5.7.17

Miên | Đảo Của Dân Ngụ Cư | +26

Đảo Của Dân Ngụ Cư, Đạm Nhiên

Sau lần xem thứ ba, tôi đã bắt đầu ngẫm nghĩ về ý nghĩa của cái tên Miên.

Nếu đặt trong tuyến nhân vật chính của phim này, bộ ba danh xưng Miên-Chu-Phước có điểm chung đều là âm Hán Việt. Ở xứ ta, từ khi dòng tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung du nhập vào miền Nam đầu thập niên 60 thế kỷ XX, đã có sự lẫn lộn chồng chéo rồi đồng nhất trong cách chuyển ngữ giữa Chu và Châu. Với ý nghĩa viên ngọc hay châu báu từ âm Châu, tôi liền nối kết với tầng nghĩa của Phước và Miên. Tôi tin rằng nếu đi theo lối này hẳn sẽ nhìn ra ít nhiều những gửi gắm của tác giả Đỗ Phước Tiến trong cách đặt tên nhân vật.

Tuy nhiên đồng thời tôi lại có một hướng tư duy khác về tên Miên. Lần theo lai lịch vùng châu thổ sông Hậu của gã trai Khmer này, tôi khám phá ra đường đi của dòng sông Hậu. Trên hành trình ra biển Đông, sông băng qua địa phận nhiều tỉnh thành trong đó có Trà Vinh và Sóc Trăng. Đây cũng là hai nơi tập trung một lượng đông đảo người Khmer. Người Khmer vốn dĩ có xuất phát điểm Cambodia. Cách gọi dân tộc này còn có một danh từ khác “người Miên”. Tóm thâu những dữ kiện này, tôi hồ nghi “Miên” chẳng phải tên một người trong Đảo Của Dân Ngụ Cư. Vì không rõ danh tính nên dùng luôn tên của một sắc dân thay cho một người. Lấy cái toàn thể thế cho cái cá thể. Có thể lắm chứ!

Vì có giả tưởng như trên mà khi xem đến đoạn xuất hiện của Miên, tôi nảy ra cái ý muốn thay đổi lời thoại của diễn viên Nhan Phúc Vinh. Thay vì “Tao tên Miên. Mày tên gì?” thì sẽ chuyển thành “Cứ gọi tao là Miên. Còn mày, tên gì?”. Tình tiết này sẽ làm mờ tối thêm nguồn gốc và nhấn sâu vào ý nghĩa trôi dạt lạc loài của nhân vật.

Đến lần xem phim thứ tư thì tôi đã đặt quyển “Chân Lạp Phong Thổ ký”. Tôi muốn có thêm một nguồn tư liệu chính quy để củng cố cho giả tưởng của mình. Sách in đẹp, trang giấy trơn láng nhưng không dày như kỳ vọng. Chỉ hơn 160 trang, một nửa đã là bản gốc chữ Hán. Dẫu vậy, tôi lại có khá nhiều thông tin lý thú. Thứ nhất là tôi nhận ra khá nhiều điểm tương đồng giữa mô tả trong sách và tạo hình lẫn tính cách của Miên trong Đảo. Thứ hai là tôi lại có thêm rất nhiều thông tin hữu ích về đế quốc của người Khmer (có lẽ là sớm nhất trong lịch sử) tồn tại từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ VIII.

Phim đã kết thúc và ngày mai là chấm dứt thời gian trụ rạp. Tuy nhiên, hành trình của tôi thì chỉ mới bắt đầu. Dân tộc tính là một trong rất nhiều cánh cửa ý nghĩa ẩn tàng trong tác phẩm gốc. Tôi không phải là một nhà khảo cổ học, nhân chủng học. Nhưng tôi vô cùng yêu thích và say mê đề tài dân tộc tính của một quốc gia hay địa phương tính của một vùng miền. Từ đó, tôi bắt sang chủ điểm căn tính. 

Trường hợp Miên chỉ là đối tượng khảo cứu đầu tiên của tôi. Dứt điểm ngọn nguồn với Miên thì tôi sẽ chuyển sang nhân vật khác. Như đã mô tả ở đầu bài, câu hỏi của tôi bây giờ là “Căn tính của một người Khmer tại Việt Nam là gì?” hay “Căn tính của một người Khmer ở Trà Vinh hay Sóc Trăng là gì?”, “Những nét tính cách nào phổ quát, đặc trưng nơi họ?”. Tôi sẽ đi đến tận cùng với những vấn nghi này. Nếu có kết quả thì tôi sẽ ngồi kiểm kê, rà soát. Nết tính nào hay đẹp tôi học hỏi, nết tính nào không hay đẹp tôi lãng quên. Và tôi sẽ dùng chính những trải nghệm này để trở về với đề tài quan trọng nhất:

- Căn tính của chính tôi.

Nhiên
5.7.2017

(Tất cả các bài theo chủ đề Đảo Của Dân Ngụ Cư)