5.6.19

NHÌN LẠI VÀ NHÌN SÂU

Liên Hoan Phim Tài Liệu Châu Âu – Việt Nam lần X, Liên Hoan Phim Tài Liệu, European – Vietnamese Documentary Film Festival, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, Trần Tuấn Hiệp, Ông Hai Lúa, Võ Văn Chung, Phim tài liệu, DSF, Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương.

“ÔNG HAI LÚA” là bộ phim tài liệu thứ ba (2 phim trước đó đều là phim Việt Nam) tôi xem tại Liên Hoan Phim Tài Liệu Châu Âu – Việt Nam (lần X).


1.
“Ông Hai Lúa” ở đây là một lão nông của tỉnh Tiền Giang, tên Võ Văn Chung. Bấy lâu đã nghe đến danh xưng “Hai Lúa”. Phải đến ngày này tôi mới có điều kiện để khám phá nguồn gốc của cái tên dường đã thành huyền thoại.

Bộ phim với độ dài 36 phút theo tôi là chưa đủ thời lượng để có thể đem đến cho khán giả lược sử về một cuộc đời song hành với bao biến động của nông nghiệp miền Nam Việt Nam từ thập niên 70 cho đến nay.  

Câu chuyện đã có một nhân vật trung tâm thật tuyệt vời, chẳng khác một mỏ vàng. Nhưng cảm giác của tôi là phim chưa khai thác được tối đa nguồn tài nguyên sẵn có. Một cụ ông đã 90 tuổi, bộc trực, hào sảng, khí khái từ trong nhân dáng, chuyển động đến lời ăn tiếng nói và xử thế. Người xem là tôi hoàn toàn bị chinh phục với tất cả những gì thuộc về cụ. Vấn đề còn lại là mạch phim sẽ khai triển như thế nào?

Tôi thấy đạo diễn đã dụng công tái hiện những cột mốc vàng son trong đời của cụ “Hai Lúa”. Kế đó là nỗ lực của ống kính để trình bày lên màn ảnh lịch trình hoạt động thường nhật của cụ. Nhưng có vẻ xu hướng tự sự của phim hơi ngả vào quá vãng, cụ dường sống với những ánh chiếu của xa xưa nhiều hơn.

Điều quan tâm nhất của tôi là việc cụ chia sẻ những kinh nghiệm một đời trồng lúa - nuôi heo - đào ao vang danh thế giới của mình với thế hệ kế cận ra sao thì dường như có quá ít hình ảnh hay các câu chuyện. Thắc mắc của tôi, “Liệu có hội nhóm nông hộ nào đã nỗ lực thật sự trong việc nối kết với cụ và có những hoạt động giao lưu, đúc kết những kinh nghiệm của tiền bối?”. Nếu có, tiến trình ấy đã diễn ra như thế nào? 

Một hướng đi của truyện phim đó là gợi khơi về thực trạng di dân từ nông thôn ra thành thị. Trọng yếu là những bàn luận trên bàn ăn giữa các thành viên trong gia đình “Hai Lúa”. Nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất là não trạng của người trẻ. Thấy sự lấp lánh về kim tiền, về tiện nghi từ thành thị thế nên có một dòng người bán đất, rời bỏ nông thôn. Đó có thể là những nạn nhân của chủ nghĩa tiêu dùng đang ngày một bành trướng sức mạnh. Không có vốn liếng tri thức thế nên không thể vượt qua được cách làm nông nghiệp manh mún, thiếu hiệu quả rồi rơi vào thảm cảnh nghèo đói, nợ nần. Thế nhưng cuộc trò chuyện chỉ xoay vòng trong bao nhiêu đó phân tích. Tôi không tin là với một người như cụ sẽ không thể nhìn ra những nguyên do khác. Chẳng hạn như chính sách hạn điền. Chẳng hạn như vai trò và mạng lưới của những chủ nông hộ sản xuất giỏi, có năng lực kinh doanh lẫn tư duy đầu tư dài hạn. Chẳng hạn sự cần thiết của những định chế tín dụng để điều hướng dòng vốn nhàn rỗi về với khu vực nông thôn. Và còn rất nhiều điều có thể được đào sâu hơn là chỉ nhăm nhăm tập trung vào việc chê trách những người thanh niên đã bỏ làng về phố. Họ không phải là nguyên nhân duy nhất và trọng yếu của tình trạng di tản dân cư. 

Tôi ý thức việc đòi hỏi ở một bộ phim dài chỉ 36 phút những gì vừa nêu có vẻ như bất hợp lý. Nhưng vì đã là thể phim tài liệu thì cạn nghĩ tính hiện thực và việc đi tới cùng với một thực tại phải đặt lên hàng đầu. Nếu đã không mở thì đành. Phim đã mở ra một tiền đề thì nên chăng phải suy xét đến tận cùng gốc rễ hay ít nhất phải đặt ra những câu hỏi xương tủy hay dàn dựng không khí vị nhân sinh để nhân vật trung tâm được dịp bày tỏ nghĩ suy của mình?

Ở một diễn tiến khác, về đời sống cá nhân, cụ có 2 vợ. Vì nguyên do này mà cụ không được vào Đảng, không được công nhận Anh Hùng Lao Động. Qua giọng kể, tôi thấy trái tim dành cho nhân dân, dành cho phụng sự đất nước của cụ là rất lớn. Tự thân 2 sự kiện đã lấp lánh một khối kim cương rất lớn có thể khai thác. Tiếc là cũng tựa như chủ đề di dân vừa nêu, phim chỉ mở ra tiền đề rồi dừng lại.

Bộ phim ÔNG HAI LÚA như vậy với tôi có lẽ chỉ thể hiện được sự NHÌN LẠI mà không phải là NHÌN SÂU vào đời sống của một nông hộ. Cảm tình của tôi dành cho cụ là rất lớn. Và điều tôi trông đợi là được cùng cụ nhìn tới, nhìn về phía trước nhiều hơn. 

2.
Khi định viết thêm mấy dòng kết thì tôi đột ngột nghĩ tới tên đạo diễn phim này. “Trần Tuấn Hiệp”. Trùng với tên của một quyển sách cũ in vào năm 2002 mà tôi mua được vào năm 2018. Chẳng hiểu đó có phải cùng là 1 người? Tôi đã thử đọc quyển ấy. Đó là một tập tiểu luận phê bình điện ảnh. Những chuyện được nói ra chủ yếu là đời sống điện ảnh trong thập niên 90 và đầu 2000. Thật sự là đọc không vào và một phần là không có đủ sự quyết liệt. Biết đâu 2 cái tên, 1 trên bìa sách, 1 trên tờ chương trình LHP lần này là 1? Có lẽ sau bộ phim hôm nay, tôi sẽ có thêm dũng lực để đọc lại lần nữa! Đã mở ra thì phải đi đến tận cùng. Tôi tự nhắc mình như thế.

#Nhiên
4.6.2019