26.7.20

XEM SONG LANG VÀO NGÀY 27.7 | SL

Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, góc không, góc O, goc nghệ, song lang, Leon Le, Leon Quang Le, Trần Thùy Mai, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Con Voi Xa Rừng, Vũ Hùng, Con xoi xa đàn, Liên Bỉnh Phát, Dũng Thiên Lôi, Linh Phụng, Issaac

Nhà văn Trần Thùy Mai vừa viết mấy dòng ngắn về Song Lang. Chị là người đã viết Trăng Nơi Đáy Giếng để từ đó có tác phẩm phái sinh cùng tên ở thể dạng điện ảnh. Không biết chị có nhận ra 1 diễn tiến khá tương đồng không?

Đó là SL cũng nương vào chất liệu văn học. 2 bộ phim đều lấy 1 truyện ngắn hay truyện vừa làm điểm tựa. Dĩ nhiên, trường hợp của SL không phải là chuyển thể mà có thể xem như là lấy một chút cảm hứng từ Con Voi Xa Rừng (Vũ Hùng). Dũng SL và Bê CVXR cùng là 1 cá thể bị tách khỏi bầy đàn (A) rồi lại quyết đào thoát khỏi tổ chức (B) để trở về với A và nhận lấy 1 bi kịch. Đó là bi kịch: 

- không thuộc về nơi nào 
- Hay không được bên nào (dù A hay B) chấp nhận

Theo quan sát của tôi, bi kịch này rất được những nhà kể chuyện bằng hình trên toàn thế giới yêu thích và tiến hành khai thác miệt mài. Đánh giá trình độ hẳn nhiên cũng là nhìn vào cách họ sẽ khai thác như thế nào và xử lý bi kịch ấy ra sao. Theo ghi nhận của tôi, có ít nhất 2 cách xử lý:

1. Cho thấy bi kịch với muôn mặt và dáng hình
2. Tìm ra nẻo thoát thật sự cho người anh hùng 

Leon Le, đạo diễn của SL, theo sự (mạn phép) suy xét của tôi, đã chọn hướng thứ nhất. Ấy vậy, dường như anh (có lẽ đúng hơn là biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc) muốn tăng thêm độ khó khi cố gắng xây thêm 1 tuyến phát triển tâm lý nữa có tính chất song hành (Linh Phụng) với nhân vật trung tâm (Dũng). Một lần mở ra thì một lúc nào đó phải khép lại. Liệu Leon Le có thật sự cầm nắm được bánh lái của "con thuyền" SL? 

Đó là chưa kể sự phục dựng khoảng thời gian hoàng kim 1980s-1990s của sân khấu cải lương miền Nam vốn dĩ có thể tạo ra những ánh nhìn lấp lánh trong đôi mắt của kẻ hậu sinh còn với những ai đã từng là đương thời thì có lẽ chúng ta phải cách ly khỏi không gian mạng và gắng cố gõ cửa từng nơi mới mong được nghe những lời phê bình chân thật.

Với tôi, đây là phim ổn, tạo ra 1 trạng thái không cuồng si cũng không ghét bỏ. Có lẽ những người làm phim sẽ hạnh phúc và tiếp tục khiêm hạ. Hạnh phúc vì phim có dư luận. Khiêm hạ vì phim vẫn tiếp tục có thêm những tình nhân. Điều đó là sự quảng bá tự nhiên và chân chính nhất cho các phim sau này.

Một số nơi ngoài 1 rạp chiếu quy chuẩn đã tổ chức trình chiếu Song Lang. Lắm khi tôi không hiểu có đủ cơ sở vật chất và danh chính ngôn thuận không? Giờ thì lại có thêm 1 suất chiếu nữa vào ngày 27.7. Tôi chưa biết bên dưới hoạt động này là ai và nằm trong khuôn khổ nào? Có lẽ là một hội phim trực tuyến chăng? 

Bạn nào chưa từng xem có thể dành chút thời gian để xem xét tính chính danh của buổi chiếu. Nếu hợp đạo và hợp tình thì có thể chọn một góc tối và bình lặng trong ngày 27.7 để thưởng thức tác phẩm này. 

#Nhiên
24.7.2020

*Trước khi đăng bài chính thức thì tôi đã viết ở dạng Dòng Trạng Thái trên facebook. Kèm theo đó là đường dẫn buổi chiếu. Thật vui vì ngay bên dưới bài viết có bình luận của cả biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc (24.7) và nhà văn Trần Thùy Mai (26.7).