9.9.19

DANH MỤC SÁCH | CLTNNC#26

Cải lương – Trăm năm nguồn cội, Cải lương, Trăm Năm Nguồn Cội, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, Góc 0, Góc Nghệ, Góc Không, Mùa chôm chôm, quà tặng Quang Thảo, đạo diễn chương trình Cải Lương – Trăm Năm Nguồn Cội, Câu thơ yên ngựa, Hoàng Yến
Khi xem chương trình “Cải lương – 100 năm nguồn cội”, tiết mục tôi đánh giá cao nhất ở mọi mặt từ dàn dựng đến ca / diễn / múa đó là trích đoạn “Xử án Thượng Dương”. 

3 lần xem lần nào cũng để lại trong lòng bao nhiêu là xúc cảm. Được biết lớp diễn này là một phần trong vở “Câu thơ yên ngựa”. Tôi đã xem thử các đoạn phim ghi hình các phiên bản được dựng trước đây từ các kho lưu trữ trên mạng. Tuy nhiên không thể nào có được sinh khí như là buổi xem trực tiếp tại rạp. 

Trong thời gian đi tìm sách để làm đầy thêm cho Kệ sách Cải Lương 100 năm (còn gọi là Kệ sách Ý Mai) thật bất ngờ khi tôi đã gặp gỡ quyển “Câu thơ yên ngựa”. Hóa ra những gì tôi chứng kiến trên sân khấu, dẫu rất xuất sắc, lại là một tác phẩm phái sinh từ dòng tiểu thuyết lịch sử. Chất văn học nguyên gốc của vở tuồng được sáng tạo từ tác giả Hoàng Yến. Chưa bao giờ tôi nghe đến cái tên này! Thậm chí ban đầu do nhìn không kỹ còn tưởng lầm là Hoàng Yên. Lầm lẫn này đã dẫn đến một loạt các lệnh tìm kiếm sai phương hướng.

Khối lượng thông tin phía sau hay chìm khuất dưới danh xưng Hoàng Yến thật sự khiến tôi bàng hoàng. Tôi có biết về vụ án văn nghệ được tóm thâu trong mấy tiếng “Nhân Văn – Giai Phẩm”. Ít nhiều đã có tìm hiểu về những Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Văn Cao, Quang Dũng, Nguyễn Hữu Đang, Đặng Đình Hưng v.v… Nhưng sự thật là tôi chưa hề biết những gì đã ập đến cuộc đời của nhà thơ, nhà văn Hoàng Yến. Tạm gác những ngang trái gai kẽm trong đời tư, tôi thu giữ một loạt những tựa đề những quyển tiểu thuyết của ông được chuyển thể sang lĩnh vực sân khấu. Rất tiếc, “Câu thơ yên ngựa” vẫn là tác phẩm tác phẩm duy nhất mà tôi có! 

Quyển này là bản in lần II, xuất bản bởi nhà Thanh Niên vào năm 1987. Số trang nội dung đếm được là 319 trang. Chất liệu giấy đã không còn ở tình trạng tốt. Giấy đã chuyển sang màu vàng đục, có một vài trang mờ chữ, khá khó đọc. Tuy nhiên, chuyện này với tôi không có gì là trở ngại. Trang nào không đọc được thì tôi sẽ truy cập nguồn cấp thông tin từ sách điện tử. Dù rằng tôi chưa bao giờ khuyến khích việc đọc các tài liệu được số hóa tự phát, không xin phép và trôi nổi trên mạng. Đọc sách giấy vẫn là ưu tiên hàng đầu. Nếu trang nào đã hỏng, chỉ cần có thông báo, tôi sẽ bổ sung một trang in điện tử để đính kèm ngay vào sách. Theo sự ước chừng của tôi, sách chỉ có khoảng chưa tới 10 trang khó đọc.

Tôi rất vui khi được nhìn ngắm “Câu thơ yên ngựa” nằm yên dưới nắng sớm. Đây sẽ là một trong những quyển tôi khuyến khích những bạn sẽ đi xem “Cải lương – 100 năm nguồn cội” vào tháng 9.2019 phải đọc khi ghé qua Kệ sách Ý Mai. 

Trong tuần đầu tiên của tháng 9.2019, tôi cũng đã thu thập thêm 7 quyển nữa để có tổng cộng 15 quyển cho kệ sách. Bản danh sách đã được lập ra vào lưu tại liên kết bit.ly/sach100cl. Bất kỳ ai quan tâm đều có thể truy cập. Nếu cần đọc thì có thể tìm đến Kệ sách để đọc ngay tại chỗ. Tôi cũng đã tô đậm các đầu sách cần đọc trước. Tô đậm là vì các quyển này liên hệ chặt chẽ với các tiết mục trong “Cải lương – Trăm năm nguồn cội”.

Chẳng hạn:

- muốn tìm hiểu “Dạ cổ hoài lang” thì có thể đọc lại kiến giải của 2 bậc thầy Trần Văn Khê, Nguyễn Vĩnh Bảo (quyển 8, 13 theo số thứ tự)

- muốn có thêm hiểu biết về tác giả kịch bản Đời Cô Lựu thì đọc “Trần Hữu Trang – Cuộc đời và sân khấu” (quyển số 12)

- Muốn biết thêm vở này dưới góc nhìn của một diễn viên trong những thời kỳ đầu tiên thì có thể đọc quyển số 5.

- muốn nhìn thấy tiến trình phát triển của cải lương thì có thể đọc quyển số 3

- muốn hiểu hơn về nguồn cội của “Xử án Thượng Dương” thì có thể đọc quyển số 1

- ai không có thời gian, cần sự nhanh / gọn / nhẹ thì có thể thử bắt đầu với quyển số 15 khi mà số trang chỉ là 31

Ban đầu khi lập ra kệ sách này, tôi tin rằng sự sống của nó chỉ là ngắn hạn trong khoảng 15 ngày. Tuy nhiên, giờ thì chắc chắn, kệ sách sẽ tồn tại cho đến hết tháng 10. Đúng hơn là nếu chương trình “Cải lương – 100 năm nguồn cội” còn thì kệ sách còn. 

Mong rằng những bạn đi xem cùng tôi vào suất 20 giờ, thứ 7, 28.9 sắp tới sẽ sắp xếp được thời gian để tích lũy thêm kiến thức nền về cải lương tại Kệ sách Ý Mai! 

#Nhiên
9.9.2019