10.10.19

JOKER BỊ CẮT BAO NHIÊU CẢNH? | JokerMovie#2

Cảm nhận Joker 2019, Joker 2019, Joaquin Phoenix, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, Góc O, Joker, Todd Phillips

Ở bài 1, ý chính của tôi là việc trình chiếu một phim có cách kể như Joker là lợi ích cho sự thưởng thức của khán giả Việt Nam, nhất là ở dòng phim đề cập đến những nhân vật có năng lực đặc biệt đến từ thế giới truyện tranh hư cấu của Mỹ. 

Trong bài 2, tôi viết về tư duy kiểm duyệt với những dạng phim này. 


2 chiếc kéo

Kiểm duyệt có thể vẽ thành một hình ảnh biểu tượng là chiếc kéo. Việc bỏ đi một cảnh nào đó là một công việc quan trọng trong khâu biên tập phim. Người làm công tác biên tập phim và người làm công tác đạo diễn có khi là 2 mà cũng có khi đồng là 1 người. 

Ở đây có 2 loại kiểm duyệt, 2 cây kéo. 

Nhà làm phim tự kiểm duyệt (A). 

Và cơ quan cấp phép phổ biến phim, cụ thể tại Việt Nam là Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) (B). 

Thế nên khi nói ai cắt hay phim bị cắt bao nhiêu cảnh, bao nhiêu phút hay là sự cắt ảnh hưởng thế nào đến chất lượng phim, sự thưởng thức của khán giả thì cần xác định rõ là do ý muốn của A hay là ý chí của B.

Nếu là A cắt, tôi thấy một tiến trình như sau. Từ kịch bản ban đầu đến khi ra hiện trường, đạo diễn có thể sẽ thay đổi một số cảnh quay. Yếu tố tài chính cũng có thể thay đổi ý tưởng dựng phim ban đầu. Đến giai đoạn hậu kỳ, đạo diễn cũng có thể quyết định biên tập theo kế hoạch hoặc theo cảm xúc, theo ý tưởng bất chợt trong chính giai đoạn đó. Do vậy, A có thể cắt đi ngay cả những đoạn tâm đắc vì không phù hợp với tổng thể hay tính nhất quán từ kịch bản đến thực tế. 

Trường hợp Joker có diễn tiến này, một số đoạn đã được chính A cắt trước khi ra rạp. 

Nếu là B, tôi không rõ ở Việt Nam thế nào. Nhưng có những bản phim ở màn chiếu các quốc gia khác khi trình chiếu tại màn chiếu Việt Nam có sự khác biệt về thời lượng. Dù vài giây hay vài phút, chắc chắn cũng phải trải qua quá trình biên tập không khác gì giai đoạn hậu kỳ. Thời gian tính bằng tháng, hằng tháng chứ không thể nào nhanh chóng yêu cầu cắt là cắt. Vì quá trình biên tập làm thay đổi tình tiết, âm nhạc, diễn tiến. Những thay đổi này làm mất thêm thời gian, chi phí nhân lực cũng như ảnh hưởng không hề nhỏ đến ý định của đạo diễn và đồng thời gây thiệt hại trong sự thụ hưởng về sau của khán giả. Họ không được nhìn nghe trọn vẹn câu chuyện nguyên gốc. 

Chiếc kéo hay lần cắt này không phải do A (A cắt) chủ động mà là B tác động đến A (để dễ hiểu thì gọi là B cắt). 

2 sự cắt bởi cả A hay B đều ảnh hưởng đến cảm xúc nghe nhìn của khán giả. Nhưng sự ảnh hưởng nói lên 2 điều hoàn toàn khác. Nếu A cắt thì người xem phán đoán được tư duy kể chuyện của A. Nếu B cắt thì người xem hiểu được não trạng muốn ngăn che, kiểm soát của B. Cần phân định rõ sự khác biệt. Tránh nhập nhằng vì có khi sự cắt của B ảnh hưởng đến phim ít hơn là sự cắt của A. Nghĩa là không thể đổ toàn bộ trách nhiệm về phẩm chất của một bộ phim lên đầu B. Chẳng hạn như một bộ phim đã có sự bất ổn trong kịch bản rồi sau là khâu biên tập thì có kiểm duyệt hay không, kiểm duyệt bao nhiêu phần không phải là vấn đề. Phim không gây hứng thú với người xem thì lỗi phải xét đầu tiên không phải ở khâu kiểm duyệt của B mà là khâu sáng tạo, tự kiểm duyệt của A.

B làm công việc, làm theo bổn phận, có thể B chẳng mảy may nghĩ đến phận số hay doanh thu của bộ phim. Do vậy, nếu là B cắt, tôi thấy B ở phần quy trình nhiều hơn. Còn A cắt thì đó là tác phẩm tâm huyết của A, mong muốn về doanh thu, mong muốn về sự thừa nhận của khán giả và giới chuyên môn có trong chiếc kéo của A. Do vậy nếu là A cắt, tôi thấy A cả phần lý trí lẫn trái tim. Thấy A ở trình độ kể chuyện, độ cảm thấu điện ảnh, triết lý nhân sinh và rất nhiều, rất nhiều hiển bày khác trong tâm hồn. Tôi thấy B có khi nhiều phần là máy móc, là tùy tiện, vô lối. Còn A thì thấy ở phần người, phần tình, phần nghề nhiều hơn.

Thế nên lẫn lộn A hay là B, quy kết trách nhiệm lên B thay vì A là một lầm lẫn lớn. Như đã ví dụ ở trên. Sẽ có trường hợp một bộ phim có kịch bản không ổn, phim biên tập cũng không tốt, A cắt không đạt tới độ tinh xảo. Đến khi ra rạp, phim bị cắt thêm lần nữa bởi B. Việc B cắt không gây quá nhiều ảnh hưởng đến chất lượng của phim. Nhưng sự quy chụp xảy ra. Tiêu điểm thật sự lẽ ra phải là A. Người cần đối thoại với công chúng, giới phê bình về chất lượng bộ phim lẽ ra là A. Nhưng sự lũng đoạn về mặt truyền thông có thể lèo lái mọi chỉ trích, nhận xét hướng về B.

Nhìn vào một số bộ phim tại Việt Nam trong 1 năm gần nhất, tôi đã thấy nhiều trường hợp vừa nêu. Và với tôi, điều này gây ra nhiều tai hại lẫn lãng phí. Lãng phí ở đây là nguồn lực xã hội. Những thời gian bình luận, phân tích, những tài nguyên lưu trữ thông tin không đáng có đổ dồn sai tiêu điểm. Và tai hại lớn nhất là tạo ra hiềm hận trong lòng khán giả với B. 

Nếu phim thất bại thảm hại, A có cớ để chối bỏ về phần phẩm chất của phim và quy hết vào B. Nếu phim thành công, A lại càng đắc thắng và có thái độ thách thức. Dù là viễn cảnh nào thì A cũng có rất nhiều lợi thế để ẩn đi giá trị thực của bộ phim cũng như năng lực chuyên môn của mình. Thế đối thoại giữa A (người sáng tạo) với C (tạm gọi nhóm thưởng thức, bao gồm khán giả đại chúng, giới phê bình) không được thiết lập. Do vậy, chuỗi diễn biến này góp thêm sự mập mờ lẫn lộn các giá trị đích thực của nghệ thuật thứ bảy. Quả thật rất nguy hại! Những giá trị cốt lõi không được vun đắp. Trái lại, chỉ có hiềm hận trong lòng xã hội tăng dần. Và khi hiềm hận cứ ngày một tăng trên diện rộng, đối thoại không hiện hữu thì điều gì xảy ra đã có bức tranh Hương Cảng nơi đời thực.

Trở lại với Joker và câu hỏi đầu bài. 

Joker bị cắt bao nhiêu cảnh? 


Phân tích 3 cảnh cắt

Trường hợp A tự cắt thì báo chí đã đưa tin khá nhiều, tôi không muốn bàn lại. Để phân tích A đã cắt bao nhiêu cảnh cần hội đủ các điều kiện sau:

- Có kịch bản gốc hoặc kịch bản ban đầu (1)
- Xem được các bản dựng từ bản nháp ban đầu đến bản dựng sau cuối (2)

Đối với khán giả phổ thông điều (1) gần như là không thể. Hoặc phải sau một thời gian mới tìm được kịch bản. Ở điều 2 cũng chỉ có thể thực hiện được 50%. Đó là xem thật nhiều lần bản dựng cuối (tức cũng là bản ra rạp). Trí nhớ lưu trữ và đối chiếu với những thông tin thâu lượm được từ A (nếu có) về quá trình làm phim thì chắc chắn sẽ có được sự so sánh và đối chiếu. 

Nếu là B thì tôi chắc chắn có 3 cảnh bị cắt, có thể nhiều hơn.

Trong 3 cảnh mà B đã cắt, tôi nghĩ yếu tố bạo lực là lý do. Quá bi thảm, quá dã man! Có lẽ là suy nghĩ của B. Nhưng đâu là định nghĩa về dã man? Thế nào là một cảnh man rợ? Dựa trên tiêu chí nào? Xuất phát từ nội hàm tác phẩm, tính chất hợp lý / bất hợp lý trong cấu trúc, hợp tình / không hợp tình trong diễn biến tâm lý nhân vật? 

Joker được dán nhãn “C18” theo cách phân loại cấp độ hiện hành bao gồm P, C13, C16, C18. Thử đọc lại cụ thể diễn giải C18 theo B. 

“Các phim C18 không chấp nhận việc khai thác quá sâu những hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ bạo lực, kinh dị rùng rợn; không chấp nhận việc miêu tả chi tiết các bộ phận sinh dục. Không chấp nhận những hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện sự bạo lực, kinh dị, khỏa thân, tình dục, ma túy, các chất kích thích, gây nghiện… mà không phù hợp với nội dung phim và xuất hiện thường xuyên, có thời lượng kéo dài.” [1]

Phim Joker với nhân vật trung tâm Joker là một bệnh nhân tâm thần. Anh không có tình tiết nào liên quan đến ma túy. Đời sống cô độc, không có cảnh nào liên quan đến chuyện tình dục xác thịt. Một số ảnh chụp khỏa thân kẹp trong quyển sổ tay của Joker lướt qua nhanh trên màn hình. Cách dựng này thoát khỏi chiếc kéo của B. Vậy nên nguyên nhân bị cắt chỉ có thể là một. Đó là bạo lực. 

Cảnh thứ nhất liên quan đến người mẹ và cảnh thứ hai liên quan đến người đồng nghiệp của Joker theo thống kê của tôi bị cắt bởi lý do này. Nhưng cảnh thứ ba, lúc Joker đứng trên mui xe ở đường phố ban đêm lúc cuối phim thì có gì liên quan đến bạo lực?

Chính diễn giải mập mờ, mơ hồ, không sáng nghĩa và cụ thể về C18 mà B đã cắt đi một trường đoạn theo tôi là rất quan trọng. Điều đáng nói trong phần cảnh ngoại đêm này, chiếc kéo đã cắt ¾ thời lượng nhưng vẫn để lại ¼ trên màn hình. Vậy nên ý nghĩa của cảnh vẫn không bị xóa bỏ. Người xem nếu để tâm vẫn có thể hiểu được tình tiết. Vậy thì cắt để làm gì? [2]

Thiệt hại lớn nhất vẫn là khán giả. Không thể thưởng thức trọn vẹn các quyết định về khung hình, sự di chuyển camera. Đáng nói đây là phân cảnh có sự tham gia của số đông diễn viên quần chúng. Một đại cảnh nhiều phần thể hiện năng lực chỉ đạo của đạo diễn. Ngôn ngữ điện ảnh thể hiện rất rõ trong phân đoạn này. Tính nhất quán về mặt ẩn ngôn của tác phẩm được duy trì nối theo các cảnh trước đó. Cắt đi ¾ thật sự gây phẫn nộ trong tôi khi xem phim này. Có quá nhiều mâu thuẫn trong quyết định cắt và do đó phơi bày não trạng của người cầm kéo. 

Xét về cấu trúc, việc cắt của B không làm nhiễu ý ngầm của cảnh phim. Vài hoạt ảnh sót lại giúp tôi hiểu được diễn tiến cũng như tính hòa điệu và đồng bộ của bộ phim. Nhưng ở mặt trải nghiệm người dùng (cảm xúc) thì thiệt thòi không nhỏ. Với B, tôi căm phẫn, căm phẫn hành vi nhấp kéo. Suy nghĩ tiêu cực tôi có nhiều như Joker. Nhưng tôi không dành thời gian dung dưỡng. Tôi không sa vào nỗi hiềm hận vô ích và chỉ gây bệnh cho tinh thần. Thời gian của tôi là để dành cho A, phân tích chiếc kéo của A. Với riêng cảnh này thì tôi không có lời khen nào. Không thể biết chính xác quá trình dựng và quay ở bối cảnh này. Nhưng đánh giá thì tôi không cho điểm thấp mà cũng không thể cho điểm cao. 

Joker là bộ phim mô tả hành trình đi xuống, từ thiện sang ác, Arthur đầu phim trở thành Joker cuối phim. Trong phim này, đạo diễn Todd Phillips đã dựng nhiều cảnh bạo lực đan xen giữa 2 phong cách, có khi trực diện, có khi ẩn ý. Bạo lực tràn màn hình chưa hẳn tạo hiệu ứng tốt bằng bạo lực ẩn tàng. Vì ẩn tàng kích thích trí tưởng tượng của người xem. Với phim này, tôi nghĩ các cảnh dựng bạo lực tạo ý tạo được hiệu quả nhiều hơn là mô tả trực diện. Đây cũng là trường hợp tham khảo để những A tại Việt Nam nghiên cứu khi có ý dựng một cảnh bạo lực và phần nào đoán được phận số của nó trước mũi kéo trong tương lai của B.

Tôi rất muốn tiếp tục đào sâu vào cảnh thứ ba của A, một cảnh bạo lực có tính ẩn dụ nhưng đã bị B cắt. Nhưng tự thấy nếu bàn đến trình tự các phân cảnh, cách đặt để thứ tự sự kiện và tình huống (độ tăng dần của bạo lực) thì đã lan sang các khái niệm về tiết tấu, nhịp phim, kịch bản. Không còn là kéo mà đã có thêm bút, cây bút phác thảo mạch truyện của A. Những điều này xin hẹn trong bài sau.

#Nhiên
10.10.2019


*Chú thích:

[1] 4 mức phân loại phim (từ 1.1.2017) (đọc thêm)

[2] Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh (21.5.2010) (đọc thêm