21.6.19

NỖI HẬN CỦA NGƯỜI HÀN QUỐC | BJH#2

Cảm nhận phim Ký Sinh Trùng, Parasite review phim, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Góc O, Góc Không, góc nghệ, Nhiên, Bong Joon-ho
Tôi chưa có người bạn nào đủ thân mang quốc tịch Hàn Quốc nên phần lớn nhận định của tôi về người Hàn là qua sách vở, phim ảnh và sự lắng nghe các ý kiến từ những người khác.


Nhận định về người Hàn

Nhìn theo chiều dài lịch sử trong khoảng trăm năm gần nhất tôi có những sơ kết (chủ quan) về người Hàn như sau. Họ trọng lễ nghĩa. Tính cộng đồng vẫn còn ảnh hưởng trong sự phát triển tâm lý cũng như sự tiến thân của cá nhân. Điều này mang gốc tích từ tư tưởng Nho giáo. Về mặt tín ngưỡng, người Hàn dễ dung nạp nhiều niềm tin khác nhau trong một sự hòa trộn giữa Vu Giáo, Phật Giáo và Công Giáo. Về tâm lý tập thể, họ căm thù Nhật Bản trong mọi mặt vì có quá khứ không mấy êm đẹp với đất nước láng giềng bất chấp một sự thật rằng những cải cách trong giáo dục của họ dựa trên sự tham khảo từ Nhật Bản. Về ứng xử, họ giàu tình cảm và có khi hung bạo mà gần đây tôi bắt đầu khám phá rất nhiều tác phẩm nghiên cứu về sự hận thù của người Hàn do chính người Hàn viết. Một dạng mặc cảm ẩn dấu trong nhiều thế hệ và cũng là lời giải thích cho rất nhiều biểu hiện quá khích nơi cá nhân lẫn tập thể của họ. Trái với mọi đoán định, tôi nhận thấy người Hàn không những không che dấu mà còn rất tự hào với căn tính này. Dường như “hận” là một dạng bản sắc, một “tính cách Hàn Quốc” tiêu biểu.

Hàn Quốc là một quốc gia nghèo như cách mà người ta vẫn gọi là “thế giới thứ ba” đã vươn lên sang giàu một cách thần kỳ chỉ trong vài thập niên ngắn ngủi. Cùng với một chính sách văn hóa có chiều sâu và được đồng thuận lớn từ chính phủ, văn hóa Hàn đã tràn ngập khắp các châu lục. Và Việt Nam là nơi đã đón nhận một cách hồn nhiên nhất, nhiệt tình nhất. Chắc chắn, giai đoạn thiếu niên của tôi đã được táp mặt bởi những “làn sóng Hàn” ở 2 lĩnh vực là âm nhạc và phim ảnh. Với những người khác đó còn là trò chơi điện tử, công nghệ làm đẹp, mỹ phẩm và thời trang. Tốc độ bành trướng và xâm thực của văn hóa Hàn hậu thuẫn từ sự phát triển kinh tế thần tốc hẳn nhiên cũng đồng thời kèm theo nhiều hậu quả ngược trái. Có thể kể ra những hiện trạng về mặt tâm lý như sự bất an mệt mỏi trong mọi tầng lớp, các chứng loạn thần, chủ nghĩa hình thức xem trọng nhan sắc, cân nặng, chiều cao, sự gãy đổ trong liên kết gia đình, thói sính ngoại (Mỹ) và chủ nghĩa coi trọng vật chất v.v…

Vừa trên là những đúc kết có tính chất chủ quan, chưa có lý lẽ lẫn thống kê thuyết phục của tôi. Ở phương diện bạn bè, tôi được nghe khá nhiều lần hay gần đây nhất là cả một nhóm hơn chục người nói về sự hống hách, khinh khi của người Hàn Quốc tại Việt Nam. Rõ hơn là sự hống hách, khinh khi đối với người Việt Nam ngay trong môi trường làm việc công ty hay phân xưởng lẫn trong những không gian công cộng như đường phố, công viên, quán ăn, khu thương mại. 

