấu, dù có thể chỉ là một cội cây chìm lấp trong khu rừng nghệ thuật, nhưng dù bé nhỏ đến đâu, đơn độc đến đâu thì người khán giả ấy, cội cây ấy vẫn là một phần thiết yếu của khu rừng, vẫn có thể hiến tặng dưỡng chất, bóng mát, độ ẩm và thức ăn cho những loài khác, có khi là những thực thể khổng lồ. Học vậy, hiểu vậy, thường xuyên chiêm nghiệm vậy nhưng đôi lúc mặc cảm thân phận vẫn tràn chiếm, đóng băng mọi thiện nguyện.
Phải đến ngày thứ 7 sáng nay, tôi mới rã đông được hết những phiến đá xanh đè nặng. Không có mặt ở nhà nên phải nhờ tới quyền trợ giúp người thân (bao gồm 2 siêu trợ lý Chân Chân, Ná Ná và thân mẫu). Tôi dặn kỹ là cố gắng đừng để xuất hiện nylon. Làm sao lấy túi giấy để bọc cho vừa vặn là ổn. Về trọng lượng, tôi nghĩ đến 4 con số 9999 hoặc 3 con số, nghĩa là 999 gr. Đặt lên cân sao cho gần chạm mốc 1 kg thì chắc là ở trong tầm khoảng đó. Con số 9, 999, 9999 tựa như một ước lệ tôi chọn thay cho lời chúc đêm diễn thành tựu. Không đủ tiềm lực để tặng cho toàn bộ nhân sự, tôi đi theo lẽ thường. Đó là chọn gửi tượng trưng cho người đạo diễn, vị trí chịu trách nhiệm tổng thể chất lượng chương trình.
Món quà không thể nào chuyền tay nếu thiếu bên giao nhận. Tôi cũng cẩn trọng gửi tin nhắn đến anh giao hàng. Nội dung tin nhắn thì theo thói quen lâu nay tôi không bao giờ sao chụp công khai cả. Chỉ có thể nói là tôi đã bấm những ký tự để gửi đến anh giao hàng bằng một trạng thái lành an lặng lắng. Và tôi có thể cảm nhận được phần nào cảm xúc ở đầu dây bên kia thông qua phản hồi.
Dự định đầu tuần của tôi như vậy là đã tròn đầy. Một suy nghĩ chớp lóe cần thêm 7 ngày thoát thai và nhiều điều kiện phụ trợ để trở nên một “sự thật”, một “kỷ niệm”. Mong sao niềm vui bình dị riêng tư này sẽ khe khẽ tỏa lan và chia đều trong lòng tất cả những ai góp dự!
Cũng xin được nói rõ để tăng tính công khai và minh bạch. Chôm chôm có nguồn gốc từ một mảnh vườn ở An Phú (Củ Chi), cách Sài Gòn trong khoảng 50 cây số. Đây là đất của một người cô trong họ nội. Gốc chôm chôm có tuổi đời 6 năm. Tôi không dám bảo đảm nguồn nước tưới tiêu là sạch hoàn toàn. Yếu tố sạch tuyệt đối cần thêm nhiều quy trình tiêu chuẩn. Đây không phải là vườn thương mại, trồng chủ yếu để ăn trong nhà nên không có nhu cầu thúc đẩy về số lượng hay lấy chứng nhận để tăng chỉ số tín nhiệm. Về phân bón chỉ dùng phân chuồng. Có thể nói đây là cây trái an toàn. Giờ đang là thời điểm của mùa chôm chôm, giống ở vườn là loại chôm chôm nhãn hay có khi được gọi là chôm chôm đường. Vừa có hương thơm, vị ngọt, lại để được lâu và dễ bảo quản. Nhìn theo phương diện dưỡng sinh, ăn một nông sản đúng mùa và trong vòng bán kính 50 km thì hẳn là một lối tiêu thụ hợp lẽ trời đất. Nếu được tổ chức quy củ và nhân rộng, động thái này hoàn toàn có thể trở thành tiền đề để gia tăng tiềm lực kinh tế địa phương và sức khỏe cộng đồng.
Hy vọng rằng tấm-lòng-quê gói trong một món-quà-quê vô cùng bé mọn này sẽ là tín hiệu của hòa bình, là dự báo cho những tình cảm giữa khán giả và người nghệ sĩ hãy còn đơm bông sai trái nhiều hơn nữa sau những suất diễn sắp tới của đoàn hát.
#Nhiên
6.7.2019
T/B: Sau khi viết bài nhật ký thứ năm, tôi tìm đọc lời bài “Tình đẹp mùa chôm chôm”. Có lẽ nghe một sáng tác của nhạc sĩ Giao Tiên (1974) trong giờ phút này là vô cùng hợp cảnh. Để hợp thêm hơn nữa, tôi tìm nghe bản Tân Cổ. Sự kiện “Cải lương – 100 năm nguồn cội” quả là đã đẩy tôi đến rất nhiều những băng trải chưa từng.