Sau khi xem hết THREE BILLBOARDS OUTSIDE EBBING MISSOURI, mình thấy trong người rỗng rang. Trong suốt đoạn đường về nhà, tình ý cũng an vị, không xê không dịch.
Nhưng ngay hôm sau thì một số sự kiện tại Ebbing bắt đầu khởi quay, tái hiện trong tâm trí. Phản ứng bên trong phần lớn vẫn chỉ là một tập hợp các suy luận xoay chuyển xung quanh nội dung truyện phim. Mình không thể đong đếm chính xác nội tâm mình có bao nhiêu phần trăm bị pha tạp bởi tư duy văn học, bao nhiêu phần trăm là tư duy điện ảnh nguyên chất. Nhưng nếp cũ, lối cảm thụ mang khuynh hướng văn học chắc chắn hãy còn chiếm phần ưu thế.
Đó là chưa kể đến bảng thành tích danh giá các giải thưởng mà phim này đã thu gặt. Đây là điều đáng ngại nhất đối với mình. Vì đã có sự xác nhận là hay, là chất lượng bởi một nhóm người cho nên công việc của mình không phải chỉ ngồi xem mà còn là làm sao xóa sạch tất cả những xác nhận đó. Xem phim do vậy với mình không chỉ giản đơn là chuyện mua vé, đến rạp rồi ra về. Nếu không tỉnh táo, rất dễ dàng nạp mạng vào vòng xoáy, vào bẫy sập của sự định hướng, lèo lái về mặt tư tưởng, thẩm mỹ của người khác.
Chưa hết, cũng vì đính kèm bộ phim này là những vòng nguyệt quế, những tượng vàng chói lóa như Oscar, thế nên nếu không cẩn thận, mình cũng sẽ rơi vào biểu hiện "thấy sang bắt quàng làm họ". Rượt đuổi, đu bám, ôm càng để được quẫy đạp, múa may thoáng chốc trong bầu khí quyển mang tên "đẳng cấp" và "hàn lâm".
Mình vẫn đang nằm chờ để được xem phim thêm lần nữa. Sau rạp ở Đồng Khởi, mình quyết định chọn rạp ở Nguyễn Du. Chẳng biết sau lần thứ 2, mình sẽ có điều gì để viết xuống không.
Về âm nhạc, về góc quay, về bối cảnh, về diễn xuất, những khía cạnh này mình vẫn chưa đủ trình độ để luận bàn. Hẳn là mình chỉ có thể đào sâu vào kịch bản, về cách chọn ẩn dụ và dựng tạo nên những sự kiện ngầm chứa.
Nếu là vậy thì có lẽ không cần đến lần 2, ngay lúc này, mình cũng có thể viết về một diễn tiến mà mình tin rằng đây là sự kiện trọng tâm của tác phẩm. Đó là khoảnh khắc Phượng Hoàng, khi mà nhân vật chính hứng chịu một tai nạn, một sự chuyển biến lớn lao về thể xác và hẳn nhiên cả tinh thần. Trong cơn đớn đau cùng cực, họ lột xác. Đúng hơn sau biến cố kinh hoàng, một phần trong họ chết đi để cho một bản ngã tươi mới nên hình. Chính sức tương phản và cách biểu đạt 2 thái cực sau trước này quyết định sức khêu gợi của một tác phẩm.
TRUY TÌM CÔNG LÝ có một khoảnh khắc Phượng Hoàng khiến mình ghi nhớ. Giờ thì mình đang suy tư người đạo diễn dàn dựng có hợp lý, có chân thực hay chưa. Nhưng sự hợp lý và chân thực hay không thì không hẳn đã là trách nhiệm của người đạo diễn. Đó là cuối quy trình. Còn nguyên thủy của sự chân thực và hợp lý nằm nơi kịch bản, nằm trong tư duy độc sáng, nằm trong cách chắt lọc ẩn dụ và sử dụng biểu tượng tạo hình của người biên kịch. Trường hợp của "3 tấm biển", Martin McDonagh nắm giữ cả 2 vai trò, đạo diễn lẫn biên kịch.
Bộ phim này đem đến cho mình rất nhiều bài học.
Mình vẫn còn đang nghĩ suy...
Mình vẫn còn đang nghĩ suy...
Nhiên