13.7.19

NIỀM VUI MUA VÉ | CLTNNC#10

Cải lương, Trăm năm nguồn cội, Quang Thảo, Đạm Nhiên, Nhiên, Góc O, Vũ Đạm Nhiên, Góc Không,

Nếu tính theo tên đường thì đây là cuộc lữ thứ 3. 


Cuộc đầu là đường Cao Văn Lầu ở Chợ Lớn. Cuộc hai là đường Lê Văn Duyệt (hiện tại đã không còn tên xưa, đoạn ở tượng Phù Đổng Thiên Vương và đoạn từ Cầu Bông). Cuộc ba này tôi lấy mốc điểm xuất phát là trường THPT Lê Quý Đôn. Nghe nói rằng ngày xưa, ước chừng trên dưới 200 năm, nơi đây từng là nền gạch một rạp hát của thành Gia Định do chính Đức Tả Quân xây dựng. Điểm dừng cuối của hôm nay là Nhà hát Bến Thành. Thế nên tôi tạm gọi cuộc lữ này là “từ rạp đến rạp”, từ hát bội đến cải lương, từ rạp của quá khứ đến rạp của bây chừ.


Cánh tay dìu dắt

Quãng đường có độ dài chừng 1 cây số rưỡi nên không mất quá nhiều thời gian tản bộ. Lúc này là vào giữa trưa nhưng nhờ bóng mát từ những tán cây cao phủ (đây có lẽ cũng là khu vực có mật độ cây xanh dày nhất Sài Gòn) tôi không gặp phải cảm giác bất tiện hay nóng bức nào. 

Khi đến phòng vé của nhà hát, đã thấy ngay một khán giả vừa rời khỏi với một sấp vé trên tay. Tôi có chút lo âu, chẳng hiểu mua vé khi mà chỉ còn cách khoảng 8 tiếng trước đêm diễn thì có còn chỗ không? Thật may! Vẫn còn vé! 

Lúc tôi vừa mua xong thì có ngay một chiếc xe máy tấp lề. Có 2 khán giả. Không biết là họ sẽ mua bao nhiêu vé. Ít nhất phải là 2 vé nữa. Tôi chưa từng kinh qua cảnh sốt vé, khan hiếm vé cho một buổi trình diễn cải lương. Trong thời kỳ vàng son của bộ môn này có lẽ tôi như một kẻ lạ đứng ngoài, không hề hay biết những diễn biến bề trong. Ý niệm “sinh” như vậy đã không thực thấu thì ý niệm “tử” thật khó để thành hình. Lắm khi nghe người ta nói “cải lương đã chết” hay “cải lương đang hấp hối” những tin tức như vậy thường trôi qua và không gieo cho tôi quá nhiều rung cảm hay suy tư dài lâu nào.

Có thể bây giờ đây tôi đúng thật là một khán giả “nhi đồng”, đang tập tành đi coi hát. Điều mà lẽ ra phải diễn ra trước đó, được một bàn tay dìu dắt ở cách nay về trước hơn 20 năm. Rất tiếc là không có bàn tay nào! Không thể có chuyện 1 con người tự diễn biến để trở thành một khán giả cho một hình thức thưởng lãm nghệ thuật. Gia đình, nhà trường, xã hội, chính phủ, một sự hợp tác liên ngành, một sự đối thoại đa ngành, tất cả phải hòa quyện, đoàn kết liên tục và bền bỉ thì mới có thể tạo ra một lực đẩy, một cánh tay vô hình dìu dắt những khán giả kế cận, từ thế hệ này sang thế hệ kia. 

Tôi có một vài người bạn hiện đang ở Pháp. Chưa từng hỏi thử về đời sống tinh thần hay sinh hoạt văn hóa nơi xứ người ra sao. Nhưng nay nếu hỏi thử một câu cụ thể, chẳng hạn “Đất nước Pháp đã làm gì để tạo ra thói quen đến rạp xem phim của người dân và bảo hộ nền điện ảnh quốc gia?”, tôi tin rằng mình sẽ nghe thấy những điều chưa từng có ở xứ mình. Chắc chắn để tạo nên một lớp khán giả cả tinh hoa lẫn phổ thông có thói quen đến rạp, ít nhiều nắm vững những khái niệm căn bản nhất về thưởng lãm, đó phải là một công trình, một sự hiệp lực của rất nhiều ban ngành, một sự vào cuộc mang tính quốc gia thì mới có thể thực sự tạo thành “một cánh tay dìu dắt” như phần trên đã viết. Bằng không mọi gắng cố nhỏ lẻ, mọi nỗ lực đứt đoạn trong ngắn hạn khác nào như những đốm lửa bùng lên rồi cháy tàn.

