4.4.24

ĐI LẠC TRONG LẦN ĐẦU GẶP ÔNG DODIN

#vudamnhien, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, góc nghệ, vu dam nhien, dam nhien, Trần Anh Hùng, Tran Anh Hung, Điện ảnh, Điện Ảnh Pháp, Liên Hoan Phim Cannes, Cannes 2023, La passion de Dodin-Bouffant, Pot-au-feu, The Taste of Things, Muôn Vị Nhân Gian, Muon Vi Nhan Gian, Bình Phim Muôn Vị Nhân Gian, Review Muôn Vị Nhân Gian



Một. 

5 CÂU HỎI VÀ 2 CÂU HỎI


Lần coi đầu tiên, sau khi rời rạp, những câu hỏi sau đây lần lượt xuất hiện trong đầu tôi:


1. Danh sách các món Pháp trong phim?

2. Danh sách các nhà hàng Pháp ở Saigon (có thể các thêm Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, Huế, Ninh Bình, Đà Lạt) có các món như phim?

3. Vai trò của Marie-Antoine Carême, Georges Auguste Escoffier trong lịch sử ẩm thực Pháp?

4. Marcel Rouff  khi hư cấu Dodin-Bouffant đã dựa vào nguyên mẫu nào? Là chính ông? Là người bạn viết thân thiết Curnonsky (Maurice Edmond Sailland) ở chuyên đề ẩm thực? Là Jean Anthelme Brillat-Savarin? Hay còn người nào khác?

5. Trước Trần Anh Hùng, Dodin-Bouffant đã được chuyển thể như thế nào trên truyền hình và truyện tranh?


Tôi mất tầm 3 ngày để lấy đủ dữ liệu cơ bản cho 5 câu hỏi trên. Về sách thì không thể đọc nhanh nên tôi đã lập ra một danh sách khoảng 10 quyển có thể dần đọc để đi tận gốc những thắc mắc đã nêu.


Với lượng thông tin tích lũy, khi trở lại rạp và nhất là ở lần coi mới nhất (lần coi thứ 3), tôi thấy mình dễ nhập tâm hơn vào phim. Thấy như là từng khuôn hình đi vào mình. Sự đồng cảm với nhân vật cũng dễ dàng, mượt mà hơn không bị cản trở nhiều bởi đầu óc (suy nghĩ đi tìm một lý do nào đó để yêu thích phim này) như 2 lần trước. Tôi nghĩ phản ứng này cũng có một nguyên do quan trọng. Đó là tôi đã thực hành kẻ khung cấu trúc tác phẩm này. Dù chỉ là bản nháp, còn rất sơ sài nhưng nhờ đã làm xong bước này nên tôi như có “một chiếc gương” tự nhiên bên trong để mắt coi hoàn toàn là coi mắt khi ở rạp.


Quay lại với 5 câu hỏi, tôi thấy cả 5 không có câu nào là cốt tủy. Một bộ phim romance tình đôi lứa thì câu hỏi quan trọng nhất có lẽ phải là:


- Tình yêu ấy có gây rung động cho khán giả không?


Tôi có bị thuyết phục, bị chìm đắm với câu chuyện tình này không? Hay tôi có thấy cặp đôi ấy yêu nhau thật sự trên phim không?


Và còn nữa chứ:


- Sau tình yêu này là điều gì? Điều gì vượt lên chuyện tình này và cho tôi một trải qua đáng nhớ?


Tôi nghĩ 2 phần trên là điều rất cơ bản mà cũng mang tính quyết định thành bại trong một cốt truyện tình yêu. 


Mà đâu phải chỉ là người coi phim, đầu óc của người đầu tư cho phim cũng chắc chắn để tâm tới (?). Cũng đều là người góp tiền cho phim. Khán giả là ở thời gian phía sau. Còn nhà đầu tư là ở thời gian phía trước của một dự án.


Ở lần coi đầu tiên, do là tuần đầu tiên phim công chiếu, tôi muốn coi ngay và chỉ chọn rạp gần mình. Thế nên tôi chỉ có suất 13:30. Không một cú ngáp hay phút ngủ quên nào nhưng tôi nghĩ thời điểm coi như vậy cũng tác động không ít đến việc cảm thụ. Sau lần này, tôi đã hoàn thành xong một bài viết đề cập đến nhạc, cốt truyện và hình của phim.


Ở lần coi thứ hai, trong tuần thứ hai, tôi tìm được suất 19:30. Lần này vẫn chưa thấy thỏa, vẫn thấy lấn cấn điều gì đó trong cách phát triển của cốt truyện.


Phải đến lần ba thì òa, nhẹ nhõm và giải tỏa!



Hai. 

CẢNH GÂY ẤN TƯỢNG TRONG LẦN ĐẦU COI


Bây giờ tôi muốn viết lại thành thực sự cảm thụ của mình ở lần đầu tiếp xúc với phim.


