9.5.19

Tâm điểm tháng 4 | CVCV#1

Góc O, Góc Nghệ, Góc Không, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, cảm nhận phim Cha Và Còn Và…, Big Father, Small Father anh Other Stories, Phan Đăng Di
Sự kiện điện ảnh tâm điểm trong tháng 4 của tôi là buổi chiếu bộ phim “Cha và con và…” (CVCV, đạo diễn Phan Đăng Di) tại một rạp chiếu tiêu chuẩn ở quận 7, Saigon.

Phim trước đó gây tiếng vang trên bình diện quốc tế của anh là “Bi! Đừng Sợ” (2010). Phim này tôi chưa xem nhưng đã chứng kiến vài trích đoạn và bị thu hút bởi tính chất gợi hình và biểu tượng. Thế nên, sự trông chờ và hồi hộp đã tăng cao thêm nhiều phần dành cho phim dài thứ 2 trong sự nghiệp đầy triển vọng của Phan Đăng Di. Nhất là với thực tế bất chấp đã từng được chọn vào kỳ tranh giải tại Liên Hoan Phim Berlin (2015) nhưng cho đến nay, tức là sau 4 năm xa dài, tác phẩm vẫn chưa thể ra mắt chính thức tại quê nhà. Và nếu tôi không lầm thì buổi chiếu mà tôi tham dự trong tháng 4 là lần đầu tiên phim được giới thiệu với đông đảo công chúng (hẳn nhiên là số lượng giới hạn) tại Việt Nam. Đâu đó có thông tin, CVCV đã từng được trình chiếu tại Viện Goethe Hà Nội. Tuy vậy, dù chưa từng đến nơi này, tôi vẫn dự tưởng đó không phải là nơi phù hợp (ít nhất là ở khía cạnh kỹ thuật ánh sáng, âm thanh) cho việc thưởng thức một phim truyện.

Giờ chiếu vào buổi sáng, chính xác là 9:00 am. Tôi chưa từng cảm thấy thoải mái với những rạp chiếu được tích hợp vào khối kiến trúc của một trung tâm thương mại. Và tôi vẫn tin rằng với những bộ phim dạng này, màu sắc, sự chọn đề tài, cách kể, phong vị có thiên hướng của dòng phim độc lập, cần có một hệ thống rạp riêng, hay ít nhất là một không gian tách biệt với những nơi chốn có tính chất giải trí, thương mại chính thống. Mốc thời gian trình chiếu có vẻ không phù hợp cho giờ sinh học của cơ thể nhưng cũng là thời điểm khu trung tâm thương mại vừa mở cửa. Lượt người di chuyển bên trong tòa nhà không đông, rất thưa vắng, nhìn quanh chỉ thấy hầu như là các anh chị trong tổ vệ sinh đang làm việc. Sự xô bồ, chen chúc và tạp âm ồn náo chưa đến phiên biểu hiện. Với tôi, tất cả những trải qua vừa kể thật sự là dưỡng chất cần thiết cho tâm trạng trước khi câu chuyện phim bắt đầu.

Cách đó một tuần lễ, tôi vẫn nghĩ phim sẽ được chiếu trong không gian của một phòng chiếu thu nhỏ mà thực tế là thuộc về cơ sở vật chất của một trường đại học. Dự định của những người tổ chức là chiếu 3 phim nối nhau. Tôi đã xem phim đầu tiên. Vậy nên, với CVCV, tôi cũng nghĩ sự hạn chế và khiếm khuyết trong khung hình và sắc độ sẽ là trải nghiệm nối dài. Thật bất ngờ! Đâu như 2 ngày trước lịch chiếu, địa điểm đã thay đổi. 2 nơi trình chiếu trong kế hoạch ban đầu và thay đổi sau đó chỉ cách nhau 300m, thế nên hành trình bus Một Ba Chín về quận 7 của tôi cũng không bị xáo trộn. Và tất nhiên, với việc đổi thay có tính chất quyết định này, niềm vui là niềm vui chung, cho cả người làm phim lẫn khán giả. 

