11.1.19

Nắng Hội An | ĐCDNC#65

Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, cảm nhận phim Đảo Của Dân Ngụ Cư
Quá 11 giờ đêm, tôi về lại chỗ tạm trú. Tánh ưa tĩnh, không muốn bị làm phiền và cũng không muốn làm phiền ai. Nhưng lần đến Hội An này tôi chọn ở trong 1 căn phòng chung. Ít nhất là 8 giường tầng. Nghĩa là tối đa sẽ có 16 người cả nam cả nữ. Khi nhận phòng vào ban chiều, tôi thấy xung quanh đều là thanh niên Âu Mỹ.

Dự định chỉ lưu lại nơi này 1 đêm. Phần lớn thời gian là dành cho việc quanh quẩn ở bối cảnh phim Đảo Của Dân Ngụ Cư (ĐCDNC). Thế nên tôi không ngại chuyện phải chung đụng với nhiều người ở góc nghỉ ngơi. Hơn nữa, tôi cho rằng việc san sẻ không gian riêng cũng là một bài kiểm tra sự thuần hóa thái thân tâm của mình đã ở ngưỡng mức nào. Thực tế đã có không ít khổ thọ lớn nhỏ xuất hiện, từ thô tháo cho đến vi tế và cả ngủ ngầm. Thứ lớn nhất biểu hiện vào sáng hôm sau.

Hơn 1 tuần lễ, tóc đã lên dày. Không thể chờ lâu hơn, tôi cạo đầu vào tối khuya. Do lạ chỗ nên không tìm được thau. Vậy là râu tóc dồn ứ ở chỗ thoát nước. Tôi cố gắng cạo thật nhanh và gom lại 1 góc rồi xối nước. Ngỡ vậy là xong. Nào ngờ sáng hôm sau 1 bạn người Đức (dùng nhà tắm sau tôi) hỏi dò tôi rồi buông lời hằn học. 1 bạn khác nữa cũng phàn nàn. Tôi xin lỗi và nói sẽ lau dọn ngay. Nhưng nét bực tức vẫn chưa nguôi trên khuôn mặt của bạn. Đó chỉ là mới 1 đêm. Chẳng biết nhiều ngày thì trong khối liên hiệp quốc này sẽ còn nảy ra bao nhiêu xung đột.

Nội tâm của tôi ngay vào buổi đầu ngày đã có những biến động không hề nhỏ. May sau, cô chủ lại là người dễ mến. Rõ ràng, cô đã quá quen với những chuyện thế này. Cô thực hiện công tác hòa giải rất điêu luyện. Sau đó cô nấu cho tôi một loại bánh theo kiểu Tây nào đó mà tôi không nhớ tên gọi. Câu chuyện hàn huyên với cô dài hơn dự liệu của tôi. Từ chuyện kinh doanh nhà nghỉ sang chuyện xử lý những khủng hoảng tinh thần và nếp tâm linh của một Phật tử. Tôi phải khéo léo xin phép ra sân trước ngồi để trả lời tin nhắn như là một cách tạm ngưng lịch sự.

Sáng nay, tôi có một lời hẹn tại chùa. Điều tuyệt vời là tôi được đi bộ đến. Tôi đã chủ động chọn nơi nghỉ cách 1 khoảng vừa đủ để biệt ly với phố cổ Hội An (mà nhiều người cho rằng giờ chỉ còn màu và vị của kim tiền) và cũng gần kề với nhà của người bạn (nhiều khả năng trở thành đồng minh chiến lược). Thật không ngờ, nhờ có sự chỉ điểm của thiện tri thức, tôi lại có thêm 1 trạm dừng khác, cũng chỉ cách tôi chừng 1 cây số. Đó là chùa Phước Lâm. Vậy là đến gần trưa, từng bước chân thầm thì đã đưa tôi vào một khoảng không thời xanh mát diệu lạc. Một bữa chay lành yên, một tách trà an lặng, khoảnh sân, góc vườn, mái ngói. Phải rất lâu rồi tôi mới thâu lãnh sự thanh tịnh. Thanh tịnh sống động chứ không phải là thanh tịnh trên câu từ.

Một ngôi chùa cổ kính trên 300 tuổi, một quán trọ hiện đại đa chủng tộc. Cách nhau chưa tới 1 cây số. Khu phố cổ sầm uất rộn rã cách đó thêm 2 cây số nữa. Hai địa điểm mà tôi đã gá thân, đã cư ngụ, phố phường mà tôi đã lấy bước chân để đo lòng mình đều là những sống trải quý báu. Bao nhiêu tương phản, bao nhiêu bất đối xứng trong cách sống, trong cách bài trí không gian sống, bao nhiêu kim cổ xiên quàng trong nếp nghĩ, nếp ăn, nếp làm hiển bày. Cái hiểu của tôi về đất và người Hội An vì vậy mà bớt đi phần ngu muội. Và cái hiểu của tôi về bộ phim ĐCDNC cũng nhờ đó mà bớt u minh đi nhiều phần.

