7.7.20

Không Đề - Bài thứ nhất

Nổ Cái Bùm, Bến Xuân, Huế, Camille Huyền, Đạm Nhiên, Nhiên, Góc Nghệ, Góc O, Vũ Đạm Nhiên

Ngày khai mạc Tuần lễ nghệ thuật đương đại "NỔ CÁI BÙM" (4 đến 9.7.2020)

***

1. Không Đề

5 giờ 53 phút, thứ 7, ngày 4.7.2020. Cô Camille Huyền gửi cho tôi đường dẫn đến một bài hát phổ từ thơ Quang Dũng do chính cô thể hiện.

Đây là trao đổi công khai giữa chúng tôi trên mạng xã hội. Sau khi thấy tôi thể hiện sự yêu thích với 2 câu trích từ bài thơ Không Đề, cô đã phản hồi. 

Cô có thể không biết tôi là ai nhưng tôi đã nghe nói nhiều về cô. Sự nghe nói ấy là dạng trực tiếp thông qua lời kể của một bạn đã từng làm việc với cô. Bạn ưa ký tên là Phố trong các bài viết. Tôi và bạn cũng không thân. Nhưng qua những lời bạn kể thì tôi cũng hình dung ít nhiều về cô trong đời thực và trong công việc.

Phố có thể cũng chưa hề biết tôi đã có trong tay một đĩa CD của cô. Đó là đĩa tôi mua cách đây nhiều năm, ngay dịp ra mắt tại Việt Nam. Tôi yêu thích bức ảnh vẽ cô gái nằm trong tạo hình của một cây đàn (ấn phẩm đi kèm CD). Đĩa nhạc này có nhiều bài phổ từ thơ của Thanh Tâm Tuyền. Và đây cũng là một trong số những nhà thơ có rất nhiều bài tôi đọc thuộc.

Bài Không Đề của Quang Dũng đã được phổ nhạc rất nhiều, trình diễn rất nhiều. Nhưng dịp này mới là lần nghe đầu tiên của tôi qua tiếng hát Camille Huyền. 

Từ trên đến đây tôi dùng danh xưng “cô” để phù hợp với dòng thời gian chúng tôi xuất hiện trong kiếp này. Nhưng nếu nghĩ về cô dưới ánh nhìn nghệ thuật thì tôi có thể gọi là chị Camille Huyền. Bởi một lẽ giản dị: trong nghệ thuật không có khái niệm tuổi tác.


2. Bài ngợi ca tình yêu

Thanh Tâm Tuyền có một bài thơ nhan đề “Bài ngợi ca tình yêu”. Phạm Đình Chương đã phổ nhạc thành “Đêm Màu Hồng”. Năm 2017 đúng ngày 14.2, tôi đã thực hiện một bài ghi âm có 3 phần với tên gọi lần lượt là:

- Sức mạnh ngôn từ
- Tình yêu bất diệt
- Mùa xuân vĩnh cửu

Đây là những suy nghĩ bộc phát (nói ngay, không soạn sẵn, thu âm một mạch) của tôi về bài thơ Không Đề. Bộc phát ngay lúc đó mà cũng có thể là sự trầm tích của tâm tư sau nhiều năm cảm thụ tác phẩm này. Bài ghi âm này tôi lấy một cái tên chung là “Đêm ngợi ca tình yêu”.

Tôi đã dè dặt gửi cho một số bạn quen và trong danh sách nghe của tôi có cả những người ruột thịt của nhà thơ Quang Dũng. 

Đó là chuyện của 3 năm trước. Thỉnh thoảng tôi vẫn lục lọi trong kho dữ liệu để nghe lại chính giọng nói của mình. Quang Dũng và Không Đề bằng một cách riêng tư như thế vẫn là một mùa xanh miên trường trong tâm khảm.

Sau khi nghe hết đoạn phim âm nhạc của chị Camille Huyền, (đúng hơn thì trước cả khi tôi bấm nút Chơi), tôi đã nảy nở ý định sẽ gửi bài ghi âm của mình cho chị. Đến khi nghe xong phần hát thì ý định ấy càng sâu đậm. Nhưng chen chúc, quyên quàng, ngủ ngầm bên trong còn là sự mặc cảm thân phận. 

Lý trí tôi đặt câu hỏi: Sao lại phải chần chừ? Tựa như một sự trao đổi vậy thôi! Bên nớ có tiếng hát. Bên ni có tiếng lòng. Tuy không biết hát, không có dàn nhạc là điểm tựa, nhưng tôi cạn nghĩ cảm nhận nói thành lời của tôi trong một đêm lặng lắng 14.2 cũng là một biểu hiện của âm nhạc. 


3. Bến Xuân

19 giờ 25 phút, cũng là ngày thứ 7, 4.7.2020, tôi chụp vội bức ảnh khi trên tay đang cầm tờ giới thiệu cho chuỗi chương trình “Nổ Cái Bùm”. Tôi không có nhu cầu chụp đẹp và cũng chẳng biết chụp đẹp. Đây vốn dĩ là bố cục quen thuộc của tôi. Giữ một vật phẩm nào đó ở giữa khung hình và chụp lại để ghi nhớ mốc thời gian, mốc địa điểm để đánh dấu cho một hoạt động của mình. 

Trong bức ảnh này, có chị Camille Huyền và chồng. Tôi chủ tâm dịch tờ chương trình lệch sang trái một chút để đưa chị vào trong khung hình, trong ánh nhìn và trong ký ức. Bức ảnh nhòe và chỉ là dạng tư liệu nhưng đây sẽ là một khoảnh khắc quý giá. Đối với chỉ riêng tôi. Nhìn ảnh ở bất kỳ thời gian nào về sau tôi biết rằng cách khoảng giữa chúng tôi đã thêm một lần được thâu ngắn.

Vậy là tôi đã có mặt ở Huế! Một quyết định có phần vội vàng và không hề được trù liệu từ trước. Ban sáng khi vẫn còn đang nghĩ tới việc sẽ chọn quán chay nào thật gần nhà (để có thể đi bộ từ điểm xuất phát là con đường mang tên Quang Dũng) thì “Nổ Cái Bùm” đã hiện ra trong tâm trí. Đấy là một cú nổ không phải tức thời mà đã được châm ngòi từ hôm trước đó. 
Về Đà Nẵng, kế hoạch của tôi là tham dự thật sâu sát và đầy đủ tất cả các hoạt động văn hóa nghệ thuật tại địa phương. Trong các lệnh tìm kiếm hằng ngày, không có nhiều kết quả làm tôi hứng thú. Thế là tôi mở rộng vùng địa lý. “Nổ Cái Bùm” xuất hiện. Mất thêm một buổi sáng ghi chép cẩn thận lịch trình các sự kiện diễn ra trong liên tiếp 6 ngày cũng như tính toán luồng di chuyển, tôi mới đưa ra quyết định. Quyết định trong sáng thứ 7, cách vài tiếng sau phản hồi về bài Không Đề của chị Camille.

Vẫn chưa có một liên lạc riêng tư nào giữa tôi và chị. Thế nhưng đêm nay khi đứng trên cao nhìn xuống tôi biết mình đã rất gần rồi, rất gần với Bến Xuân.


4. Người giữ hồn cho cảnh

Đọc nhiều bài viết về nơi chốn ấy tôi thấy có khi danh từ “quần thể”, “điểm nhấn văn hóa” được nhắc tới. Rồi nào là cung phủ, nhà hát, bảo tàng. Trong ước nghĩ của mình, tôi vẫn thường suy tư về vườn, một khu vườn, những người làm vườn. 

Cần rất nhiều bàn tay và khối óc tạo cảnh nhưng mọi lao tác sẽ hóa không nếu không có người giữ hồn. Tạo cảnh và giữ hồn. Tôi đã nghĩ về Bến Xuân với một cặp từ khóa như vậy. Đó hẳn phải là một khu vườn. Và để Bến Xuân mãi mãi là mùa xanh, mãi mãi là đôi mắt của tuổi hai mươi thì có lẽ điều cần nhất trước tiên là chí nguyện gìn giữ.

Ý định thầm kín của tôi như vậy (khi phân tích thật kỹ) không rơi vào một ai, một danh xưng cụ thể nào. Cái mong muốn trao đổi âm nhạc ấy nay xin được phép hóa thành một phong thư màu xanh, gói xếp lại trong dáng hình của một hạt giống tí hon, lặng lẽ gửi gieo vào đất mềm. 

Bên trong đó… là nguyện cầu được nằm yên, được đi khẽ, được giấu mình, được nghe mưa, được ngửi nắng, được gột rửa, được xét suy… bên trong một khu vườn. Đó là chí nguyện được gìn giữ những gì thật lành, thật đẹp, là khát khao được học, được hiểu những phương cách để kiến tạo một không gian, nơi mà bất kể ai khi tìm đến đều có thể trở về với mùa xanh 20 tuổi.


