14.10.19

LÀ JOKER HAY KHÔNG LÀ JOKER? | JokerMovie#4

Joker 2019, Todd Phillips, Joker, Vũ Đạm Nhiên, Đạm Nhiên, góc o, góc nghệ, Nhiên

Cảnh thứ 3 của Joker mà B đã cắt là một cảnh ngoại / đêm. Địa điểm trên đường phố của thành phố giả tưởng Gotham. Đây có thể nói là cảnh quy tụ đông đảo diễn viên nhất của Joker.



2 mối lo

Cảm xúc và thủ pháp là 2 điều đáng viết về trường đoạn này. Tính bạo lực hay kinh dị tràn hiện không nhiều. Sự kiểm duyệt đã hủy bỏ gần ¾ thời lượng có lẽ bắt nguồn từ ẩn dụ, từ ý chôn dấu trong hình. 

Đám đông trong phim cũng tương tự như các cổ động viên bất hảo Nam Định tại sân vận động Hàng Đẫy vào ngày 11.9 mới đây tại Việt Nam. Con số 11 và 9 dường như đã trở thành một gợi nhớ cho những thảm họa. Lợi dụng không khí của một trận bóng đá ở hạng chuyên nghiệp, một nhóm người đã nhảy múa, gào thét, bạo động và cuối cùng là bắn pháo sáng gây thương tích và đe dọa nhân mạng. Tính người mờ đi. Thay vào đó là dấu hiệu của sự điên loạn. Con người muốn phá hủy công trình công cộng, coi thường sự sống, không màng tinh thần thượng võ của thể thao và thách thức chính quyền. 

Joker xuất hiện trong một khung cảnh không khác. Khoác chiếc áo nổi bật, màu đỏ của vải nhuộm cùng màu máu. Đứng trên mui xe nghĩa là ở vị trí cao nhất. Joker trong giây phút này tựa như người cầm đầu, một thủ lĩnh không hề có mộng ước trở thành thủ lĩnh, của hội nhóm các cổ động viên quá khích Nam Định.

Việc cắt bỏ đi đoạn này thể hiện điều gì trong tâm tư của B? Đó có lẽ là sự âu lo. Âu lo về ý nghĩa khuyến khích việc bộc lộc cảm xúc bằng hành vi tàn phá (lo ngại thứ nhất - 1). Hay việc trình hiện đầy đủ phân cảnh này nói riêng và bộ phim Joker nói chung sẽ có tính chất xúi giục những hành vi ngoài đời thực tương tự như Joker? (lo ngại thứ hai – 2). Đặc biệt với những người có tâm lý thần tượng, vì quá si mê và tôn thờ Joker, sẽ có những tư duy và hành động tương tự vị giáo chủ tâm linh của mình.

Với lo ngại thứ nhất, thế nào gọi là bộc lộ cảm xúc bằng hành vi tàn phá? Thử hỏi một người trong ngày cuối tuần hoặc ngoài giờ hành chính, mở máy karaoke. Giọng hát vốn cũng không hay, nhừa nhựa pha trộn mùi bia rượu, hát những bài nhạc tình nhưng trái tim thì vô tình, micro lẫn loa thùng hay loa tinh gọn đều ở công suất cực lớn. Tiếng bass dập, tiếng la hét, thứ âm nhạc não tình và chát chúa vang dội khắp con hẽm, lan sang các tầng lầu, ảnh hưởng tiêu cực đến việc nghỉ ngơi hay thời gian làm việc đêm của những người xung quanh. Đây có phải là một Joker – mà chưa hề ý thức về sự tồn tại của một Joker trong điện ảnh – hay không? 

