Nối tiếp theo bài 2, ở bài thứ 3, tôi đào sâu vào những suy nghĩ của mình với cảnh thứ 3 bị cắt ở phim Joker.
Ảnh đầu bài [1] này là tờ dán tường chính thức cho định dạng IMAX của Joker. Đây là ảnh chụp đã qua xử lý hậu kỳ. Ảnh này ghi lại một khoảnh khắc mà không khán giả nào tại Việt Nam được thưởng thức tại rạp chiếu.
Trải nghiệm IMAX tôi mới chỉ có 2 lần với 2 phim khác nhau. Sau 4 lần xem Joker ở rạp phổ thông, tôi đã có ý xem lần 5 tại 1 rạp IMAX. Tấm ảnh buổi giao lưu của đạo diễn Todd Phillips [2] càng gia tăng mong muốn. Rất tiếc, theo tìm hiểu của tôi, ở Việt Nam, Joker không mở bán ở rạp IMAX nào! Truy cập thử vào 2 rạp tại Sài Gòn tôi đều không thấy ghi chú IMAX.
Cho đến thời điểm này, theo thống kê từ BOM [3], doanh thu toàn cầu của Joker đã ở mức xấp xỉ 307 triệu usd. Riêng thị trường Mỹ cũng đã chiếm phân nửa. Kinh phí sản xuất Joker là 55 triệu usd. Như vậy, dựa trên con số này, Joker chắc chắn đã thành công ở khía cạnh thương mại.
Riêng tại thị trường Việt Nam, chỉ sau 3 ngày công chiếu, phim đã đạt doanh thu gần 1,5 triệu usd [4]. So về % với doanh thu thì có thể thấy con số này chiếm một phần rất nhỏ trong chiếc bánh tổng lượt vé bán ra trên toàn cầu. Đây cũng là lý do vì sao, phim này cũng như nhiều phim ngoại khác hiếm khi có kế hoạch truyền thông mặt-đối-mặt tại thị trường Việt Nam. Thường, nếu có, họ cũng chỉ ghi hình một đoạn phim ngắn, có khuôn mặt đại diện của đoàn phim, nói vài câu giao lưu, ngoại giao đầu môi với khán giả Việt.
Không có một sự giao lưu trực tiếp, nhưng con số xấp xỉ 34 tỉ đồng tiền Việt chỉ sau 3 ngày của Joker là vô cùng ấn tượng. Đó mới chỉ là ngày 6.10, tính đến nay, 7 ngày đã trôi qua, chắc chắn lượng vé bán ra đã tăng lên nhiều lần! (Một đoạn đã ẩn).Không thể chỉ trích, thù giặc hay mở cuộc “tổng khởi nghĩa bầy đàn” theo chủ nghĩa dân tộc! Muốn tạo ra một viễn cảnh tươi sáng hơn cho các phim Việt Nam ngay tại quê nhà, cần phải xét tới bàn tay hành động và tư duy lập kế hoạch của khu vực công. Những lời kêu gọi khán giả Việt ủng hộ phim Việt hoặc những tư tưởng muốn thay đổi cục diện mà lại hướng trách nhiệm, nghĩa vụ vào phía người khán giả là sáo rỗng.
Về tiền, Joker hoàn vốn và đủ nguồn lực tài chính để tiếp tục đầu tư và tạo ra các tập phim tiếp theo theo đúng tham vọng về một thế giới DC đen tối, một dòng phim “DC đen” mà họ đã bộc bạch không che dấu.
Về đánh giá của cộng đồng yêu điện ảnh, Joker đạt điểm 8,9/10 tại trang IMDb
[5] (tính tới thời điểm viết bài). Theo hiểu biết nông cạn của tôi, điểm số tại IMDb là một dạng trung bình cộng. Con số người đã tham gia đánh giá Joker hiện tại là 264029. Không phân biệt ngành nghề. Bất kỳ ai nếu đăng ký tài khoản đều có thể chấm sao.
Với bảng thống kê chi tiết hơn, Joker nhận điểm 10 từ hơn 52% lượt bình chọn. Cộng dồn điểm 7, 8, 9 thì phần trăm cũng đã vượt 90%.
Một nguồn tham khảo nổi tiếng khác là RottenTomatoes [6]. Ở đây, phân ra 2 mẫu khảo sát. Một là giới phê bình có chuyên môn (thường là các nhà báo chuyên trách phần điểm phim, bình phim). Hai là khán giả đại chúng. Ở trường phản hồi này, Joker đạt được chứng nhận “phim hay” từ cả hai. Chuyên môn thậm chí xác nhận bằng dấu hiệu “phim hay” (điểm 68%). Người xem phổ thông cho phim ở mức cao hơn (điểm 90%).
Một chuyên trang khác cũng ưa được trích nguồn. Đó là metacritic [7]. Đánh giá được dùng làm nguồn chính thức tại trang này là từ giới phê bình chuyên nghiệp. Tôi chưa kịp nghiên cứu về nguồn cấp này nên cũng chưa rõ thể thức bình chọn. Với Joker, phim được đánh giá ở mức 59 trên thang điểm 100. Ở lượt đăng ký phổ thông, phim được chấm ở mức 9.3 trên 10 điểm.
Đưa ra 3 nguồn đánh giá để thấy rằng Joker nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Có nhiều đánh giá khác nhau về phim và có thể thấy dù ở thang 100 hay thang 10, không lần nào phim xuống dưới 5, tức mức trung bình.
Ngoài ra còn phải kể tới, giải thưởng “phim hay nhất” tại một trong những Liên hoan phim hạng A hàng đầu thế giới. Đó là LHP Venezia 2019. Để biết chính xác diễn tiến cũng như giá trị thật của Joker tại vòng chung khảo, cần phải có được danh sách các phim tranh giải và xem các phim này trọn vẹn. Vì một lẽ rất đơn giản, “phim hay nhất” không phải lúc nào cũng xứng đáng với 2 tiếng “hay nhất”. Có khi nó chỉ “đỡ dở hơn” so với các phim còn lại. Rất tiếc, với một khán giả tại Việt Nam, điều này là bất khả! Tuy nhiên, chắc chắn giải Sư tư vàng danh giá là một bệ đỡ truyền thông dũng mãnh cho phim này. Một lý do khác cần viện dẫn là Joker vốn dĩ là một biểu tượng văn hóa, là ký ức của nhiều thế hệ khán giả thuộc thế giới Anh ngữ hoặc bị văn hóa Anh ngữ xâm thực. Do đó, Joker bản điện ảnh 2019 có một lợi thế lớn trong việc quảng bá. 1 năm trước khi phim công chiếu, thông tin về phim đã được phổ biến rất rộng rãi.
Ở khía cạnh dư luận đối với khán giả phổ thông lẫn đánh giá từ chuyên môn, Joker có được sự quan tâm, thậm chí tạo ra làn sóng bênh vực lẫn chỉ trích 2 chiều. Phim đồng thời nhận được chứng nhận chất lượng bằng hiện vật tại Mỹ và giải thưởng tại châu Âu.
Là một người luôn hồ nghi vào tâm lý đám đông, với tôi tất cả các nguồn cấp đánh giá chỉ dừng lại ở mức độ tham khảo. Để kiểm tra và xác thật cần tới những lần xem trực tiếp. Ngay từ lần xem đầu tiên, tôi đã tin rằng đây là một phim hay. Lần xem thứ hai xác nhận nhận định này. Tuy nhiên, cảm giác về phim có thể gói thành 2 hàng chữ:
- đủ nhưng chưa đầy
- đạt nhưng chưa chạm
Trong số những người tạo ra trung bình cộng 8,9/10 tại IMDb có tôi. Tôi chấm phim ở mức 8 điểm.
Như vậy, với một tác phẩm thành công ở mặt thương mại trên toàn cầu lẫn tại Việt Nam, tạo ra dư luận thuận nghịch, giành được giải thưởng lớn, bản thân tôi cũng chấm điểm cao, việc xem Joker không còn là thưởng thức đơn thuần. Đó là cơ hội để học hỏi không những mặt nội hàm tác phẩm mà cả tính liên đới đến thị hiếu đại chúng và hiện thực xã hội.
Đến đây thì bài đã dài. Tôi dừng tại đây và chuyển phần phân tích cảnh ngoại đêm (cảnh thứ 3 bị cắt) vào bài sau.
#Nhiên
13.10.2019
Chú thích:
JOKER là một nguyên mẫu kinh điển. Đợt này chuẩn bị có phần 2 vào tháng 10.2024. Tôi đọc lại các bài trước và dự tính lập "mục lục" cho chủ đề này.
Trả lờiXóaTrong lần đọc lại, tôi phát hiện đoạn này (đã tô đường dẫn). Thật kinh ngạc! Thời điểm viết bài là cuối năm 2019. Tính tới đó là tôi cũng đã có khoảng 3 năm duy trì thói quen thường xuyên đi coi phim rạp. Đi được một quãng tương đối như vậy mà góc nhìn vẫn còn hạn hẹp tới như vậy. Đọc lại mà không tin là mình đã viết thế này.
Tôi muốn xóa đi luôn. Nhưng hiện tại chưa thấy cần. Cứ để nguyên đó để sau này đọc lại để biết được mình đã có một gia đoạn "tăm tối" tới như vậy. Độ nhìn đã không có tính bao quát. Độ cảm số không. Và cái tình thì xa vắng. Với một kiểu nhìn nhận như vậy không bao giờ đi có thể nhìn sâu được vào bất kỳ vấn đề gì. Tôi ghi nhớ và hổ thẹn.
Nay đọc lại lần nữa thì tôi thấy đã tới lúc phù hợp để cất đi rồi.
Xóa