5. Những ngày không khói

Tôi chưa biết gì về Nổ Cái Bùm. Cũng chẳng rõ ai đứng đằng sau và động lực thúc đẩy là gì. Yếu tố quyết định tôi đến để cùng chung hít thở chính là khoảng cách giữa các địa điểm tổ chức sự kiện. Có 6. Và chúng rất gần nhau. Nghĩa là có thể đi bộ hay đi xe đạp. Ngay trong ngày đầu tôi đã lỡ mất chuyến du hành vòng quanh trên xe điện. Do không còn chỗ là một lẽ. Một lẽ khác là tôi ngần ngại tranh giành. Rõ ràng là thấy vẫn còn chỗ. Nhưng cứ nấn ná, lưỡng lự một hồi. Chỉ một loáng sau các bạn Tây Ta đã ngồi kín cả. Rất may mắn là có một bạn gái tên Quỳnh Anh đã sẵn lòng lai tôi từ Then Cafe sang Trường Đại Học Nghệ Thuật Huế. Tiếp theo là Mơ Đơ rồi Năm Mùa. 

Sau chuyến đi ban trưa, tôi trở về nơi tạm trú, mượn một chiếc xe đạp và khởi sự hành trình riêng tư. Mất khoảng 25 phút đạp xe từ chỗ ở để vào Thành Nội. Tôi đi đúng lại lộ trình do Ban Tổ Chức đã gợi ý. Then Café – Trường Đại Học Nghệ Thuật Huế –  Mơ Đơ –  Nest Studio – Năm Mùa và điểm cuối là Bảo Tàng Mỹ Thuật Huế. Như vậy việc di chuyển bằng xe đạp là khả thi. Trừ những ngày phải đến các xưởng ở ngoài thành. Tất cả các hoạt động nếu diễn ra trong thành tôi đều có thể đi xe đạp. Nếu cần ăn uống vào ban trưa tôi có thể ghé những tiệm chay cuối đường Hàn Thuyên hay một số quán bên đường khác. Khi cần nghỉ hay trong thời gian chờ giữa các sự kiện tôi có thể chọn đi đến đường dành riêng cho xe đạp tại sông Hương. 

Nhiệt độ ở Huế bây giờ ở trong biên độ 26-36. Trời nắng ráo nhưng đi giữa thành phố luôn cảm nhận sự mát trong thường trực. Đó là hơi nước từ sông, từ hồ, từ hào, là bóng râm của mật độ cây xanh dày đặc. Và cũng có lẽ mát trong còn là vì tâm lý đã thích nghi và chấp nhận. Đợt nắng nóng tại Hà Nội tôi đã trải và không thấy quá khắc nghiệt thì những gì ở Huế ở một ngưỡng thấp hơn. Tại Hà Nội và tại đây tôi hoàn toàn có thể ngắt công tắc điều hòa, cất luôn quạt máy vĩnh viễn. 

Như vậy có thể tiên liệu rằng những ngày ở Huế của tôi sẽ là những ngày không khói. Mức độ tiêu thụ điện năng sẽ cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất.


6. Cảnh Huế, người Huế

Tôi đến Huế hẳn nhiên không phải là vì Nổ Cái Bùm. Đó chỉ là một duyên cớ để tôi có thể gắn bó với nơi này, để hiểu cảnh và người Huế hơn, để không dừng lại với tổ hợp những cái thấy nông cạn và hời hợt trước đây, để tránh lối du lịch hưởng lạc ồn náo, chỉ có chụp ảnh, tiêu xài và để lại cho Huế không gì hơn là một đống rác nylon và tư duy trần tục.

Chắc chắn tôi vẫn chưa biết gì về cảnh Huế, chưa hiểu gì về người Huế. Nổ Cái Bùm có thể giúp tôi nhìn thấy một phần nào đó diện mạo của những “làn sóng mới”. Còn những con sóng xưa, mùa xanh xưa, cái gọi là “cựu trào” thì tôi phải tự lần mò. Sẽ không có một chương trình nào cả. Chỉ có trực giác dẫn đường. Chỉ có chân bước và những vòng xe.

Lần trở về này, hành lý lớn nhất mà tôi quang gánh là khái niệm “đô thị vị nhân sinh”. Tôi đã đọc, đã hiểu và nhờ đó tôi đang nhìn Huế với một ánh nhìn tươi mới, khác với trước đây nhiều lần. Đó là đôi mắt 20, đôi mắt của thuở ban sơ, của lần đầu mà Quang Dũng đã viết. 

Con người là linh hồn của một khu vườn. Con người là trái tim của quy hoạch đô thị. Với một vận tốc chỉ từ 5 đến 12km, tôi đang được là tôi, là Nhiên, là người. Và biết đâu trong một ngày mai, trong một mùa xanh rất dài xa phía trước, tôi sẽ được là Huế. Đó sẽ là cú nổ lớn nhất, lớn nhất đời tôi. 

#Nhiên