12.11.19

Đảo Mơ | FoodLore | S1E1

Island of Dreams, Erik Matti, Food lore, HBO Asia, Hbo Original, Đạm Nhiên, Nhiên, Góc Nghệ, Góc O, Vũ Đạm Nhiên

Tôi bối rối khi xem tập đầu tiên của chuỗi phim, tạm dịch "Ẩm thực dân gian" (Food Lore) do HBO phát hành.

Bối rối vì chưa hiểu gì về cấu truyện phim truyện có độ dài 60 phút. Với độ dài 120 phút, tôi có nhiều kiến thức lẫn kinh nghiệm xem tại rạp. Còn với dạng phim này, sự trải qua của tôi chưa nhiều. 

Bối rối còn là vì cách kể của đạo diễn Erik Matti (1970, Philippines). Ông chọn cách kể xen lẫn quá khứ và hiện tại. Đây không phải là cách kể được khuyến khích trong làng phim trừ những trường hợp đặc biệt. Nếu không biên tập tốt, phim trở thành hồi ký hoặc gây khó hiểu cho khán giả. 

Tôi không gặp vấn đề về việc nắm bắt nội dung nhưng cảm thấy giữa các lần chuyển mạch quá khứ, hiện tại không được mượt mà. Tôi nhận định những lần chuyển này dựa trên cảm giác (đường đột) hay lời tự sự của nhân vật (chuyển bằng cách dùng giọng thoại tự sự của nhân vật chính) hơn là sự đồng bộ với tình huống trong cấu trúc tự sự. 

Cách dẫn dắt khiến cho tôi hình dung sự dựng cắt (biên tập phim) theo ước muốn chủ quan của đạo diễn hơn là tính hợp lý trong hành trình tâm lý nhân vật. Điều nguy hiểm nhất của phim này là tạo cho tôi ấn tượng về vật cản quá khứ hơn là vật cản hiện tại. Hoặc chúng cũng tương đương nhau. Nếu đạo diễn muốn vậy thì tôi e rằng ông đã biến phim thành sách hay là hồi ức của nhân vật. Sức nặng của dòng hiện tại cần vượt hơn dòng quá khứ. Kết phim không cho tôi nhận định này. Nhân vật đồng thời giống như hóa giải cả mâu thuẫn trong chuyện xưa lẫn chuyện nay. Phải chăng là đã có một sự bối rối của chính đạo diễn trong cách đặt trọng tâm
vào dòng tự sự của phim này?

Trích đoạn giới thiệu "Island of Dreams"


"Mơ" hay "mơ mộng" là một phần tựa của phim, "Island of Dreams". Tôi tạm dịch là Đảo Mơ. Mơ ở đây là mộng viễn du. Trong giấc mộng ấy có khao khát khám phá thế giới và trong sự khám phá ấy là mong muốn đổi đời. Còn Đảo là sự biệt lập, tách ly. Trong bộ phim Philippines này có 2 nhóm người rõ rệt. Một, bám víu với cái nghèo, không muốn ra đi. Hoặc dùng lý lẽ sống đơn giản, biết đủ để ngụy trang cho sự đóng đinh thân phận. Hai, ra khơi, hướng đến Manila, xa hơn là Hong Kong, xa nữa là USA. Trong tiến trình di dân xác lập thế đối kháng giữa 2 nhóm. Tư duy khác biệt và thu nhập khác biệt tạo ra mâu thuẫn không thể dung hòa. Một trong những yếu tố tô đậm thêm (mà cũng là ý chính của phim) sự mâu thuẫn chính là khẩu vị. Có thể thấy được điều này qua các chọn hình ảnh tượng trưng giữa thịt heo (nghèo, dân quê) và thịt cừu (giàu sang, thượng lưu).  

Ở phương diện xây dựng mâu thuẫn, nếu nhìn theo hướng này, tôi học được nhiều từ kịch bản của "Đảo Mơ". Chỉ riêng ở điểm này, tức sự khác biệt trong khẩu vị tạo ra sự xung khắc trong lối sống, phim thuyết phục tôi hơn nếu so sánh với lối tạo mâu thuẫn tương tự (chọn tâm điểm vào mùi vị) trong phim Ký Sinh Trùng (Parasite, đạo diễn Bong Joon Ho).

Hạt nhân của phim là cô Nieves, một người giúp việc tại Manila, thuộc nhóm 2 và bị bao vây bởi nhóm 1. Cô về đảo quê trong một lần nghỉ ngắn hạn duy nhất trong năm. 1 người làm tại thủ đô đủ nuôi cả nhà. Địa vị đó và cả phong cách nấu nướng theo gia vị của gia đình giàu có ở Manila đã khiến cô dần dần nhận ra sự khác biệt không thể dễ dàng giảng hòa giữa mình và gia đình nhà chồng. Phim đồng thời cũng mở ra câu chuyện quá khứ với sự phản chiếu tư duy và phong cách sống "chôn chân, an phận" qua hình ảnh của người cha. 

Bộ phim là cách nhân vật đi theo manh mối của hương vị, của cách thức nấu các món ăn truyền thống để khám phá những ẩn ức từ tuổi thơ và cả gia đình. 

Tôi không quá ưa thích phim này nhưng nhìn thấy sự lập lại thêm lần nữa trong việc khai thác chủ đề đảo, mộng viễn du, sự di dân đã từng gặp trong 2 phim Philippines đã xem trước đó tại rạp trong 2 năm qua. Thầm ước ao cách cải biên chất hiện thực trong phim này sẽ xuất hiện ở các tác phẩm Việt Nam.

#Nhiên
8.11.2019



Giới thiệu quá trình làm phim "Island of Dreams"