14.1.19

SỐNG | ĐCDNC#70

Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, cảm nhận phim Đảo Của Dân Ngụ Cư
Lần xem #ĐảoCủaDânNgụCư (#ĐCDNC) thứ 8 tới đây của tôi diễn ra tại 1 một phòng chiếu cộng đồng. Được biết đây nằm trong khối kiến trúc của 1 chung cư. Thế nên chắc chắn buổi này chỉ có giá trị tham khảo. Xem để biết diễn tiến bộ phim, đến để nghe phân trần hậu trường. Còn xét đến yếu tố thị giác, không thể nào có được sự cảm thụ như tại một rạp chiếu quy chuẩn.

Nhắc đến hệ thống rạp chiếu thương mại, với phim này, tôi đã kinh qua 7 rạp thuộc về 4 hệ thống rạp khác nhau. Và ngay cả ở tiêu chuẩn này, sự thu nhận từ màn ảnh rộng cũng có sai khác. Tôi không nói đến cảm xúc hay những yếu tố thuộc về chủ quan người xem mà là chất lượng của cơ sở vật chất của từng rạp. Tôi không thể, không đủ khả năng để tìm hiểu sâu. Nhưng tôi có thể thấy rất rõ và cũng đã ý thức rất kỹ lưỡng về chất lượng hình ảnh. Ở mỗi rạp ít nhiều đều khác nhau và có khi rất chênh lệch. Do vị trí ghế ngồi, do thiết kế nội thất, do độ phân giải màn hình, cùng nhiều yếu tố khác thuộc về kỹ thuật, công nghệ mà tôi không biết… và tất cả hợp thành nguyên do ảnh hưởng đến sự cảm thụ. Thế nên làm phim ở chiều khởi phát đã là cơn vật lộn với vô vàn thách thức mà xem phim ở chiều tiếp nhận cũng là một quá trình đỏi hỏi bao nhiêu điều kiện chín mùi. Ở cả hai phía đều cần rất-nhiều-ý-thức hướng về sự toàn hảo. Bằng không, không thể nào có một tác phẩm hay, một người kể chuyện hay, một người nghe chuyện hay.

ĐCDNC có phải là một bộ phim hay? Tôi không biết. Nhưng tôi không đứng yên với cái không biết của mình. Ngay từ lần xem đầu tiên tôi đã có một linh giác với bộ phim này. Và tôi dùng chính linh giác đó, chính cái-không-biết thuở ban sơ đó để là xung lực đẩy tôi đi lên. Lần 1 cùng với những người xem phim này đầu tiên tại Việt Nam tại Q2. Lần 2 tôi xem 1 mình tại Q6. Lần 3, lần 4 tôi xem cùng 2 người bạn tại Q5 và Q8. Đó cũng là thời gian ra rạp chính thức tại Sài Gòn. 1 năm sau, phim được chọn để chiếu ở mục Toàn Cảnh tại Liên Hoan Phim Quốc Tế Hà Nội lần V (#HANIFF). Tôi xem thêm 2 lần nữa tại các rạp ở quận Đống Đa và Hoàn Kiếm. Buổi xem tối qua tại Quận Nhứt có lẽ cũng là hồi kết cho một vòng tuần hoàn của tác phẩm này.

Phim có 2 đời sống. Một ở trong nước mà về doanh thu thì không thành công, về nhận định chuyên môn thì không được đánh giá công tâm và dựa trên giá trị cốt lõi của một tác phẩm điện ảnh, về dư luận chung thì phim cũng không tạo ra một phản ứng tập thể hay hiệu ứng xã hội nào đặc biệt. Đời sống thứ hai là ở ngoài nước. Phim không hiểu bằng phép màu nào đã được đứng nhất ở vùng Đông Nam Á. Đông Nam Á trong suy nghĩ của tôi không hẳn chỉ giới hạn theo định nghĩa địa lý. Suy nghĩ của tôi đặt trên nền tảng dân tộc học, thế nên biên cương Đông Nam Á có thể dài kéo sang Ấn Độ và một phần lớn phương Nam của Trung Quốc. Sự kiện phim đạt nhiều giải thưởng cao ở LHP Quốc tế ASEAN (AIFFA 2017) xảy ra trước thời điểm phim công chiếu tại Việt Nam. Đây có lẽ là một thương hiệu giải thưởng còn xa lạ với phần đông người hâm mộ điện ảnh. Nhưng rồi sau thời điểm phim ra mắt chính thức vào tháng 6.2017, một hành trình mải miết bắt đầu khởi đi từ Á nối dài sang Âu, Phi, Mỹ, Úc bắt đầu. Gần 2 năm ứng tuyển chỉ để trình chiếu giới thiệu hay thực sự tranh tài cao thấp, bộ sưu tập giải thưởng ĐCDNC là không hề bé nhỏ. Hẳn nhiên, không có danh hiệu nào thuộc về những liên hoan phim Hạng A như Cannes, Venice, Berlin… nhưng ĐCDNC đã thâu về những giải rất uy tín, có truyền thống và được chấm bởi những tên tuổi lớn trong làng điện ảnh thế giới.