Rõ ràng người Hàn Quốc tại Việt Nam trong thời điểm hiện tại là rất nhiều và không ngừng gia tăng. Một trong những nguyên do theo tôi được biết là chính sách khuyến khích du lịch của chính phủ Hàn. Ngoại trừ điều này thì những người Hàn đến Việt Nam để làm gì? Hẳn nhiên phần lớn là để làm kinh tế. Tìm một việc làm hay là kinh doanh hay là đầu tư. Có thể họ nhìn thấy những ưu đãi về mặt hành chính và tài chính tại đây. Có thể tình trạng thất nghiệp leo thang cũng như sự cạnh tranh khốc liệt tại quê nhà đã đẩy họ đến việc tìm kiếm cơ hội ở một vùng đất khác. Có thể là chi phí sinh hoạt chênh lệch khiến cho họ tiết kiệm được một khoản. Có là thời tiết thuận hòa, không lạnh giá khắc nghiệt. Dầu là lý do là gì đi nữa, những người Hàn theo tôi là đang sống tốt, đang sống khỏe tại Việt Nam, nơi vẫn luôn mở rộng cánh cửa một cách nhiệt tình và hồn nhiên với họ. Thế nên, nếu quả thật trong lòng người Hàn hay trong ứng xử vẫn là sự khinh bỉ và coi rẻ người Việt thì với tôi sự ấy là vô cùng kỳ lạ, trái đạo lý làm người và rất cần một sự phân tích, thống kê tường tận.


2 bộ phim gần nhất

Trong số những nhận định (lẫn nghi vấn) của tôi về người Hàn thì đặc tính hiềm hận, hung bạo, ưa dùng vũ lực đã được thể hiện rõ ràng trong 2 bộ phim mà tôi rất quan tâm. Chúng ra đời 2 năm liên tiếp nhau là 2018, 2019 và đồng thời gây được tiếng vang trên trường dư luận quốc tế. Danh tiếng phát tán từ Liên hoan phim (LHP) Cannes. Đó là 2 bộ phim Burning và Parasite (Ký Sinh Trùng).

Đêm 20.6, tôi đến rạp và không bất ngờ trước số ghế ngồi gần như phủ kín. Đây là suất chiếu sớm 1 ngày trước ngày công chiếu chính thức của Parasite tại Việt Nam. Những bộ phim Hàn thường dài hơn 2 giờ. Theo tôi ghi nhận, xem 1 phim tại rạp có thời lượng quá 2 giờ, có khi 2 giờ 20 đến 2 giờ 30 phút không phải là thói quen của phần lớn khán giả Việt. Các phim Việt Nam thường co giãn trong biên độ 90 đến 100 phút. Việc xuất hiện những tác phẩm như thế này, lôi kéo một lượng khán giả lớn và tập cho họ quen với một thời lượng dài hơn là một điều mà tôi rất trông chờ. Tôi không thích những phim quá ngắn. Với thời lượng chừng này, chắc chắn kịch bản phải được đầu tư và tình tiết phải được dàn dựng đủ tốt để giữ được sự tập trung của khán giả cũng như hấp dẫn, lôi cuốn họ đến phút cuối cùng. 

Xem Parasite tôi rất tập trung! Nhưng tiếc rằng, sự hấp dẫn và lôi cuốn lại không có trong suốt một khoảng thời gian rất dài. Tôi không canh chỉnh thời gian nhưng theo phán đoán của tôi là phải đến sự kiện người quản gia cũ bấm chuông nhà để xin người quản gia mới (đã thay thế vị trí của mình) vào nhà trong 1 đêm mưa, phải đến sự kiện này thì phim mới thật sự thu hút, khiến cho tôi có cảm giác đồng hành cùng các nhân vật. Với tính chất như là một bài kiểm tra hay thử thách như trên nếu xét theo chức năng câu chuyện, với tính chất là một vật cản tạo xung đột xét theo tâm lý nhân vật thì theo tôi đoạn phim này cũng là ngưỡng, là đường biên giữa hồi 1 và hồi 2 của 1 tác phẩm điện ảnh. Phần trước đó như vậy gọi là phần thiết lập vấn đề.

Nếu đi theo giả thuyết vừa nên thì tôi có thể nói rằng phần thiết lập của Parasite chỉ đạt điểm trung bình. Hoặc là Bong Joon-ho (BJH) quá tự tin vào năng lực bản thân? Hoặc BJH quá lạc quan vào sự kiên nhẫn của khán giả? Hầu như không có một ấn tượng thị giác nào nổi bật với riêng tôi trong hồi 1. Nếu có thì cũng chỉ là vài thủ thuật về hình (chẳng hạn đoạn phun khói) mà tôi đã thấy ở trong các phim trước đó. Không có gì mới và không có gì gây thú vị, tạo ra một sự kích thích phải ngóng trông trong phần thiết lập. Hành trình của nhóm nhân vật chính diễn ra quá đơn điệu. Chúng thuận lợi một cách đáng ngạc nhiên. Xem 1 phim về gia đình lừa đảo, tôi không khỏi suy nghĩ đến một phim khác cũng vang danh ngay tại Cannes. Đó là Shoplifters, cũng là 1 chuỗi tự sự hình ảnh về một gia đình trộm cắp. Nhưng phần thiết lập ở tác phẩm kia diễn ra tự nhiên, sinh động và mượt mà hơn. Ở Parasite, mọi thứ sa đà vào thoại kể, nặng về dàn dựng, sắp đặt lộ liễu và rõ ràng. Phim trôi đi mà không chiếm giữ được phần cảm tính của khán giả, thay vì vậy nó đẩy tôi vào trạng thái tư duy lý tính quá nhiều. Phần mạnh nhất của BJH vẫn là thiết lập bối cảnh, tạo ra thế tương phản giữa 2 thế giới, là điểm đầu và điểm đích trong hành trình nhân vật. Ở mặt này, BJH vẫn giữ được thương hiệu của mình nhưng cảnh dựng tốt mà hồn thì chưa gây ấn tượng.


Không có nhân vật trung tâm

Khi xem Parasite, tôi nghĩ rằng phim không có nhân vật trung tâm, đúng ra là vai trò hoán đổi giữa người cha và đứa con trai. Diễn tiến này một lần nữa lại tạo ra tính liên hệ vì sự trùng lập với Shoplifters vào 1 năm trước đó. Cũng là liên hệ cha – con nhưng ở bộ phim Nhật Bản, người kích hoạt, tạo ra sự kích hoạt mang tính quyết định câu chuyện là bé trai. Còn ở bộ phim Hàn, bàn tay nắm giữ cao trào thuộc về ông bố. Tuy vậy, cách sắp xếp mở màn, khép màn của Parasite khiến tôi nghĩ rằng BJH muốn đặt vị trí trung tâm, hành trình chuyển di của nguyên mẫu anh hùng trong tác phẩm này là cậu con trai. Nếu giả định này là đúng thì cách phát triển tâm lý nhân vật và các sự kiện lại không đủ độ sắc nét cũng như thuyết phục tôi. 

Giả định thứ hai, vai trò trung tâm, xung lực chính của phim là tiến trình tâm lý của ông bố thì ở giây phút bước ngoặt lại trôi qua khá nhanh. Đây lại đúng vào một phân cảnh nhạy cảm. Khi xem phim, tôi đoán cảnh này đã bị cắt đi vài giây. Một số cảnh bạo lực khác trong phim có lẽ cũng đã bị cắt. Tuy nhiên dù có thật sự đã cắt và tất cả được ghép vào trở lại thì tôi nghĩ số tình huống để xây đắp cho bước ngoặt chuyển biến của người cha cũng vẫn thiếu.

Tình thế này giống như là một anh trai nghèo đã phải lòng một cô gái nhà giàu. Mối tình của họ, một mối tình song phương đã thật sự xảy ra. Nhưng điều gì ở cô gái khiến anh yêu? Và những gì xảy ra bên trong của anh đã đẩy đưa đến hành động yêu, bất chấp mọi rào cản địa vị, thân phận? Hai câu hỏi này không được trả lời rõ ràng. Hoặc là trả lời quá vội, quá ngắn. Đó không phải là một câu trả lời lớp lang, trước sau đầy đủ nguyên nhân kết quả. 

Khi xem phim và nhận thấy bánh xe câu chuyện dần rơi vào tay người cha thì trạng thái của tôi giống như vừa nêu. Tôi không thấy đủ lý do cho những rẽ hướng từ người cha. Tuyến vai diễn ở thế thuận thì đông đảo còn tuyến vai diễn ở thế nghịch thì ít ỏi và không được khắc họa đủ mạnh, đủ nét thì làm sao cao trào trở nên hợp lẽ và hợp tình? Nếu muốn xây dựng một hành động bộc phát thì tôi nghĩ cũng phải có sự thiết lập. Đó không thể nào là một sắp đặt từ trời. Từ những cảm xúc này, tôi không thể nào có cảm tình với bất kỳ nhân vật nào. Thế nên thật khó có thể nói ra mà không ngượng rằng đây là một bộ phim mạnh về diễn xuất. 


Xét lại não trạng của những người chấm thưởng

BJH dường như luôn thích pha trộn các thể loại trong phim của mình. Nhưng nếu nói Parasite là một “món cơm trộn” thì tôi ăn không thấy ngon và chỉ nhớ tới những “món ăn” khác mà đạo diễn từng chế biến. So với Burning, Parasite kém hơn một chút về ẩn ngôn hình ảnh. So với Shoplifters, Parasite vẫn kém hơn về tính phê phán hiện thực. Nhìn chung, việc trao Cành Cọ Vàng cho 2 phim có đề tài gần như tương tự và cách xây dựng hình tượng nhân vật cũng tương tự trong liên tiếp 2 năm khiến tôi phải suy ngẫm về trình độ hay đúng hơn là sự công tâm của ban giám khảo LHP này. 

Nghe nói nơi đây luôn ưu tiên sự tiên phong, làm mới trong cách kể. Nếu đúng vậy thì qua 2 phim thật lòng tôi không thấy có gì mới trong nghệ thuật kể chuyện bằng hình. Còn là vì nguyên do nào khác thì quả thật tôi không thể biết. Qua đây mới thấy 1 giải thưởng tầm cỡ chỉ có giá trị tham khảo và cần phải xét lại. Và chỉ có thể xét lại nếu có cơ hội đồng loạt xem xét toàn bộ các phim ở chung hạng mục tranh giải năm đó.

Điều đáng nói còn lại về Parasite có lẽ những cảnh tát nước ngập đường khi trời mưa. Xem thì mới thấy Việt Nam và Hàn Quốc cũng là 1 nhà. Tôi luôn tin rằng BJH là người có ánh nhìn đồng cảm với những phận đời ở thế yếu. Tác phẩm này, một phim chính kịch pha lẫn kinh dị, rùng rợn dành một lượng lớn thời gian cho việc thiết lập cảnh trí của tầng lớp bần cùng trong xã hội Hàn Quốc, những người “nghèo mãn tính”, hay “nghèo truyền kiếp”. Ít nhất phim giúp lượng khán giả đông đảo đổ xô tìm đến vì danh tiếng sang giá của nó thấy được một diện mạo khác ở Hàn Quốc, một đất nước vẫn thường được tô hồng bởi các tác phẩm truyền hình và âm nhạc thống trị các kênh đại chúng. BJH đã có những bày biện rất tốt ở ngưỡng biên của hồi 3 trong “1 đêm dài hàng thế kỷ”. Tôi nghĩ đó là phần tốt nhất của phim. Tuy nhiên đó lại không phải phần chính yếu của tác phẩm. Tựa như 1 hành trình, lên dốc, đến đỉnh và xuống dốc thì Parasite với tôi chỉ tạo ra được tính hiệu quả hình ảnh ở đoạn xuống dốc. 

Sau khi xem phim, tình cảm của tôi dành cho Parasite không nhiều nhưng không bị rơi vào trạng thái tiêu cực. Dẫu vậy, tôi tin rằng mình cần xem phim này thêm ít nhất 1 lẫn nữa để xác định giá trị thật của tác phẩm này.

#Nhiên
20.6.2019