Tôi có thấy những cảnh phim đẹp mắt không? Có chứ, khá là nhiều cảnh đẹp và đương nhiên là có nghĩa. Chẳng hạn như cảnh cặp đôi đi dạo giữa “một biển sắc vàng” mà đã được đưa vào bích chương quảng bá.


Nhưng thật sự tôi không muốn sa đà vào việc lấy một tấm ảnh tĩnh của phim rồi ca ngợi. Nào là duy mỹ, nào là như tranh như thơ… Không. Vấn đề là tính mạch lạc, dây chuyền và sáng ý giữa các cảnh. 


Có điều gì đọng lại ở cú máy lia theo 4 nhân vật ở đầu phim không? Cũng không. Chỉ là một màn có tính chất thiết lập và cũng ngầm chứa điểm nổ cho cốt truyện vận động. Đương nhiên cần phải ra công rất nhiều để làm nên một cảnh có tính chất liên tục như vậy. Nhưng sau đó một câu thoại được cài vào với danh từ “nghệ sĩ” được nhắc như để khẳng định: bếp là sân khấu và người đầu bếp (Eugénie) là nghệ sĩ đang trình diễn điệu múa của mình. Đâu còn gì là bí mật nữa!


Mỗi một hồi của phim đều có một màn vào bếp (trình diễn đầy lôi cuốn) làm điểm nhấn trọng tâm và đến cái kết thì có thêm phần vĩ thanh với camera di chuyển theo vòng tròn tuần hoàn qua 4 mùa với nhiều thay đổi mà dễ thấy nhất là ánh sáng và đạo cụ (bình hoa). 


Một sự thiết lập rõ ràng, nhấn xoáy vào chủ đề tình yêu và được dàn dựng cầu kỳ, bắt mắt. Nhưng thành thực là lúc đó trong tôi không có cảm xúc nào nổi bật. Dường như mọi thứ trên màn ảnh trôi qua rất bình thường.


Có 4 nguyên nhân.


Thứ nhứt, giờ chiếu như đã đề cập ở trên. 


Thứ hai, tôi chưa cảm thụ được chuyện tình trong phim.


Thứ ba, Trần Anh Hùng là đạo diễn thượng thừa. Tôi ý thức rất rõ điều đó và vô cùng tôn trọng. Vậy nên những gì trông thấy, những thứ đèm đẹp và ngầm ngấm đã được tôi mặc định là lẽ đương nhiên.


Thứ tư, cũng trong một năm và cũng ngay trong một kỳ liên hoan phim (Cannes 2023), có một phim mà dàn dựng rất dày công, yếu tố kỹ thuật được đẩy đến mức cực max, đó là “Bên Trong Vỏ Kén Vàng”. Do đã coi phim của Phạm Thiên Ân trước và ấn tượng về phim quá mạnh, chưa dứt ra được nên đến khi coi phim của Trần Anh Hùng thì sự ú òa, sự wow, sự trầm trồ về những cú máy sắp đặt, toan tính, công phu như vậy không có cơ hội hiển hiện.


Trung thực với bản thân, xét mình thật kỹ thì ở lần đầu coi La Passion de Dodin-Bouffant, cảnh làm tôi ghi nhớ mang theo về nhà đó là trường đoạn về món ortolan bao gồm 2 cảnh ngoại (trên đường đến bàn ăn) và cảnh nội (nơi ăn).


Ở cảnh ngoại, nhóm nhân vật bạn bè cùng ông Dodin di chuyển từ phải qua trái trong khung hình. Đây có lẽ là một cú máy dolly đặt ở bên bờ sông (chắc để tăng thêm chiều sâu cho khung hình?) và trượt theo nhóm nhân vật ở bờ bên kia. 


Lý do tôi thấy thú vị với cảnh ngoại này là vì tính bất thường của nó. Ở tốc độ, ở luồng giao thông. Tôi đã nghĩ nhiều về cảnh này, về ý nghĩa và về tính liên kết của cảnh trong tổng thể cốt truyện.


Một câu chuyện tình thì theo lý sẽ tập trung vào đường dây của Eugénie-Dodin. Có thể thấy ở đây Trần Anh Hùng đang tạo ra một tuyến khác. Có tính chất gì? Vẫn đang ở phần thiết lập, giới thiệu, làm rõ hơn về nhân vật Dodin? Hay đã qua hồi 2?


Đó là một dạng thức “đi săn”, một lần đi lấy thêm trải qua về ăn uống để bổ sung vào vốn liếng ẩm thực cực kỳ thừa mứa của Dodin. Cảnh này có tính chất vui thú, sinh lực trong cảnh rất rõ ràng, có độ tương phản so với những cảnh trước đó nên tôi đã tạm kết luận đây đã sang hồi 2.