Thành phần tham dự có lẽ chiếm 2/3 số lượng là nhóm sinh viên phân ngành có liên quan. Một dãy ghế VIP có sự hiện diện đầy đủ của toàn bộ dàn diễn viên tham gia CVCV. Trường hợp vắng mặt duy nhất theo sự ghi nhận của tôi là Đỗ Thị Hải Yến, một phân vai quan trọng và đồng thời đây cũng là nhà sản suất của phim này, một phim mà trong thành phần sản xuất có sự hợp tác của 4 nhóm quốc tịch, bao gồm Đức, Pháp, Hà Lan và Việt Nam. Và theo phát biểu sau buổi chiếu của anh Di, đây cũng là lần đầu tiên, các diễn viên có được cơ hội xem trọn vẹn bộ phim này. 

Với tính chất cũng như thành phần góp mặt, tôi nghĩ rằng tất cả những ý kiến phản hồi từ buổi chiếu này, nhất là ở các đối tượng 18-22 tuổi, đặc biệt lại là các bạn được đào tạo theo phân ngành nghệ thuật nói chung và phim ảnh nói riêng, sẽ là nguồn thông tin bổ túc vô cùng hữu dụng cho nhà sản xuất cũng như thành phần nhân sự đã tạo ra tác phẩm này. Tôi đã từng nghe nói đến những buổi chiếu thử trước khi một bộ phim có bản dựng cuối cùng. Và người đạo diễn hay người đảm nhận phần biên tập hình ảnh sẽ có những điều chỉnh dựa trên các phản hồi của buổi chiếu thử. Trường hợp của CVCV có khác đôi chút, khi mà bản phim chính thức đã từng ra mắt ở các LHP, tuy nhiên giá trị thông tin của buổi chiếu sáng nay vẫn sẽ có tính hữu ích. Vì chúng cho biết ấn tượng, cảm xúc, ẩn ngôn thật sự mà phim để lại trong lòng lớp khán giả trẻ, một dạng thước đo năng lực cảm thụ. Và qua đó, xác suất ra rạp chính thức của phim hay nguyên do cho sự vô hình mãi mãi cũng sẽ có thêm những luận cứ thực tế.

Hình ảnh đầu tiên của phim, nếu tôi nhớ không sai, là một chiếc ghe đang di chuyển trên sông. Khung hình hiện ra loạt ảnh toàn rộng của những dãy nhà tạm bợ, lụp xụp, tồi tàn. Ngay phía sau là các tòa cao ốc, chung cư bề thế, đồ sộ chắn ngang đường chân trời. Sự tương phản này thuộc vào dòng thời gian của chuyện phim, tức thập niên nghìn chín chín mươi. Nhưng đến thời điểm bây giờ, khi thành phố Saigon sắp bước sang hai nghìn hai mươi, không có gì khó nếu cần thu bắt những hình ảnh chướng trái tương tự. Tôi tự hỏi bộ phim CVCV sẽ phát triển theo lối nào? Có ý hướng chỉ trích những sai lầm trong chính sách quy hoạch đô thị hay một chủ trương nào đó của giới lãnh đạo thượng tầng? Phim sẽ là bài văn tự sự bằng hình ảnh về kiếp nghèo ngụ cư và phận đời trôi dạt trên sông? Hay phim tựa như nhiều dự án điện ảnh đương thời có chủ đích hướng về tầng lớp thiểu số thượng lưu, xa hoa, giàu có? Hiện thực xã hội nào sẽ được nhắm tới? Hay chung quy phim chỉ trôi theo một cảm giác mơ hồ chủ đạo mà các diễn viên lẫn cốt truyện phải hiến tế để làm phương tiện truyền tải?

Giữ ấn tượng về cách dựng hình ban đầu, kiên nhẫn đến hình ảnh kết phim, thâu tóm những lựa chọn bối cảnh, khung hình của đạo diễn và nhất là nương theo tựa đề của bộ phim, tôi đã có lời đáp. CVCV với tôi là những hoạt ảnh về phận nghèo, về những con người lao động số đông, về khủng hoảng trong kiếm tìm tánh nam, tánh nữ, về sự đứt lìa truyền thông giữa thế hệ hôm qua / thế hệ hôm nay và về ngày mai, một ngày mai không có hay là không có ngày mai.

#Nhiên
22.4.2019