Ngày cúng vong linh tại thành phố Huế (23 tháng 5 Âm Lịch)
***
Một trong những tiếc nuối của tôi là không thể ở lại Huế lâu hơn, lâu đến hôm nay, ngày 13.7.2020 tức nhằm 23 tháng 5 Canh Tý. Nếu giờ này, ngày này vẫn còn ở kinh thành, tôi sẽ tìm đến một địa điểm có tên Đàn Âm Hồn. Và tôi cũng có thể đạp xe đến nhiều đàn, nhiều miếu khác có công năng tương tự. Đó là tưởng nhớ những người đã khuất.
“Tưởng nhớ”. Chép ngắn gọn là vậy. Còn với tôi ngữ nghĩa bao hàm các việc sau đây:
- chuẩn bị thức dâng
- bày biện bàn thờ
- dọn dẹp nội tâm
- tề chỉnh trang phục
- trì tụng kinh Phật
- hồi hướng công đức
- bố thí hành thiện
Trong hiểu biết hạn hẹp của tôi, khi tưởng nhớ những người đã chết oan ức, chết vì chiến trận, chết vì dẫm đạp lên nhau, chết cháy, chết trôi, chết phẫn uất thì cần làm các việc kể trên. Còn ở Huế, nhất là trong một ngày thiết đàn có tính chất tập thể thế này thì đó thật sự là 1 cơ hội lớn cho tôi để được chứng kiến, đối chiếu, học tập, chiêm nghiệm và rút ra những bài học ứng xử cho mình.
Ứng xử cụ thể ở đây là ứng xứ với cõi âm, với sự chết, với những người đã qua đời mà thân xác không nguyên vẹn hay có khi không thể tìm thấy thi hài.
2.
23 tháng 5 âm lịch năm Ất Dậu (1885) được lịch sử ghi nhận là ngày kinh thành thất thủ trước họng súng của quân xâm lược Pháp. Máu đổ, đầu rơi và xác chết la liệt trên đường đi, dưới kênh rạch. Tôi chắc chắn không thể mường tượng như thật cảnh tượng kinh hoàng và tang tóc của ngày ấy. Nhưng vì khối kiến trúc của thành nội vẫn còn lưu lại dáng hình thế nên có thể nói nếu thật sự dành thời gian suy xét và tập trung hết tâm lực thì tôi có thể phần nào hình dung được con đường tiến quân dưới bàn tay chỉ huy của Tôn Thất Thuyết.
Tôi đã đạp xe đến con đường mang tên Mang Cá (Trấn Bình Đài). Tôi đã đứng ở trước cổng Đại học Sư Phạm (Tòa Khâm Sứ). Trong 6 ngày ở Huế lần này thì cả 6 ngày tôi đều đạp xe khắp thành phố. Trung bình một ngày ước chừng tổng quãng đường di chuyển ít nhất phải từ 15 km trở lên. Với tốc độ của một chiếc xe đạp, tôi thấy rằng sự thâu nhiếp không gian của 6 giác quan có phần tốt hơn.
Nếu cần tôi có thể xuống xe dắt bộ để có một nhịp dẫn chậm rãi hơn nữa. Thân thể và tâm thức được kích hoạt tối đa. Ký ức được dịp lưu giữ từ tốn và thong thả. Do vậy, Huế trở nên chân thật hơn nhiều phần nếu so sánh với các lần đến đi trước đó. Hoặc cũng có lẽ đến một độ nào đó trong đời, sự ghi nhận của con người cũng bớt đi những hời hợt và mông muội. Hẳn nhiên tôi không viết rằng mình đã nhìn thấy chân diện mục của cố đô. Chỉ là ánh nhìn của tôi đã tiến bộ thêm một khoảng so với chính tôi của mấy năm về trước.
Nhờ một cách đo đạc thành phố như vậy (đo đạc bằng những vòng xe và bước chân thầm thì), đến khi tra cứu và thu thập thêm tài liệu lịch sử về ngày 23.5 âm lịch, các sự kiện, con người, quang cảnh trở nên sinh động và đầy sức sống. Tôi cảm thấy có biết bao rung cảm se sắt và nhất là một niềm riêng chi đó thật khó có thể diễn bày với những trang giấy, con chữ, lời kể về một quá vãng bi thống cách nay 135 năm.
3.
Đàn Âm Hồn không hẳn và không còn là một không gian hay di tích lịch sử. Tôi biết đến nơi ấy thông qua một bộ phim. Trình tự của tôi như vậy hơi khác lạ một chút. Thông thường sẽ là đọc nghe chính sử hay từ các góc nhìn của các sử gia ở cả phe chánh lẫn phe tà. Tiếp đến có thể là thông qua quá trình thăm viếng thực địa lẫn tìm hiểu từ người dân địa phương. Đàn Âm Hồn đi vào tôi theo cách ngược lại.
Bộ phim “Trăng nơi đáy giếng” có bối cảnh chính (ngôi nhà của nhân vật trung tâm) đặt tại chính Đàn Âm Hồn. Yêu thích và lần dò vào các tầng nghĩa uyên áo của tác phẩm, tôi chạm đến danh xưng Đàn Âm Hồn. Thế rồi tôi chính thức đặt chân đến nơi này vào cuối năm 2018. Tìm hiểu về nó thông qua lời kể của những thị dân. Cuối cùng mới tìm đọc các tư liệu lịch sử.
