18.10.24

TUỔI THƠ HỒNG, ĐEN VÀ HOÀNG KIM CỦA BÉ TOTTO

窓ぎわのトットちゃん ,Madogiwa no Totto-chan, Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ, Yakuwa Shinnosuke, Suzuki Yōsuke, Kuroyanagi Tetsuko ,Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, góc nghệ, recensione del film, #vudamnhien, #nhiên, #Vũ_Đạm_Nhiên, Vu Dam Nhien, Dam Nhien
  Tôi coi “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ” (窓ぎわのトットちゃん) hồi tháng 6. Có một phút giây tôi ngỡ ngàng. Vì đẹp. Choáng ngợp!

Nhìn lên màn hình ở rạp như thấy có nếp gấp, như có vân nổi lên. Nghĩa là phim 2D mà cho mình cảm giác 3D. Các lớp layer trong khung cảnh như phân tầng, nối chồng và tạo ra một đại cảnh đẹp, một vẻ đẹp có ẩn nghĩa chứ không chỉ là đẹp trong dáng hình. Đó là một cảnh gần như là hình ảnh cuối cùng của phim. Lúc này bé Totto đang ở trên xe lửa, nhìn ra cảnh thiên nhiên trải dài bên dưới, em thấy một tốp những người hát rong Chindon’ya (チンドン屋). Hình này là một sự điệp lại với hình ở đầu phim để khép lại tác phẩm theo lối thủ pháp biên tập vòng tròn hoặc đăng đối ở 2 điểm đầu cuối của trục tự sự.


  Tôi ghim giữ ấn tượng đó cùng nhiều suy nghĩ chôn giấu trong lòng. Cho tới 3 tháng sau, khi coi Mộ Đom Đóm (火垂るの墓) thì những chôn giấu kia mới được dịp bung tràn. Phim trước hay hơn phim sau. Xét ở mọi phương diện không thấy thua chỗ nào. Nếu phim mới coi 7 thì phim trước phải 8, thậm chí 9 điểm.

  Ở bài trước, tôi đã viết về yếu tố bất ngờ của phim sau. Nếu Mộ Đom Đóm chỉ tạo cho tôi đúng một thì Madogiwa no Totto-chan cho tôi rất nhiều. Đã đọc truyện từ lâu nên về lý tôi đã có một hình dung về cốt truyện. Tuy vậy, cách dàn dựng của phim vẫn gây tôi rất nhiều sự bất ngờ và thích thú. Nhất là trong các cảnh chơi đùa của các em. Cách dựng hình, phân luồng giao thông nhân vật tạo được những cảm xúc đậm đặc sắc hồng thần tiên của tuổi mầm non. Chẳng hạn như cảnh “nhảy dưới mưa” đã thuộc về kinh điển trong ký ức tập thể của khán giả điện ảnh thì ở phim này vẫn tạo được một sức mạnh về hình, về ý, về tình trong các sắp đặt tương phản, phóng chiếu. Coi theo phim dần dần tôi thấy mình đã rõ ràng hoà nhập vào trong góc nhìn của một em bé. 


  Cả hai phim đều có sự tương đồng về bối cảnh Đệ Nhị Thế Chiến. Tính phản chiến của phim sau được nhiều người ca ngợi. Còn ở phim này, tôi thấy lời ngầm về chiến tranh không hề kém về độ vang và được thể hiện theo một cách rất khác. Đó là phản ứng của những phụ huynh. Chiến tranh tạo ra một hệ lụy khủng khiếp. Đó là sự chia phe. Cỗ máy chiến tranh tạo ra kẻ thù. Không có kẻ thù không thể có nhiên liệu cho cỗ máy vận hành. Và bi kịch của con người là phải xác lập thái độ phủ nhận với những giá trị mà họ đã từng yêu quý, từng tin theo nay được xác định là thuộc về phe bên kia. Họ có thể đốt một bài nhạc, treo cổ một bài thơ, đấu tố, cách ly… Tất cả những gì thuộc về phía bên kia nay phải tẩy chay, phủ nhận. Tôi không nhớ chính xác lắm các bậc phụ huynh trong phim đã làm gì khi đứng trước tình thế lưỡng nan này. Nhưng bên cạnh màu hồng của trẻ em trong tuyến chính của phim truyện thì màu đen đã hiện ra không hề mờ nhạt ở tuyến phụ. Chính phụ được xác lập rõ ràng. Và màu đen ở tuyến phụ được cảm nhận qua điểm nhìn vô tư của một em bé. Sự ghi nhận, sự rung cảm về màu đen ấy ra sao phụ thuộc vào mắt nhìn của người coi là các phụ huynh khi tới rạp.


  Màu hồng áo lên toàn bộ và màu đen điểm xuyến tàng ẩn bên dưới. Lấp lánh thêm nữa còn là một màu vàng ánh kim bao trùm. Totto có một tuổi thơ đáng ngưỡng mộ. Ở điểm được gọi là “giai đoạn vàng” trong giáo dục, em đã gặp được những thầy cô tuyệt vời. Những ngày tới trường của em là những ngày được chơi đùa tự do thật sự. Và trong lòng em khơi lên một mong muốn hướng nghiệp: Em muốn làm giáo viên. Chính những ngày ở ngôi trường toa tàu đó đã nuôi lớn tình em mến yêu ngành sư phạm. 


  Tôi coi phim mà không khỏi nghĩ tới đời thật của tác giả đã viết nên câu chuyện này. Chính ra Kuroyanagi Tetsuko đã kể lại tuổi thơ mình. Totto chính là Tetsuko. Và bà đã sống đúng theo tinh thần như thế. Sống đúng như những gì bà ước mơ. Tôi coi phim mà không khỏi nguyện cầu con mình ở giai đoạn đầu đời cũng được như em bé Totto: 


  - Gặp được một người thầy, người cô có triết lý giáo dục, có tình thương trẻ thơ.


#Vũ_Đạm_Nhiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét