18.3.18

Nữ hoàng chửi thề | 3BOEM #3


Mình định bày tỏ tâm sự và gửi cho một người tên Linh. Linh nào? Linh của nhóm lục quái mang tên Ngựa Hoang.

Linh hay Thảo, hay Duyên thì mình cũng không rõ, chỉ biết là người Đà Lạt, sau đó thì chuyển về Sài Gòn. Nếu thực Linh học lớp 11 vào năm 1974 thì đến nay cũng đã trên dưới 60. Mình phải gọi là cô Linh, nhưng mình chỉ nhìn Linh mãi mãi ở tuổi 15, hoặc quá lắm là 25, những năm còn lại thì viết thành "mai sau". Thế nên, mình chỉ gọi tên thôi hoặc tôn trọng thì thêm vào một tiếng "chị".

Linh có một mơ ước xuân xanh là "xuất bản một cuốn từ điển chửi thề". Mình mới xem THÁNG NĂM RỰC RỠ hai lần nên không nhớ rõ lắm các tình tiết và câu thoại. Chẳng rõ là "xuất bản" hay là "sưu tập các câu chửi thề hay nhất". Nhưng chắc chắn là Linh chửi thề hằng ngày và có niềm đam mê vô hạn với "bộ môn" này. Do vậy mình viết gửi Linh vì mình cảm thấy có một nguồn cấp dữ liệu xứng đáng để Linh tham khảo.

Đó cũng là một "nữ hoàng chửi thề" lẫy lừng khác. Tên gọi Mildred Hayes, tầm tuổi 50. Nơi cô thuộc về mang tên Ebbing. Thế giới ấy có tên đầy đủ là THREE BILLBOARDS OUTSIDE MISSOURI.

Ở cảnh thứ 24, tính theo số trang kịch bản là 17, cô Mildred có một màn chửi thề đỉnh cao mà nếu dàn ra trang giấy thì độ dài hơn nửa tờ A4. Và đối tượng phải ngồi hốt hứng tàn dư của bữa tiệc âm thanh là vị Cha đáng kính Montgomery. Cha đến từ nhà thờ và việc một đại diện của thế giới tâm linh hướng thượng bị rủa xả sấp mặt bởi một phàm nhân có lẽ sẽ còn rất lâu mới được nhìn thấy trên dòng phim Việt. Mà ở tại nơi chốn gọi là Ebbing này, ai nấy đều nói tục liên hồi. Từ già đến trẻ, từ dân thường đến cảnh sát, từ da trắng đến da màu. Cảm tưởng không có phút nào trôi qua mà đôi tai xa vắng với tổ hợp những ngôn từ đen đúa.

Đó là sự chân thực cần có. Không một chút lạ thường nào. Người xem có thể không thấy thoải mái nhưng họ sẽ tin vào những gì mình chứng kiến. Vì ngoài đời thực là như vậy. Bước ra chợ, vào quán xá, lên xe bus, đi trên đường, bất kỳ lúc nào, chúng ta cũng có thể vô tình nghe được một câu hay một tràng chửi nối dài. Có những con người không hề e ngại với sự nhớp nhúa này. Âm thanh ấy là một tiếng đệm trong từng câu chữ mà họ tuôn phóng ra môi trường hằng giờ. Có những không gian mà lúc nào món cháo chửi cũng được dọn lên bất chấp thực khách muốn hay là không muốn. Và cũng có khi ta nhìn thấu quá nhiều hành vi giả trá, ta bắt gặp quá nhiều vẻ đẹp ngụy tạo, ta muốn ói, ta muốn mửa, ta muốn phỉ nhổ. Khi ấy, những con người vốn dĩ điềm tĩnh, có thể cũng sẽ thốt ra những lời thô tục, thầm trong tim hay vang lừng trong gió.

Chửi vì vậy cũng là một dạng nghệ thuật sắp đặt. Và nếu đã xem là nghệ thuật thì dấu vết của nó chính là thương cảm. Chửi như thế nào để người nghe không thấy phản cảm. Mình không căm ghét cô Mildred. Cả một tuyến nhân vật chính phụ, họ chửi đều tai. Nhưng mình không thấy ghét người nào. Trái lại, càng về cuối, mình càng thương. Thương vì hiểu rằng có những tiếng chửi chỉ là sự phản kháng của những cá thể yếu ớt, không còn một điểm tựa. Thương vì hiểu rằng có những lời tục xuất phát từ một trái tim non nớt và dại khờ.

Linh à, chị hãy tìm Mildred đi! Hãy thử một lần lên chuyến xe cùng cô ấy!