Donna Donna là cái tên quen mắt duy nhất khi tôi nhìn vào danh sách những bài sẽ trình diễn trong đêm 27.
Tôi nghĩ bài này đã đến với mình vào khoảng năm 1997. Đó là cột mốc thời gian đánh dấu sự nảy nở niềm ưa thích các nhạc phẩm Anh ngữ. Âm nhạc thế nào tôi không rõ. Nhưng về nội dung, đây là dạng "truyện ca" với đặc trưng mở-thân-kết rõ rệt. Bề nổi là câu chuyện chú bê, chim nhạn. Nhưng bề sâu là nỗi lòng không còn nơi nương náu, là trái tim mộng ước hương vị bầu trời.
Bài hát có nguồn gốc từ một vở nhạc kịch của những năm 40. Và phải cần tới 20 năm sau qua tiếng hát của Juan Baez, Donna Donna mới thật sự bay vút. Đó không còn là một nhạc phẩm riêng cho một nhóm người, một thời kỳ mà đã trở thành lời khấn nguyện. Với tôi, Điệp khúc Donna Donna Donna Donna / Donna Donna Donna Don... không khác mật ngữ dẫn đường cho những bước chân đã lạc mất quê nhà.
Tính đến nay khúc ca ấy đã có một đời sống xấp xỉ 80 năm. 80 năm. Tâm hồn phải chất chứa bao nhiêu vốn liếng để có thể chuyên chở và chuyển tải hết những hàm tàng?
Câu hỏi ấy đã chắn ngang sự thưởng thức của tôi trong đêm nhạc. Tôi trôi dạt theo mong muốn vô cớ xoay vần xung quanh con số ấy, con số 80. Muốn này tiếp nối muốn kia như con sóng. Sự tham lam, khắt khe và đòi hỏi đã xô đẩy tôi xa khỏi suối nguồn. Cái nghe, cái nhìn, cái cảm vì vậy đã không còn nguyên chất.
Với Donna Donna, lần này tôi đã là một người nghe không đạt. Cần thêm những lần lâm trận tiếp theo. Để thính giác được phục hồi. Giản đơn như đã từng giản đơn.
Nhiên.