21.9.19

KHOẢNG THỞ TÂN HÒA | CLTNNC#30

Cải lương – Trăm năm nguồn cội, Cải lương, Trăm Năm Nguồn Cội, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, Góc 0, Góc Nghệ, Góc Không, Ý Mai, Nhà Thơ Tân Hòa, Khu Phú Nhuận, Kệ Sách Ý Mai.

Không gian của Kệ Sách Ý Mai không quá rộng. Hẳn nhiên vẫn có thể vừa vặn cho chục người ngồi đọc. Điều tôi ái ngại nhất là sự yên lặng.

Đây chắc chắn không phải là thư viện. Không thể ép buộc mọi người khép chặt vành môi. Bản thân tôi cũng từng ngồi tại đây và cảm thấy ngần ngại khi tiếng nói của mình hơi lớn. Có những bạn đến đây không phải để hàn huyên. Lựa chọn một góc để học bài. Lựa chọn một chỗ để thu náu. Nếu mình thiếu ý thức thì rất dễ gây ảnh hưởng. Mà một khi đã nói chuyện thì dễ cao hứng dẫn đến cao giọng. Đó là chưa kể ngồi theo nhóm. Nhiều khi vì cuộc vui vầy mà bất chấp âm lượng.

Ý tưởng lập kệ sách nơi đây có nguy cơ trở thành một kế hoạch phi thực tế. Hoặc chỉ có thể đọc trong những giờ cửa tiệm neo người. Nhưng đâu phải ai cũng có thể đến vào những giờ đó. Thường chỉ là cuối ngày hay cuối tuần. 

Thế nên trong sự vui của tôi khi biết những bạn đi cùng mình (trong đêm Cải lương – Trăm năm nguồn cội 28.9 sắp tới) đều xác nhận sẽ đến tiệm để đọc thì chen chúc trong niềm vui là nỗi lo. Lo việc đọc của bạn bị ảnh hưởng. Từ lo chuyển thành sợ, sợ không có chỗ để đọc hay đến đọc không đúng thời điểm.

Những lo sợ có thực và chưa khi nào dứt ấy đã tan biến hoàn toàn vào buổi chiều ngày 19.9, lúc 7 giờ 15 phút đêm, khi tôi bước qua cánh cổng nhà thờ ở ngay liền bên kệ sách.

Tôi biết địa danh này cũng đã 4 năm. Từng ngang qua mấy lượt. Ấy vậy mà phải đến hiện tại này mới thấu trải. Dường như mọi thứ phải có thời điểm. 

Tôi chưa hề có một chút kiến thức gì về Thiên Chúa Giáo. Tuy vậy, trong khoảng 1 năm nay, tôi đã quen thuộc với việc đi nhà thờ. Danh sách vào ra lặng lẽ của tôi ở Sài Gòn đã gần chạm đến con số 10. Tôi không đi theo một thường lệ ấn định. Đó có thể là buổi hẹn gặp một bạn lâu ngày không liên lạc. Đó có thể là một lần tình cờ trông thấy. Đó có thể là một ngày chịu không nổi với ô nhiễm tiếng ồn, cần tìm về thánh linh thanh tẩy. Không biết giáo lý. Không hiểu kinh cầu. Không có tràng hạt. Tôi chỉ cần một chỗ ngồi kín đáo để được nghỉ yên trong Chúa. Cái tôi cần thật ra chỉ là không gian. Mà không gian ở đây thì vô hạn.

Cũng cần phải thành thực là những dịp như vậy tôi tự thấy mình phải chỉnh trang y phục. Ít nhất phải tự cảm thấy hình thức là lịch sự và thái độ thì thành kính. Chưa bao giờ tôi buông lơi. 

Chiều hôm nay tôi khựng khớp trong vài phút ở lằn ranh đời / đạo. Vì trước đó trời mưa, ôm thêm mấy quyển cho kệ sách, tôi đã chọn sự gọn nhẹ. Quần thể dục, dép lê. Đáng nói hơn, đây là một chiếc quần rách. Chỗ rách có thể nhỏ không ai biết. Nhưng tôi biết. Giống như gây lỗi lầm, không ai phát hiện nhưng chắc chắn chúng ta tự xét biết. Bề ngoài bèo bọt, quần thì rách. Bàn chân như bị trói chặt bởi một sợi dây vô hình.

