19.10.19

JOKER ĐƯỢC DỰNG THANH NHƯ THẾ NÀO? | JokerMovie#5

Cảm nhận Joker 2019, Joker 2019, Joaquin Phoenix, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, Góc O, Joker, Todd Phillips, dựng thanh, Hildur Guðnadóttir, Scott Silver, Jeff Grofth, Þórarinn Guðnason, âm nhạc Joker, dựng thanh Joker, Joker OST

9.10 tôi quay lại đúng rạp của lần xem đầu. Trước lần thứ 3 xem Joker, tôi nảy ra suy nghĩ về Hildur Guðnadóttir quá trình dựng thanh bộ phim này?


1.
Thông tin chị viết nhạc cho phim trước khi phim được quay [1], cụ thể là sau khi chị nhận kịch bản, quả là điều vô cùng lý thú! Buổi phỏng vấn đã được đăng tải vào ngày 25.5.2019. Tuy nhiên do đến 3.10.2019 mới xem phim lần đầu, thế nên trong tuần lễ đầu tiên của tháng 10, tôi mới biết câu chuyện hậu trường dựng thanh của bộ phim này. Tôi chưa nghe toàn bộ buổi phỏng vấn, chỉ đọc được mẫu tin nhạc được viết trước khi phim quay trên một bài báo rồi sau truy ra nguồn cấp. 

Lý thú đầu tiên là cái tên có ký tự đặc biệt lẫn dấu sắc của nhạc sĩ. Sinh năm 1982, nghĩa là trong tầm độ tuổi của tôi. Ở ngoài, có lẽ vẫn có thể gọi nhau là bạn. Chị là người Băng Đảo (Iceland) và khi được in tên trên báo chí hay trong bảng liệt kê nhân sự đoàn phim, tên chị được viết đầy đủ thanh sắc lẫn chữ cái bản địa. Tôi chợt suy nghĩ đến những cái tên tiếng Việt. Mới đây thôi, trong tháng 8, xem một bộ phim nước ngoài, tôi thấy trong thành phần nhân sự có rất nhiều cái tên Việt Nam xuất hiện. Nhưng tuyệt nhiên không tên nào được viết đầy đủ thanh sắc hay các chữ cái đặc trưng của tiếng Việt, chẳng hạn như đ, ă, ấ, ê, ô, ơ, ư.

Suy đoán của tôi là rất có thể các vị trí người Việt không phải là trọng yếu trong việc sản xuất phim này thế nên tên của họ không được viết đúng nguyên mẫu (?). Tuy nhiên, cũng có thể chưa hẳn là vậy mà có khi việc viết tên bỏ dấu, lược bỏ các chữ cái đặc trưng đã trở thành thông lệ (?). Thông lệ vì không ai quan tâm, không ai tranh đấu, không ai đòi hỏi (?). Dù là khả năng nào thì tôi rất mong trong tương lai, những người Việt Nam nếu tham gia vào các dự án điện ảnh được sản xuất bởi nước ngoài cần có sự đồng lòng và lên tiếng về điều này.

Lý thú thứ hai như đã đề cập ở ngay phần mở đầu, đó là cách làm nhạc nền đi ngược với nếp nghĩ của tôi. Âm nhạc thường được viết song song với quá trình quay hoặc trong giai đoạn hậu kỳ. Ít khi nào tôi nghe, nhạc được viết ngay sau khi nhận kịch bản. Rất có thể do hiểu biết của tôi còn nông cạn nên nhận được tin này tôi cảm thấy rất lạ thường. Chỉ đọc kịch bản văn học mà đã có thể viết ngay phần nhạc thì chắc chắn đây là một nhạc sĩ vô cùng chuyên nghiệp, đã có kinh nghiệm làm việc với các dự án điện ảnh lớn (?). Và nhiều khả năng đây cũng là cách làm việc ở trình độ cao nhất của thế giới (?). Đó là việc dựng "băng âm thanh" hay dàn cảnh âm thanh đã được tiến hành ngay từ khâu kịch bản văn học. Bước đi này kết hợp cùng việc khảo sát bối cảnh và tiến trình làm phim sẽ cho ra đời một "băng âm thanh" quy chuẩn. 

