2.8.19

QUYỂN CỦA THẦY KHÊ | CLTNNC#21

Cải lương – Trăm năm nguồn cội, Cải lương, Trăm Năm Nguồn Cội, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, Góc 0, Góc Nghệ, Góc Không, Ý Mai, Trần Văn Khê, Trần Văn Khê và Âm Nhạc Dân Tộc, Cải lương, đờn ca tài tử, Hát bội, Góc Đọc Cải Lương Trăm Năm, Cải lương trăm năm
Lúc đi xem Cải Lương - Trăm Năm Nguồn Cội, tôi thấy có 3 ấn phẩm truyền thông. Một là vé. Hai là quyển giới thiệu chương trình ở dạng khổ ngang. Ba là một quyển khổ đứng bìa đỏ có in tiêu đề “Gìn vàng giữ ngọc”. 

Hai ấn phẩm đầu tôi đều đã lưu giữ và đặt tại góc đọc Ý Mai. Còn ấn phẩm bìa đỏ thì chưa từng chạm mắt nên chưa biết nội dung bên trong thế nào. Trước giờ vào xem suất đầu tiên hôm 7.7, tôi đã ngồi đọc quyển giới thiệu. Tôi phát hiện một trích dẫn về Dạ Cổ Hoài Lang của thầy Khê (Trần Văn Khê). Trong chương trình, người giới thiệu cũng đôi ba lần dẫn lại các câu nói của thầy. Sau đó thì tôi thấy thêm mấy trích dẫn khác được viết ra trên trang thông tin chính thức của chương trình này. Tất cả gợi lên trong tôi một thắc mắc:

- Nguồn cấp của các trích dẫn đến từ tư liệu nào? 

Khi gom sách về góc đọc Ý Mai, tôi nảy nở một suy nghĩ, “Phải có ít nhất một cuốn của thầy Khê!”. Nhớ trước đây từng có 2 hay 3 quyển. Tiếc là tôi đã mang tặng các thư viện hoặc là tặng ai đó. Hẳn là có 1 quyển có chữ ký của thầy và chính tôi đã quỳ xin. Tôi còn nhớ rõ dáng quỳ của mình, khi đó thầy đã phải ngồi xe lăn. Đó là năm 2010, trong một buổi ra mắt sách. Nơi chốn là số 194 Hoàng Văn Thụ. Còn tháng nào thì tôi cần lục lọi lại ký ức.  

Hiện tại, sách thầy Khê in tại Việt Nam cũng rất nhiều và rất dễ tìm. Tuy nhiên tôi vẫn thích các quyển đời đầu hơn. Nghĩa là những quyển in sau 1975 và trước lúc thầy chánh thức hồi hương (2006). Càng xa mốc 2006 và càng gần mốc 1975 thì càng tốt.

Nay thì thắc mắc vừa kể cũng như ao ước của tôi đã cùng một lúc được thỏa nguyện với quyển sách đang trong tay cầm phút này. 

Bấy giờ (trưa ngày 1.8) tôi đang đi trên đường Trường Sa, dọc theo kênh Nhiêu Lộc. Điểm xuất phát của tôi là Lăng Ông. Lên xe số TÁM và xuống xe tại trạm Trung Tâm Triễn Lãm và Hội Chợ Tân Bình. Đoạn đường này thật mới đúng là được thiết kế cho người đi bộ. Có lối riêng, có cây xanh phủ bóng, có không gian tản nhiệt tự nhiên. Tôi an tâm nhẩm đếm từng cây cầu mà mình bước qua. Cầu số 1, số 2, số 3, số 4, số 5. Số 5 tức là dấu mốc cho tôi biết đã gần đến góc đọc. 

Quyển này có 2/3 nội dung là hồi ký hay các câu chuyện liên quan đến hoạt động cá nhân của thầy Khê. 1/3 sau đó thu hút tôi nhiều hơn. Đó là các bài khảo cứu về cổ nhạc, không chỉ về cải lương mà còn ca trù, đàn đá. Và điều tuyệt vời là tôi tìm thấy chính xác các trích dẫn mà tôi đã được đọc, được nghe, được xem trong suất diễn ngày 7.7. Dựa theo thông tin sách, được biết năm in là năm 2000. Theo lời của chính thầy Khê thì trước đó chỉ có 1 quyển. Đó là “Tiểu phẩm Trần Văn Khê” (1997). Vậy là quyển này, “Trần Văn Khê và Âm Nhạc Dân Tộc”, là tựa sách thứ hai, in lần đầu và có lẽ cũng là lần duy nhất. Tiêu chí tìm sách của tôi ứng đúng với quyển này.

Hân hoan vô cùng! Hân hoan vô cùng!

#Nhiên
Khởi ý 7.7.2019
Hoàn tất 2.8.2019