11.10.24

SỨC SỐNG MỚI CỦA BIỂU TƯỢNG HỘP KẸO SAKUMA

Mộ Đom Đóm, サクマドロップス, Sakuma Doroppusu, Sakuma (佐久間),蛍, đom đóm, Hotaru no Haka (火垂るの墓), hotaru (ほたる), Grave of the Fireflies, Takahata Isao, Akiyuki Nosaka,Studio Ghibli, Toho, Takeshi Seyama, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, góc nghệ, recensione del film, #vudamnhien, #nhiên, #Vũ_Đạm_Nhiên, Vu Dam Nhien, Dam Nhien
  Nghĩ rằng Mộ Đom Đóm sẽ trụ không quá một tuần (hoặc có thể lâu hơn nhưng khi đó sẽ khó mà có những cái xuất buổi tối ở giờ phù hợp) nên thay vì đi vào các ngày giá thấp như thói quen mọi khi, với phim này, tôi chọn coi ngay vào dịp cuối tuần khi phim vừa ra rạp.

  Rất kỳ quặc khi ngay ở cảnh đầu, tôi không nhớ chính xác từng câu chữ, nhưng đại khái nhân vật đã nói, “Tôi chết vào ngày đó tháng đó của năm 1945…”!  Điều này có nghĩa bộ phim (ra mắt 1988 và có thời lượng đúng bằng con số 88 phút) chiếu luôn cái kết ở phút đầu tiên. Cũng nơi đây (bối cảnh nhà ga) tiếp nối ngay sau đó là phân đoạn thể hiện chủ đề của tác phẩm. 

  Cách biên tập phim dùng một phân cảnh trong nội dung rồi đưa lên phút đầu để làm cảnh trình đề là một thủ pháp phổ biến. Nhưng chọn cái kết cho xuất hiện ở giây đầu thì dường như tôi không gặp nhiều.Thường đạo diễn ở phòng dựng sẽ chọn một cảnh có tính mấp mé, nửa chừng để tạo không khí, gây tò mò và thiết lập chủ đề. Chẳng hạn như trong Đảo Của Dân Ngụ Cư. Cảnh này, nếu tôi nhớ đúng thì thuộc về phần “phát triển” .

  Có trường hợp chọn cảnh sau đưa lên đầu thì cảnh đó đúng là phần “giải quyết” nhưng thường là ở tiền cảnh của cao trào, hoặc đúng ngay cao trào nhưng ngó vào đó cũng chưa thấy điều gì rõ ràng. Tất cả nhằm mục đích gây thu hút tập trung, tạo hồi hộp nhập tâm và chung quy vẫn ém đi yếu tố bất ngờ của phim. Mộ Đom Đóm đi ngược. Chọn luôn phần kết, điểm cuối cùng kết thúc của cốt truyện đưa lên đầu. Tôi tự hỏi, làm vậy có thật sự khôn ngoan?
 
  Mộ Đom Đóm về mặt nội dung tôi xếp chung nhóm với Những Đứa Trẻ Trong Sương và Mùa Hè Cùng Irene. Nhóm phim này đặt ra tình huống ném những đứa trẻ thiếu kỹ năng, kiến thức vào các vấn đề trong cuộc sống. Như 3 phim này lần lượt là hôn nhân, bệnh tật và cái chết. Đặt cái chết cuối phim rồi copy/paste vào đầu phim tức đã thông báo hành trình nhân vật trung tâm là chiều hướng hạ, đi dần tới cái chết. Xung lực đối kháng với cái chết chỉ có thể là sự sống. 2 chiều có thể tạo ra kịch tính tác phẩm chỉ có thể là vậy. Chết dành sẵn, mâu thuẫn kịch sẽ là cố gắng sống. Nội dung và kết đã rõ, vậy yếu tố bất ngờ là gì? Phim còn có thể tạo ra phản ứng quan trọng nhứt - BẤT NGỜ - không?

  Với tôi là có. Phim không tới nỗi dễ đoán. Mà sự bất ngờ tạo ra theo tôi là hay. Ngọt cứa. Thế giới của phim là nước Nhật trong những ngày tháng cuối của Đệ Nhị Thế Chiến. Theo đúng chiều đi xuống, qua từng lớp cảnh, từng thứ có thể gọi là “tài nguyên” của nhân vật trung tâm bị tước đi. Khả năng phòng vệ để sinh tồn dần dần không còn gì. Chiếc mặt nạ phản diện ở đây được vài nhân vật phụ truyền tay nhau đeo. Nhưng phản diện xuất hiện sớm nhứt, dai dẳng từ đầu tới cuối thì lại không mang khuôn mặt người. Đó là chiến tranh. Mà cụ thể hơn là bom đạn oanh tạc cơ của quân đội Đồng Minh. Kết cuộc của cuộc đấu này quá rành rành. Và đây, yếu tố bất ngờ bùng lên chính tại chỗ này. Chiến tranh là nguy cơ, là khổ nạn thì nhân vật trung tâm lại quật khởi tận dụng chính nguy cơ, khổ nạn để sinh tồn. Hướng chạy di tản theo chiều ngược của cậu bé Seita chính là tình tiết khiến tôi thích thú. Theo tôi, đây chính là yếu tố bất ngờ góp phần “cứu” bộ phim khỏi thế khó mà tự nhà làm phim (dũng cảm, tự mình thử thách tay nghề hay là vì lý do nào khác tôi chưa thể biết được) đã đâm vào với cách biên tập như đã nêu.

  Sự thích thú của tôi là thích thú về cách dựng cốt truyện. Còn về tâm lý nhân vật thì cảm giác trong tôi không có gì nghiệt ngã, đau đớn hơn nữa khi phải chứng kiến con người vì sinh tồn trong thời chiến mà dần mất đi tính thiện. Tha hóa, lưu manh hóa mà lại là tiến trình tâm lý của đứa trẻ. Nguồn cơn từ đâu? 

  Chỉ một. 
  Mặt nạ rớt.
  Chiến tranh. 

  Khi coi hết cảnh cuối cùng thì tôi nhận diện là tâm trạng mình trùng xuống rất rõ. Nhưng sự giáng hạ này dường như không có nhiều xúc động bên trong. Vẻ mỹ lệ của bi kịch, của nỗi buồn về 2 mảnh đời bé nhỏ dường như không ánh lên trên đường tụt rớt của cảm xúc. Một điều gì đó có tính tiêu cực khó mà gọi tên đang có mặt bên trong tôi. Nhưng rồi ra khỏi rạp, lên xe đạp, trên đường về, trạng thái đen tối đó đã tan biến. Ý nghĩ “đi coi lần nữa” không hề xuất hiện. 
  
  Lúc ở rạp, tôi thấy không ít phụ huynh dẫn các em tầm trung học cơ sở và nhiều hơn là tiểu học vào coi. Nội dung phim này tôi nghĩ bổ ích với độ tuổi các em. Cảnh giới mà phim bày ra có lẽ sẽ không có em nào được trải và cũng không có phụ huynh nào muốn các em trải. Những thước phim đẹp của tình anh em trong thời chiến sẽ nhắc các em nhớ về hạnh phúc ấm êm mà mình đang có. Em nào giỏi hơn, có lẽ còn thấy mình phải học thêm kỹ năng gì từ truyện phim này. Còn với phụ huynh, theo tôi bộ phim này cũng không phải là dạng phim dễ cảm thụ. Tôi nói từ trải qua của mình. Không dễ để có thể cảm hết được kiểu phim này. Lý do là vì phim đặt trong góc nhìn kể chuyện của một em thiếu niên và có nhiều phút là góc nhìn của một em bé tuổi mầm non. 

  Với dạng phim có cách đặt góc nhìn thế này, tôi thấy tôi không ít lần coi phim nhưng vẫn giữ đôi mắt của người lớn. Mà như thế thì khi mình nhìn những trò của trẻ con, những hành xử của các cháu thì mình rất dễ soi hơn là cảm. Tôi nghĩ đây chính là nguyên nhân cho “một cái gì đó tiêu cực” mà tôi đã viết ở trên. Tôi cần phải “hạ trọng tâm”. Ngồi xuống. Vì con mắt của mình ở tầm cao của một người trưởng thành, rất khó để rung động như là một em bé có tầm mắt (tầm nhận thức) ở một độ cao thấp hơn rất nhiều. Viết thế này thì có thể hiểu toàn bộ bài bình phim của tôi ở đây vẫn chưa phải là đã đặt ở đúng tầm mắt của nhân vật trung tâm. Nếu thật sự thực hành “ngồi xuống”, “nằm bẹp xuống”, có thể tôi sẽ viết khác và làm sáng tỏ tận gốc luôn chính cái khoảng tối khó ở đã đề cập.

  Quay lại với cảnh mở đầu của phim. Cảnh khai màn cũng là cảnh trình đề. Những đứa bé chết đói, ga tàu, đom đóm. Rất rõ ràng! Sợi chỉ đỏ của phim là tình anh em không nơi nương tựa, chỉ có thể dựa vào nhau. Phim là dòng thời gian ngược về hành trình tới ngôi mộ đom đóm. Đom đóm âm Hán Việt là huỳnh (蛍), tiếng Nhật đọc là hotaru (ほたる). Cách viết 蛍 rất phổ biến. Duy chỉ có phim này là ngoại lệ với cách đặt tựa Hotaru no Haka (火垂るの墓). “Đom Đóm” ở đây được viết theo lối hiếm gặp, 火垂る. Cụm từ này nghĩa là những tia lửa hay ngọn lửa rơi xuống. Cách chơi chữ đồng âm nhưng viết khác đi này rõ ràng muốn dựng nghĩa đôi cho hình tượng Đom Đóm trong phim. Nghĩa một là linh hồn của những người chết chưa được siêu thoát. Nghĩa hai là bom đạn của chiến tranh. 

  Biểu tượng đom đóm với những ẩn ý về cõi âm đối với văn hóa Việt Nam theo tôi là không mới. Không mới nên không tạo ra sự bất ngờ. Nhưng với nghĩa thứ hai thì như tôi đúng là lần đầu tiên được chiêm nghiệm. Tuy vậy, nghĩa thứ hai này chỉ nằm ở tiêu đề phim, chỉ dễ chú ý với những người rành tiếng Nhật và nghĩa 2 được xây dần trong thời lượng. Còn với cảnh trình đề, tôi chú ý hơn vào chiếc hộp kẹo màu đỏ mang nhãn hiệu Sakuma's Drops (サクマ式ドロップス). Chỉ đơn thuần là hình. Không bị cũ. Không cần hiểu nghĩa từ vựng. Chưa cần phải thêm tình tiết. Đùng! Một phát một thôi! Đó là dũng lực của hình ảnh. Và chỉ cần đúng một. Trong chiếc hộp thiếc, ẩn chứa trọn vẹn chủ đề phim.

  Hộp chứa kẹo. Kẹo ngọt, đây là vật dẫn mạnh, sắc nét tới trẻ thơ, tới tình anh em. Hộp về sau còn chứa nước. Đây tiếp tục là ẩn ngôn sắc bén tới những bài học sinh tồn trong thời chiến mà hai đứa trẻ bị buộc phải kinh qua. Hộp còn chứa tro tàn và mở ra ý lõi của tác phẩm. Ngay phút đầu đã thấy kẹo và tro.

  Với tôi, sức sống của phim này được tạo dựng bởi sức mạnh của 2 biểu tượng: đom đóm (蛍) và hộp kẹo mang tên gia tộc Sakuma (佐久間). Có thể cái sau không giăng ra những hình ảnh lấp lánh như cái đầu nhưng vì cái đầu vốn dĩ đã quen thuộc nên tôi cảm thấy cái sau tươi mới hơn. Và sức tạo nghĩa chắc chắn không hề kém.

#Vũ_Đạm_Nhiên
11.10.2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét