27.9.19

LỊCH SỬ | TNĐG#14

Trăng nơi đáy giếng, Trần Thùy Mai, Thảo Phương, Nguyễn Vinh Sơn, Trinh Hoan, Châu Thổ, Quốc Bảo, Mã Vi Hải, Người đàn bà và tấm khoăn choàng, Vườn Xuân, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Ái Như, Quang Thảo, Thành Lộc, Thành Hội, Thanh Thủy, Hồng Ánh, Hãy khóc đi em

Để kỷ niệm 10 năm tác phẩm điện ảnh Trăng Nơi Đáy Giếng ra mắt, tôi dự định tổ chức một buổi chiếu phim thầm lặng. 


Khó khăn ở đây nằm ở khâu kỹ thuật và không gian chiếu. Không gian hơi nhỏ. Máy chiếu chỉ là dạng tầm trung. Hệ thống âm thanh có lẽ cũng chỉ là chiếc loa di động nhỏ gọn. Rất khó có thể tái tạo một khí hậu điện ảnh thực sự như tại rạp quy chuẩn! Vậy nên trải nghiệm cùng chiếc DVD gốc có lẽ cũng chỉ giúp vài người xem giới hạn nắm bắt được nội dung của phim và sơ khởi hiểu được thế nào là một phim được dán nhãn là dòng phim "nghệ thuật", khó xem, khó hiểu, lạc thời, không phù hợp với tâm tình thanh niên.

Sự thiếu thốn về mặt vật chất với tôi không đáng kể bằng sự thiếu thốn trong tâm hồn. Để bù đắp hay là hóa giải những định kiến, nghi ngại, ngờ vựcsự thiếu kiên nhẫn khi lần đầu trải qua việc thưởng thức bộ phim này là bài toán khó hơn bài toán kỹ thuật gấp trăm lần. Chẳng hiểu ở những năm 20, giả sử xem Trăng Nơi Đáy Giếng, không biết điều gì sẽ đọng lại nơi tôi? E là tôi cũng sẽ phớt lờ hay cảm thấy một nỗi xa lạ nghịch chướng với những gì trông thấy trên màn hình. 

Nhưng ai mà biết được?

Trong tâm thức tôi, ẩn tàng một khao khát được bớt đi sự ngu khờ trong năng lực cảm thụ. Hơn nữa từ thuở thiếu niên, xu hướng tìm về bề trong để khám phá những chiều kích của tư tưởng, cảm giác, cảm xúc, trực giác đã xuất hiện. "Điều gì đang xảy ra nơi nội tâm?", "Cơ chế nào đã quyết định sự vận hành của tâm thức?". Những câu hỏi này đã đưa tôi đến với tôn giáo dù trong thâm tâm thực chất tôi không bao giờ muốn trở thành một tín đồ. Điều tôi kiếm tìm trong cõi đạo vẫn là thứ ánh sáng có thể giúp soi tỏ nội tâm mình. 

Trong Trăng Nơi Đáy Giếng, tôi phát hiện ra một bể tư duy, một khối lượng đức tin khổng lồ mang tên gọi "Đạo Mẫu". Hiểu biết của tôi về thế giới đó hoàn toàn là số không. Thế nên tôi hồ nghi, nếu tôi gặp phim truyện Trăng Nơi Đáy Giếng sớm hơn, có lẽ tôi cũng không dễ dàng bỏ qua những ảnh hình siêu nhiên vươn ra khỏi ranh giới của mộng và thực. 

Nghệ thuật và tôn giáo, thi ca, văn chương, nhạc họa, sân khấu, điện ảnh, Freud, Jung, Duy Thức, tín ngưỡng dân gian, bao nhiêu tầng lớp tri thức đều có thể tìm thấy trong tác phẩm này. Và điều thú vị là Trăng Nơi Đáy Giếng có một sức sống kỳ diệu, tái sinh nhiều lần, hóa hiện nhiều lần qua năm tháng.

Tôi đã nghĩ tới việc vẽ một bản đồ tư duy để tóm lược dòng chảy lịch sử của tác phẩm gốc và những tác phẩm phái sinh để kỷ niệm cho con số tròn chẵn 10 năm. Diễn tiến này cần tới một chút năng khiếu hội họa và tư duy theo vòng xoắn ốc. 

Tôi tập dợt một thử thách dễ thở hơn với việc viết lại lịch sử văn bản theo trật tự tuyến tính. Tưởng dễ mà cũng tiêu tốn bao nhiêu thời giờ. Có lẽ cũng phải gần 20 giờ. Đây là lần đầu tiên tôi thử biến mình thành một người viết ra những trang bách khoa từ điển trực tuyến, dù thành thật tôi chưa bao giờ đánh giá cao những nơi như vậy. Hay đúng hơn, để tham khảo thông tin, tôi không bao giờ dựa vào một nguồn duy nhất. Ưa thích của tôi là kiến thức phải đổi bằng thời gian suy xét và sự thực trải. 

Tin rằng nhưng ghi chép bên dưới sẽ là nền tảng giúp ích cho việc vẽ bản đồ tư duy. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa vẽ vội. Chắc chắn vẫn còn có thể bổ sung thêm những gạch đầu dòng năm tháng trong dòng chảy tiểu sử này.

#Nhiên
27.9.2019






::: TRĂNG NƠI ĐÁY GIẾNG :::





- 1990, cuộc thi thơ 1989 - 1990 (Tuần báo Văn Nghệ, Hội Nhà Văn Việt Nam) đã xướng tên nhà thơ Thảo Phương ở vị trí số 3 (hạng 3) cho bài thơ "Người đàn bà và tấm khăn choàng". [1]


Trăng nơi đáy giếng, Thảo Phương, Người đàn bà và tấm khoăn choàng, Vườn Xuân, Người đàn bà do người đàn ông sinh ra, NXB Văn Nghệ, Thủ bút Thảo Phương


- 1993, NXB Văn Nghệ phát hành tuyển tập thơ Thảo Phương [2] với nhan đề "Người đàn bà do đàn ông sinh ra" [3] . Trong tập thơ này, bài "Người đàn bà và tấm khăn choàng" in ở trang 18. Bài "Vườn Xuân" in ở trang 104. Hai bài này về sau được sử dụng trong phim "Trăng nơi đáy giếng" (2008).

- 2001, trong những ngày cận Tết Ta, nhà văn Trần Thùy Mai hoàn thành truyện ngắn "Trăng nơi đáy giếng" [4] . Tác phẩm được gửi in ở tạp chí Sông Hương, sau đó là Tuần báo Văn Nghệ [5]

- 2002, truyện ngắn "Trăng nơi đáy giếng" ra mắt chính thức lần đầu trên tạp chí Nhà Văn (số 6 - 2001). Báo Văn Nghệ đăng lại truyện ngắn ở kỳ số 13 (phát hành 30.3.2002). [6]

- 2003, hãng phim Giải Phóng đưa "Trăng nơi đáy giếng" (biên kịch Châu Thổ viết kịch bản điện ảnh dựa theo tác phẩm gốc cùng tên của Trần Thùy Mai) vào kế hoạch sản xuất. [7]

- 2004, tháng 8, vở kịch "Hãy khóc đi em" (biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc viết kịch bản sân khấu dựa trên tác phẩm gốc "Trăng nơi đáy giếng" của Trần Thùy Mai, đạo diễn Ái Như) có buổi công diễn tại IDECAF. Tuyến chính của vở diễn được thể hiện bởi các diễn viên Thanh Thủy, Thành Hội, Thành Lộc. [8]  

- Cùng năm, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đệ đơn lên Ban giám đốc Hãng phim Giải Phóng xin trả lại kế hoạch làm phim "Trăng nơi đáy giếng" với lý do không đủ kinh phí thực hiện (dự toán 1,7 tỉ đồng, Nhà nước duyệt chi 70% tức khoảng 1,2 tỉ). [9]  

- 2005, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn gọi vốn thành công từ 2 nhà đầu tư (Quỹ Fonds Sud Cinéma và quỹ Fonds Francophone) để có thêm kinh phí sản xuất "Trăng nơi đáy giếng". [10]  

- Cùng năm, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn về Huế, thuê 2.000m2 đất để dựng nhà, tạo cảnh vườn. 2 năm sau, nơi này trở thành bối cảnh chính cho phim "Trăng nơi đáy giếng". [11]   


Trăng nơi đáy giếng, Nguyễn Vinh Sơn, Bối cảnh phim Trăng Nơi Đáy Giếng, Đàn Âm Hồn, Nhà cô Hạnh


- 2007, mọi thủ tục về hành chính và tài chính cho phim truyện "Trăng nơi đáy giếng" hoàn tất. 

- Cùng năm, vào khoảng giữa năm, phim truyện "Trăng nơi đáy giếng" hoàn tất việc quay hiện trường (đóng máy). Phim quay hoàn toàn tại thành phố Huế. 

- 2008, vào tháng 4, phần hậu kỳ phim "Trăng nơi đáy giếng" phần hình ảnh, màu sắc được thực hiện tại Pháp. [12]  

- Cùng nămvào 2 ngày 12 và 14.12, phim "Trăng nơi đáy giếng" (Hãng phim Giải Phóng hợp tác hãng Alliance Pháp) có 2 buổi chiếu tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất). Cũng tại LHP này, nữ diễn viên Hồng Ánh đoạt giải "nữ diễn viên xuất sắc nhất". [13]

- 2009, vào ngày 1.3, tại giải Cánh Diều Vàng (Hội điện ảnh Việt Nam), phim truyện "Trăng nơi đáy giếng" được xướng tên ở hạng mục "Phim xuất sắc nhất" (không có giải nhất). "Trăng nơi đáy giếng""Huyền thoại bất tử" đồng hạng và chia sẻ giải Cánh Diều Bạc. [14]

Một số giải thưởng khác (Cánh Diều Vàng) của "Trăng nơi đáy giếng" tại giải thưởng Cánh Diều Vàng lần thứ 7 bao gồm:

- Biên kịch xuất sắc nhất (kịch bản): Châu Thổ
- Nữ diễn viên xuất sắc nhất (diễn xuất): Hồng Ánh
- Họa sĩ xuất sắc nhất (thiết kế mỹ thuật): Mã Phi Hải  

- Cùng năm, thứ sáu ngày 13.3, đoàn làm phim "Trăng nơi đáy giếng" có buổi chiếu cảm ơn địa phương tại rạp Đông Ba với sự có mặt của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn và nữ diễn viên Hồng Ánh. Nhà văn Trần Thùy Mai cũng có mặt trong buổi chiếu này. [15]


Trăng nơi đáy giếng, Nguyễn Vinh Sơn, Hồng Ánh


Cùng năm, vào ngày 17, 18.3 phim "Trăng nơi đáy giếng" có những buổi chiếu giới hạn tại Sài Gòn trong khuôn khổ LHP Pháp ngữ tại phòng chiếu IDECAF. [16]  

Cùng năm, từ 26.3 đến 22.4, phim truyện "Trăng nơi đáy giếng" công chiếu tại 12 trường đại học của Hoa Kỳ theo lời mời của Viện văn hóa và giáo dục Việt Nam tại New York (IVCE). Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn và diễn viên Hồng Ánh có mặt trong chuỗi chiếu phim và giao lưu tại các trường đại học. [17]  

Cùng năm, vào thời điểm cuối tháng 10, phim truyện "Trăng nơi đáy giếng" chính thức ra mắt khán giả đại chúng tại 3 thành phố Huế, Sài Gòn, Hà Nội. Tại Sài Gòn, phim trụ rạp trong 2 tuần. Phim công chiếu tại Hà Nội từ 6.11 tại Trung tâm chiếu phim quốc gia [18]