Nếu như trước đây, nơi này đã bị bỏ hoang rồi lấn chiếm trái phép và chính thức được phục dựng các nghi lễ cúng tế trở lại như ngày xưa thì hiểu biết trong tôi về Đàn Âm Hồn cũng không khác xa mấy nỗi. Ban đầu cũng không một ý niệm nào. Tựa như một vùng tri giác hoang vu rồi dần dần mới hiện rõ một danh xưng, một tên gọi và như giờ đây đã là một tướng trạng, một thể dạng, một hình hài. Cứ sau từng năm thì nhận thức được bổ túc thêm một lớp tầng. Bóng tối ngu si mất đi một thời khắc giăng chiếm.
Đàn Âm Hồn đã tái sinh, sống một đời mới tươi trong khung hình điện ảnh. Tôi vẫn đang nhìn ngắm, đang lắng tâm theo dõi chân hình của không gian ấy trong nghệ thuật thứ 7. Và giờ đây trong đời thực, tôi lại có thêm kế hoạch song hành: tìm về thực tướng hay là khuôn mặt ban sơ của địa danh này.
4.
Cô Hạnh trong Trăng Nơi Đáy Giếng có một điểm tương đồng với tôi. Chúng tôi giống nhau ở chỗ lo nghĩ. Chúng tôi lo nghĩ về những thân phận. Hay trong lòng chúng tôi có chung một niềm thương cảm cho những sinh linh thất thế. Trước có một gia đình, nay mất đi một thành viên. Thế tựa như vậy không còn. Trước có một người vợ nay xa lìa. Điểm dựa như vậy tan biến. Lo nghĩ, thương cảm nghĩa là phản ứng đồng nhất đã xảy ra trong sâu kín.
Khi con người có thể đưa chân ướm thử đôi hài người khác, có thể dang tay choàng thử chiếc áo của tha nhân, đó là lúc sự lo nghĩ, thương cảm của họ biểu hiện tự nhiên và thiệt thà. Không kiểu cách, không giả trá. Chỉ là lòng quan tâm đơn thuần. Chỉ là sự quên mình. Đó là giây phút tính người lên ngôi. Chuyện còn lại là câu hỏi, “Sẽ làm gì đây? Sẽ làm thế nào đây?”
Tôi có đồng tình với cô Hạnh không? Nhận định của tôi thế nào với cách thức mà cô Hạnh đã chọn lựa? Tôi sẽ không bao giờ viết xuống cảm nhận về nhân vật, về một bộ phim theo cách này. Nhận xét, phê bình về giải pháp, về lựa chọn của nhân vật trung tâm với tôi là một trong những cách đánh giá tồi tàn và nghèo nàn nhất. Chúng sẽ không đi tới đâu và cũng không giúp ích gì để tôi có thể hiểu hơn về nghệ thuật tự sự của một bộ phim điện ảnh.
Điều cần tập trung ở đây là cách mà phim đã đặt xuống vấn đề của Hạnh. Không phải là giải pháp của Hạnh mà là vấn đề của Hạnh. Vấn đề của Hạnh là gì? Đây mới là câu hỏi tiên quyết để từ đó tôi có nhìn thấy được cách mà bộ phim đã tiến lên. Nghĩa là đường đi ẩn tàng chôn lấp bên dưới câu chuyện về Hạnh dần hiện rõ. Âm thanh không lời, hình ảnh không lời, có bao nhiêu lần âm thanh và hình ảnh như thế đã hiện ra để nói thay, để dày sâu thêm vấn đề của Hạnh?
Những câu hỏi vừa kể mới là mục tiêu theo đuổi của tôi trên con đường hiểu hơn về Trăng Nơi Đáy Giếng, hiểu hơn về gia đình lý tưởng, về khu vườn hạnh phúc mà cô thiết tha vui xới và xây tạo.
Đàn Âm Hồn trong phim là vậy. Còn Đàn Âm Hồn trong đời thì lại là một diễn tiến khác. Thái độ của tôi trong việc tìm hiểu cả hai là như nhau. Nhưng để đi tới 2 nơi cần có những kỹ thuật và tri thức khác nhau. Tôi vẫn đang học và dự cảm không có ngày kết thúc sự học.
Lời kết:
Tôi yêu quý cô Hạnh và những gì đã xảy ra tại căn nhà của cô. Vì lẽ nơi đó tôi bắt gặp một con người có lòng thương tưởng đến cuộc đời của kẻ khác, bất chấp thực tế “người đó” không thuộc về chốn trần gian. Nghĩa là trí óc của cô không bị khu biệt trong có / không ngắn hạn.
Tôi có đức tin vào điều này. Rằng sự sống không chỉ là trăm năm từ khi sinh ra đến khi thân xác trở lại tro tàn. Vẫn còn tiếp theo, vẫn còn dài kéo. Thế nên, nếu không có cung cách ứng xử phù hợp cho sự sống lẫn sự chết thì những oan khiên và ân oán trong kiếp này sẽ lại xoáy xoay thêm một chu kỳ. Sự tiếc nuối của tôi với hôm nay, không thể hiện diện trong ngày 23 tháng 5 âm lịch, là vì vậy. Tiếc một cơ hội được trông thấy, được nghĩ suy, được học hỏi về cách mà người Huế, thành phố Huế dành trao… cho những vong linh có tên lẫn không tên đã nằm xuống cách nay hơn trăm mùa...
#Nhiên
13.7.2020