Rồi thì cũng thoát nhưng tôi biết cái mặc cảm này vẫn y đó, không sao xê dịch. 

Đi thẳng rồi rẽ phải, tôi lạc vào một khu vườn. Trời đã tối, nhưng vẫn đủ sáng để tôi xác nhận rằng tài nguyên lớn nhất ở đây chính là không gian, thứ tôi cần nhất lúc này. Lại còn cả sự lặng lắng, điều kiện lý tưởng cho một kệ sách, cho một người đọc sách. Trong lúc trầm tưởng dưới bóng của một bức tượng (nếu mắt tôi không lầm là đề tên Trương Bửu Diệp) thì viễn cảnh ôm sách ra đây ngồi đọc đã hiện rõ trong tâm trí. 

“Tuyệt diệu!”, tôi lẩm nhẩm trong khi tiến đến chân của một quả đồi. Toàn bộ khối kiến trúc này đích thực là một khoảng thở xứng đáng và cần thiết cho lồng ngực đã bị chèn ép quá lâu bởi khói bụi, tiếng ồn và sự quá tải trong mật độ dân số. Kệ sách Ý Mai có lẽ cũng là một phần đất thuộc về giáo xứ này thuở xưa?

Tôi lên đồi bằng một ngã rồi xuống bằng một ngã khác. Ở một độ cao nhất định, dù trời đã mờ tối, tôi phóng tầm nhìn ra các tuyến đường chằng chịt bao quanh. Đây đúng như một khu vườn bí mật. Tìm ra nó chẳng khác gì cảm giác khai phá một kho tàng. Phía sau lưng tôi hẳn là điện Thánh Mẫu. Tôi chẳng biết ranh giới nào để chia thành Khu Ngói Trắng và Khu Ngói Đỏ. Nhưng đã nhìn ra vết dấu di chuyển của mình. Vào thánh đường từ mặt hậu, ra vườn, lên đồi rồi vòng xuống cổng vào. Không thấy một bóng dáng của kiến trúc Roman hay Gothique đâu cả, Tây ít hơn Đông. Thay vào đó là triết lý cái đình lai vãng trong đầu và hiện diện trong thị giác là một con số 3 lẻ được lập lại nhiều lần mà khởi đầu là cánh cổng tam quan sừng sững. 

Điều đặc biệt phải ghi nhận đó là ngoài những bậc tam cấp như lẽ thường thì lại có những lối vòng dài, dốc thoai thoải. Lối này hẳn là dành cho những người phải đi xe lăn, khuyết tật hay cao tuổi. Nếu thực là ý tưởng thiết kế ban đầu thì đây hẳn là một sự tiến bộ (mà cũng hiếm hoi) trong các công trình kiến trúc cộng đồng đương thời.

Khi dấn bước vào bên trong Thánh Điện, tôi không khỏi e dè trước những cột, cửa bề thế bằng gỗ lim. Không đủ sáng nên không thể nhìn rõ những khối chạm khắc tinh xảo khác trên đá ở bốn bề. Lòng tôi lúc này dấy lên suy nghĩ về số lượng. Đã phải đốn hạ bao nhiêu cây rừng, đã phải nổ phá bao nhiêu quả núi để có đủ số vật liệu chất chồng nơi đây? Bước chân trở về của tôi vì vậy chuyên chở 2 dòng cảm xúc đục trong trộn lẫn… 

Không khác gì con đường Trần Hữu Trang, tôi sẽ còn quay lại nhà thờ Tân Hòa thêm lần nữa để những hiểu biết của mình về hai chốn nơi này nói riêng và Phú Nhuận nói chung bớt đi phần nông cạn. Nhưng sau lần thám hiểm bỏ túi chiều nay, điều kiện đọc sách với những bạn đồng minh đã được nới rộng.

Không còn là đọc tại chỗ, tại kệ sách Ý Mai nữa. Mà là đọc trong vòng bán kính 500m từ Ý Mai. Và những mảng xanh, khoảng thở ở Tân Hòa trong một ngày trời trong nắng đẹp là lời giới thiệu và khuyến khích chân thành.

#Nhiên
19.9.2019