Với tôi, cá nhân nào có hành vi vừa nêu cũng là 1 dạng người như Joker. Chẳng cần đến việc xem Joker, tự bản thân họ cũng là những con người gây nên sự tàn phá. Bằng việc ca hát để giải tỏa cảm xúc, họ tạo ra sự ô nhiễm tiếng ồn và rất nhiều tổn thương về mặt vật chất, tinh thần không thể kể đến cho cộng đồng. Ai sẽ xử lý họ? Ai sẽ trả lại công bằng và sự bình yên cho mọi người? Và ai đang tiếp nối gia tăng thêm tình trạng này? Sẽ là kỳ quặc nếu quy trách nhiệm và những công việc này cho một đoàn làm phim xa lắc lơ tận Mỹ. 

Một câu hỏi tương tự: Bộ phim này gia tăng tình trạng các cá nhân gây nên sự bất ổn trong xã hội? Không chờ tới sự khuyến khích tàn phá mặc định cho những dạng phim có lối khai thác đề tài như Joker thì ở bên ngoài đã có đầy rẫy những con người vẫn đang hằng ngày hồn nhiên tàn phá, vô tư hủy hoại thân tâm xã hội mà không hề có chút mảy may nghĩ đến hậu quả hay trách nhiệm của bản thân. 

Lo ngại thứ hai, có cần đến sự khuyến khích (nếu quả đúng là vậy) của Joker phiên bản 2019 không? Tháng 10 phim công chiếu thì tháng 9 đã có thảm họa địa phương mang tên Hàng Đẫy. Chẳng cần tới một thủ lãnh tinh thần mang tên Joker nào, một nhóm người cũng đã mang pháo sáng vào sân và sẵn sàng khai hỏa mà bất chấp tính mạng của đồng bào mình. 

Thử bật thời sự hằng ngày, hầu như ngày nào cũng có những phiên đếm xác người. Những cái chết trên đường, mà trong suy nghĩ của nhiều người, chết vì tan nạn giao thông là cái chết oan ức. Sự tàn khốc, độ đẫm máu trong các pha va chạm kinh hoàng được tường thuật chi tiết, kèm hình ảnh trung thực xuất hiện trên mục tiêu điểm của bản tin. Tưởng như đó là một cách tạo lượt xem, kích cầu tiêu thụ thông tin hòng có thêm tiền quảng cáo ở những nguồn cấp tin tức có tính chất lá cải, chợ trời nhưng không, cả những trang chính thống, những đài địa phương lẫn quốc gia đều nhiệt tình đăng tải. Rồi còn những vụ giết người, con chém cha, chồng giết vợ, ông ngoại lạm dụng cháu, người dưng hạ sát một gia đình. Nguyên do của bạo lực nhiều khi chỉ là vì một chiếc nón bảo hiểm. Không cần tới Joker nào xách động thì một mảnh thực tại đen tối của xã hội đã nên hình và được truyền thông dòng chính thống giang tay phân phát. Và Joker thực chất cũng chỉ là một tạo phẩm, một sự hư cấu nghệ thuật từ chính hiện thực ngang trái của cuộc đời. Tại sao đổ dồn vào phần cành lá mà không phải là gốc rễ ngọn nguồn?

Lo ngại về một cơn giận dữ tập thể biểu hiện thành một cuộc thanh trừng trên diện rộng? Đâu cần phải chờ tới sự ra đời của Joker thì tư tưởng “vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản” trong đạo Lão đã có từ ngàn đời tại Phương Đông và đất nước này. Xét trên chiều dài lịch sử các triều đại cũng đã có hằng hà sa số ví dụ tiêu biểu. Trong một thời kỳ mà một nhóm người ở địa vị dễ tổn thương nhất trước các biến động kinh tế - xã hội, yếm thế, không được trợ giúp, không được thụ hưởng đầy đủ những quyền lợi cơ bản của một con người tự do thì trước sau gì cũng sẽ có loạn đả vô tổ chức lẫn có tổ chức. 

Cứ cho rằng bộ phim này ngoài việc kể một câu chuyện cá nhân còn có một tự sự khác mang tính dự báo hoặc mô tả về tình hình đương thời thì điều mà nhà làm phim dụng công (nếu đúng là có ý như vậy) cũng chẳng phải là một tư tưởng gì quá mới mẻ.

Vậy còn tâm lý thần tượng? Làm sao để hóa giải tính chất tiêu cực của tâm lý này? Thiết tưởng đó là phần việc chính yếu của giáo dục, giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và ý thức tự giáo dục của bản thân. Nếu xảy ra tình trạng lo ngại dẫn tới hành vi ngăn cấm một xuất phẩm từ văn hóa nghe nhìn thì nhiều khả năng ngay trong thời điểm này chức năng khai phóng, hiệu quả thực sự của một nền giáo dục ở nghĩa như trên, đang lung lay và có rất nhiều bất ổn.

Nếu B quả thật có 2 mối lo trên thì tôi hoàn toàn đồng cảm. Họ chỉ đang làm công việc của mình và họ có lý do. Với 2 cảnh cắt trước đó thì tôi hoàn toàn đồng ý. Xét theo đúng 2 nguồn cấp về mặt luật lệ thì tôi chấp thuận. Nhưng đến cảnh thứ 3 thì tôi thấy không thuyết phục. Cũng từ đây, tôi mong sao bất kỳ ai mỗi khi nhìn vào một bộ phim điện ảnh thì nên chăng hãy sử dụng hướng nhìn từ bên trong tác phẩm, hãy suy xét vào những giá trị nội tại trước khi áp đặt hay luận giải theo những góc nhìn từ bên ngoài?


Không muốn trở thành Joker

Cảnh thứ ba theo sự phân tích của tôi thuộc về hồi thứ 3 của bộ phim. Nếu chia tác phẩm thành 5 thì đó cảnh thuộc vào điểm số 5. Nếu chia thành 12 phần thì đó là phần được đánh số 11. Về mặt cấu trúc, tôi thấy cảnh này được dựng có tính nhất quán với lý thuyết của thuật kể chuyện. Ẩn ý của cảnh này là có thể tóm tắt trong 2 tiếng “lên ngôi” hoặc “sự ra đời”. Ai lên ngôi? Đó là ông vua của bóng đêm, của địa ngục. Ai ra đời? Cái ác, tính ác, một đại ác nhân thật sự bước ra ánh sáng.

Trước đó tôi thấy một pha rượt đuổi. Về mặt ẩn nghĩa, đó là sự giằng co cuối cùng giữa bên thiện (vai của 2 người cảnh sát) và bên ác (Joker). Sau đó tôi thấy một đoạn dàn xếp chung cuộc. Cảnh ngoại đêm với Joker và đám đông loạn đảo chính là đỉnh cao nhất trong hành trình phát triển tâm lý nhân vật. Và với ý đồ dựng hình, dựng thanh của đạo diễn tôi nghĩ rằng đã có một sự sắp đặt văn học lẫn hình học vô cùng thiện xảo. 

Khi xem tại rạp, hẳn nhiên do đã bị cắt nên trải nghiệm điện ảnh bị ảnh hưởng. Những cảm xúc theo kèm tôi đã viết ở bài trước. Trong bài này, tôi viết thêm về sự tiếc nuối của mình, tiếc nối với cách tạo tình tiết và thực quay.

Dõi theo chiều dài câu chuyện về Joker, điều không khó nhận ra chính là sự leo thang hay tính tăng dần của cường độ bạo lực từ vai chính. Joker là nhân vật trung tâm, là anh hùng có tính chất phản anh hùng. Theo đó chắc chắn phải có một nhân vật phản diện để tạo ra thế đối xứng. Nhưng với những gì trông thấy trên màn hình qua 4 lần xem, tôi nghĩ không có nhân vật phản diện nào thực sự đủ mạnh để tạo ra thế đối kháng với Joker xuyên xuốt tác phẩm cả. Ngoại trừ Joker.

Nghĩa là đây là một cuộc đấu tranh trong nội tâm. 2 địch thủ là một hay là 2 phần trong một con người. Arthur đại diện là tính thiện, cho nguyên tắc sống tích cực. Joker đại diện cho tính ác, cho nguyên tắc sống tiêu cực hay là sự đạp đổ mọi nguyên tắc. Càng về sau, Arthur càng yếu đi, càng thua thiệt và ánh sáng không thể rọi vào Arthur như trong trí tưởng tượng đầu phim nữa mà bây giờ là xanh, đỏ, vàng, là màu của tử thần, màu của bóng đêm và giai điệu của phần nhạc nền “Hãy gọi tôi là Joker!” vang vọng.

Cảnh thứ 3 hay là ở cao trào hồi thứ 3 (hay là cảnh ở điểm số 5, hay là cảnh ở phần thứ 11) có một vụ tông xe. Joker đang ngồi trong xe cảnh sát và một vụ va chạm kinh hoàng xảy ra. Tiếp theo đó là gì thì những ai xem phim đã rõ!

Joker không gặp phải một sự phản kháng nào trong phim này, một sự phản kháng đủ mạnh từ các nhân vật như người mẹ, người yêu, người bạn, người bố hờ. Và ngay cả Arthur, tính thiện cũng quá yếu ớt. Cảm tưởng như Joker băng băng về đích trong chuyến phiêu lưu vào cõi địa ngục u minh. 

Một cú va chạm xảy ra và điều tôi trông chờ là một sự thức tỉnh dù có thể vẫn chỉ là trong mộng tưởng, một tiếng gọi dù có thể vẫn chỉ là ảo thanh đến từ Arthur. Tôi muốn thấy một sự kháng cự cuối cùng trong tâm trí của Joker. Nhưng rất tiếc đó chỉ là sự chấn động mang tính chất vật lý, giữa 2 khối vật chất (2 chiếc xe va vào nhau). Va chạm này chỉ tạo ra một cú ngất ở phương diện sinh lý. Không có đổi thay lớn lao nào trong tâm lý theo chiều ngược. 

Khi Joker tỉnh dậy, tâm lý của anh tiếp tục thuận theo phương hướng lụn bại đã được thiết lập từ trước. Joker đã chính thức ra đời trong góc phòng riêng thì nay như được tổ chức một buổi lễ “đăng cơ” danh chính ngôn thuận bằng pháo sáng và bạo loạn. Đây chính là một trong những nguyên do đi đến kết luận của tôi về phim này:

- đạt nhưng không chạm

Tôi thuận theo mặt lý của tác phẩm xét ở theo cấu trúc kịch bản. Nhưng ở mặt tình thì không. Không lay động tính thiện! Joker rất đẹp, đẹp chân thật và tinh tế về phương diện điện ảnh nhưng cái đẹp ấy là một cái đẹp không lành. 

Joker là phim hiện thực, ngoài hiện thực của nhân vật trung tâm, đạo diễn nỗ lực tạo thêm dòng thời gian cho hiện thực xã hội. Bạo lực leo thang ở Joker song hành với bạo lực leo thang ở xã hội. Hẳn nhiên, sự đặc tả hướng vào Joker nhưng nếu cùng có đồng thời 2 diễn tiến song song (leo thang bạo lực) tôi muốn thấy sự khác biệt ở nhân vật trung tâm, ở xung lực chính.

Joker đã có câu thoại thừa nhận cơn hiềm hận nơi mình không có ý đồ chính trị hay chí hướng nào liên hệ gì với sự nổi giận của đám đông. Vậy thì trong tâm lý Joker và tâm lý đám đông khác biệt ở đâu? Tôi chỉ thấy ở cả hai bên là sự đổ lỗi, giận dữ, hủy hoại và mặc cảm không bằng người.

Hình ảnh khuôn mặt chàng hề hóa trang với nụ cười màu đỏ được vẽ khoa trương tương phản với giọt lệ làm chảy phần phấn xanh ở mí mắt chưa diễn đạt hết tất cả sự khủng hoảng nội tâm của nhân vật này. Dùng mặt cười và mặt khóc trong các lớp trang điểm và điệp lại chi tiết này với tôi là chưa đủ. Khóc / cười, hài kịch / bi kịch, tương phản đã được lập ra nhưng lại thiếu một bước nhấn sau cùng nữa. Bỏ không để đó, xếp 2 khối bi kịch của Joker và sự cuồng loạn của đám đông kế bên nhau mà không làm rõ nghĩa bi kịch của một thần tượng được tung hô là một điểm trừ trong phim này. Vì nguyên do này, Joker với tôi mãi mãi không thể nào là một tác phẩm xứng đáng với 2 tiếng “tuyệt tác” hay bất kỳ mỹ từ thậm xưng nào.

Tuy nhiên, càng phân tích thì tôi càng có nhiều phần tin rằng đạo diễn Todd Phillips không có ý đi xa hơn mục tiêu mô tả. Ông chỉ mô tả cái ác nên hình như thế nào. Cho cái ác một quá khứ và gây nhiễu luôn cả những tiết lộ về quá khứ nhân vật. Ông tập trung vào diễn tiến hiện tại và toàn tâm dựng thanh dựng hình cho sự ra đời của cái ác. Ông không muốn khơi chút ánh sáng nào trong hồi 3 vì lẽ ngay từ hồi thứ nhất, đặt vấn đề, ông đã ngay lập tức đưa nhân vật vào khung thiết lập hình ảnh của một nạn nhân. Nạn nhân của bạo hành, của kỳ thị và mắc một số biểu hiện của chứng loạn thần. Ông tập trung phát triển nghịch cảnh và cho thấy hình ảnh bành trướng cực đại của cái ác trong hồi cuối cùng. Nếu muốn đưa vào bất kỳ sự thay đổi nào, e rằng phải xây dựng lại câu chuyện ngay từ hồi thứ nhất. Do vậy, mong muốn của tôi có lẽ chỉ là một ý chí có tính chủ quan, nhất thời và nông cạn.

Với cách làm phim này, hẳn nhiên sẽ có rất nhiều rủi ro về mặt hiệu ứng xã hội. 2 mối lo đã trình bày ở phần trên là một diễn tiến có thể đoán trước. Nhưng nếu phim thật sự hay, thật sự xuất sắc trong phương diện chuyển tải ngôn ngữ điện ảnh thì nhiều khả năng phim sẽ thắng lướt được tất cả những phản hồi bất lợi từ bên ngoài. Với những diễn tiến mới nhất từ thị trường toàn cầu lẫn Việt Nam, có lẽ Joker 2019 đã thực sự là kẻ thắng thời.

Riêng tôi, tôi vẫn giữ nguyên ý kiến rằng đây là phim đáng xem, đáng phân tích cặn kẽ và là một trường hợp cần nghiên cứu. Tuy nhiên, phim chưa hề có một khắc nào khiến tôi nảy sinh ý định bắt chước Joker hay mô phỏng những mẫu hành động do cơn giận thao túng của Joker. Thực chất, phim gia tăng mong muốn trong tôi về việc không trở thành Joker. Tác phẩm này vô cùng giàu có về mặt hồ sơ bệnh án, giúp tôi nhận diện rất nhiều biểu hiện trên đường trở thành Joker. Từ đây, tôi tự đúc kết những cách đối đãi để phòng chống Joker ra đời trong cộng đồng, trong những tổ chức và cả trong chính tôi nữa.

Muốn là Joker, một con người nhân danh những ý nghĩ tiêu cực mà cho mình quyền sinh sát bất chấp hậu quả? Hay muốn không là Joker, ra sức học hỏi để hiểu biết về Joker và phòng chống những Joker ra đời? Câu hỏi này với tôi rất quan trọng. Và hẳn nhiên đây chỉ có thể là đề tài suy xét của những người vẫn còn lòng nhân, vẫn còn tâm lý lành mạnh. Mà tôi tin trong cuộc đời này, những người như thế vẫn còn nhiều, rất nhiều. 

#Nhiên
14.10.2019


*Nguồn ảnh: Ảnh dán tường chính thức cho định dạng IMAX của phim Joker (nguồn cấp)

1 nhận xét: