5.10.17

HÃY KHÓC ĐI EM | Trăng Nơi Đáy Giếng #4


HÃY KHÓC ĐI EM là tên của vở kịch được trình diễn vào lúc 16h00 thứ 7 tuần này (tức 7.10.2017) tại sân khấu Hoàng Thái Thanh. Đây là phiên bản thoại kịch sân khấu (biên kịch: Nguyễn Thị Minh Ngọc) được chuyển thể từ truyện ngắn Trăng Nơi Đáy Giếng (Trần Thùy Mai). 

Tôi rất muốn mời gọi #Vàng (tức nhóm G7) đã từng cùng mình xem vở Nửa Đời Ngơ Ngác trong tháng 9. Tuy nhiên, cũng như lần trước, tôi muốn mình phải xem qua lần đầu, nếu thấy hay và thực sự lay động thì mới dám mạnh dạn nhắn gửi tới đông đảo những người thân cận. Trong lần xem này chỉ có tôi và một bạn 9x.

2 tháng trước, tôi đã có kế hoạch đào sâu vào tác phẩm điện ảnh Trăng Nơi Đáy Giếng (biên kịch: Châu Thổ). DVD đã đem về nhà. Các bài phỏng vấn của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn cũng đã đọc. Lịch trình giới thiệu phim này tại Mỹ cũng đã xem qua. Tuy nhiên tôi vẫn chưa dành ra một buổi để xem trọn vẹn. 

Nguyên do chính yếu là tôi đã tập trung quá nhiều thời gian vào việc đọc sách điện ảnh. Nhưng một phản ứng lạ lùng không ngờ đã xảy ra. Đó là càng có thông tin nhiều về điện ảnh thì tôi lại càng nhìn sân khấu và tất cả những con người thuộc về loại hình nghệ thuật này với niềm kính trọng và ngưỡng vọng. Trong suy nghĩ của tôi, diễn viên kịch phải rất giỏi và nội lực cao cường. Dĩ nhiên là có âm nhạc, có ánh sáng, có phông nền nhưng so với diễn viên điện ảnh, người kịch sĩ chỉ có đài từ, hình thể, biểu cảm, hành động, tất cả đều thuộc về nội lực tự thân để tạo ra không khí và cảm xúc của câu chuyện. Và mọi thứ trực tiếp trong hơn 2 giờ đồng hồ, không có chuyện cắt dựng, biên tập hậu kỳ như điện ảnh.

Và giờ thì phiên bản sân khấu HÃY KHÓC ĐI EM sắp sửa trình hiện trước mắt. Khác với kế hoạch đã định, tôi sẽ thưởng thức kịch trước khi thẩm thấu thực sự phim

Truyện ngắn tôi đã đọc và tôi có thể nói ngay rằng suy nghĩ đầu tiên bật ra trong đầu tôi là Trăng Nơi Đáy Giếng mô tả về tâm lý thờ phượng của con người (thông qua nhân vật chính là cô giáo Hạnh). Tâm lý thờ phượng hay có thể hiểu là thần tượng. Cô Hạnh thần tượng chồng và thờ chồng. Đến khi thần tượng nơi cuộc đời trần tục sụp đổ thì cô chuyển sang một thần tượng khác trong một thế giới khác, ông Hoàng Bảy. Người ngoài có thể nhìn thấy cô và tỏ lòng xót thương tội nghiệp. Nhưng với tôi, cô Hạnh vẫn hạnh phúc, hạnh phúc vì có một điểm nhìn để mà hướng về. Dù thế sự có ra sao thì cái nhu cầu đó, nhu cầu thờ phượng hay ở một mức độ giản dị hơn, sự thần tượng, vẫn tồn tại và nếu có đổi thay thì cũng chỉ là chuyển dời từ người này sang người khác, từ nơi này sang nơi khác. Tôi đã nhìn như thế và tôi thấy cô Hạnh ở khắp nơi, cả đạo cả đời.

Điều vừa viết chỉ là tâm tư bộc phát của tôi ngay sau khi đọc truyện. Hẳn nhiên tầng sâu tư tưởng của một tác phẩm văn học thì cần thời gian cảm thụ và cả vốn liếng đời sống để mà tỏ tường. Việc văn được chuyển thành kịchphim thực sự là niềm vui lớn đối với tôi. Nhờ đó tôi có thể tham khảo những cách hiểu khác và quan trọng hơn là cách diễn đạt khác từ những tâm hồn thuộc về thế giới nghệ thuật.

Tôi vô cùng náo nức về ngày 7.10 sắp tới.

Nhiên