6.6.19

NGƯỜI LẠ, GIỐNG PHÁP | IPF

Người Lạ, Giống Pháp (Inconnu présumé français, đạo diễn Philippe Rostan), Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, Góc O, Góc Nghệ, Liên hoan phim tài liệu châu âu - việt nam

1.
Đêm qua xem được 1 phim tài liệu có tựa là Người Lạ, Giống Pháp (Inconnu présumé français, đạo diễn Philippe Rostan). Đây mới là phim thứ 5 xem tại Liên hoan phim Tài liệu Châu Âu - Việt Nam, và là phim nước ngoài đầu tiên tại LHP. So lịch chiếu luôn là 2 phim và đây mới là buổi đầu tôi ngồi xem hết 2 phim 1 lượt. Quả thật là thấy 1 sự chênh lệch khá lớn về chất lượng. Phim trước đó khiến tôi hụt hẫng khá nhiều. Cắt dựng và đặt để âm thanh ngoài hình, âm nhạc rất tùy tiện. Đến phim Pháp thì cách kể, cách biên tập rất mượt mà. Tôi nghĩ chưa hẳn là phim quá hay mà vì phim trước đó khiến tôi thất vọng nên tự dưng tình cảm đổ dồn vào phim sau (được thực hiện chỉnh chu) là điều tất yếu.


2.
Cấu trúc của bộ phim tôi nghĩ rất vững chắc. Có thể chia thành 3 giai đoạn rõ ràng. Cách ly khỏi nguồn cội - Đồng hóa hay hòa nhập vào môi trường mới - và cuối cùng là nỗ lực về nguồn. Tuy nhiên trước khi nghĩ đến phần cấu trúc hay thuật kể thì cách đặt để âm nhạc của phim khiến tôi rất chú ý. Vì chúng rất khớp, rất đúng chỗ, đúng thời, gia giảm phù hợp và tạo được không khí, 1 thời tiết điện ảnh thật sự. Tôi chẳng nhớ có nhạc Pháp không, dường như là có nhưng mấy bài nhạc Việt đã giăng phủ lòng tôi hoàn toàn. Như là Hội Trùng Dương tiếng hát cô Thái Thanh. Như là Kim qua tiếng hát chú Hùng Cường.

Bộ phim tràn ngập thông tin và sự lão luyện ở đây là cách thả cởi sự thật. Giữa sự thật mà khán giả tiếp nhận mà sự thật mà câu chuyện nắm giữ có chênh lệch và chỉ được lấp đầy vào những phút cuối cùng. Sự co giãn trong thời gian tự sự được sắp đặt khéo léo qua những nhân chứng sống động. Phim mất 1 năm để thu hình (một điều khác thường) nhưng tôi nghĩ rằng sẽ còn mất thêm rất nhiều thời gian không xác định khác thì mới có thể thuyết phục các nhân vật và được họ đặt trọn niềm tin để bộc lộ góc khuất cùng những chấn thương tâm lý ấu thơ.

3.
Đây là phim đã được trình chiếu trên truyền hình Pháp. Tôi cạn nghĩ phim đã được trả tiền bản quyền (tức có nguồn thu). Vòng sống của nó có lẽ đã hoàn mãn để giờ đây được trình chiếu miễn phí cho 1 nơi mà khán giả có lẽ chưa bao giờ quen với việc mua vé để vào rạp xem 1 phim tài liệu. Nhưng đó là ước muốn của tôi. Phải mua vé cho những bộ phim thế này.

Thành phần khán giả hôm nay tập hợp đông đảo một lượng khán giả trung niên. Và ao ước của tôi là họ sẽ còn có mặt thường xuyên tại các rạp chiếu. Sự từng trải và suy xét của con người qua từng ngưỡng tuổi sẽ giúp cho những bộ phim như thế này, khai triển theo những chủ đề này được giữ sáng và giữ sống. Đêm nay có khán giả từ Cần Thơ đến xem. Trong sự dấn thân đó ẩn chứa một tiềm năng rất lớn mà lúc này tôi không sao gọi tên được rõ ràng.

Cần phải làm một điều gì đó để giữ cho nhiều khán giả ở các độ tuổi đến rạp thường xuyên mà không để cho nơi đây chỉ bao gồm các nhóm trẻ từ 20 đến 30 tuổi? Câu hỏi này thiết tưởng chẳng nên thuộc về khán giả như tôi. Ưu tư này hẳn là cần phải đặt vào trái tim của những người khác.

Xem 1 phim như thế này tôi cảm thấy phải trả tiền. Đó không phải là sự đổi trác, bán mua mà là đầu tư. Điện ảnh Việt Nam cần những câu chuyện như thế này. Và những khán giả của những câu chuyện ấy cần phải xuất hiện, cần phải được khích lệ để xuất hiện.

#Nhiên
5.6.2019