5.8.17

“Thu 78, kỷ niệm Lạng Sơn” (*)

Đặng Nhật Minh, Hồi Ký Điện Ảnh, Thị Xã Trong Tầm Tay, Đạm Nhiên

Trời nhiều mây, không khí mát mẻ. Tôi dậy lúc 5h30. Ăn sáng rồi xem Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười. Đến quá nửa thì dừng lại, xỏ sandal và rời khỏi nhà. Mang túi vải có in một câu trích từ Rừng Na Uy. Bên trong là chiếc ô và một quyển sách. Trạm dừng của tôi là số nhà 19B, đường Phạm…

o0o

Mộng ước bé con

Nhờ thông tin từ người bạn tuổi 29, tôi được dịp trở lại chốn này. Đây là lần thứ hai đến với Cà Phê Thứ Bảy. Đêm qua, tôi kịp số hóa dữ liệu để có một bản sách điện tử tựa “Phim Là Đời” (Hồi ký điện ảnh). Tôi đọc được khoảng 2/3. Trong ngày thứ 5 và thứ 6, tôi cũng kịp thu xếp thời gian để theo dõi trọn vẹn Thị Xã Trong Tầm Tay (1982) và Trở Về (1994).

Lịch trình ghi rõ 8h30 khai cuộc. Tôi đến đúng giờ, gọi một ấm trà sen và ngồi nhởn nhơ bên trang sách. Tôi không hề ý thức bên ngoài trời đã mưa tự lúc nào và dần nặng hạt. Tôi chỉ ý thức người Nghệ Sĩ Nhân Dân đang ngồi ở ngay phía sau tôi ở hướng 5 giờ.

9h15 phút, chương trình bắt đầu. Rất bất ngờ là có phần chiếu phim. Sáng nay là Thị Xã Trong Tầm Tay. Còn tối mai là Trở Về.

Phần dẫn nhập của chủ nhà và khách mời kéo dài khoảng 30 phút. Suốt hơn nửa giờ, tâm trí tôi phân tâm vì phải canh chừng âm báo tin nhắn. Đến khoảng 9h45, tôi vội vàng xuống lầu, lao nhanh ra đường để nhận quyển sách đã đặt qua mạng. 

Duyên sự mới an bài làm sao! Sau 2 ngày lần dò, qua hết 6 hiệu sách cũ, đến 22h19 tôi mới đặt được bản sách giấy “Phim Là Đời” (Hồi Ký Điện Ảnh – in năm 2011). Tôi đã cẩn thận chụp lại bản đồ hướng dẫn đường đến 19B đường Phạm để hiệu sách kịp chuyển vào sáng hôm sau. Quan trọng nhất, tiên quyết là hôm nay tôi phải có được ấn dấu của Đất, một ấn dấu của Thổ để mang về. Lát nữa thôi, cuối giờ, tôi sẽ xin phép để nhận được chữ ký tặng. Mộng ước bé con sẽ viên thành.


Cảm nhận “Thị Xã Trong Tầm Tay”

Thị Xã Trong Tầm Tay ra mắt 1982. Tức là 2 năm trước khi tôi ra đời. Nhìn vào dàn diễn viên tôi như nhìn vào cha mẹ. Tạo hình, phục sức của họ, thế giới hình ảnh, âm thanh của thập niên 80 cho tôi cảm giác như đang lần dở quyển album gia đình. Phải nói là tôi đã yêu quý ngay tức thì! Niềm yêu quý kỹ thuật dựng hình nảy nở ngay tức khắc trong lòng tôi.

Cảnh mở màn dài hơn một phút (theo trí nhớ của tôi). Tuyệt nhiên và cũng tuyệt vời là không thoại, không một lời thoại nào. Một pha giáo đầu đặc sệt chất điện ảnh. Tôi nhớ ngay đến ghi chép của đạo diễn, “Đến tận bây giờ tôi vẫn nghĩ phim Thị Xã Trong Tầm Tay là một phim giàu chất điện ảnh nhất trong các phim mà tôi đã làm” (**)

Mạch phim là một chuỗi quá vãng và hiện tại đan cài. Tựa như dạng phim hành trình, người xem phải bám đuổi theo ánh nhìn và ký ức của phóng viên Vũ (Tất Bình thủ vai). Từ trạng thái thắc mắc, hiếu kỳ về cô giáo Thanh (Quế Hằng thủ vai) đưa tới yêu thương nồng thắm, toan tính, bội phản rồi âu lo, sợ hãi, tuyệt vọng, hy vọng và kết thúc bằng một cú lật đảo bàng hoàng. Thủ pháp của phim vì vậy với tôi vô cùng hiện đại và gây ngỡ ngàng trào dâng nếu xét đến thời điểm và bối cảnh ra đời. 

Phim mang hơi thở nóng hổi của chính sự dù không trực tiếp mô tả về chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979. Tính hiện thực hàm chứa bên trong khiến cho có một khoảnh khắc nào đó tôi cảm tưởng mình như đang xem một thể phim tài liệu. Tuy nhiên, trọng tâm của tác phẩm vẫn là sắc nét về những lựa chọn của con người trong thời chiến. Cụ thể hơn, diễn tiến phim này là cuộc truy vấn nội tâm của Vũ. Hành trình trở lại Lạng Sơn thực là một hành trình để anh tự suy xét mình.


Ơi ngày xưa!

Sau buổi chiếu là phần Hỏi Đáp. Không khác gì trải nghiệm lần đầu với Đảo Của Dân Ngụ Cư, đến khi tôi chuẩn bị xong câu hỏi thì thời lượng cũng không còn. Tôi ít khi ra ngoài vào buổi tối. Nhưng có lẽ tôi sẽ tham dự tiếp buổi chiếu vào đêm chủ nhật.

Khi ra về, mưa vẫn còn rơi. Ô che đầu và ấn đỏ in hằn trong trang sách, tôi mừng vui cất bước, nỗi mừng vui xanh sáng, mát lạnh. Tựa như cô giáo Thanh vụt chạy giữa những làn khói sương lúc phim khai cuộc và kết thúc. Tôi cũng đang nhẹ lướt trong màn mưa mờ ảo. Đâu đó trong không gian là câu hát xưa. Tiếng hát liêu trai, huyền thoại vẳng đi từ một mùa thu rất xa…

Ngày xưa ấy, Đồng Mỏ…
Ngày xưa ấy, Đồng Đăng…


- Đạm Nhiên -
5.8.2017

o0o

Ghi chú:

(*) Tôi chưa biết đặt tên cho bài cảm nhận này. Tôi nhớ một câu thoại trong phim. Thế là dùng nó làm tựa vậy. “Thu 78, kỷ niệm Lạng Sơn”

(**) Trích từ trang 85, hàng thứ 7 / PHIM LÀ ĐỜI (Hồi ký Điện Ảnh) – Đặng Nhật Minh – NXB Dân Trí (2011)

Thị Xã Trong Tầm Tay, Đặng Nhật Minh