Tôi thích phần thiết lập (hồi 1) của phim. Phần này được làm đồ hoạ tân thời. Cảm giác khi coi không khác gì các kênh (chuyên biệt vào lịch sử và chiến thuật bóng đá) hàng đầu mà tôi vẫn đang theo dõi. Ngoài các kỹ thuật truyền thống như phỏng vấn, băng tư liệu, việc sử dụng trình ghép hình sinh động đã khiến phần mở đầu của phim rất cuốn hút, giúp tôi hình dung rõ ràng về giai đoạn khai sinh, những bộ óc / bàn tay / đôi chân “hữu hình” giữ tính “bệ phóng” cho thành công sau này của bóng đá nữ Việt Nam.
Mấy năm gần đây liên tục có các bộ phim tài liệu chủ đề thể thao được phát hành. Chúng có rất nhiều trên các kênh phim trực tuyến. Rất tiếc tôi vẫn chưa coi phim nào! Tôi có ý chờ một ngày ra rạp coi một phim như thế. Khi nghe tin “Bóng đá nữ Việt Nam: Chuyện lần đầu kể” công chiếu từ 18.10.2024, tôi rất hào hứng. Như vậy đây chính là bộ phim tài liệu thể thao đầu tiên mà tôi coi trên màn ảnh rộng.
Phim này theo phân loại của tôi có lẽ thuộc vào nhóm phim tài liệu tiểu sử. Quãng kể của phim trải dài 30 năm, khởi đi từ thập niên 1990, năm hình thành lứa cầu thủ đầu tiên của bóng đá nữ Việt Nam cho tới đỉnh cao ước mơ viên thành của một nền bóng đá: tham dự vòng chung kết World Cup (2023).
Sau phần thứ nhứt (hồi 1) mô tả “những viên gạch” ban đầu, theo cách hiểu của tôi, phần thứ hai (hồi 2) là sự tỏ rõ kế hoạch “xây một ngọn núi” (giấc mộng World Cup) từ giới lãnh đạo, huấn luyện viên, cầu thủ qua các thế hệ. Ở phần này, có lẽ ở khoảng giữa thời lượng là thời khắc “công trình gãy đổ” với “chiếc vé hụt” của một thế hệ. Tiếp theo sau đó là quá trình đạt vé của lứa hiện tại. Yếu tố tạo ra kịch tính ở đây là khó khăn ngáng trở khó lường nhất, ngoài cả yếu tố chuyên môn, chính là đại dịch Covid-19.
Qua từng thước phim, hình ảnh người thầy đáng kính Mai Đức Chung hiện lên sắc nét cùng không khí phòng thay đồ với những tâm sự đặc sắc mà chỉ có thể xuất hiện ở bóng đá nữ. Điều tôi trông chờ nhất là những phiên phân tích sa bàn chiến thuật của huấn luyện viên Mai Đức Chung. Chúng xuất hiện có lẽ ở khoảng gần cuối của phần phát triển (hồi 2). Riêng khung cảnh phòng thay đồ thì tôi mong xuất hiện nhiều cảnh quay trực tiếp hơn là các đoạn phỏng vấn về sau khi các cầu thủ kể lại qua hồi tưởng kết hợp với ghép băng hình mô tả diễn biến các trận cầu đinh.
Ở phần cầu thủ, tôi nghĩ hầu hết các ngôi sao đương thời đều được dựng hình rất tốt. Chưa kể những đoạn phỏng vấn được cắt ghép rất đắt giá của các “anh thư” xưa, chẳng hạn như là Phùng Thị Minh Nguyệt. Tuy nhiên, theo tôi nên có một đoạn kể chi tiết phần xuất thân của từng người. Coi xong phim tôi vẫn chưa hề biết họ đến từ tỉnh thành nào. Ví dụ nếu đã dành ra một cảnh chèo ghe hay bước trên đường quê của Huỳnh Như thì có thể đặt thêm một dòng về nguyên quán của cô.
Một nền bóng đá muốn phát triển thì theo tôi World Cup chỉ là một cột mốc. Kỳ tích tự hào này Việt Nam đã làm được. Nhưng quá trình để giữ cho guồng quay này chuyển động mãi mãi thì cần có một giải vô địch quốc gia có chất lượng, cùng với đó là công tác đào tạo và hình ảnh cụ thể là hệ thống bóng đá học đường. Những diễn biến này theo ghi nhận của tôi là chưa có trong phim hoặc xuất hiện chỉ thoáng qua với một trích đoạn từ băng tư liệu về một trận đấu trên sân Hàng Đẫy.
Tiểu sử của phim như vậy theo tôi là tiểu sử một chặng đường 30 năm đội tuyển quốc gia từ sân banh Tao Đàn, từ chợ Cầu Muối (Saigon) cho tới sân Eden Park (Auckland, New Zealand). Tính đặc thù của cách làm bóng đá hướng về thành tích của Việt Nam đã gặt được “quả ngọt” mơ ước. Câu hỏi đặt ra là thành tựu này liệu có được tiếp nối thành một chu kỳ bền vững. Khi mà nhìn vào khu vực Châu Á, người hâm mộ vẫn thấy rõ khoảng cách giữa tuyển Việt Nam với các đội hàng đầu Nhật, Hàn, Úc, Trung… So sánh ở đây theo ý của tôi không phải là sự so kè tỉ số ở một trận đấu cụ thể mà là suy xét vào tương quan của cách vận hành, đào tạo, triết lý chơi bóng và tính phân tầng hệ thống của một nền bóng đá.
Trở lại với hàng ghế khán giả khi dõi theo bộ phim này, có rất nhiều giây phút khiến tôi xúc động. Nguồn cơn chủ yếu có lẽ tới từ việc nhìn thấy tương quan chênh lệch về sức mạnh thể chất và trình độ giữa Việt Nam với top 20 thế giới. Bất chấp những thua thiệt đó, tinh thần bất khuất của phụ nữ Việt Nam đã sáng ngời trong từng trận đấu của hành trình từ vòng loại cho tới 3 trận cầu thiêng liêng chính thức ở World Cup 2023. Tất cả họ đã bước vào ngôi đền huyền thoại của bóng đá Việt Nam.
Vũ Đạm Nhiên
25.10.2024
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét