26.9.19

LÁ THƯ MAI Ý NHIÊN | CLTNNC#31

Cải lương – Trăm năm nguồn cội, Cải lương, Trăm Năm Nguồn Cội, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, Góc 0, Góc Nghệ, Góc Không, Ý Mai, Khu Phú Nhuận, Kệ Sách Ý Mai, Mai Ý Nhiên, Lá Thư Mai Ý Nhiên

Như mọi lần đến Ý Mai, tôi đi từ Chợ Lớn. Lên xe 103 và xuống tại Bắc Hải. Có khi tôi rẽ phải, đi bộ theo trục Trần Văn Đang – Hoàng Sa. Trong lần này, tôi rẽ trái, bọc lối hẽm tắt Cách Mạng Tháng Tám (CMT8, xưa là đường Lê Văn Duyệt) để ra Hoàng Sa. 

Ít nhất cũng hơn 5 lần chọn cách này. Thế mà vẫn chưa thông thạo hệ thống ngõ ngách chằng chéo! Tôi cũng không phải người giỏi xác định phương hướng. Đi sao lại lạc tới giáo xứ An Lạc! Rồi thấy mình sắp sửa ra lại đường CMT8. Có chút hốt hoảng, hỏi đường, quay ngược, hồi hộp, luồn lách, cuối cùng cũng chạm mặt đường Hoàng Sa. 

Ở điểm này tôi thấy cầu số 4. Vậy là thong thả băng đường, ngang qua cầu số 5, bỏ vài con hẽm. Đến lúc đến hẽm 525 thì rẽ trái. Mấy lần trước đi từ Trần Văn Đang theo hướng ngược lại vẫn bị lộn hẽm như thường. Để thông thuộc hết đoạn này rồi cả con đường Huỳnh Văn Bánh (xưa gọi là đường Chùa Phật) theo ước đoán của tôi cần ít nhất 2 tháng tản bộ liên tục mỗi ngày. Thế mới hiểu rằng chẳng cần du lịch trải nghiệm đâu xa cả, ngay tại chính thành phố mà mình đang sinh sống, ngay với những công trình kề bên và những thân phận xung quanh, sự hiểu biết, nghĩ cảm của bản thân có khi vẫn còn rất hời hợt và nông cạn! 

Trong dịp đến Ý Mai lần này, ý định của tôi là ngồi viết một bức thư tay. Đã nghĩ tới việc viết sẵn rồi chỉ cần đến và đặt lên kệ sách. Nhưng nếu là vậy thì tự thấy không thật. Vả lại tôi muốn trải qua cảm giác ngồi viết thư tại kệ sách. 

Sách (kệ sách chuyên đề Cải lương 100 năm) khuyến khích đọc tại chỗ. Sự kiện (Chương trình Cải lương – Trăm năm nguồn cội) khuyến khích tham dự một lần. Đã có một loạt bài nhật ký theo kèm để diễn giải. Thế nhưng đó là những bài nhật ký trực tuyến. Cần phải nối mạng thì mới đọc được. Nghĩa là phải dùng điện. Lại đọc trực tuyến thì nguy cơ tâm tư bị phân tán và chưa chắc sẽ đủ nhẫn nại để đọc hết. Một lá thư tay là cần thiết, giúp cho việc gìn giữ tính đồng bộ trong ý nghĩa khuyến khích, khuyến khích đọc sách, coi hát một cách trực diện, trực tiếp. Đến để mà xem nghe, đến để mà thấu đọc.

Vậy là trong buổi hôm nay tôi đã ngồi cùng 2 bạn Ý Mai để mỗi người viết một lá thư. Đề là “thư gửi những bạn đọc sách”. Ý hoàn thành rất nhanh. Trong khi tôi mất một lúc viết vẫn chưa xong. Còn Mai thì có lẽ sẽ viết vào hôm sau. Đây có thể được gọi là “lá thư Mai Ý Nhiên”

Thư của Ý rất tinh gọn, chưa tới 2 mặt giấy A5. Thư của tôi 2 tờ, 4 mặt giấy, có 3 ý chính. Nguyên cớ của kệ sách. Ý muốn ẩn tàng trong việc đọc sách, coi hát. Cuối cùng là mong muốn được lắng nghe những cảm nhận của những bạn tham dự cùng. Tờ đầu viết trong trạng thái an tĩnh nên nét bút ở tốc độ trung bình. Tờ sau tâm ý có sự nôn nóng và xáo động, nét bút bắt đầu đi nhanh và xuất hiện vài thoáng giây mất kiểm soát về việc xuống dấu thanh sắc và nhịp ngừng nghỉ.

Còn một ý cuối nữa chưa kịp đưa vào. Đó là hy vọng sẽ còn nhiều kệ sách khác, theo các chuyên đề khác được lập nên và tồn tại một cách âm thầm ở thành phố này. 

Thư được viết trên nền xanh lá, lẽ ra có thêm mấy tờ xanh ngọc nữa nhưng tôi không tìm ra. Dùng tạm các tờ xanh lá vậy. Bìa thư có nền trắng đóng dấu khối liên minh Mai-Ý-Nhiên. Mong rằng sẽ có những tâm hồn khác về sau cùng góp gởi để sự cộng sinh (xuất phát từ căn tính khao khát tri thức) này được vững bền!

Còn 3 ngày nữa đã đến buổi xem chung. Không chắc những bạn đi xem cùng sẽ kịp đọc được thư này. 

#Nhiên
25.9.2019

*Ảnh đầu bài: Ý Mai