15.9.17

Ai hưởng lợi từ cuộc chiến này? | The Vietnam War #6

Đạm Nhiên, The Vietnam War 2017

Giữa năm 2016 là thời điểm tôi đọc Nhỏ Là Đẹp (tựa đầy đủ Small Is Beautiful: Economics as if People Mattered) do E.F Schumacher chấp bút. Cuốn sách ngay lập tức thu hút và biến đổi tôi hoàn toàn.

Một vấn đề rất lớn như hoạch định kinh tế quốc gia được chuyển tải theo lối đơn giản và dễ hiểu đã thực sự đánh động trực giác. Linh cảm đây sẽ là một quyển sách có giá trị nên tôi đã ngay lập tức giới thiệu cho ít nhất hai người bạn ở Hà Nội và một người ở Sài Gòn. 

Sách đã từng được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Nhưng tôi nghĩ sách cần được tái bản với văn phong đương thời và cần một người dịch mới, không những am tường kiến thức chuyên sâu về kinh tế học và cả Phật học. Lý do là vì E.F Schumacher viết Nhỏ Là Đẹp khi mà tư tưởng Đông Phương đã chín tới trong ông sau 10 năm làm cố vấn kinh tế cho Myanmar.

Thật tiếc là cho đến nay, tức sau một năm, ao ước của tôi vẫn chưa nhận được một chuyển biến nào từ những người bạn. Tuy vậy, tinh thần Nhỏ Là Đẹp, tinh thần làm kinh tế theo hướng bền vững ngày một bám rễ, khắc sâu trong mọi đường đi nước bước của tư tưởng.

Bằng một tâm thế như vậy, tôi nghĩ rằng mình đã đến buổi chiếu thử và xem The Vietnam War theo một cách rất khác, bằng một cảm quan rất khác.

Câu hỏi đầu tiên ập đến chính là, "Ai hưởng lợi từ cuộc chiến này (1955-1975)?"

Tôi nhanh chóng tự mình trả lời, "Các nhà sản xuất vũ khí". Bắc Việt có được hậu thuẫn từ Liên Xô, Trung Quốc. Còn Nam Việt thì binh lực hoàn toàn dựa vào Hoa Kỳ. Chiến trường Việt Nam thực chất chỉ là thị trường tiêu thụ béo bở cho bộ máy chiến tranh. Tập tôi được xem trước mang tựa đề Nước Sơn Văn Minh (The Veneer of Civilization). Và tôi đã theo dõi chỉ với sự trông chờ được gọi tên rõ ràng danh tính của những tổ chức, công ty nào đã xuất kho hàng tấn bom mìn, đạn dược, súng ống, chất độc màu da cam, hóa chất hủy hoại nguồn nước, cây xanh, dày xéo quê hương mình.

Nhưng rồi một sự bất ngờ không lường trước xảy ra ở tập phim thứ 7/10 này. Đó chính là trường đoạn mô tả sự băng hoại của xã hội miền Nam. "Hòn Ngọc Viễn Đông" một danh xưng phù phiếm mà Thực Dân Pháp đã gán ghép cho Sài Gòn tiếp tục khoác lên mình chiếc áo phồn vinh giả tạo bởi sự chuyển dời ồ ạt một lượng lớn chiến phí ngoại tệ USD từ người Mỹ. Sự giàu lên bất thường và chóng vánh của Sài Gòn đã không những hủy hoại hoàn toàn liên kết xã hội tại miền Nam mà còn kích động lòng tham, chủ nghĩa tiêu thụ. Và một trong những biểu hiện cụ thể chính là đại dịch tham nhũng từ thượng tầng chính phủ đến các tướng lĩnh rồi dần đi xuống tận các cấp bậc thấp nhất. 

"Những kẻ trục lợi từ chiến tranh" là thuật ngữ điểm mặt những con người khôn ranh, gian xảo có khả năng biển thủ, ăn chặn hàng hóa Mỹ, đô la Mỹ để tư lợi cá nhân. Nền kinh tế miền Nam vì vậy hoàn toàn mang tính phô trương hình thức, thiếu nội lực, dễ tổn thương và nhất là có quá nhiều mối mọt.

Bài học kinh tế bền vững từ Nhỏ Là Đẹp đã được minh họa sống động bằng đầy đủ âm thanh, hình ảnh và những câu chuyện thật, con người thật. Tôi vừa xem vừa thỏa mãn như được ôn lại kiến thức mà đồng thời đau đớn cho đồng bào tôi, đất nước tôi.  

Đạm Nhiên
khởi ý 26.8 / hoàn thành 15.9.2017