6.9.18

Đi xem phim cũng là đi học | SL#16

Lần đầu xem Song Lang, Đạm Nhiên, Góc O, Góc Nghệ
1.
Tớ đến rạp trước giờ chiếu 1 giờ rưỡi đồng hồ.

Cậu đã dặn tớ, “2 giờ xem phim, dành thêm 1 tiếng trống trước và sau. Tất cả 4 tiếng để có một lần xem trọn vẹn.”

Tớ đã làm đúng nhé. Hơi tiếc là lần trước đã mua vé mà đến trễ nên chưa xem được. Sáng nay đi làm gần rạp nên tớ ghé qua luôn. Cả Hà Nội chỉ có 3 rạp chiếu phim này đó. Cũng chưa ăn sáng gì nên nhịn luôn. Suất chiếu nghiệt ngã quá mà. 11h50 huhu.


2.
Rạp có mỗi mình tớ.

Cảm giác rờn rợn. Ngồi xem quảng cáo những phim khác. Quảng cáo lại toàn phim ma. Nghĩ bụng, “Thôi xong! Chắc chỉ có mình mình!”. Nhưng sau tớ bình tâm lại. Lúc gần chiếu có 1 đôi nam nữ. Sau thêm 2 đôi nữa.  Đến 12h00 mới chiếu. Trễ 10 phút.

Sau đó có một nhóm trẻ con đi vào, chắc là cấp 2. Tớ đếm được 5 đứa. Rồi thêm 1 đôi nữa. 7 người đi muộn cộng với 6 người trước đó với tớ nữa là 14 người. Cậu hỏi tớ có ai “đóng phim” không hả? Không có ai “đóng phim” hết. Mà có “đóng” thì làm sao tớ biết được. Tớ tập trung xem phim mà. Y như lời dặn của cậu vậy đó. Tập trung! Hoàn toàn tập trung! Không có ai bỏ về giữa chừng hết. Bọn học sinh cũng xem phim đến hết mới về. Thi thoảng cũng có tiếng nói chuyện nhưng tớ không nghe rõ. Đến khi phim hết, tớ thấy có đứa ngớ người, bảo “Phim gì thế này? Phí 60k…”

Ôi trời, khi ra thang máy, tớ đi cùng với bọn trẻ! Chúng nó kêu không hiểu gì. Thắc mắc đủ kiểu về cái kết.

Tớ nghĩ các em này chắc là chọn phim này vì không còn phim nào cả. Thế nên chúng coi đại vậy thôi. Và phản ứng như các em như thế thì cũng là điều bình thường. Tớ mà bằng tuổi này, chắc tớ cũng vậy! Đã quen thức ăn nhanh công nghiệp. Giờ chạm trán gạo lứt muối vừng, phải nuốt nhai từ tốn thì làm sao quen được. Nói chung, bản thân tớ cũng chẳng biết phim thuộc thể loại gì. Chỉ thấy đây là dạng phim cần phải suy ngẫm.

3.
Hay hay không hay?

Tớ chẳng biết nữa. Định cất hết cảm xúc mà giờ cậu lại kéo ra. Nhưng tớ trân trọng phim này vì có nhiều thời lượng dành cho cải lương.

Cả miền Bắc thì tớ không biết. Chứ tớ đây là fan ruột của cải lương đó nha. Bác ruột của tớ cũng thích. Bà ngoại của tớ cũng thích lắm, thích nghe ca cải lương. Lời ca ai oán thế nào ấy! Tiếng đàn thì réo rắt! Tớ chẳng hiểu và cũng chẳng tìm hiểu nhiều gì về cải lương đâu. Chỉ thích nghe thôi. Kiểu như có ai cho tớ nghe cải lương là tớ ngồi yên như chó con ấy. Chẳng hạn như bài gì “Dạ cổ hoài lang” ấy. Tớ nghe nhiều rồi nhưng tớ có hiểu ý nghĩ cái tựa là gì đâu. Cứ nghe là đột nhiên nó đi vào lòng tớ thôi. Cải lương, đờn ca tài tử, vọng cổ gì gì nữa. Tớ không hiểu gì đâu. Cứ giai điệu rót vào tai là mê liền. Mà từ bé đã vậy. Cùng nghe, cùng xem với bà ngoại. Đến lớn rồi mà có thể mở cải lương nghe cả ngày cũng được.

 4.
Có sướng không?

Sướng à? Nếu sướng thì chắc không sướng đâu. Xem xong phim thì tớ bị đơ cảm xúc ấy. Chưa rõ là gì? Chỉ thấy là cần phải ngẫm để hiểu.

À mà nếu là tớ lúc trước thì khi xem phim này tớ đã lồng lộn lên rồi đó. Vì mình có những cái muốn mà đạo diễn thì không đúng ý mình. Nhưng mà thôi, giờ tớ đằm thắm rồi hihi. Tớ không để mình bị trôi theo cảm xúc cá nhân mà bình tâm, lắng lại để hiểu vì sao người ta lại dựng lên như thế.

Tớ lập lại là tớ không có sướng gì cả. Đúng rồi đó cậu! Chữ “đơ” là đúng tình trạng của tớ nhất. Kiểu như xem phim xong mình không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Và mình cũng chẳng hiểu mình đang làm gì ở đây. Giống như là đi lạc vậy. Đi một hồi nhìn quanh thấy mọi thứ lạ lẫm. Thốt lên, “Thôi chết, lạc rồi!”. Kiểu vậy. Và mình ngồi xuống, ráng tự thuyết phục mình, “Chắc là phải một ẩn ý gì đây? Chắc là còn một cái gì đó mà mình chưa hiểu?”.

5.
Dũng, nhân vật chính sao giống cậu thế.

Thật! Không hiểu sao, tớ lại liên tưởng như vậy. Xem phim mà nhiều lúc tớ giật mình, “Trời, giống thế!”. Cái kiểu lì lì lầm lầm. Rồi cả giọng nói nữa. Nhìn biểu cảm rồi nghe giọng thấy giống quá thể.

Sao tớ lại biết Dũng là nhân vật chính hả?

Thì rõ thế còn gì. Phụng từ đầu tới cuối vẫn y vậy. Phim nói về hành trình quay về đoàn hát của Dũng. Tuy là giang hồ nhưng vẫn có một tiếng gọi bên trong, những đoạn hồi tưởng. Và Phụng là người trợ duyên.

Tớ có thương Dũng không hả?

Không đâu. Không biết là cảm xúc gì. Nhưng trong lòng tớ không thấy nổi bật cái thương. Thấy sao sao ấy! Chẳng rõ nữa! Nhưng nhìn vào Dũng thì tớ hiểu vì sao Dũng lại như vậy. Thương chưa có nhưng hiểu thì có. Chắc cần phải xem lại rồi! 

Đùa! Cậu toàn cho tớ xem những phim cứ phải đi xem lại thế này!

Nhớ hồi tháng 3 là Tháng Năm Rực Rỡ. Giờ tới phim này. À mà tớ phát hiện có cô bé đóng vai phản diện trong TNRR. Điên điên khùng khùng rồi dùng dao rạch mặt Tuyết Anh í! Ôi, phim này lại đóng tiếp một vai cũng chẳng đẹp gì. Ăn nói bỗ bã. Còn cảnh 18+ nữa. Tớ dị ứng.

Tóm lại, cảm giác khi phim chấm dứt là tớ bị đơ. Mọi người đứng lên về hết mà tớ vẫn còn ngồi đó. Nhắm mắt lại. Chẳng thấy gì trong tâm trí cả. Cứ lơ lơ lửng lửng. Lúc về xong cũng không hiểu là mình vừa xem cái gì nữa ^^ !

6.
Song Lang là gì?

Tớ không biết. Tớ có đọc báo, xem tin gì đâu. Chỉ là do cậu thúc giục cả. Tớ không có thông tin nào hết. Mới đầu, tớ cứ nghĩ Song Lang là 2 người chồng hay là 2 bộ mặt của 1 người chồng hihi. Ai ngờ đó là một nhạc cụ.

Sao tớ lại nghĩ vậy hả?

Thì phim dẫn ra như vậy ạ. Ngay cảnh đầu ấy. Tớ không nhớ rõ đâu. Cái gì mà “ba tôi nói...” rồi “song lang gõ nhịp…” gì gì đó. Rồi tiếng song lang là để giữ tiết tấu. Thông qua những con người và chiếc nhạc cụ, phim có ý nghĩa nhắc nhở hãy giữ một bản lề đạo đức để đi trong cuộc đời. Kiểu vậy.

7.
Tình yêu.

Yêu gì? Không, tớ đâu thấy có tình yêu nào ở trong phim đâu. Mà có lẽ chính vì không hiểu tình cảm gì đang xảy ra giữa 2 nhân vật cho nên tớ bị đơ đó. Tớ không hiểu lắm vì sao lại có chuyện thần giao cách cảm ở cuối phim.

Phim theo tớ vẫn là hành trình quay về với những giá trị đạo đức của nhân vật Dũng. Ngoài ra chắc không có nội dung nào khác. Nhưng mà đơ vẫn là đơ. Có lẽ cần phải có thêm thời gian để ngấm dần.

À về màu phim thì u tối nha. Kiểu như gợi nhớ về thời kì xa xưa, ảm đạm, nhợt nhạt. Nhưng mà tớ thích.

Tớ có đi xem lại không hả? Thì hẳn rồi! ^^

một người lần đầu xem Song Lang 
#Nhiên ghi5.9.2018