Vì suy nghĩ này mà tôi đã có một cách tiếp cận mới trước lần xem thứ 3. Có lẽ đây cũng sẽ là thói quen mới trong việc cảm thụ điện ảnh. Đó là ngồi nghe và ghi nhớ toàn bộ tuyển tập nhạc phim để định hình (dù biết rất khó nhưng cũng cố gắng) tư duy dựng âm thanh và lồng trộn âm thanh vào hình ảnh của nhà làm phim.


2.
Việc nghe của tôi được tiến hành trước khi đến rạp và chắc chắn thời gian là không đủ (cần có thêm rất nhiều lần nghe về sau) để ghi nhớ toàn bộ dãy hòa âm. Tôi viết lại danh sách các bài nhạc phim vào sổ tay, ghi đúng thứ tự rãnh âm thanh, tựa đề và thời gian chơi nhạc.

Nhà sản xuất cũng đã đưa phần nhạc phim lên youtube ngay trong tuần đầu phim công chiếu. Rãnh âm thanh đầu tiên với tựa "Văn phòng của Hoyt" được đăng tải vào ngày 2.10. Cũng trong ngày này, 16 bài còn lại đều được thượng tải. Vào ngày 6.10, thì bài cuối cùng "Gọi tôi là Joker" được đăng thêm 1 lần nữa ở dạng trình ảnh động. Đăng 2 lần ở 2 định dạng khác nhau đủ biết tầm quan trọng của bài này. Rất tiếc khán giả Việt Nam không thể thưởng thức trọn vẹn vì cảnh có phần nhạc lồng trộn này đã bị cắt! 

17 bản nhạc không lời được viết riêng cho JOKER là sáng tác của duy mỗi Hildur Guðnadóttir, thứ tự trình bày theo đúng tuyển tập nhạc phim phát hành bởi WaterTower Music:

1. Hoyt’s Office (1:24)
2. Defeated Clown (2:39)
3. Following Sophie (1:33)
5. Young Penny (2:01)
8. A Bad Comedian (1:28)
12. Subway (3:33)
13. Bathroom Dance (2:08)
15. Confession (1:29)
17. Call Me Joker (4:48)


---

Cập nhật ngày 13.11.2019:

Ngày 25.10, 4 rãnh âm thanh khác của Joker được tiếp tục đưa lên trang youtube của hãng WaterTowerMusic. Đây là các bản phối lại hoặc sử dụng lại các bài nhạc đã phát hành trên thị trường. 

1. The Live! with Murray Franklin - Ellis Drane and his Jazz Orchestra
2. If You're Happy and You Know It - Chaim Tenenbaum 
3. That's Life [Instrumental Version] - Ellis Drane and his Jazz Orchestra
4. Smile [Instrumental Version] - Ellis Drane and his Jazz Orchestra

---

Nhìn lại thời điểm phỏng vấn lẫn thời điểm ra tuyển tập nhạc phim, tôi không nghĩ rằng các cột mốc này là một sự tình cờ. Có lẽ tất cả là một sự tính toán chi li trong kế hoạch truyền thông (?).

Điều thú vị là với cách đặt tên bài nhạc như trên, khán giả nào đã xem phim rất dễ dàng định vị thời điểm chúng xuất hiện. 

7/17 bài có nơi chốn trong tựa đề.
4/17 có tựa liên quan đến việc gặp gỡ ai đó hay chỉ rõ giai đoạn cuộc đời của nhân vật
Những tựa còn lại hoặc là gợi ra một cảnh quan trọng hoặc là dựa trên chính lời thoại.

Như vậy, với việc chỉ nhìn vào phần mục lục không khó để đoán ra hoặc nhớ lại diễn tiến của bộ phim. Nghĩa là việc tiết lộ phim đã xảy ra và được thực hiện bởi chính nhà sản xuất. Đây có lẽ cũng là một dạng kịch bản truyền thông cho phim này. Dĩ nhiên, theo tôi đây là cách truyền thông lành mạnh. Và hơn hết, phim có hay thì mới thu hút khán giả để tâm đến những yếu tố khác, chẳng hạn như là âm nhạc.


3.
Vì đã tìm hiểu thông tin về nhạc phim, tôi không khỏi lưu tâm đến một phần khác cũng thuộc nhạc nền của phim này, đó là những bài nhạc đã phát hành trước đó được đạo diễn tái sử dụng để làm thành "bức tranh âm thanh" của Joker. 

Khi nói nhạc phim, hay khái niệm "nhạc phim nguyên gốc" chắc chắn người ta đang mô tả về các bản nhạc được soạn độc quyền cho phim đó. Những bài nhạc đã sản xuất trước đó ít được đề cập và thường không được xếp vào tuyển tập nhạc phim. Lý do thứ nhất theo tôi theo phán đoán của tôi là vì bản quyền (?). Nhà sản xuất có thể đã thực hiện đầy đủ phần mua lại quyền sử dụng nhưng họ không có quyền bán lại. Tôi chưa rõ diễn tiến sâu xa mà chỉ đoán như vậy. Họ có đủ pháp lý để sử dụng phần nhạc đã mua cho phần biên tập phim nhưng đến khi phát hành tuyển tập nhạc phim họ không có quyền bán các bản này vì bản gốc đó, quyền phát hành thương mại của chúng, vẫn thuộc một đơn vị khác. 

Lý do thứ hai, cũng theo phán đoán của tôi, đó là sự nguyên chất (?). Nhạc phim không được soạn trong thời gian sản xuất bộ phim thì không ứng đúng với thuật ngữ "original motion picture soundtrack".

Ảnh hưởng của những bài "nhạc gốc" rõ ràng vẫn nổi bật hơn trong tâm trí, nhưng ảnh hưởng của những bài nhạc tạm gọi là "dùng lại" hay "nhạc đã phát hành" theo tôi cũng đóng góp rất lớn vào thành công của Joker. Chúng không chỉ được dùng một cách đơn sơ (dùng trích đoạn). Theo sự lắng nghe của tôi, một số bản đã được hòa âm mới hoàn toàn, có khi trở thành một phần trong lời thoại và tình tiết phim. Tiêu biểu như là SmileSend in the clowns. Hai bài này, mỗi bài được dùng hẳn cho 2 đoạn phim ngắn giới thiệu cho phim dài. Chúng cũng được phối lại và có lúc trở thành một câu thoại trong phim. 

"Nhạc gốc", "nhạc đã phát hành" đã đề cập. Trong Joker về phần nhạc vẫn còn một loại khác, tôi tạm gọi là "nhạc minh họa". Đây là những đoạn nhạc được dùng cho những cảnh có một chương trình trên sóng truyền hình. Tôi không rõ nhạc này từ đâu nhưng đoán chúng là các đoạn nhạc sẵn có trong bộ lưu trữ truyền thanh, truyền hình. Đây là các bản nhạc dạo của một chương trình. Hễ phát lên là ngay lập tức giúp khán giả ý thức về không gian hay kiến trúc của cảnh phim.

Thế giới nhạc trong phim (chưa kể đến các âm thanh khác chẳng hạn như thoại, âm thanh không gian, hiệu quả) của Joker quả thật rất rộng lớn! Càng để tâm càng tận thấu một bể trời tri thức ẩn tàng không biết đến khi nào mới sở đắc! Thế nhưng nếu bỏ qua thì không thể tiếp cận được với ngôn ngữ điện ảnh của tác phẩm (giá trị lõi) mà chỉ có thể bàn luận những thuộc tính bề ngoài.


4.
Hôm nay, tôi đến rạp lúc 19 giờ 50 phút. Theo thói quen, tôi chỉ mua vé trực tiếp tại quầy. Đi đúng giờ, nay là thứ 4, ngày giá vé giảm, có lẽ vì vậy mà phải xếp hàng chờ lâu. Hoặc có thể là phim thu hút nên mới đông người xếp hàng? 

Đến khi cầm được vé thì vào trễ mất khoảng 10 phút. Mất 2 phân cảnh trong phòng trang điểm và đường phố Gotham. Cũng không thể chọn được chỗ ngồi tốt. Tôi ngồi ở hàng D, tưởng như rất khó xem! Nhưng nào ngờ, màn hình rạp này lại to hơn cả lần xem đầu khiến tôi gần hơn với thế giới của phim lẫn nội tâm nhân vật. Màn hình lại cong thoai thoải nên dù ngồi ở ghế đầu hàng vẫn có một góc nhìn rất tốt. Khán giả cũng đông hơn ngày xem ở suất chiếu sớm 3.10. Đêm đó, có lẽ chỉ chưa tới 20 người. Hôm nay thì đông kín cả rạp. Theo phản hồi bạn bè đi xem Joker trong tuần thứ hai, tôi cũng nhận được những ước chừng tương tự. Hẳn nhiên, chỉ hai ba người như chúng tôi thì không thể khẳng định bộ phim này thu hút đông người xem tại Việt Nam. Rất khó biết vì sao họ lại đến, có ai trở lại thêm những lần sau và nếu giới thiệu bạn bè thì họ sẽ mở lời như thế nào? 

Riêng phần mình, tôi đã có những bài nhật ký suy ngẫm về sự thành công của Joker ở nhiều khía cạnh (doanh thu, chuyên môn và đại chúng). Nói ngắn cũng được mà nói dài cũng được. Vấn đề là có điều để nói và có cảm hứng để nói. 

Lần xem này, tôi vẫn ngồi nán lại để xem hết phần chạy chữ giới thiệu đoàn làm phim. Hẳn nhiên là cũng muốn thưởng thức trọn vẹn phần nhạc nền. Có lẽ nhạc có lời thì dễ nhớ, dễ cảm hơn. Nhưng nhạc không lời thì lại khơi gợi trí tưởng tượng và có thêm phần gia nhập (sáng tác) của người nghe nhiều hơn là phần nhạc đã cố định lời, cố định cảm xúc, cố định câu chuyện.

Ngay sau buổi này tôi về tìm thêm thông tin về phần nhạc nền, "nhạc đã phát hành" (có lời, hoặc dùng lại) để bổ sung cho phần phân tích phim thêm hoàn bị. Theo trí nhớ của tôi con số ở đây là 14 bài, chắc chắn là nhiều hơn, nhưng trong những lần xem phim đây là những bài ấn tượng, dễ ghi nhận và chúng cũng xuất hiện ở những tình tiết quan trọng. Tôi tô đen tựa bài nhạc, tô đỏ thời gian chơi nhạc ở bài gốc và ghi chú thêm thời điểm chúng xuất hiện trong phim.


Dreaming of a Home / Smile (1:40) - bản gốc
(nhạc phim “Modern times" – Charlie Chaplin)

Smile – Jimmy Durante (2:53)
(teaser trailer 2:25 / lúc diễn hài độc thoại / lên sóng trực tiếp)

Temptation rag – Claude Bolling (3:24)
(giới thiệu bối cảnh, đầu phim)

If you’re happy and you know it – Chaim Tenenbaum (1:09)
(ở bệnh viện nhi đồng)

The moon is a silver dollar – Lawrence Welk And His Orchestra (2:33)
(ở nhà tắm)

Slap that bass – Fred Astaire & The RKO Radio Studio Chorus & Orchestra (4:56)
(thử súng)

Send in the clowns – Frank Sinatra (3:39)
(final trailer 2:24 / chế giễu tại tàu điện / giới thiệu nhân sự đoàn phim, bản thứ nhất)

My name is Carnival – Jackson C. Frank (3:47)
(ở cầu thang bộ sở làm)

The department store (nhạc phim “Modern times" – Charlie Chaplin) (3:54)
(vào rạp chiếu bóng)

That’s Life – Frank Sinatra (3:13)
(khiêu vũ với mẹ / nhuộm tóc nhà tắm / nhà thương điên, kết phim)

Rock and roll Part 2 – Gary Glitter (3:13)
(nhảy múa tại cầu thang bộ công cộng)

Spanish Flea – Ray Davies and His Button Down Brass (2:37)
(cắt sóng trực tiếp)

White room – Cream (4:56)
(qua kính xe cảnh sát)

Toy Dept. (Toy Waltz) – North German Radio Symphony Orchestra (2:09)
(giới thiệu đoàn phim, bài thứ hai)


5.
Có lẽ Joker là một cột mốc quan trọng trong tiến trình xem phim, tiến trình trở thành 1 khán giả biết xem phim của tôi. Trước giờ, tôi vẫn ghi khắc, điện ảnh là "câu chuyện bằng hình". Ngôn ngữ điện ảnh là "hình ảnh và lời ngầm". Tóm lại, ảnh hay sự chuyển động của ảnh mới là thuộc tính cần suy xét đầu tiên trong một bộ phim. 

Bám chặt vào tư duy trên, tôi quên mất một đặc thù khác, vô cùng quan trọng. Đó là âm thanh. Dựng hình chỉ là một phần tạo ra ngôn ngữ điện ảnh. Còn phải kể đến dựng thanh. Chính sự hòa trộn 2 "băng âm thanh" và "băng hình ảnh" mới thực sự tạo nên phẩm chất điện ảnh. Kiến thức ở phần này tôi thiếu hụt nghiêm trọng hơn so với phần kiến thức về hình, về cấu trúc truyện phim. Vậy nên Joker trở thành nguồn cảm hứng thúc ép tôi phải dung nạp tư duy về âm thanh, về sự gợi tình, gợi ý trong các dàn xếp âm thanh trong một tác phẩm điện ảnh.

Bước đi căn bản trong phần việc này, có lẽ là nắm bắt những bàn tay và trái tim đã tạo ra thế giới âm thanh của Joker.

Người đầu tiên đã được nhắc, đó là Hildur Guðnadóttir, nhạc sĩ viết phần "nhạc gốc" (17 bài) cùng 15 người trong bộ phận âm nhạc [2]. Hãy chú ý cái tên được viết đầy đủ dấu và ký tự đặc biệt Þórarinn Guðnason ở chức danh "hòa âm" (Và có thể đọc lại điều tôi muốn gởi gắm ở phần 1)!


Cảm nhận Joker 2019, Joker 2019, Joaquin Phoenix, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, Góc O, Joker, Todd Phillips, dựng thanh, Hildur Guðnadóttir, Scott Silver, Jeff Grofth, Þórarinn Guðnason, âm nhạc Joker, dựng thanh Joker, Joker OST

Joker mang dáng dấp của một phim tiểu sử, khi đặc tả về một phần đời của nhân vật Joker. Với tính chất tập trung như vậy, thoại của Joker chắc chắc là "trục âm thanh" chính yếu của tác phẩm. "Nhạc gốc" do vậy phải bám sát vào trục này (?). Nhìn vào bộ tuyển tập "nhạc gốc" tôi càng củng cố thêm nhận định của mình vào phần "xương sống" âm thanh cũng như là cấu trúc và tâm lý nhân vật trung tâm đã được tạo ra như thế nào.

Nhóm nhân sự của bộ phận âm nhạc hẳn nhiên cũng là ban tư vấn cho việc tái sử dụng phần "nhạc đã phát hành" cũng như "nhạc minh họa"  (?).

Người thứ hai, theo sự suy xét của tôi phải là giám đốc âm thanh hoặc đạo diễn âm thanh hoặc kỹ sư âm thanh. Sau khi tìm hiểu tôi được biết Joker không có chức danh đứng đầu ở phần âm thanh mà là sự liệt kê 20 nhân sự trong bộ phận âm thanh theo mô tả chi tiết bên dưới.