Sau cảnh ngoại là cảnh nội giàu tính trào phúng. Ngay lúc này tôi chưa hề biết về món ortolan và lịch sử của món. Truy theo 5 câu hỏi, tôi đã có tất cả. Còn lúc này là cái nhìn nguyên sơ, không có một dòng thông tin nền. Khi nhìn trên phim, thấy động tác trùm kín đầu khi ăn thì nghĩ là làm vậy để giữ được hương vị, tận hưởng việc thưởng thức 100%. Và hành vi lấy khăn che như vậy cũng đồng thời gợi cảm giác “đang che giấu” một điều gì đó. Quả là một trường đoạn rất gợi thanh, gợi hình, gợi ý nhưng đây có liên quan gì đến tổng thể cốt truyện và nhất là có liên hệ gì đến đường dây của Eugénie-Dodin? Quả thật tôi không suy ra được. Có một ý nghĩ liên kết hình tượng ortolan với Eugénie nhưng mong manh và thấy không đúng nên tôi bỏ.


Tôi hướng đến một lập luận khác, liên quan đến điểm nổ. Đến đây thì phải quay ngược lại hồi một.


Dù trình độ xuất chúng nhưng tôi tin khi viết kịch bản Trần Anh Hùng cũng không thể nào làm trái Luật Thăng Bằng. Rõ ràng Dodin đã có một cảnh cầu hôn. Cảnh ấy là phần quả cho phần nhân “nấu như một vũ công” của Eugénie trước đó. Đã có mở, đã có thân thì chắc chắn kết tiếp theo sẽ đẩy cốt truyện chuyển tiếp từ hồi 1 qua hồi 2.


Ở đây tôi nghĩ Trần Anh Hùng đã tạo ra một dạng nổ kép. Vì ngoài chất xúc tác cốt lõi là Eugénie thì ở đây còn có thêm 2 nhân vật nữa. Như vậy là có thể có đến 3 điểm nổ cho cốt truyện. Điểm nổ chính với nhân vật Eugénie đương nhiên vẫn thuộc mạch chuyện tình căn cốt của thể loại romance. 2 điểm còn lại đến từ Pauline và Hoàng Tử Á-Âu. Cả hai đều giữ vai trò là một nguyên mẫu “tiếng gọi” (điểm nổ) mà cụ thể là phần kiểm tra như một kỳ thi truyền hình thực tế về Masterchef với phần thể hiện đậu điểm vào vòng trong của Pauline. “Tiếng gọi” thứ hai (nguyên mẫu sự kiện) là lời mời dự tiệc của một nguyên mẫu nhân vật “sứ giả” người đưa tin đến Dodin. Ông từ chối ở một nhịp. Và giờ thư mời lại được gởi đến lần hai.


Cả hai tuyến này, liên quan đến Pauline và Hoàng Tử Á-Âu đều được giải quyết trọn vẹn ở các phần sau. Pauline dù sao cũng là một phóng chiếu thu nhỏ của Eugénie nên tôi không bị đứt mạch liên kết khi bánh xe cốt truyện lăn vào hồi 2 với cảnh Eugénie đưa Pauline về nhà. Nhưng còn cảnh liên quan đến Ortolan thì tôi bị đứt gãy, mất liên lạc ở đây dù thấy cảnh rất thú vị. Tôi cảm thấy nếu bỏ chúng ra thì cả phim cũng không bị ảnh hưởng gì. 


Lý do tại sao đưa vào thì tôi cạn nghĩ đó là món quan trọng, thể hiện rất rõ đời sống quý tộc và nhất là làm nổi bật hình tượng “gourmet” cho nhân vật trung tâm. Tuy nhiên càng nhìn kỹ cảnh này thì thấy cảnh rời rất xa so với đường dây tình ái vốn là cốt tủy của dạng phim này. Cảnh rõ ràng có tính chất chuyển đổi đặc trưng (bối cảnh bờ sông rõ ràng là một nguyên mẫu nơi chốn ẩn ý cho ranh giới), tạo ra sự nghịch ngược biểu tượng giữa 2 hồi nhưng tính chất phát triển cho tuyến chính thì không có nhiều và nghiêng sang hướng mô tả thêm về Dodin. Quả thật đây là điểm mù khiến tôi bối rối và ảnh hưởng rất nhiều đến việc coi phim trong lần đầu tiên!


Trong 3 tuyến đã kích hoạt điểm nổ thì đường dây của Pauline mờ đi để sáng trở lại với cuối hồi 2. Đường dây của Hoàng Tử chạy song song và nhập vào đường dây Eugénie nhưng sau đó không được sử dụng để làm thành tuyến phản diện tạo ra xung đột kịch. Cảnh về ortolan cùng với việc không dùng tiếp nhân vật “The Prince” đã tạo nên một khoảng trống trong thời lượng khiến tôi xa khỏi mạch chính. Có lẽ phải tầm 5 phút rồi kéo dài ra mãi. Chính lý do này theo tôi đã tạo ra điểm mù. Tất nhiên kết luận này là phần lao động về sau. Còn lúc ở rạp chỉ là trạng thái bối rối, nhập nhằng, đứt gãy. Tôi đã bị “đi lạc” như vậy trong lần đầu coi phim.


#vudamnhien

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét