Độ này tôi đoán Huế cũng đang vào thu, chút nắng vàng còn sót lại sau những ngày Hạ oi nồng, se se là những đợt gió vào sáng mai hay chiều chập choạng tối, e chừng dăm bữa nửa tháng trời lại rả rích không ngưng...
Chẳng sai, kế hoạch đã sắp xếp từ khoảng hơn 2 tuần trước, dự báo chẳng lành, ngày lên đường thì đến rồi mà bên ni đèo Hải Vân mưa không có dấu hiệu sẽ dứt, ngày kế ngày, trời cứ ửng rồi lại mây đen.
Chặp, quyết “xuyên màn mưa” xem có điều chi bất trắc?
Nhà văn Trần Thuỳ Mai đến với tôi trong một bất ngờ, trong những ngày dông dài đếm ngày xa Huế, như có lần tôi đã nhắn gửi người thương:
“Con nhớ Huế vô ngần...”
Cuốn truyện ngắn của cô như thương cảm cho người con lỡ mang lòng nhung nhớ với màu tím, với trời trắng xoá cơn mưa. Tôi cứ vậy mà ngập tràn trong cảm xúc, vỡ oà khi qua từng câu chuyện ngắn ấy, tôi như đang đi lại chính cung đường, chính nơi mà tôi đã từng đi qua không biết bao nhiêu lần trong 4 năm ròng rã.
Tôi lại như chạm bàn chân lên từng mỏm đá, khối đất của đỉnh đồi Bạch Mã, ngó nghiêng thật lâu khi bắt gặp căn biệt thự lâu đời nằm chơ vơ ở đó, “Đỉnh Ngựa Trắng”, về chuyện tình bi ai giữa chàng phiên dịch trẻ cùng cô vợ của một viên sĩ quan Pháp, Lilly. Lại dọc theo con đường lối về Bao Vinh cùng chú Đăng Hưng tìm cô bé Tinh Khôi dại dột cả tin theo lời thằng Quắn trong truyện ngắn “Thương Nhớ Hoàng Lan”…
Từ những dòng văn nhẹ nhàng, chất Huế, giọng Huế thấm đượm, cảm tưởng như không có chút mảy may nào khoảng cách, cô mang trong mình tình yêu về Huế, nơi cô lớn lên và trưởng thành, còn tôi thì có những dấu ấn, hoài niệm trong nhiều cung bậc vô thường 4 năm ngắn ngủi. Dẫu vậy, tình yêu là điều gì đó kết nối lại, thổn thức, tôi yêu lắm nhưng dòng văn của cô…
Vậy nên, chẳng cần suy tính nhiều, tôi nhanh chóng quyết định tham gia vào buổi giới thiệu cuốn sách mới ra mắt của cô vào một buổi chiều đầu thu, mưa ngập lối trên quãng đường gần 100km từ đèo ni ra…
Sự kiện diễn ra vào buổi ban chiều, lần mò trở về gần 200 năm trước, để một lần sống thực, cảm thực khi đọc xong quyển Thượng trong tập truyện tiểu thuyết lịch sử “Từ Dụ thái hậu” của cô Trần Thùy Mai. Chị em tôi làm chuyến hành hương về thăm vị vua mở đầu triều đại nhà Nguyễn, vua Gia Long. Hậu thế cứ vậy mà cúi mình tường tận qua hết của một thăng trầm lịch sử đầy biến động, kết thúc bằng sự nằm xuống nơi đồi thông ngập gió vào rạng trưa mưa bay bay.
Trưa về lại phố, nghỉ chân tại một quán ăn chay trên đường Nguyễn Công Trứ, giờ điểm, tôi lên đường đến sự kiện như đã định trước. Nơi diễn ra là Thư Viện Tổng Hợp nằm kề ngã sáu đường Hùng Vương. Tà áo dài thấp thoáng, giọng Huế vang vang, tôi cùng những người yêu văn, yêu giọng văn của cô Trần Thùy Mai tề tựu về đây. Cái bắt tay, nụ cười của những người bạn tóc điểm bạc ngày gặp lại ấm cúng, ánh mắt háo hức của những cô cậu bé cấp ba, hay là niềm mong đợi được một lần mục sở thị tác giả tác phẩm…
Cuốn “Từ Dụ thái hậu” là đề tài xuyên suốt, qua văn để am tường lại sử, dù trong đây đã hư cấu ít nhiều. Lật xong những trang sách trong cuốn Thượng, tôi chưa vội mở cuốn Hạ liền, dự tính, mong chờ thêm những điều bất ngờ sau buổi ra mắt. Cũng từ đây mà những thiếu sót về cả Văn lẫn Sử của tôi được phần nào đó sáng tỏ, khỏa lấp. Về một nhân vật lịch sử trải qua thăng trầm cùng 10 đời vua trong triều đại nhà Nguyễn, những “thâm cung bí sử” chốn Hậu cung qua lời kể của các nhà nghiên cứu sử học Huế.
Giai thoại thực, thực ngay trên đất Kinh kỳ, ngay trên vùng đất gần 2 thế kỷ trước, tôi đây một lần vỡ nhẽ, thầm nghĩ, dù là buổi giới thiệu sau cùng của tập tiểu thuyết trong chuyến hành trình ra Bắc, vào Nam, nhưng những nhân chứng, chứng tích còn hiện hữu đó, như vừa đó, khiến những lớp trẻ chúng tôi, sử không chỉ còn qua trang sách, những gì đó xa vời.
Buổi chiều kết thúc, sự kiện khép lại, tròn 12 tiếng tại Huế, trời đã ráo cơn mưa, ráo đi sự vội vã, cái nhón từng đối chân ai đó vì sợ chẳng may bước nhầm vũng nước.
#YênNhiên
Huế, 26/09/2019.
T/B: Quyển “Trăng Nơi Đáy Giếng” đã được ký tại Sài Gòn. Tôi vẫn còn lưu một bản nữa đặt tại Đà Nẵng. Thế là quyển này cũng các quyển truyện ngắn khác và 2 tập Từ Dụ Thái Hậu đã đồng hành cùng tôi ra Huế để chờ dịp tất cả được lưu nét bút của Trần Thùy Mai.