Tôi đã từng thấy quyển này một lần. Xem trên mạng, lướt qua ảnh bìa và phần mục lục, tôi không mấy hứng thú. Mới đây trong một lần lục lọi ở tiệm sách cũ, tôi phát hiện quyển này thêm lần nữa. Mở sách đúng ngay đoạn phỏng vấn đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn.
Thật trùng hợp!
Mấy tuần lễ này, tôi suy nghĩ nhiều về bộ phim “Trăng nơi đáy giếng”. Tâm ý bề trong và hiện thực bề ngoài bỗng chốc hợp nhất thành cú chạm tay sáng nay.
Ngay câu hỏi đầu tiên đã là về “Trăng nơi đáy giếng”. Đạo diễn từ chối trả lời, bảo rằng “phim đang trong quá trình quay nên chưa thể tiết lộ được gì nhiều.”
Có tổng cộng 11 câu hỏi được đặt ra:
1. Ông có thể tiết lộ chút ít về bộ phim “Trăng nơi đáy giếng” không, thưa ông?
2. Thưa ông, phim ảnh là sản phẩm của cả một tập thể, từ đạo diễn, biên kịch, họa sĩ thiết kế, quay phim cho đến diễn viên, hóa trang, âm thanh… Vậy, dấu ấn sáng tạo của đạo diễn được thể hiện đậm nét bắt đầu từ khi nào?
3. Vậy, trong tất cả các công đoạn của một quy trình làm phim thì khâu nào khó nhất và phải đầu tư nhiều công sức nhất?
4. Thông thường một bộ phim được tiến hành sản xuất trong bao nhiêu thời gian, thưa ông?
5. Để có một bộ phim thành công thì bản thân người đạo diễn phải có những phẩm chất gì, thưa đạo diễn?
6. Hiện nay, phim Việt Nam đang có phân hóa theo hai dòng: phim nghệ thuật và phim thương mại. Ông có suy nghĩ gì xung quanh sự phân hóa này không, thưa đạo diễn?
7. Cũng là một đạo diễn, ông đánh giá như thế nào về các đạo diễn của điện ảnh Việt Nam hiện nay?
8. Gần đây, có khá nhiều đạo diễn trẻ Việt kiều về Việt Nam làm phim? Ông nghĩ gì về họ?
9. Là người từng gắn bó và lăn lộn nhiều năm trong ngành với những trải nghiệm sâu sắc, ông có lời khuyên gì cho thế hệ đạo diễn đàn em?
10. Còn riêng với bản thân ông, ngẫm lại ngần ấy năm trong nghề, có điều gì ông cho là chưa làm được không? Và nếu được phép chọn lại, ông vẫn sẽ “bắt đầu từ ấy ra đi” chứ?
11. Như vậy, liệu có phải là sự muộn mằn khi ông chọn thời điểm này để bắt đầu khẳng định đẳng cấp của mình?
Do mới lập lịch sử dòng thời gian của bộ phim thế nên ngay lập tức tôi đoán được ngay thời điểm của bài phỏng vấn. Nước đi ở bài thứ #14 chắc chắn chưa đầy đủ và cần phải cập nhật, tuy vậy việc tạo ra những cột mốc thời gian quả thật rất lợi ích!
Đọc thông tin ở sách thì biết sách in vào quý I-2007. Dựa theo ghi chú số 12 thì khoảng giữa năm phim mới hoàn thành phần quay hiện trường. Do vậy, phần nhiều khả năng, bài phỏng vấn này rơi vào khoảng quý IV năm 2006 hoặc quý I của 2007. Lúc này, việc quay phim có lẽ chỉ mới ở dạng phác thảo kế hoạch.
Sau khi đọc xong phần phỏng vấn, tôi đọc thêm các phần khác thì nhận ra quyển sách này rất bổ ích. Nội dung chia thành hai. Phần đầu là tóm lược lịch sử điện ảnh thế giới và điện ảnh Việt Nam. Dĩ nhiên điện ảnh Việt Nam này là lược sử của bên thắng cuộc. Điện ảnh miền Nam thời kỳ 54-75 không được đề cập. Phần hai tập trung vào thành phần nhân sự của một đoàn phim, bao gồm:
- Nhà sản xuất
- Chủ nhiệm phim
- Biên kịch
- Đạo diễn
- Thư ký trường quay
- Trợ lý đạo diễn
- Diễn viên
- Quay phim
- Họa sỹ - thiết kế mỹ thuật
- Dựng cảnh
- Đạo cụ
- Hóa trang
- Phục trang
- Dựng phim
- Nhạc sĩ
- Kỹ sư âm thanh
Đặc sắc ở đây là những mẫu chuyện được gọi là “Người trong nghề kể chuyện” với các phần phỏng vấn người thật việc thật như là 11 câu hỏi đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn ở trên cùng mô tả kỹ lưỡng các phần việc của từng người.
Sách chỉ dày 219 trang mà hữu ích vô cùng. Chẳng hạn như sự khác nhau giữa phim điện ảnh và phim truyền hình (trang 110), 4 điểm khác nhau giữa diễn viên sân khấu và diễn viên điện ảnh (trang 166). Lại còn soi sáng nhiều khía cạnh trong tiến trình sản xuất một tác phẩm điện ảnh. Đây chắc chắc không chỉ là nguồn cấp thông tin dành cho những ai muốn theo nghề phim mà còn là tư liệu bổ ích giúp 1 khán giả nâng cao năng lực cảm thụ điện ảnh.
Tôi giữ 1 bản và gửi đi 2 nơi, mỗi nơi 1 bản. Trước khi xem phim “Trăng nơi đáy giếng”, những bạn cùng xem với tôi cần đọc quyển này, NXB Trẻ liên kết Tinh Văn phát hành, quyển “Đường vào nghề - Điện ảnh”.
#Nhiên
2.10.2019