13.11.19

Cá và Hoa | Food Lore | S1E2

Food Lore, He serves fish, she eats flower, Chàng dâng cá, nàng ăn hoa, Phan Đăng Di, Đạm Nhiên, ,Góc O, Góc Nghệ, Nhiên, Câu chuyện ẩm thực, HBO, HBO Asia

Mờ nhạt là cảm giác của tôi xem khi xem tập 2 (Chàng dâng cá, nàng ăn hoa, CDCNAH, tựa tiếng Anh là He serves fish, she eats flower) trong chuỗi phim Food Lore mùa thứ nhất của HBO. Food Lore, tôi tạm dịch là “Ẩm thực dân gian”. Một số nơi dịch là “Truyền thuyết ẩm thực” có lẽ đã quá đà về mặt ngữ nghĩa. Phía HBO khi tạo phụ đề, họ chuyển thành “Câu chuyện ẩm thực”. Có lẽ đây là cách chuyển ngữ giản dị và chuẩn xác.

Sự mờ nhạt sau tập 2 không phải là trạng thái trung tính, chung chung, khó mô tả mà có thiên hướng hạ xuống phía tiêu cực, không hài lòng nhiều hơn khi xem phim này. 

Tôi gặp phải tình thế tương tự sau khi xem một phim trước của đạo diễn Phan Đăng Di. Đó là phim “Cha và con và…” (2015), một phim chắc chắn không được đông đảo khán giả Việt Nam biết tới do chưa từng phát hành tại cụm rạp thương mại. Theo suy nghĩ của tôi, phim trước cũng khó có khả năng bán được vé thế nên xác suất nhận được quyền phát hành cũng không đáng kể. Tuy nhiên, nếu phim được chiếu rộng rãi thì sẽ có dư luận phê bình khen chê mở rộng và công khai về nó. Điều này là công bằng với những phim khác hơn là tình trạng hỏa mù kéo dài về trong nhận định chất lượng phim truyện này như hiện tại.

Trở lại với CDCNAH, tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc viết ra rõ ràng những suy nghĩ của mình. Từ lúc xem đến hơn cả một buổi sáng lẫn chiều kéo dài đến đêm vẫn chưa thể có một đánh giá nào có tính tươi sáng về tác phẩm này. Một số phân đoạn của phim, tôi không nghe rõ lời thoại. Gần như không hiểu nhân vật đang nói gì, cả tuyến chính, lẫn tuyến phụ. Vai quần chúng hóa thân không đạt. Vai phụ lẫn chính thoại nhiều lúc thều thào hay đang cố gắng tạo ra độ tĩnh trong diễn xuất (?). 

Dò xét theo sự không hài lòng hay là tiêu cực về phim, tôi nhớ lại một loạt các hình ảnh biểu tượng đậm màu dục tính trong bàn tay của nhân vật Thăng. Đó phải chăng là ẩn ngôn cho “cá”, cách chọn của đạo diễn để diễn đạt tâm lý yêu đương của một người đàn ông? Đối xứng với “cá” hẳn là “hoa”, là đời sống tình cảm của một người phụ nữ? Trong tình yêu, ở người nữ, khác với nam giới, sự mãn nguyện rơi vào khía cạnh tinh thần nhiều hơn? 

Tôi chưa thấy sự phát triển trong cấu trúc tự sự của phim này một cách rõ ràng. Sự không rõ ràng có khi là thủ pháp cố ý, có khi là do yếu kém từ khâu chỉ đạo. Tôi chưa khẳng định lúc này. Nếu đạo diễn thật sự muốn chuyển tải một chuyện tình dở dang hay một cảm giác bất toàn trong tình yêu thì những gì đã thấy trên màn hình không đủ thuyết phục tôi. Nếu quả thật muốn đặt vấn đề rồi giải quyết theo hướng từ “cá” chuyển sang “hoa” thì tôi nghĩ phim không thành công. Ấn tượng về “cá” sâu đậm, có tính bội thực trong thị giác. Chúng lại còn dẫn dắt nhiều đến tình dục cưỡng ép nên gây ra sự phản cảm và thô thiển. Nên nhớ rằng đây là chuỗi phim được phát hành rộng rãi ở mạng lưới truyền hình châu Á, lẫn toàn cầu. Ghi chú ở góc phải màn hình là “world premiere”, công chiếu toàn thế giới. Đây không phải là phim thể nghiệm hay trình chiếu ở cụm rạp độc lập. Theo tôi, sẽ là hợp lý nến truyện phim tạo ra một nhận thức mới trong tâm lý nhân vật vào cuối phim về “hoa”. Nếu vậy, cần phải có tính cân bằng và sức nặng tương xứng trong đối cực hình ảnh biểu tượng. Theo ghi nhận của tôi, ẩn ngôn về hoa thật sự quá yếu, quá mờ trong phim này. 