Bộ phim có ba bối cảnh, đúng ra là hai. Đó là quán ăn Đêm Trắng. Phần ngoại cảnh, đường phố và cánh cổng của quán được quay ở phố cổ Bao Vinh, Huế. Phần nội thất, bên trong quán, nơi kinh doanh, nơi là nhà ở được quay ở phố cổ Hội An, Quảng Nam. Diễn tiến chính của phim được ghi hình ở Hội An. Một phần cảnh (ngoại – ngày) rất quan trọng được quay ở bãi biển An Bàng. 

Điều thú vị là khi xem phim, khán giả không hề thấy một dòng chú giải nào về nơi chốn hay về năm tháng như thông lệ thường tình. Với tôi, điều đó chắc chắn là có lý do, có dụng công rõ ràng.

Phim bắt đầu bằng một cảnh toàn với 2 nhân vật, đều mặc áo trắng (đây là chi tiết rất đáng lưu ý và sẽ được phân tích về sau), một ngồi trên bờ, một ngồi trên thuyền và kết thúc bằng 1 cơn sóng mạnh dập xô. Đây là kỹ thuật cắt dựng có tính chất đảo thời. Đoạn phim đó chắc chắn là ở đâu đó về sau trong dòng thời gian nhưng đã được đưa lên đầu tiên. Chúng gợi một điềm báo bất trắc và chẳng lành. Ngay sau đó là nhân vật Phước nhìn ra hướng biển với túi đeo trên vai. Một thanh niên sống đời bôn ba, trôi dạt, đang đi tìm việc làm. Cảnh biển, cảnh bờ bám sát vào tiêu đề của bộ phim và cả tính chất ngụ cư của từng thân phận. 

Theo chân Phước, tôi bước vào một quán ăn, trong đó nét cổ kim giao thoa, cổ nhiều hơn, lấn át kim nhưng kim vẫn thấp thoáng xuất hiện. Và những mảnh đời cộng sinh lần lượt xuất hiện. 1 ông chủ mà trang phục, đầu tóc, phong thái rõ ràng đã hé lộ gốc gác Trung Hoa. 2 đầu bếp, một trung niên có nếp tâm linh nghiêm cẩn của đạo Hồi. Người còn lại hoang dã có phần sỗ sàng, khinh bạc tên Miên. Chẳng rõ đó là tên hay là gốc gác Miên. Nhưng câu hát cải lương Tình Anh Bán Chiếu đã chỉ ra tâm tình phương Nam bề trong. Có thể là 1 phận số Khmer tha phương cầu thực. Và Phước, chàng trai thơ ngây, trước đó là nhân viên của 1 công ty du lịch, đứng trước cánh cổng Đêm Trắng, đã rung chuông, đánh động ý thức tôi về một khối liên minh giữa thống trị và bị trị bao gồm Trung, Cam, Ấn, Việt. 

Về phương diện địa lý, chiếc thuyền thúng đã là một sự xác lập. Một nơi nào đó thuộc về duyên hải miền Trung. Thứ hai, tính chất đa văn hóa, đa tín ngưỡng, đa chủng tộc trong thành phần nhân sự của một hộ kinh doanh cá thể (nhà hàng) đã khoanh vùng địa phương khá rõ nét. Nhưng không có một dòng chú giải nào xuất hiện. Có thể là Hội An mà cũng không nhất thiết là Hội An. Và cũng không cần phải xác lập về thời gian. Cụ thể là năm nào, thời nào, vùng nào, những điểm này được làm mờ đi, được ẩn dấu và không có một câu chữ nào khẳng định. 

Tại sao lại như vậy? Vậy thì phải trở lại với thể loại. Đây không phải là phim lịch sử. Thông báo đã rất rõ. ĐCDNC là phim chính kịch. Poster phim dùng màu xanh. Khởi đầu phim và kết thúc phim cũng là màu xanh, cũng một cảnh biển. Phim nói về khát vọng ra biển hay là mong ước sống đời tự do của 1 cô gái. Đặt xung đột trung tâm vào 1 nhân vật nữ, cùng chủ đề giải thoát. Hình tượng biển được sử dụng nhất quán để mở ra và khép lại nội dung chủ đạo. 

Cốt yếu chẳng phải ở thời gian, không gian mà là ý chí của một sinh linh. Muốn tự do, tìm cách để đạt tới tự do, tâm tình ấy thiết nghĩ đâu chỉ giới hạn trong một nơi, một thời. Tâm tình ấy có thể có mặt ở mọi thời, mọi nơi. Thế nên với tôi, thắc mắc đây là đâu, là năm nào và sự dàn dựng, phục sức có khớp đúng với nơi đó, với thời đó hay không thật sự không mấy quan trọng. Đại ý của phim đã được thiết lập rất rõ. Vậy thì mạch tâm lý chính yếu ấy sẽ được giải quyết như thế nào, có thuyết phục về mặt chương hồi, về mặt diễn xuất không, có gây thương cảm nơi người xem không. Những câu hỏi như thế mới là điều cần được truy xét, đánh giá, bình luận trước tiên.

