Tôi chỉ mới lướt qua tiểu sử của Bong Jong-ho (BJH). Anh sinh năm 1969. Dường như đây là mạng Đại Trạch Thổ? Nếu đúng là mạng Thổ thì với tôi đây là năng lượng tương sinh. Mà đã tương sinh thì rất đáng để đào sâu vào óc não của vị đạo diễn Hàn Quốc này.
Chẳng biết tháng 6 này có phải là tháng của BJH hay không? Nhưng chắc chắn tôi đã lên lịch để xem bộ phim đang đình đám khắp các châu thành của anh. Đó là tựa phim với tên tiếng Việt là #KýSinhTrùng. Dù chỉ mới xem 4 phim của BJH (Phim mới nhất sẽ là nội dung chính của bài này) nhưng tôi thấy lấp lánh từ đây một điều rất đặc biệt. Đó là khả năng chinh phục cao cường, chinh phục cả 2 giới. Chuyên môn lẫn khán giả số đông. Nghĩa là thu hút, hấp dẫn với thị hiếu đương thời mà vẫn đáp ứng đầy đủ những đòi hỏi chuyên môn trong nghệ thuật làm phim. Không phải ai cũng hoàn thành được thử thách cực lớn này. Vừa chiếm được cảm tình của đại chúng vừa gây si mê con tim của giới phê bình và đồng nghiệp.
Đêm thứ 6 vừa rồi tôi được dịp lần đầu xem bộ phim cũng là lần đầu (phim đầu tay, ra mắt năm 2000) của BJH. Ấn tượng đầu tiên của tôi chính là một số những thủ thuật tạo hình, nối ảnh còn ở dạng thô sơ ở phim này đã được tiếp dẫn và trở nên đặc sắc, tinh tế ở các phim về sau. Bản thân đã từng thấy những-về-sau cho nên rất thích thú khi được khám phá những-nguyên-sơ-ban-đầu. Dĩ nhiên thô sơ ở đây (ví như những thể nghiệm với trường đoạn đầu phim) là so với chính đạo diễn, còn nếu đặt ra một góc riêng độc lập thì chỉ cần một thoáng nhìn thì đã thấy thống khoái chứ chưa kể đến việc ngồi xuống chia chẻ, phân tách từng khung hình.
Bộ phim này có tựa nếu tạm dịch sang tiếng Việt có lẽ là (Barking Dogs Never Bite) Chó Sủa Không Cắn hay đặt lại 1 cái tên ngắn gọn, xúc tích: TRỘM CHÓ. Có đến 3 chú chó nối tiếp nhau án giữ thời lượng của bộ phim. 1 lần nữa lại là con số 3. Con số 3 thần kỳ cho bất kỳ ai rắp tâm xây một tường thành cấu trúc tự sự vững chắc.
Chó, như vậy xuất hiện trên cả tựa đề, trên cả ảnh dán tường, xuyên suốt trong cả chiều dài câu chuyện. Tưởng như giữ một vai trò chủ lực nhưng theo tôi thực chất đây vẫn chỉ là đạo cụ giúp phơi trưng nội tâm các nhân vật, một vật cản hay các tình huống hữu hiệu để tạo ra xung lực vận động trong tiến trình tâm lý nhân vật.
Bộ phim có 1 nhân vật trung tâm. Và vấn đề của nhân vật này không phải là “giết con chó” hay “bắt nó ngưng sủa” mà là ra khỏi lồng, chặn đứng cái đà sống mòn nơi mình. Từ chuyện dùng dằn với chó mà ai cũng thấy đó, cánh cửa hé mở cho tôi thấy một lấp ló xung đột khác. Đó là câu hỏi: Làm sao để có đủ dũng khí thoát khỏi sự bê tha, già cỗi và nhàm chán? Làm sao để phần hùng tâm thắng lướt phần mềm yếu, quy phục trước kim tiền? Làm sao để tự do sải bước giữa mây trời hơn là kiếp nô lệ trong tổ kén tù ngục tiện nghi? Thay vì 1 mái che an toàn, tại sao không phải ngẩng cao đầu, tháo tung cửa và khởi những vòng chạy đến sơn lâm?
Dù chưa dám kết luận điều gì nhưng với những gì trông thấy, tôi tin rằng BJH luôn suy tư về hiện thực đời sống và gói hết những niềm riêng đó vào các phim của ông. Tính hiện thực, tính phê phán luôn ẩn áo xuyên suốt trong các tác phẩm mà tôi đừng theo dõi. Cụ thể ở Trộm Chó thì có lẽ ai cũng nhận ra ngay. Đó là thảm nạn Chạy Chức của xã hội, một diễn biến mà có lẽ không mấy xa lạ với đời sống ở đất nước này. Xem phim người ta có thể nhận ra rất nhiều tương đồng giữa 2 quốc gia trong khu vực Á Châu.
Tôi đã từng được 1 người bạn cho biết muốn vào một cơ quan Nhà nước, muốn có 1 chiếc ghế ở đây cùng chế độ lương thưởng để tạo ra một cảm giác về cái gọi là “ổn định” thì quan trọng là chuyện-đầu-tiên. Có hẳn một con số, một mức giá cho từng cấp bậc. Chuyện này có lẽ cũng chẳng còn là mật truyền. Người ta nói về nó, thầm thì về nó, lên kế hoạch, vẽ lộ trình ở những chốn riêng khắp nơi nơi. Từ chạy chức sang chạy bằng, chạy ghế, chạy chỗ, chạy điểm, người lớn đã đành mà còn lôi kéo cả trẻ con cùng nhập cuộc. Cả một xã hội cùng rượt đuổi nhau và cũng cùng hùa nhau dập tắt, cùng hùa nhau hủy diệt mọi âm thanh hay chuyển di đối nghịch. Và chẳng có gì khó hiểu hay khó nhận ra thái độ của BJH khi anh chọn bối cảnh để phơi bày chuyện-đầu-tiên này là ở một khu nhà vệ sinh. Đó chỉ là một ví dụ trong rất nhiều ví dụ để thấy ra một điều. Đây không chỉ là lựa chọn về dựng hình mà còn là lựa chọn rất rõ về định hướng nghệ thuật, nghệ thuật vị nhân sinh, người nghệ sĩ bằng một cách thức nào đó không bao giờ đứng ngoài lề những diễn biến của thời cuộc và họ luôn có cách, luôn tìm cách để nói ra chính kiến cá nhân.
Tôi thấy anh giáo sư – nhân vật chính – có rất nhiều lần khiến cho khán giả phì cười. Chỉ một động tác vùng vẫy, huê quơ những cánh tay thôi đã tạo ra chất trào lộng. Trào lộng ngay trong một phân cảnh, trào lộng ở bề mặt mà vẫn đủ phần chiều sâu để giữ được tính thống nhất từ đầu đến cuối về hình tượng một con người đang cố chống lại, đang vùng vẫy trước vũng lầy “nhập kho” của mình. Nhập vào sự thỏa hiệp, đồng lõa, nhập vào guồng xoay, chấp nhận nhân tính phải luồn cúi. Rõ ràng là vậy! Đâu phải chuyện bắt chó! Hay chuyện bắt chó chỉ là một thủ pháp để tăng tính động, nâng chất kịch tính của bộ phim.
Không chỉ là chuyện chạy chức! Bối cảnh chính của phim này là một khu chung cư. Ngoài những màn đuổi chó, tôi thấy hai đốm lửa. Một ở tầng hầm. Hai ở tầng thượng. Vẫn rất liên quan đến chó. Nhưng không còn rượt, bắt mà đây là giết thịt. Những con người có những hành vi vượt ngưỡng ứng xử thông thường. Khoan vội đánh giá đạo đức của việc giết hại con vật. Tôi muốn nhìn vào việc nấu nướng trước tiên. Nấu ở tầng thấp nhất. Nấu ở tầng cao nhất. Những con người không tìm thấy không gian phù hợp cho việc ăn uống. Khối kiến trúc vuông vức hình hộp với tường vôi gạch đá này không chấp nhận những hành vi sai công năng. Ngay từ đầu đã là một sự sai trái. Từ việc nuôi giữ, chăm sóc đến việc rượt bắt, giết thịt. Chuỗi sự kiện này gợi lên 1 suy nghĩ rõ ràng về mặt trái của quy hoạch đô thị, bê tông hóa bên ngoài dẫn đến bê tông hóa bên trong tư duy. Từng nhân vật bị đặt vào một ô khối giam giữ mà mỗi người chọn một cách thức nào đó để thoát ly, để kháng cự, để đi tìm sự đền bồi cho cảm xúc.
Chiếc cửa kính ở đầu phim và chiếc màn kéo từ từ che chắn đi những ánh chiếu cuối cùng từ bầu trời ở phần kết. Đó là những hình ảnh giúp tôi có một đoán định về chủ đề của bộ phim này. Anh giáo sư thực chất vẫn không thể ra khỏi chốn ao tù, không thể ra khỏi vòm trời bé nhỏ qua những khung kính tù đày. Phim tạo ra một nữ nhân, một dạng mẫu tượng cho những ước mơ lãng mạn, cô sắm vai người bạn đồng hành, ít nhất chuyển động của cô là một chiều diễn tiến hướng thượng để tạo ra sự thăng bằng với chiều đi xuống của nhân vật trung tâm.
Một phim thật đáng để học hỏi. Điểm mạnh nhất của nó là về mặt dựng hình. Màn tung giấy màu trên sân thượng. Màn phi khói của anh vệ sinh môi trường. Màn thả cho cuộn giấy vệ sinh lăn trên đường. Quá nhiều ấn tượng thị giác, chúng khiến cho tôi nhớ đến cảm xúc của mình khi xem phim Cyclo. Phim không thiếu những dàn trải lê thê hay những lần rớt nhịp và đẩy trượt cảm xúc. Tuy vậy, ấn tượng về hình là ấn tượng mạnh nhất. Chúng vượt qua mọi manh nha chê trách và giữ tôi không đánh rơi những cảm tình đã thâu lượm rải rác khắp thời lượng gần 2 giờ đồng hồ. Quả thật đây là phim giúp khơi trong niềm tin vào nghệ thuật thứ bảy và đem tới muôn vàn những bày biện sống động về hiện thực cuộc đời.
“Con chó không thể sủa vì đã bị phẫu thuật cuống họng”. Đó có đơn giản là một lý giải cho một tình tiết? Hay là gì khác? Hay là ẩn dụ cho con người, những kẻ đã không còn khả năng phản kháng, phản biện, đã không còn sống cuộc đời hằng ước mơ?
#Nhiên
14.6.2019