Đi xem kịch thường tôi đi đơn lẻ. Xem xong thấy tâm đắc thì lần sau nếu có đi tôi sẽ mời thêm 1 người hoặc 1 nhóm. Thường thì khi mời như vậy tôi cung cấp đầy đủ thông tin nền tảng về vở diễn trong một bức email. Có lúc không kịp thời gian, tôi sẽ hẹn gặp họ vài giờ trước khi sân khấu sáng đèn để nói chuyện.
Nửa năm đã trôi qua kể từ lời mời đầu tiên. Tôi đã chứng kiến bao nhiêu cung bậc cảm xúc của những con người “lần đầu xem kịch” hay “đã lâu lắm mới lại đi xem kịch”. Thiết nghĩ đã đến thời điểm thích hợp để viết mấy dòng riêng cho những người bạn này, những người đồng hành hôm qua và cả những người trong những ngày sắp tới.
Ý chính ở đây là trạng thái nội tâm cần có ở tôi, một người đi xem kịch, để có một đêm thưởng thức trọn vẹn.
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự thưởng thức của khán giả. Tự thân vở kịch, cách dàn dựng của đạo diễn, diễn xuất của diễn viên, điều kiện kỹ thuật của sân khấu, không khí từ khán phòng. Thêm nữa là điều kiện thời tiết. Rất nhiều! Tuy nhiên, tất cả thuộc về phần bên ngoài, về ngoại giới. Riêng ở bài này, tôi muốn nhấn sâu vào trạng thái nội tâm. Vì tôi nghĩ đây là điểm quyết định.
Vậy thì tôi cần có điều gì? Câu trả lời là tình yêu. Tôi chỉ cần tình yêu. Rõ hơn là một trái tim không đòi hỏi ngoại giới. Chỉ đòi hỏi bản thân mình. Với tôi, yêu là như vậy. Mình không đòi hỏi nơi đối tượng. Mình đòi hỏi ở mình nhiều hơn.
Tôi đòi hỏi ở mình điều gì?
Thứ nhất, sự thư thái.
Cần có những bước chuẩn bị về mặt thể trạng, tâm trạng. Trong vòng 6 giờ đồng hồ trước khi vở kịch diễn ra, cho mình cơ hội thu xếp đời sống. Không để mình phân tán vào các câu chuyện khác hay hoạt động khác. Cần ăn uống và nghỉ ngơi trước đó hợp lý vì thời lượng một vở kịch kéo dài gần hoặc hơn 3 giờ đồng hồ. Chuẩn bị một tâm thế thư thả, phẳng lặng trước khi đến rạp. Tìm hiểu quãng đường, khung giờ giao thông để không rơi vào các trường hợp như kẹt xe, lạc đường. Đến rạp sớm trước suất diễn ít nhất 15 phút. Tốt nhất, tắt điện thoại trước khi vở diễn bắt đầu.
Thứ hai, sự tập trung.
Giữ sự tập trung từ đầu đến cuối. Chỉ xem và không làm bất kỳ việc nào khác. Không bàn luận, không ăn uống, không phát ra tiếng động. Tránh mở điện thoại trong lúc vở kịch đang diễn ra vì sẽ gây nhiễu sự chú tâm của những người xung quanh.
Thứ ba, sự tinh tường.
Có ba diễn biến đang xảy ra. Đầu tiên là vở kịch. Các tình tiết tuôn chảy. Biểu cảm trên khuôn mặt, sự trầm bổng, cao thấp nơi đài từ, sự nhanh chậm, bất động, chuyển động của diễn viên. Kế đó là trạng thái nơi thân tâm của người thưởng thức. Dáng ngồi, biểu cảm trên khuôn mặt, diễn biến vui buồn, hưng phấn, trầm lắng của nội tâm, tiếng nói ở bên trong. Ở đây có hai biến động đang xảy ra. Biến động trên sân khấu và biến động của người ngồi xem. Cần phải có một trạng thái tinh tường xuyên suốt mới có thể thu thập cả hai biến động.
Tuy nhiên, trong thực tế rất khó xảy ra điều vừa nêu. Có lúc, tôi quên mất công việc chính của mình. Đó là thu thập dữ kiện, gom thâu thật nhiều thông tin về hai sự biến động. Diễn biến của vở kịch hay diễn biến nội tâm, một trong hai hoặc cả hai cùng đồng loạt xâm chiếm, lũng đoạn và quyện hòa vào trạng thái tinh tường xuyên suốt. Tinh tường không còn tinh tường nữa. Tinh tường đã bị biến chất hoặc biến mất. Xuyên suốt không còn nữa mà bị ngắt khúc và đứt đoạn. Thế nên để trở về đúng tinh tường xuyên suốt cần phải luyện tập rất nhiều. Một lần xem là một lần rút kinh nghiệm để có những lần sau tốt hơn.
Thứ tư, sự kiên nhẫn.
Khi kết thúc một vở diễn, hãy khoan vội vàng đánh giá hay dở. Cho mình một khoảng lặng. Thử đặt mình vào nhân vật để phần nào hiểu được tiến trình phát triển tâm lý của họ. Chú ý đến bối cảnh xã hội mà họ đang sống để nhìn thấy gốc rễ trong đường lối tư duy và hành xử. Đừng nhanh chóng nhận xét theo bản ngã và hiểu biết vốn dĩ còn nhiều định kiến và chưa thành toàn của mình.
Cuối cùng là sự cầu tiến.
Thoại kịch là một loại hình nghệ thuật lâu đời. Khi tôi bước qua cánh cửa rạp tôi đoan chắc mình đã băng xuyên một lằn ranh. Tôi đã sang một vùng miền mới. Ở thế giới đó, có ngôn ngữ và cách biểu đạt riêng. Tuy tôi đang có mặt nhưng nhiều khả năng tôi hoàn toàn không có mặt. Vì một lẽ là tôi chưa hiểu được ngôn ngữ và cách biểu đạt ấy. Tôi không sợ thực tế này. Chỉ sợ thực tế là mình chấp nhận, mình bằng lòng với tình trạng của mình. Vậy nên cần nhất là sự cầu tiến, cần lòng thao thức muốn nghe ra, muốn hiểu thấu. Chính thao thức đó sẽ đưa tôi đi tới. Không biết đi bao xa nhưng chắc chắn là không dậm chân tại chỗ, không ở mãi trạng thái dốt nát, mù chữ, mù màu.
Đến xem một vở kịch, tôi cần ở chính tôi năm điều vừa kể. Danh sách này còn có thể mở rộng theo ngày tháng. Tôi đòi hỏi mình như vậy hình như là hơi nhiều. Nguyên do như đã viết ở đầu trang, vì yêu. Giản dị vậy thôi! Khi yêu hay là muốn gìn giữ lòng yêu, tôi không đòi hỏi điều gì nơi đối phương cả. Chỉ đòi hỏi nơi mình.
#Nhiên