Thật may là tôi vẫn có một chút ký ức với cải lương và nhờ cảm hứng từ chương trình “Cải lương – Trăm năm nguồn cội” (CLTNNC) mà tình cảm ít nhiều được phục dựng! Nhưng với nhiều người khác tôi tin rằng những phản ứng như nơi tôi là rất khó thành hay cần thêm nhiều xúc tác khác nữa. Vì đơn giản là họ hầu như không có một ký ức nào. Hoặc là tâm hồn họ đã bị xuyên tạc bởi quá nhiều định kiến và tri giác sai lầm về lãnh vực nghệ thuật sân khấu này.


Một người rất quan trọng

Ngoài ý nghĩa “tìm lại dấu xưa”, việc tôi có cuộc lữ thứ ba này còn là để nhìn ngắm người bán vé và phòng bán vé. Với tôi, đây là một trong những nhân tố hay yếu tố vô cùng quan trọng trong một chương trình có tính thương mại. Nhân viên bán vé như vậy là người bán hàng trực tiếp, tiếp xúc trực tiếp với khán giả. Phòng bán vé như vậy là nơi có những trải nghiệm mặt đối mặt, mắt nhìn mắt với khách hàng. Thiện cảm ban đầu sẽ sâu nặng thêm hay triệt tiêu hoàn toàn e rằng nguồn cơn cũng khởi phát từ không gian này. 

Một dự án có khi hao tốn biết bao nhiêu công của để rồi quên mất sự đầu tư cho một chi tiết nhỏ (nhưng không hề nhỏ) chẳng hạn như hình ảnh của một tấm vé, hay một nơi chốn nhỏ (nhưng không hề nhỏ) chẳng hạn như phòng vé, hay một ứng xử nhỏ (nhưng không hề nhỏ) chẳng hạn như thái độ của những người trực tiếp tiếp xúc với khán giả. Những diễn biến vừa nêu tôi tin rằng bất kỳ ai cũng đã từng một lần chứng kiến. Thật kỳ lạ khi mà những lãng quên kể trên vẫn có thể xảy ra trong khi bao nhiêu tư tưởng quản trị tân tiến nhất, minh triết nhất đã nhập cảng vào đất Việt!

Lúc tôi hỏi chị bán vé có phải lượng vé bán ra là tầm 1.000 vé không, chị nói với tôi là Nhà hát hiện tại không bán vé cho khu lầu. Như vậy, thắc mắc đầu tiên của tôi đã được hóa giải. Với một tầng thì số ghế tối đa chỉ có thể là trên dưới 800. Tôi định hỏi thêm là đêm nay đã bán được bao nhiêu vé thì tự thấy câu hỏi của mình có phần dư thừa. Vì ngay trước đó, chị đã cho tôi xem sơ đồ rạp để chọn ghế. Nhìn vào tất cả các ô đánh dấu thì tôi biết mình thuộc vào nhóm những người đang lấp những ô trống cuối cùng. Vậy là khỏi cần phải hỏi rồi! Chắc chắn ở thời điểm tôi đứng đây là rạp đã gần như kín chỗ. Có lẽ phản ứng tốt sau đêm diễn đầu đã tạo nên sự thuận lợi cho công tác bán vé đêm thứ hai này. Tôi vui, vui niềm vui của một khán giả bé nhỏ vì biết rằng đông kín như vậy thì sẽ có cơ may được hít thở bầu không khí lễ hội như đã từng.

Thái độ mà tôi nhận được từ phía đối diện có thể tóm tắt trong tính từ “niềm nở”, “thân thiện”. Chưa thể nhận xét là quá tốt nhưng chắc chắn khác xa so với những trải nghiệm mua vé đã từng có trước đó của tôi. Vậy là tôi đã có thêm một trải nghiệm rất tích cực trong hệ sinh thái CLTNNC. Cạn nghĩ cần phải có rất nhiều trải nghiệm tích cực đến từ hai bên (sáng tạo và thưởng thức, tổ chức và tham dự), được nuôi dưỡng từ hai bên và những bên khác nữa (mà tôi sẽ đề cập trong một dịp khác) thì CLTNNC mới có thể được giữ sáng đến chặng đường cuối cùng!

Trước mắt, tôi đang hưởng những niềm vui ban đầu, trong lồng ngực của một người khán giả, muốn phấn đấu để trở thành 1 khán giả đúng nghĩa.

#Nhiên
trước đêm diễn thứ 2, 13.7.2019