- Cùng năm, NXB Thanh Niên phát hành tuyển tập truyện ngắn có tựa "Trăng nơi đáy giếng" (Trần Thùy Mai). Sách gồm 22 truyện ngắn. "Trăng nơi đáy giếng" in ở trang 36. [19]

Cùng năm, tại giải Bông Sen Vàng (LHP Việt Nam lần thứ 16), phim truyện "Trăng nơi đáy giếng" đoạt giải Bông Sen Bạc (đồng hạng cùng "Rừng đen", giải Bông sen vàng thuộc về phim "Đừng đốt"). [20]

- 2011, 29.7 bản dựng mới "Hãy khóc đi em" (biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn Ái Như) công diễn tại sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh. Tuyến chính được thể hiện bởi các diễn viên Thanh Thủy, Quang Thảo, Thành Hội. [21]

- 2012, NXB Thanh Niên phát hành tuyển tập truyện ngắn có nhan đề "Truyện ngắn hay 2000 - 2012". Đây là 16 truyện ngắn viết bởi 16 tác giả Việt Nam. "Trăng nơi đáy giếng" của Trần Thùy Mai xuất hiện ở vị trí thứ 3, trang 57. [22]

2014, ngày 7.7, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn có bài viết trên trang cá nhân về quá trình thực hiện bộ phim "Trăng Nơi Đáy Giếng". [23]

- 2014, tháng 10, diễn viên Hồng Ánh thay thế diễn viên Thanh Thủy để đảm nhận vai nữ chính trong vở kịch "Hãy khóc đi em" tại sân khấu Hoàng Thái Thanh. Tuyến chính của vở này trở thành Hồng Ánh, Quang Thảo, Thành Hội. [24]

- 2017, quay phim Nguyễn Nam có buổi chia sẻ về những ngày phụ quay cho Trinh Hoan, quay phim chính của phim "Trăng Nơi Đáy Giếng". Đây là buổi trong khuôn khổ chương trình "Điểm tâm của Giám đốc hình ảnh lần III". [25]



- 2019, ngày 29.11 (thứ 5), YUME Art Project, CLB Sân khấu và Điện ảnh và DCINE với sự hỗ trợ của Hãng phim Giải Phóng đã tổ chức buổi chiếu Trăng Nơi Đáy Giếng tại phòng chiếu số 6, Mạc Đĩnh Chi, Bến Nghé, Quận Nhứt, Tp HCM. Buổi này có sự tham dự của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn và diễn viên Hồng Ánh. [26]


~ Nguồn cấp dữ liệu ~

[1] Tiểu sử vắn tắt về Thảo Phương (đọc thêm)

[2] Một đánh giá về thơ Thảo Phương (đọc thêm)

[3] Tuyển tập thơ Thảo Phương: Người đàn bà do đàn ông sinh ra do NXB Văn Nghệ phát hành. Trang phụ đề năm 1993. Ở phần thông tin xuất bản có ghi rõ: in xong và nộp lưu chiểu tháng 2 - 1994. Số lượng in 1.000 cuốn. Tập thơ có số trang được đánh số là 153 trang. Khổ 13x19 cm. Giá bán 10.000đ. Nội dung chia thành 3 đề mục chính với tên gọi lần lượt là Đàn bà, Gương mặt người tình, Không đề ban mai. Sang một đề mục mới, các bài thơ được đánh số thứ tự trở lại bắt đầu từ 1. Bài "Người đàn bà và tấm khăn choàng" thuộc về đề mục Đàn bà, có số thứ tự là 6, in ở trang 18. Bài "Vườn xuân" thuộc về đề mục Gương mặt người tình, có số thứ tự là 30, xếp cuối cùng trong đề mục, in ở trang 104. Cả hai bài đều không ghi rõ năm sáng tác.

[4] Trần Thùy Mai kể về hoàn cảnh sáng tác "Trăng nơi đáy giếng": nơi chốn Điện Hòn Chén, Huế, thời gian rằm tháng 8 (đọc thêm)

[5] Mốc thời gian sáng tác "Trăng nơi đáy giếng" (đọc thêm)

[6] Mốc ra mắt "Trăng nơi đáy giếng" trên ấn phẩm báo chí (đọc thêm)


Trăng nơi đáy giếng, Trần Thùy Mai, Tuyển tập truyện ngắn, NXB Thanh Niên, Bản In 2009


[7] Hãng phim Giải Phóng lên kế hoạch sản xuất phim "Trăng nơi đáy giếng" (đọc thêm

[8] Mốc ra mắt vở kịch "Hãy khóc đi em" (đọc thêm)

[9] Nguyên do đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn trả phim (đọc thêm)

[10] Mốc gọi vốn thành công để sản xuất "Trăng nơi đáy giếng" (đọc thêm tại đây)

[11] Mốc thời gian phục dựng bối cảnh phim "Trăng nơi đáy giếng" (đọc thêm)

[12] Mốc thời gian hoàn thành phần hậu kỳ phim "Trăng nơi đáy giếng" (đọc thêm

[13] "Trăng nơi đáy giếng" đoạt giải thưởng lớn tại LHP quốc tế Dubai (đọc thêm)

[14] Mốc thời gian "Trăng nơi đáy giếng" đoạt giải Cánh Diều Vàng (đọc thêm)

[15] Mốc thời gian của buổi chiếu tại rạp Đông Ba (Huế) (đọc thêm)

[16] Mốc thời gian trình chiếu giới hạn phim "Trăng nơi đáy giếng" tại Sài Gòn (đọc thêm

[17] Mốc công chiếu "Trăng nơi đáy giếng" tại Mỹ (đọc thêm). Một bài viết mô tả về không khí đón nhận "Trăng nơi đáy giếng" tại Mỹ rất đáng đọc của Trần Kiêm Đoàn (đọc thêm).

[18] Mốc ra mắt phim "Trăng nơi đáy giếng" tại thị trường nội địa (đọc thêm tại đây và tại đây )



[19] Tập truyện in với số lượng 1.000 cuốn với bìa vàng thiết kế bởi Ngô Xuân Khơi và O2 Books. Giá bán 64.000đ, độ dài 386 trang, khổ 13,5x20,5cm. Bìa gấp, ở bìa 4 có nhận xét của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn về văn chương và con người Trần Thùy Mai, ở bìa 3 có thông tin về thành tích ở các LHP của "Trăng nơi đáy giếng". Truyện ngắn "Trăng nơi đáy giếng" xuất hiện ở vị trí thứ 2 trong tổng số 22 truyện ngắn được in. 

[20] Mốc thời gian phim "Trăng nơi đáy giếng" đoạt giải Bông sen bạc (đọc thêm)

[21] Mốc thời gian công diễn của bản dựng lại "Hãy khóc đi em" tại sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh (đọc thêm)


Trần Thùy Mai, Truyện ngắn hay 2000-2012, NXB Thanh Niên, Bản in 2012


[22] "Truyện ngắn hay 2000 - 2012" có số lượng in là 1.000 cuốn, khổ 13,5 x 20,5cm, với 349 trang được đánh số. Bìa lấy màu đỏ đen làm chủ đạo, thiết kế bởi Star Books, in và nộp lưu chiểu vào quý IV - 2012

[23] Bài viết của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn (đọc thêm)

[24] Mốc thay thế diễn viên ở tuyến chính trong vở "Hãy khóc đi em" (đọc thêm). Bài viết của diễn viên Hồng Ánh (đọc thêm)

[25] Buổi nói chuyện của một trong hai quay phim của bộ phim "Trăng nơi đáy giếng" (đọc thêm

[26] Thông tin về sự kiện (đọc thêm) và bài tóm lược sự kiện (đọc thêm)


Nguyễn Thị Minh Ngọc, Ái Như, Quang Thảo, Thành Lộc, Thành Hội, Thanh Thủy, Hồng Ánh, Hãy khóc đi em