2 diễn biến, 2 đời sống khác nhau đó thật sự là một dấu hỏi rất lớn đối với 1 khán giả bình thường, chỉ mới chân ướt chân ráo tiếp xúc với thế giới điện ảnh như tôi. Dấu hỏi về trình độ tiếp nhận của khán giả đại chúng Việt Nam. Dấu hỏi về trình độ phân tích và thực lực thẩm thấu nghệ thuật của giới phê bình phim. Dấu hỏi về tính trượng phu đại nghĩa trong giới làm phim Việt. Dấu hỏi về vai trò trợ lực, tiếp sức của Cục Điện Ảnh. Vậy nên từ linh giác ban đầu cộng vào những diễn biến trong 2 đời sống của tác phẩm, tôi đã xác quyết trường hợp này sẽ cần được đóng 1 dấu son đỏ chói. Đó là, “cần xét lại”. Cần xét lại, cần phải xét lại, cần phải xét lại nhiều lần.

Và một trong những hành vi cụ thể của tôi là lưu giữ mọi ấn phẩm truyền thông có liên quan đến bộ phim. Vé, tờ rơi, tờ dán tường, thiệp mời… tất cả những gì liên quan đến việc quảng bá tác phẩm này tôi đều giữ lại hết. Có những thứ thâu được tại rạp. Có những thứ là đi xin, là đi xếp hàng mới lấy được. Sự thật là với tất cả các phim, tôi đều giữ một quy tắc ứng xử như vậy. Nhưng quả là có những bộ phim không trao cho tôi linh giác. Và không may hơn là tôi lờ mờ nhận ra đó không phải là phim điện ảnh thứ thiệt. Tôi chê bai điều gì thì tôi là sự chê bai. Tôi miệt thị, công kích điều gì thì tôi cũng là sự miệt thị, công kích. Trong sự trút giận, bôi xấu, tôi không thấy đối tượng của trút giận, bôi xấu mà tôi thấy tôi nhiều hơn. Sự phóng chiếu đó chính là tôi. Mà cuộc đời thì ngắn. Vậy nên không phải là tôi không muốn bàn về những phim tôi không thích mà là vì quỹ thời gian là có hạn. Hơn nữa tất cả biểu hiện đều là tôi. Thế nên tôi chọn những gì tạo ra xung lực hướng thượng cho mình.

Nhìn lại quãng đường cùng ĐCDNC, tôi thấy được khá nhiều thông tin về mình. Sắp đặt hết tất cả các ấn phẩm vào 1 chỗ tôi tự cho đây là một cuộc triễn lãm tư nhân theo định dạng tí hon. Ứng với từng ấn phẩm, tôi đều có hàng rổ câu từ để kể. Sau 1 năm, những tấm vé đã phai màu in. Nhưng ký ức của các lần xem đó thì không thể phai nhạt. Tôi có thể dùng văn nói lẫn văn viết để thuyết trình. Và ngay trong khoảnh khắc này, tôi nhận ra dù chỉ là một triển lãm nhỏ nhất thế giới tôi cũng cần phải có kỹ năng. Kỹ năng gì tôi không thể gọi ra thuật ngữ chính xác. Nhưng tôi sẽ phải giống như 1 thủ thư hay nhân viên bảo tàng. Phải biết sắp xếp dữ liệu, biết phân tích, biết thống kê, biết trình bày. Dĩ nhiên tôi còn thiếu rất nhiều vốn liếng về tri thức, về tài chính, về xã hội. Nhưng chỉ bằng 1 động tác chụp lại tấm ảnh này, tôi thấy bộ phim đang tái sinh trong 1 dáng hình khác.

Sự tái sinh này dẫu rằng rất thầm lặng, ở một nơi thầm lặng nhưng bản chất giữa một điều bé nhỏ và lớn lao là không khác. Tôi nghĩ đến bao nhiêu đạo cụ, phục trang phải xếp kho sau 1 đợt ghi hình. Gần như chúng sẽ không bao giờ còn có cơ hội được phơi sáng. Tôi nghĩ đến hàng vạn ấn bảng truyền thông và ngân sách in ấn đã phải dùng cho truyền thông. Tôi nghĩ đến bao nhiêu vật phẩm mà bộ phim đã thu về trong hành trình vòng quanh thế giới. Làm sao để có thể tuyển lựa những tinh túy và kỷ niệm đặc biệt từ đó để đưa hết tất cả vào trong 1 ánh nhìn? Làm sao để có thể tái sử dụng những tài nguyên thuộc về quá khứ để cho hôm nay và ngày mai? Làm sao để có thể kể tiếp câu chuyện bằng những vật dẫn cũ nhưng trong một phương cách mới, ở một không gian mới?

Câu hỏi phim có hay là không giờ đã thành câu hỏi làm sao phim sống. Tôi mơ hồ nhận ra một liên kết bền chắc và quyết định giữa 1 rạp chiếu phim và 1 bảo tàng hay thư viện. Từ câu hỏi về sự hay tôi đã chuyển sang câu hỏi về sự sống. Phim đã có một dòng chảy, đã có một tự sự cho riêng mình. Nghĩa là từ 1 story đã thành 1 history. Lịch sử đó, những gì đã xảy ra trong gần 2 năm, cũng cần được kể.

Bộ phim về 1 cô gái khát khao tự do đã được thế giới chú ý. Những giá trị văn hóa vật thể lẫn phi vật thể của Việt Nam đã nhờ tới cánh cửa điện ảnh để đến với thế giới. Và thế giới theo chiều ngược lại nhờ cánh cửa ĐCDNC cũng đã tìm đến Việt Nam. Bộ phim và cả dòng thời gian lịch sử đi cùng cần được kể lại, cần được xét lại.

#Nhiên
*ghi chép trước #lầnxemthứ8
10.1.2019