Rơi vào phần cuối phim là một bữa tiệc sushi theo nghệ thuật Nyotaimori, nghĩa là bày biện đồ ăn trên cơ thể khỏa thân. Đến đây thì tâm trí của tôi không hòa cùng sự phát triển trong tâm lý yêu đương của một người đàn ông nữa. Thủ pháp tả chân hẳn là có ý muốn khơi sự quên mình trong tình yêu? Yêu đến điên cuồng, đến mê muội, yêu đến đánh cuộc cả tính mạng. Có phải thế chăng? Theo tôi hiểu là vậy, nhưng sự hiểu bị xâm lấn bởi cảm giác khó chịu, không thoải mái. Là một phim Việt Nam, được gợi ý từ nhà đầu tư về đề tài ẩm thực dân gian thế nhưng cách chọn những nấc thang trong phát triển sự kiện, tình huống lại khiến tôi ngả về văn hóa, ẩm thực Nhật Bản mà đó cũng là những truyền thống ứng xử gây tranh cãi và rất dễ tạo ra sự tẩy chay nơi các quốc gia khác. Tại sao làm phim chiếu ở toàn thế giới lại đi theo cách khai thác này? Trong khi đài HBO Asia lại đang phủ sóng tại Indonesia, Malaysia nơi mà cộng đồng Hồi Giáo chiếm đa số. Đó là chưa kể Singapore. Chắc chắn khách hàng thuê bao của HBO ở những nơi có đức tin vừa nên sẽ không hài lòng. 

Hình ảnh cứu chuộc trong CDCNAH với tôi là lúc 2 kẻ tình nhân ở cùng nhau trong một con thuyền. Ống kính thoái lui, phóng thích cho người xem bầu trời đêm và bãi bùn của một dòng sông đã rút nước. Cảnh này có lẽ là cảnh ngoại (cảnh toàn) đặc sắc nhất trong một phim chủ yếu quay nội. Theo tôi, đây là cảnh có sức gợi hình và diễn đạt hiệu quả diễn tiến của truyện phim (tình trạng sinh lý, tinh thần và cả mối tình của 2 nhân vật). Thật tiếc khi không còn một thoáng giây ý ẩn trong hình nào khác khiến tôi ưng ý! Viết “ưng ý” thật ra là không chính xác. Vì sử dụng bùn hay là sự mắc cạn không phải là một điều gì quá mới mẻ trong phong cách kể chuyện bằng hình của đạo diễn Phan Đăng Di.

Khi nghĩ đến cảnh nội, cảnh ngoại, tạo sự kiện và sự điều động con người (số lượng diễn viên) thì tôi nhận ra phim ở tập 1, “Island of Dreams” có sự vượt hơn  CDCNAH. Thế nhưng nếu là đánh giá một phim hoặc so sánh giữa các phim thì tôi nghĩ lúc này là chưa phù hợp. Trước mắt vẫn còn 6 tập chưa lên sóng.

Để có những nhận xét chính xác với về CDCNAH, tôi sẽ xem phim thêm 1 lần nữa.

#Nhiên

Trích đoạn về phim CDCNAH tôi chưa thấy HBO Aisa đăng tải. Mới đây họ lại vừa đăng phim tập 3 quay tại Indonesia. Nhìn vào ngày đăng, tôi thấy ngày 5.11. Giờ họ mới công khai. Theo phán đoán của tôi, một số đoạn phim ngắn giới thiệu HBO đã tải sẵn lên trang nhà. Chỉ là họ có thể đặt ở chế độ “bản nháp”, ẩn đi. Đến khi cần thì mới công khai. Chẳng hiểu vì lý dó gì mà đến giờ, HBO vẫn chưa đăng trích đoạn giới thiệu phim CDCNAH trong khi phim đã công chiếu vào tuần trước (?).

Tôi đành lấy trích đoạn từ Liên Hoan Phim Tokyo mới đây vậy.


Còn đây là đoạn giới thiệu về hậu trường CDCNAH đã đăng trên HBO Asia vào ngày 11.11.2019