6.11.19

Đánh giá về 19 phim Việt (2019) | NL#2

Bông Sen Vàng, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX1, Đạm Nhiên, Nhiên, Góc Nghệ

Nhân Liên Hoan Phim (LHP) Việt Nam lần XXI (Bông Sen Vàng) 2019, tuần phim chào mừng cũng theo đó mà được tổ chức trong vòng 7 ngày của tháng 11. Có nhiều phim Việt Nam chắc chắn tôi không bao giờ bỏ tiền và thời gian đi xem. Vì lẽ thể loại không hợp với thói quen thưởng thức (1), câu chuyện không phải là chủ đề quan tâm (2) hay nhân sự không đủ thuyết phục tôi về mặt chất lượng (3). 

Nay là dịp phát vé miễn phí. Thế nên tôi cũng tranh thủ đi xếp hàng để lấy vé xem thử và tự xác định đây như một dịp kiểm tra chéo với dự cảm trước đây của mình hoặc cũng là một trải qua để làm mới tư duy, xóa bỏ những định kiến.

Khi cầm được những chiếc vé đầu tiên, tôi bất chợt nghĩ đến số phim Việt Nam mình đã xem trong năm 2019. Tâm trí như bị tẩm nhuộm ngay một màu xám! Mệt! Chán! Buồn! Rũ rượi! Dường như trong năm nay, không có một bộ phim nào thật sự tạo ra một phản ứng say mê, điên đảo trong lòng mình! Số đầu phim đã xem hẳn là cũng rất ít ỏi.

Thế nhưng, đến khi ngồi xuống, cố gắng lục lọi trí nhớ và viết ra danh sách thì tôi ngạc nhiên là mình đã xem đến 12 phim. Nếu cộng với 4, 5 phim sẽ xem trong tuần phim sắp tới (tôi muốn đi xem nhiều hơn nhưng rất tiếc thể lực, cảm xúc, trí óc cũng cần có điểm dừng để phục hồi và suy xét) cùng với 3 phim tôi dự định mua vé trong 2 tháng cuối năm. Rất có thể tôi sẽ chạm ngưỡng 20 phim. 

Tôi mới chỉ thực sự đi xem phim thường xuyên (định kỳ hàng tháng, nếu có phim phù hợp như 3 yếu tố in nghiêng ở trên) từ tháng 6.2017. Trong năm 2018, tần suất thường xuyên đến rạp của tôi cũng chỉ thật sự diễn ra từ sau tháng 6.2018. Vậy nên, dù chưa thống kê nhưng tôi nhiều phần đoan chắc con số 20 là số đầu phim Việt Nam cao nhất mà tôi đã xem trong 1 năm dương lịch. 

Tuy nhiên, như đã nêu, trong năm nay vẫn chưa có phim nào tạo cho mình một cảm giác “bùng nổ” thật sự! Sau một lần xem, nếu không có bất kỳ sự thu hút nào, tôi không thể đi tiếp lần hai. Chỉ sau một lần, nếu đánh giá về phim, có lẽ chỉ ở mặt cảm xúc. Cảm xúc thì chưa đủ để nhận định về một tác phẩm. Cần có thêm phần phân tích của trí năng, cần thêm một chuỗi ngày điềm tĩnh suy luận về những giá trị nội tại của phim. Nếu buông dòng đánh giá chỉ sau một lần xem thì có phần thiếu công bằng với người làm ra sản phẩm. Thế nhưng, cảm xúc không đầy, không đủ thì thật khó để có tiếp tục quay lại xem phim và bắt đầu việc ngồi xuống mổ xẻ bề trong của nó.

Mặc dù vậy, tôi nghĩ đây cũng là lúc trùng hợp và phù hợp để kiểm nghiệm cảm xúc trung thực của mình với tất cả những trải qua trong năm. Đánh giá cảm xúc tôi tạm cô đọng thành sự hài lòng. 

Phim ảnh cũng là một sản phẩm. Và mình khi đến rạp cũng như một khách hàng. Sự hài lòng cũng có thể được xem như là một phản ánh từ trải nghiệm người dùng sản phẩm. Tôi tạm chia thành 5 trạng thái của hài lòng. Với mỗi trạng thái, tôi dùng một màu sắc thể hiện. Sự quy ước này hẳn là không theo kiến thức mỹ thuật (tôi là con số 0 trong lĩnh vực này). Tôi tạm quy ước theo bảng màu hiện có trong khung soạn thảo văn bản và cảm giác mà màu sắc ấy mang lại cho tôi. 

Tôi tạm quy ước như sau:
- hồng: RẤT HÀI LÒNG
- xanh dương (thẫm): HÀI LÒNG
- xanh lá (nhạt): chẳng hài lòng mà cũng chẳng phải không hài lòng, trạng thái TRUNG TÍNH, lơ lửng, mơ hồ, không tích cực và cũng không tiêu cực
- cam: KHÔNG HÀI LÒNG
- đỏ: RẤT KHÔNG HÀI LÒNG


Dưới đây là danh sách các phim đã xem tại rạp năm 2019 theo trình tự thời gian. Phần thông tin đi kèm tựa phim là đạo diễn, người chịu trách nhiệm về phẩm chất chuyên môn của một bộ phim.

Hồn papa, da con gái (Ken Ochiai)
Đảo của dân ngụ cư (Hồng Ánh)
Cha và con và … (Phan Đăng Di)
Chùm phim ngắn (các đạo diễn trẻ)
Ước hẹn mùa thu (Nguyễn Quang Dũng)

Người vợ ba (Ash Mayfair)
Những cánh én đầu tiên (Lê Nguyên Bảo)
Thưa mẹ con đi (Trịnh Đình Lê Minh)
Anh thầy ngôi sao (Đức Thịnh)
Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi (Chung Chí Công)

Thất sơn tâm linh (Lê Bình Giang)
Bắc kim thang (Trần Hữu Tấn)
Cua lại vợ bầu (Nhất Trung)
798 mười (Dustin Nguyễn) 
Pháp sư mù (Huỳnh Lập, Lý Minh Thắng)

Nơi ta không thuộc về (Đặng Thái Huyền)
Hai Phượng (Lê Văn Kiệt)
Truyền thuyết về Quán Tiên (Đinh Tuấn Vũ)
Anh trai yêu quái (Vũ Ngọc Phượng)


Tôi sẽ cập nhật các phim xem trong 2 tháng còn lại của năm nay vào danh sách này. Những phim màu hồng hay xanh thẫm, nếu được chiếu tại rạp, tôi chắc chắn sẽ đi xem lại để tiếp tục chuỗi ngày phân tích về nó. Những phim xanh nhạt thì đúng như cảm giác trung tính, xác suất quay lại hay tìm hiểu cũng là 50/50. Còn những phim màu cam hay đỏ, cuộc đời thì hữu hạn, mỗi người chỉ có thể dùng thời gian, tài nguyên của mình cho những gì mình yêu thích, say mê. Thế nên, tôi không có gì để viết thêm, nói thêm về chúng.

#Nhiên
6.11.2019

::: ::: ::: Mục Lục ::: ::: :::

*Cập nhật 7.11

- Sáng nay, xem thêm 1 phim Việt. Vậy nên, tôi thêm phim này vào danh sách đánh giá của mình. Không hài lòng.

- Tôi cũng chỉnh là màu của Thưa Mẹ Con Đi, từ thẫm sang nhạt. 2 lần xem phim đầu của tôi đều là được mời, không mất vé, chỉ mất công đi. Đến lần xem thứ ba, tôi mới cảm thấy cảm xúc của mình bị khơi gợi một chút. Có lẽ điều cần để tâm nhất với phim này vẫn là cấu trúc kịch bản. Tìm hiểu kỹ để xem sự triển khai ở mặt hình ảnh đã bị trượt rớt như thế nào. Tôi vẫn còn nhớ cảm xúc sau lần đầu tiên xem Thưa Mẹ Con Đi. "Nhạt", một sự nhợt nhạt trong tâm trí sau khi rời rạp. Thiếu một ấn tượng điện ảnh thực sự! Ấn tượng điện ảnh với tôi là gì? Đó là nếu đi lên cầu thang, thì sự đi lên đó, hay bối cảnh cầu thang đó cần phải có một ý nghĩa khác đi thứ mà người ta chỉ thấy qua màn chiếu. Một sự biến chuyển trong chiều sâu tâm lý nhân vật. Một chuyển động ăn khớp với cấu trúc tự sự của bộ phim. Và một sự lưu luyến trong giác quan của khán giả. TMCĐ không phải là không có mà là thiếu, là không nhiều. Thế nên, không tạo ra một trạng thái say mê trong tôi. 

Phim sáng nay cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhưng nhiều hơn, nặng hơn TMCĐ. Giữa 2 phim thì nếu xếp hạng, phim sau phải ở dưới phim trước 1 bậc. Không phải chỉ ăn khách, bán được nhiều vé thì trở thành lựa chọn tiêu điểm, thành gương mặt đại diện cho Việt Nam trong một liên hoan phim quốc gia! Hẳn nhiên, phim có khán giả thì chắc chắn đã có sự thành công trong một khâu, một đoạn nào đó trong quá trình sản xuất, phát hành! Nhưng rất cần những người có năng lực phê bình và một không gian phê bình nghiêm túc, không phe phái, không vụ lợi để chỉ ra đúng chân hình của những tác phẩm này.

*Cập nhật 8.11

- Từ khi xem "Bao giờ có yêu nhau" tôi đã nảy nở thiện cảm với anh Dustin Nguyễn. Đó là thuở mới tập đi xem phim của mình. Chẳng biết bây giờ xem lại sẽ thế nào. Trong năm 2018 thấy phim "798 Mười" ra rạp. Định đi xem mà lưỡng lự thế nào! Qua suất xem 10 giờ sáng hôm qua thì thấy trực giác của mình là chính xác. Tôi đánh giá "rất không hài lòng" với phim này. 

*Cập nhật 11.11
Liên tiếp 2 ngày cuối tuần tôi xem phim 2 phim có bối cảnh quay tại Ninh Bình. Có phim là vé mời, có phim là mua vé. Nhưng rạp đều trống chỗ. Có lẽ chưa tới nửa số ghế tại rạp. Cả 2 đều giản dị và thiên về phong cách kể bằng lời và khá giản dị trong xây dựng cấu trúc. Tôi có cảm nhận không hài lòng và rất không hài lòng.

*Cập nhật ngày 12.11
Đêm 11.11, tôi đến Rạp Quốc Gia để xem Hai Phượng. Phim thuần túy hành động, cốt truyện đơn giản. Phim rất mạnh về khâu dàn dựng các cảnh hành động nhưng tôi chờ một sự đào sâu về mặt tâm lý nhân vật. Không quá thích thú và cũng không có cảm giác tiêu cực nào. Tôi nghĩ cảm nhận của mình về sau 1 lần xem là trạng thái trung tính.

*Cập nhật ngày 13.11
Đêm 12.11, tôi đến xem suất chiếu cuối cùng trong Tuần phim chào mừng Liên Hoan Phim Việt Nam (Bông Sen Vàng lần XXI). Đường xa gần 15km. Hà Nội lại trong ngày báo động tím về ô nhiễm. Rốt cuộc tôi được hồi trả bằng một bộ phim dưới trung bình. Cảm giác bất mãn, rất không hài lòng.