Dù chưa từng dự 1 khoá học nào của ông nhưng tôi coi Lê Nguyên Phương như thầy, một bậc thầy của lĩnh vực tâm lý học. Tôi đã dự 2 buổi thuyết trình và đọc một quyển sách do ông là người biên tập. Mỗi lần nghe ông nói hay đọc bài ông viết tôi đều cảm thấy “ngợp” trước khối kiến thức đồ sộ.
Tuần rồi ông có 2 bài liên tiếp về phim 君たちはどう生きるか (tựa tiếng Anh: The boy and the heron) khiến tôi chú ý. Riêng ở bài thứ hai, ngay ở câu đầu tiên, tôi đã rất băn khoăn về cách sử dụng từ ngữ của ông. Trong đó, ông đề cập đến nhân vật “Ông Cố” (Great Uncle, 大伯父, Ō-Ōji) “không là vai chính nhưng chính là nhân vật trung tâm của cốt truyện”. [1]
Với cách tiếp cận tác phẩm thông qua hệ thống phân vai nhân vật, tôi có suy nghĩ hoàn toàn khác ông. Để rà soát tư duy của mình tôi đọc lại bài nhiều lần và cố gắng nhớ lại bộ phim mà mình đã coi ở rạp vào cuối năm ngoái.
Tôi nghĩ ông đã sai hoàn toàn với cách dùng từ như trên. Tuy nhiên, không thể lẫy ra một câu khỏi văn bản để đánh giá mà cần đặt câu trong bối cảnh nội dung của toàn bài. Làm vậy để cố gắng hiểu ý của ông, tôi đi tới nhận định. Có lẽ ông nên đặt 2 hay 4 tiếng của thuật ngữ “nhân vật trung tâm” hoặc “trung tâm” trong ngoặc kép ở dòng viết của mình để tránh gây nhiễu ý nghĩa gốc của từ này và bảo toàn được phần nghĩa mới mà chỉ xuất hiện riêng ở trong bài của ông.
Cả hai bài phân tích phim của ông đều không tập trung vào nhân vật chính (protagonist) hay là nhân vật trung tâm (nguyên mẫu “người anh hùng”) trong phim này là cậu bé Maki Mahito. Ông viết rất sâu vào hình tượng “Vua Vẹt” cùng đội quân vẹt và “Ông Cố”. Một bộ phim khiến cho khán giả không chú ý vào vai chính mà chuyển dời sự tập trung vào các đối tượng khác theo tôi là một tín hiệu rất xấu cho nhà làm phim. Bản thân tôi cũng rơi vào trạng thái tương tự. Khi coi phim này, hành trình của nhân vật chính bị đứt mạch nhiều lần. Có nhiều quãng thời gian, vòng cảm xúc của tôi không thể đồng nhất với diễn biến của cốt truyện.
Một cậu bé gặp một tai nạn kinh hoàng. Đó là mất mẹ. Tâm lý cậu như “đóng băng” cùng tai nạn đó. Không chấp nhận người mẹ kế (em gái mẹ mình) và cũng không muốn đi học. Cậu bé dường như muốn ly khai với thực tại. Cậu là dạng người hùng (nhân vật trung tâm) bị chấn thương tâm lý và không hề có ước muốn hành động để thay đổi tình trạng. Với bất kỳ “tiếng gọi” nào của hành trình “tìm mẹ”, cậu đều nói không. Vai trò chủ động để thúc đẩy cốt truyện vận hành tới từ nhân vật “the heron”, chú chim diệc xám. Đây cũng là dạng nguyên mẫu “đồng minh” đồng hành cùng Mahito xuyên suốt tác phẩm. Giao đãi của cả hai giữ vai trò hệ trọng cho sự thành công của phim này. Có lẽ cũng là vì đây mà tựa tiếng Anh của phim chọn đặt theo kiểu đăng đối để gợi ý cho khán giả về một cuộc phiêu lưu vào tân thế giới của đôi bạn. Sự tập trung của tôi do vậy trước hết là vào Mahito và sau đó là giữa cặp đôi này. Rất tiếc, cả hai diễn biến đều khiến tôi bị “rơi nhịp” nhiều lần!
Trở lại với “Vua Vẹt” và “Ông Cố”, trước đó một chút là hình tượng “đàn chim bồ nông”. Có thể kể thêm cả Natsuko, người mẹ kế. Nhóm này theo tôi thuộc vào nhóm phản diện. Sự xuất hiện theo thứ tự lần lượt cho thấy cấp độ nâng cao về tầm ảnh hưởng của từng nhân vật. Tuyến phản diện không gì khác phải làm được một điều căn bản, đó là tạo ra những trở ngại trên hành trình của chính diện. Bản chất của trở ngại từ những “chiếc mặt nạ” này là tạo ra xung đột kịch để dòng chảy tự sự của phim bị nghẽn ứ rồi lại bung ra. Lý do phim không tạo được cảm giác thích thú rồi sau đó là tình cảm yêu mến theo tôi cũng một phần bắt nguồn từ đây. Phim dành quá nhiều thời lượng cho việc thiết lập vùng đệm chuyển tiếp qua tân thế giới và việc xây dựng tân thế giới (mà vẫn để ngỏ nhiều lỗ hổng logic hay một sự giải thích đầy đủ). Phim quá sa đà vào việc vẽ tạc các ẩn dụ uyên áo trong hồi thứ hai mà bỏ qua việc xây dựng sắc bén xung đột kịch. Giữa các nấc xung đột dường như không có tính liên kết và không có cao độ dần hướng lên cao rõ ràng.
Về “Ông Cố”, nhân vật này theo nội dung là người đứng sau “giật dây” toàn bộ chuyến phiêu lưu của Mahito. Về cấu trúc tự sự, đây chính là “trùm cuối”. Hay viết theo mạch suy luận của tác giả Lê Nguyên Phương, đây là “nhân vật trung tâm”, “trung tâm” này theo cách hiểu của tôi không liên quan tới cốt truyện mà có nghĩa là “trung tâm của quyền lực”, người tạo lập tân thế giới, người nắm giữ vận mệnh của toàn bộ tuyến nhân vật phản diện bao gồm luôn cả “chim diệc xám”, vì “the heron” là dạng nguyên mẫu “hai mang”, nửa này nửa kia, thuộc về cả 2 thế giới. Trong phim, hình tượng chim diệc cũng có 2 lốt, người đội lốt chim. Xét theo văn hóa Nhật Bản, chim diệc cũng là biểu tượng của sự kết nối 2 cõi giới, dương phần và âm phần. “Ông Cố” là “boss chót” nhưng tại điểm chạm với nhân vật trung tâm Mahito, không có thử thách nào xảy ra. Bộ phim đã có một cách dàn dựng khác. Ngay giao điểm này, đơn giản chỉ là một lời đề nghị đã được mở ra một phần trước đó, nay tiếp nối để chờ câu trả lời. Lựa chọn của Mahito lúc này với tôi không còn mấy quan trọng. Bởi lẽ với cách đặt vấn đề ở phần thiết lập, sự dấn thân của Mahito vào cuộc phiêu lưu, 3 sự kiện lớn trước đó thì tới cao trào này, sự nhiễu loạn đã xảy ra trong tình cảm và tư duy thưởng thức phim.
Phép màu của Miyazaki Hayao đã không còn!
Vũ Đạm Nhiên
Đường Dừa (Q6), 30.10.2024
[1]
Trả lờiXóaHai bài viết của tác giả Lê Nguyên Phương về phim.
Bài 1
Bài 2