Khi xem ĐCDNC lần đầu tiên, ngay trong suất đặc biệt vào ngày 9.6.2017. Tôi đã nhận thấy rất nhiều sự xung đột hay là tương phản trong bộ phim. Đó có thể là xung đột cổ kim, xung đột tín ngưỡng, xung đột sắc tộc. Và trí óc tôi bắt đầu đào sâu vào những vùng miền đó cùng hàng loạt các giả định. Tôi diễn bày ẩn nghĩa, những mật ngôn của bộ phim và đưa chúng vượt xa, rất xa khỏi tự sự của trái tim tác phẩm (chuyện ra biển của Chu). Mãi sau này, tôi không rõ lúc nào, chỉ biết là khi phân tích kỹ lưỡng cấu trúc của tác phẩm kèm theo việc xác định rõ nguyên ảnh hay mẫu tượng của bộ phim thì tôi mới nhận ra mình đã sai lầm như thế nào. 

Lối xem phim gán đặt những mặc định chủ quan của mình vào mạch truyện trong khi chưa nhìn rõ vòng cung tâm lý của tác phẩm với tôi đó là sự ép duyên. Đó là một dạng thưởng thức và cảm nhận điện ảnh rất thô bạo, trịch thượng và thiếu trượng phu. Tôi cần phải nghiêng mình xuống, ngã mình xuống, đặt mình ở điểm thấp nhất, ở tận đáy sâu, đặt mình hoàn toàn trong thế giới được gọi tên là Đêm Trắng rồi nhìn quanh, nhìn lên, nhìn thật kỹ. Càng lâu càng tốt. Và chỉ khi nghiêng mình, ngã mình như vậy tôi mới có thể phần nào tiếp xúc với chân diện mục của nhân vật, chân diện mục của tác phẩm.

Bộ phim này đã thừa hưởng một tuyến nhân vật rất đặc sắc từ tác phẩm gốc ở định dạng văn học. Tính tương phản hay đa sắc tộc trong gốc gác của từng thân phận khiến cho phim có một sắc màu quyến rũ ở khía cạnh nhân học hay dân tộc học. Tuy nhiên, sắc màu này chỉ dừng lại ở ý nghĩa tô điểm kiến trúc, tăng tính hiện thực và chân xác trong việc dệt thiêu chiếc áo vùng miền của bối cảnh. Chuyện hệ trọng là ở vòng cung tâm lý của nhân vật trung tâm. Đâu là chính, đâu là phụ? Nếu phụ lấn chính thì thất bại. Phụ luôn là nền cho chính. Truy xét chất lượng của bộ phim thì cần truy xét cái chính trước, sau mới là truy xét cái phụ. Chiếc áo cũng chỉ là khoác quàng bề ngoài. Bề trong là chuyện ra biển với câu nói thâu tóm toàn bộ chiều dài tác phẩm:

- Ba! Hôm nào ba cho con đi biển nha ba!

Có bao nhiêu ngáng trở đã được xắp đặt trên đường ra biển của nguyên ảnh ảnh hùng (vai chính diện, Chu diễn xuất bởi Ngọc Thanh Tâm)? Đích đến đã được xác lập vậy ai là nguyên ảnh bóng âm (vai phản diện, Chệt Liếm, diễn xuất bởi Hoàng Phúc)? Ai là nguyên ảnh đồng minh (vai hỗ trợ, Phước diễn xuất bởi Phạm Hồng Phước và Miên diễn xuất bởi Nhan Phúc Vinh)? Bộ phim có tuân theo một cấu trúc ba hồi hay không? 

Đây mới chỉ vài câu hỏi cơ bản, căn bản mà tôi có thể ghi chép. Còn phải đặt thêm nhiều câu hỏi nữa. Khán giả có nhìn thấy con đường ra biển của Chu hay không? Họ có bị lạc hướng trong sự dàn dựng của phim? v.v… Và quan trọng nhất, như đã biên ở một đoạn ở giữa bài nhật ký này. Khán giả có đồng cảm với Chu không? Có thương được không? Thương, vì sao thương? Không thương, vì sao không?

Một tác phẩm trước khi trở thành một tác phẩm hay thì phải là một tác phẩm đúng, đúng trong xây dựng cấu trúc và xử lý chủ đề. Bao nhiêu câu hỏi về hay, về đúng… tôi vẫn chưa thể tìm ra lời giải.

Phim đã dừng chiếu mà kẻ xem phim vẫn chưa dừng.

#Nhiên
29.11.2018