Đây chắc chắn là nhóm người đã tạo nên 2 phần còn lại trong thế giới âm thanh của phim, bao gồm âm thanh không gianhiệu quả (hậu kỳ). Đến đây thì tôi buộc lòng phải ghi xuống những khái niệm như là "vật tạo âm", "bảng âm thanh", "khuôn tiếng", "cỡ cảnh âm thanh", "tiếng động thực", "tiếng động kịch tính", "điểm nghe chủ quan / khách quan". 

Khi phân tách âm thanh của bộ phim bao gồm 4 biến tố thoại, âm nhạc, âm thanh không gianhiệu quả thì dần dần tôi nhận ra âm thanh không còn chỉ là những gì thâu nhận qua đôi tai. Chúng có tầng, có lớp khác nhau, có hình dáng, kích cỡ, chất liệu, chiều sâu. Chúng vận động theo trục tung, trục hoành, luân chuyển từ vị trí địa lý đến vị trí tâm lý, từ một cảnh phim qua nhiều cảnh phim. Âm thanh song hành cùng hình ảnh và có lúc tôi thấy âm thanh cũng là hình ảnh. Và rõ ràng, dàn cảnh âm thanh (chẳng hạn một việc như là chọn vật tạo âm, dùng bảng âm thanh để vẽ ra một khung âm thanh theo luật viễn cận của hội họa) là một việc có thật. Công việc này có thể đã được tính toán ngay từ khi xây dựng kịch bản văn học, khảo sát bối cảnh chứ không hẳn phải chờ đến những xử lý trong quá trình thu hình hay hậu kỳ.


Cảm nhận Joker 2019, Joker 2019, Joaquin Phoenix, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, Góc O, Joker, Todd Phillips, dựng thanh, Hildur Guðnadóttir, Scott Silver, Jeff Grofth, Þórarinn Guðnason, âm nhạc Joker, dựng thanh Joker, Joker OST


Từ đây, xuất hiện vai trò thiết yếu của 3 yếu nhân còn lại. Đó là người thứ ba, biên tập phim, Jeff Grofth và đạo diễn,Todd Phillips cùng biên kịch Scott Silver. Biên tập phim hẳn là người đảm nhận phần dựng âm và hòa âm ở khâu cuối cùng để sao cho giữa tiếng và hình đạt được 3 yêu cầu:
- ăn khớp 
- liên tục 
- và ấn tượng.

Đạo diễn là người chịu trách nhiệm sau chót về phẩm chất ngôn ngữ điện ảnh của bộ phim mà ngôn ngữ này như đã đề cập trong toàn bài chính là sự hòa điệu cũng như hợp nhất giữa "băng âm thanh" và "băng hình ảnh". Đó chắc chắn cũng là người đầu tiên tiếp cận với kịch bản văn học và trau chuốt văn bản này trở thành kịch bản phân cảnh. Như đã biết, Todd Phillips là đồng tác giả của kịch bản Joker cùng Scott Silver. Thời gian cả hai hoàn thành kịch bản văn học theo thông báo là 1 năm. 


Kết luận:

"Joker đã được dựng thanh như thế nào?", tôi cạn nghĩ năng lực mình chưa đủ trong ngày này và vài năm nữa để trả lời câu hỏi này. Bài nhật ký này chỉ như một cách tự động viên bản thân để tiếp tục tìm tòi và bổ túc cho chính mình.

Tuy chưa thể giải mã phần dựng thanh ở tầng sâu nhất nhưng với việc lập ra 2 bản danh sách nhạc phim cùng sự nhớ lại toàn bộ tác phẩm, tôi thấy ngay Joker như khởi đầu trong bộ phim cùng tên là một anh hề hoạt náo có ước mơ trở thành diễn viên hài độc thoại. Nhân vật gợi nhớ (bằng hình lẫn bằng thanh) đến huyền thoại Charlie Chaplin. Phần nhạc nền đã phát hành (các bài có lời) đã chọn lọc các tác phẩm từ chính bản phim của Charlie Chaplin cùng một số bài hát có nhóm từ khóa liên quan như "clown", "happy", "smile" được rải đều trong suốt chiều dài bộ phim. Chỉ cần ít dữ kiện này đã thấy ngay tính chất sàng lọc về mặt âm thanh lẫn hình ảnh hòng tạo nên một phản ứng quan trọng trong lòng khán giả:

- nhớ

Với những đúc kết này, các lần xem phim tiếp theo của tôi chắc chắn sẽ cho thêm những thu hoạch mới. Đây có lẽ là cảm hứng lớn nhất và duy nhất mà Joker truyền cho tôi. Không phải ở khía cạnh nhân sinh, mà là nghệ thuật. Không phải là cách tạo ra một câu chuyện hay có tính tươi sáng mà là cách kể hay một câu chuyện đen tối. Dù xem thêm bao nhiêu lần nữa, tôi tin là Joker chỉ có thể khai mở cho tôi nhiều phần về mặt tư duy dựng thanh dựng hình hơn là một trái tim đồng cảm với số phận nhân vật. 

#Nhiên
19.10.2019

T/B (bổ sung ngày 22.10.2019):
- Phần này tôi muốn ghi rõ nguồn cấp đã giúp tôi xác định được các bản "nhạc đã phát hành" trong Joker.


6.

Khi xem phim lần đầu tiên, tôi nhận ra giọng hát của Frank Sinatra ở phần giới thiệu thành phần đoàn phim sau khi phim kết thúc.

Về nhà, tôi tìm được tựa bài hát, "Send in the clowns". Đây mới là lần đầu tiên tôi nghe bài này. Tôi tiếp tục tìm kiếm phần lời để hiểu ý nghĩa của nó. Chuyện này dường như không dễ vì đây là ca khúc có nguồn gốc từ một vở nhạc kịch, nó có một đời sống riêng trong thế giới sân khấu. Thế rồi được tái sinh qua những giọng ca ở lĩnh vực âm nhạc và trở nên nổi tiếng, có một đời sống mới, độc lập với nguồn cội.

Trong thế giới Việt ngữ, tôi tìm được một bài viết về ca khúc này. Tuy nhiên sự phân tích của tác giả còn khá giản dị. Có lẽ tôi sẽ còn trở lại với riêng bài này ở một dịp khác. Điểm cần xác nhận ở đây là chính bài "Send in the clowns" là nguyên do lôi cuốn tôi tìm hiểu âm nhạc (hay sâu hơn là quá trình dựng thanh) của Joker. Trong tuần lễ đầu tiên, tôi nghe đi nghe lại nhiều lần bản trình tấu với dàn nhạc lớn. Tôi ưa bản không lời nhiều hơn. Sau đó, tôi bắt đầu truy vấn nguồn gốc của các bản nhạc đã phát hành được tái sử dụng trong Joker.

Tôi tìm được và chuyên chú vào 3 trang. Về sau, tôi chọn 1 trang [3] để làm nguồn cấp dẫn đường cho mình. Thống kê của họ là 28 bài. Một số nơi khác thì con số thống kê là 18. Tôi không tin ai cả mà kiểm tra chéo. Kết quả của tôi là 14. Chắc chắn số bài là nhiều hơn nhưng tôi bằng lòng với 14. Đó là con số dựa trên danh sách liệt kê và trí nhớ của tôi. Có một số bài mà trang nước ngoài đưa ra theo tôi là không chính xác. Thậm chí có nhiều trang sai hoàn toàn. Có bài tôi tìm ra mà vui sướng khi thấy không có trang thống kê nào có. Đó là đoạn nhạc khi Joker vào rạp chiếu bóng.  




*Chú thích:

[1]  Hildur Guðnadóttir trả lời phỏng vấn về quá trình viết nhạc phim Joker (nguồn cấp)

[2] Bộ phận âm nhạc và âm thanh Joker (nguồn cấp)

[3] Một trang thống kê phần nhạc nền cho Joker (nguồn cấp)