27.7.20

Không Đề - Bài thứ sáu

Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, góc không, góc O, góc nghệ, Nổ Cái Bùm, Nguyễn Hóa, Xưởng Nghệ Thuật, Không Đề, Huế Nhiên

Trả đôi dép cho xưởng Nguyễn Hoá (8 và 9.7.2020)




***

1.
12 giờ 50, thứ 4, ngày 8.7.2020, tôi đang đứng trong bóng cây. Đây là ngã tư Ngô Đức Kế - Hàn Thuyên. Lúc vừa rời khỏi quán Bà Minh, đẩy xe một đoạn thì hắt xì hơi bốn lần liền. Tôi theo thói quen nên đẩy hết hơi và âm thanh dồn nén ra ngoài. Tiếng ho hòa cùng tiếng hét. Con phố tĩnh lặng có lẽ vì vậy mà ồn ã trong phút chốc. Nếu chỉ duy một thì chẳng thắc mắc. Đằng này đến bốn. Tôi nhìn ngay xuống bàn chân. Không thể nào khác! Chắc chắn đôi dép màu trắng là nguồn cơn.

Cách đó chưa đến một giờ, tôi đứng trước lối lên nhà (xưởng nghệ thuật) của anh Nguyễn Hoá. Đây là ngày thứ 5 trong Tuần lễ Nghệ thuật đương đại mang tên NỔ CÁI BÙM tại Huế. Theo lịch thì từ 10:00 đến 14:00 có sự kiện “Mở cửa xưởng: Nghệ sĩ Nguyễn Hoá” tại 37/1 Hoa Lư, KQH Hương Sơ. 

Xưởng nghệ thuật ở tầng thứ 1 của khu nhà. Thêm 1 tầng ở trên nữa. Xưởng chính có lẽ là ở đó. Còn tầng dưới (tầng thứ 1) là khu vực ăn ở, tiếp khách khi cần. Tôi đã ngồi ở đây đọc sách, ăn bánh, uống nước trái cây hơn 2 giờ. Bụng đói mà ở đây không có đồ chay nên tâm trí đã nhắm thẳng vào con đường Hàn Thuyên trong thành. 

Lúc xuống lầu, loay hoay tìm mãi mà không thấy đôi dép. Dép tôi màu đỏ, lại đính hẳn 2 tiếng Đạm – Nhiên màu vàng ở mỗi chiếc. Nhìn vào một tổ hợp là phát hiện dễ dàng. Nhưng tuyệt nhiên ngó nghiêng một hồi vẫn biệt tăm. Chỉ có 2 giả định. Một là ai đó đã tạm thời xỏ chân để đi đâu đó và sẽ quay lại. Hai là các em chó ngứa răng đã biến Đạm Nhiên đỏ vàng thành món đồ quăng quật.

Không thể ngồi chờ lâu hơn vì đã hơn 12 giờ trưa! Nôn nao trong óc và cồn cào trong dạ, tôi nhìn sang bên trái. Người thưởng ngoạn đến thăm xưởng chủ yếu để dép ở phía bên phải ở đường lên phòng khách. Còn phía trái là một nhà khác ở tầng trệt. Có một đôi dép tổ ong màu trắng đặt ở trước hiên. Vậy là tôi âm thầm mạn phép mượn tạm để đạp xe vào thành.

Tôi đã tự hứa sẽ đem trả. Và giờ (giờ Ngọ) tại đường Hàn Thuyên 4 lần nhảy mũi liên tiếp xảy ra. Ngay lập tức tôi tin rằng ở thời điểm đó tại Hoa Lư đã có người tìm đôi dép trắng, đôi dép của họ. Vì tìm không ra nên đã bực tức bên trong hoặc phát ra thành lời. Tôi là người đã trải qua sự bất tiện. Và chính tôi lại là kẻ mở rộng thêm vòng tròn. Nguy hại là ở đây. Điều ta không muốn nhận lãnh thì ta lại tiếp tục chuyển tiếp cho người khác. Trong khi lẽ ra để chấm dứt chuỗi bất thiện nghiệp này (nói thẳng là ăn cắp) thì phải làm ngược lại.


2.
Sáng hôm nay (9.7), tôi trực chỉ Xưởng Nguyễn Hoá với chiếc dép đã mượn hôm trước yên vị trên giỏ xe. Tôi đã kịp nhờ đồng minh mua giúp một đôi dép tổ ong mới. Tôi thích màu vàng. Trước hết là vì vàng là Mộc, tương sinh với mệnh của tôi là Kim. Một thời gian dài, màu vàng đất đã thành ra một sự trấn an, một dạng thăng bằng cho tâm lý. Sau nữa là màu ấy nếu chân có bám bụi thì nhìn cũng không dơ. Tuy nhiên, đồng minh cũng không phải người địa phương, bị thuyết phục sao đó bởi người bán ở chợ mà đã mua cho tôi một đôi trắng. Vậy là 2 đôi đồng màu, một ở bàn đạp, một trước tay cầm, cùng tôi tìm về miền tôn trọng tư hữu.

Tôi vào thành ở Cửa Hữu (Cửa Tây Nam). Cùng với những ngày Nổ Cái Bùm, trục đường Yết Kiêu – Nguyễn Trãi đã trở nên quen thuộc. Có điều tôi không đi theo chữ T theo hướng Đinh Tiên Hoàng mà là rẽ trái ngược lại để rời thành ở Cửa An Hòa (Cửa Tây Bắc). Tôi đi đường Đặng Tất dọc theo sông Cửa Hậu rồi rẽ trái vào Đặng Chiêm, luồn lách trong các con kiệt, qua một đoạn đường đất với mấy bụi tre, đôi ba xưởng gỗ cuối cùng cũng ra được đường nhựa trở lại. 

Đã đến xưởng vào hôm qua nên hôm nay tôi không mất công hỏi dò hay tra địa chỉ nữa. Đã ở ngay KQG Hương Sơ, cứ nhởn nhơ chạy loanh quanh để nhìn ngắm dân cư và quy hoạch nơi này rồi mới đến xưởng. Từ ngoài cổng nhìn vào trong đã thấy ngay đôi dép đỏ chữ vàng. Chiếc của bàn chân trái đầy vết cắn nham nhở. Vậy là giả định thứ 2 đã thành sự thực. Dép không còn thể nào dùng được nên tôi đành phải gửi vào thùng rác ở gần đó. 

Sự thực đây là đôi dép tôi chỉ mang ở nhà. Có thể gọi là “dép kiểng”. Cấu tạo và chức năng không phù hợp cho việc xê dịch bên ngoài. Nhưng để giản tiện và nhất là ngại mang giày nên từ khi tới Huế tôi đã tận dụng. Đế dép vốn cũng đã mòn nhiều. Giờ thêm vết cắn của mấy sinh linh 4 chân nữa nên thời gian của dép đã đến hạn.

Có một cậu nhỏ ở trong nhà nên việc trả dép diễn ra chóng vánh. Tôi đưa ngay cho em qua lỗ chốt khóa ở cổng kèm theo mấy lời xin lỗi và chuyển lại lời cho người lớn ở nhà.


3.
Đây là ngày cuối (9.7) của tôi ở Huế. Trong hôm nay, lịch trình của Nổ Cái Bùm có chương trình cắm trại trên bãi biển. Tuy nhiên sự kiện chỉ dành riêng cho nghệ sĩ. Vé tàu tôi cũng đã đặt vào giờ trưa. Lúc này, tôi còn một địa điểm nữa cần ghé. Đó là tiệm tranh trên đường Thạch Hãn. 

Hôm kia (7.7) dự buổi thực tập làm tranh trúc chỉ. Tranh phơi phải 4 tiếng mới thành toàn nên ban tổ chức hẹn lấy vào hôm sau. Hôm sau ghé thì tranh chưa kịp chuyển nên hôm nay tiếp tục đi thêm một lượt nữa. Tranh chắc chắn không có gì đặc biệt, rất nhiều khả năng là xấu tệ và hỏng. Điều lôi cuốn duy nhất đó là tác phẩm mình làm. Nhưng với tôi, hấp dẫn không phải nằm ở việc lấy tranh mà là con đường đi lấy. 

Từ xưởng Nguyễn Hoá tôi đi đúng lại con đường cũ để vào cửa An Hòa. Lại được dịp đi dọc sông và nhìn ngắm những bến sông hiếm hoi lướt qua môi mắt. Bến sông chính là không gian địa lý, văn hóa, tập tục mà tôi muốn tìm hiểu tại vùng đất này. Không biết đã có đầu não chương trình du lịch nào nghĩ ra? Trong khả năng hạn hẹp của mình, nếu có điều kiện trở lại, tôi muốn khám phá Huế qua cửa ngõ này. 

Tựa như Nổ Cái Bùm là một dạng cửa ngõ. Đó là những không gian trưng bày, trình diễn, lưu trú nghệ thuật giúp tôi tiếp cận gần hơn một chút với diện mục của Huế cũng như một tình cảm chớm nở gắn bó thiệt thà nào đó đã nên hình giữa người và đất. Vậy thì không gian bến sông chắc chắn cũng sẽ giúp tôi ở một lấn sâu tương tự. 

Đây cũng là lần cuối tôi ngồi trên chiếc xe đạp mượn được từ nơi lưu trú. Có nhiều xe ở đó. Nhưng chiếc này đạp đã thành quen đến mức tôi cho hẳn kính, nón, áo chống nắng vào giỏ xe mỗi lần đi về. Một kiểu đánh dấu chủ quyền hay tạo nét chiếm hữu của những sinh linh bậc thấp. 

Nếu cần kể điều gì về xe đạp, chính xác hơn là cảm xúc song hành với xe thì xin được biên thành 2 từ:

- thanh thản

Thanh thản trước hết vì không sợ mất. Không chỉ là xe đạp! Lần duy nhất tôi chạy xe máy là lúc sang Xưởng của anh Nguyễn Văn Hè. Đến và cứ thế thả xe ở ngoài ngõ. Đi một đoạn xa vào xưởng mà chẳng có một chút lo âu nào. Hay như khi được Quỳnh Anh lai trong ngày đầu tiên của Nổ Cái Bùm. Đi hết một vòng Art Tour, chỗ nào cũng chỉ thả xe ở lề đường đối diện hay bãi xe. Để nguyên cả hành lý. Không có mất mát! Ban đầu còn e dè về sau triệt tiêu hẳn sự bận tâm về xe cộ.

Ở Huế mất xe là một tin chấn động, một điều kỳ dị. Thật đẹp khi thấy con người vẫn còn giữ được sự thuần lành trong ứng xử! Phước báu bao nhiêu cho một thành phố khi mọi công dân đều lánh xa sự trộm cắp! Đây lẽ ra là một sự hiển nhiên. Nhưng vì đã mất dấu (có khi tuyệt chủng) ở một số nơi nên giờ thành hiếm, thành đẹp. Vậy nên chẳng gì lạ lùng cho sự dầm nắng gần 7 cây số của tôi trong sáng nay để trả về đôi dép. Giữ đẹp, giữ lòng thanh thản, giữ lại những điều đã không còn dễ thấy ở những nơi tôi từng ngụ cư!

Vật tuy nhỏ nhưng nếu không nhìn kỹ sẽ khuyết những điều lớn hơn. 

Chiếc dép đựng chứa trong đó tâm hồn tôi!

#Nhiên
27.7.2020