23.12.19

NHẬN ĐỊNH VỀ PHẦN MỞ ĐẦU TRONG FORD v FERRARI

Ford v Ferrari, Đạm Nhiên, Nhiên, Góc O, Góc Nghệ

Không có ý thức về thời gian. Đây là cảm giác của tôi khi xem FORD v FERRARI (FF) lần đầu. 


Đến lần hai, bước vào rạp rồi ra khỏi rạp, nhìn điện thoại, tôi thầm nghĩ, “3 tiếng vừa trôi!”. Phim không dài đến vậy. Tôi nhớ thời lượng công bố khoảng 2 giờ 30 phút. Vậy là có thể do tôi đến sớm, do rạp phát quảng cáo và do đến khi hết phim ngồi nấn ná thêm nên tính tổng mới ra con số gần 180 phút. 

Theo tôi, đây là ngưỡng cực đại trong việc trình chiếu. Ngang với một vở kịch sân khấu. Mà kịch thì cũng có giải lao để khán giả phục hồi. Nhà làm phim chọn kể với thời lượng này thật sự rất liều lĩnh. Điều này thách thức sức tập trung của người xem. Điều này cũng thách thức nhà phát hành. Động lực của những người kinh doanh dĩ nhiên là càng nhiều suất càng tốt. Với độ dài này, lịch chiếu cho các phim trong ngày sẽ bị ảnh hưởng. Phim nhiều khả năng sớm bị cho ra khỏi lịch chiếu. Số tuần phim trụ rạp sẽ bị ảnh hưởng. Từ đó doanh thu bị ảnh hưởng. 

Diễn tiến vừa nêu có thể sẽ hợp lý trong đầu óc của một người chuyên tâm bán hàng. Còn với tôi, một khán giả phổ thông, cảm giác thâu được khi xem mới là ưu tiên. Nhắc đến yếu tố này, tôi tin đây là bộ phim đã vượt qua được thử thách về độ dài. Nghĩa là phim không cho tôi một phút buông lơi nào. Nghĩa là nhà làm phim đã thành công. Thành công ở chỗ tạo được phản ứng đồng nhất nơi người xem. 

Đây là từ rất quan trọng, một thuật ngữ của ngành tâm lý. Sự ĐỒNG NHẤT HÓA, phản ứng đồng nhất. Đi sâu vào câu chữ có lẽ sẽ là một dịp khác. Còn viết cho ngắn gọn về hiện tượng này thì theo cách hiểu nông cạn của tôi đó là sự quên mình của người xem, sự đồng cảm với nhân vật, sự hòa nhập vào hành trình của nhân vật. Khán giả đi từ cảm giác thấy mình là một phần cho đến toàn phần trong nhân vật trong suốt chiều dài bộ phim. Có sự PHÓNG NGOẠI từ bản ngã của người xem đến bản ngã của nhân vật. Người xem trở thành nhân vật. Họ có thể quên đi những suy luận của lý trí nhưng vẫn duy trì được sức hiểu nội dung, chủ đề câu chuyện. Đồng cảm chưa hẳn là sự yêu thích tột độ mà là hiểu được đời sống, tâm tình nhân vật. Trong phần giới thiệu của phim, nếu thật sự phim có cách kể tốt, người xem tuy vẫn giữ được một thái độ khách quan nhưng sẽ dành cho nhân vật nhiều thiện cảm. Thích và ghét rõ ràng. Không phải là một trạng thái mờ nhạt đối với nhân vật. 

Nhân vật ở đây hẳn nhiên phải là NHÂN VẬT TRUNG TÂM

Từ cảm tình ban đầu, tôi ngồi lại suy ngẫm về cách kể của bộ phim. Chỉ đến lúc này mới hay bao sự thú vị. Ấn tượng ban đầu rõ ràng rất quan trọng. 15 phút đầu nếu không gây được phản ứng đồng nhất thì theo tôi rất khó cứu vãn về sau. Theo tôi, phim đã thực hiện tốt công việc này. 

Nhà làm phim chọn một sự kiện trước diễn biến chính. Nghĩa là họ dùng thủ thuật hồi tưởng. Tạo tiền truyện trước. Quang cảnh là đường đua Le Mans. Nơi đây cũng là nơi diễn ra cuộc chiến giữa 2 lực lượng FORD và FERRARI. Tôi tạm gọi là “quân xanh” (X) và “quân đỏ” (Đ). Đoạn hồi tưởng có cảnh đua xe, có cháy nổ, gợi ra một hiểm nguy phải trả giá bằng tính mạng. Hoạt ảnh hoàn thành chức năng THIẾT LẬP thể loại (hành động) và thêm vào đó là chức năng DỰ BÁO. Dự báo điều gì thì người xem phim sẽ biết ở hồi thứ 2 và hồi thứ 3 của tác phẩm. 

Người xuất hiện đầu tiên là Carroll Shelby (Matt Damon thủ vai, S). Hết hồi tưởng, chuyển cảnh tiếp theo là giường bệnh. Kế tiếp là ngoại cảnh, S lái một chiếc Porsche. 3 cảnh giúp tôi hiểu được nghề nghiệp, bệnh về thân lẫn chấn thương tâm lý của S. Rất tiếc tôi không hiểu gì về xe! Tôi cũng không đam mê tốc độ. Thế nên tôi không thể hiểu hết những ẨN DỤ về hình thể hiện trong cách chọn đạo cụ (chiếc xe) cho các nhân vật trong phim này. Nhưng nhìn cách họ điều khiển xe, cách di chuyển của chiếc xe thì có lẽ cũng đã là một manh mối lớn. Cách phóng xe đầu phim của S nói lên rất nhiều về tâm tình anh này. Sự xuất hiện của 1 chiếc Porsche cũng có thể là một lối hàm ý về sự hiện diện của người Đức trong nền công nghiệp sản xuất xe hơi thời điểm thập niên 1960 cùng với người Mỹ (X) và người Ý (Đ).

Nhân vật tiếp theo chiếm màn hình là Ken Miles (Christian Bale thủ vai, K). Quang cảnh lúc này là một cửa hàng sửa xe. Một tranh cãi, mỉa mai giữa người cung cấp dịch vụ và khách hàng. Thế rồi, khách hàng phóng xe ra đường. Một lần nữa, cung cách chạy xe bất thường được lập lại. Không phải K cầm lái. Nhưng do K tác động. Trong cảnh này, tôi thấy lần lượt có thêm đứa con trai và người vợ xuất hiện. Cảnh này giới thiệu về K nhiều hơn so với S về mặt gia thế. Đây đã là một gợi ý về nhân vật trung tâm. Nhân dáng, tính cách của K phần nào cũng thể hiện trong cảnh này.

Cảnh tiếp theo dựa theo trí nhớ có thể rất sai của tôi là một đại cảnh về X. Nhiều người hơn. Thiết kế mỹ thuật tốn công sức hơn. Vị trí nhân vật chính trong cảnh này cũng là một điểm thú vị. Tất cả dàn dựng là để tạo nên một bài diễn văn áp đảo, ngạo nghễ và đầy quyền lực. 

Lúc này phim đã điểm mặt lần lượt 3 thực thể:
- Shelby (S)
- Ken (K)
- Ford (X)
Phim vẽ tiếp 1 vòng lập tự sự lần lượt với S, K, X. Lúc này có thêm một thực thể là Ferrari (Đ). 2 phe đã thành hình khá rõ. Đó là X và Đ. Mâu thuẫn giữa 2 bên là thị phần. 

X lên kế hoạch A thôn tính Đ.
Đ lợi dụng chính X cho một cuộc đổi chác khác.
X điên tiết và lên kế hoạch B. Cuộc chiến chính thức được khai hỏa.

Kế hoạch B này sẽ diễn ra tại Le Mans. Phần dự báo ở đầu phim đã được thông báo lần nữa. Để thực hiện kế hoạch B cần phải có một “quân sư” đã từng thực chiến, có đầu óc, biết thiết kế. Đó là S. Để cụ thể hóa kế hoạch B cần phải có một “chiến binh”. Đó là K. Đến đây thì có thể lý giải vì sao phim lại dài như vậy. Có chuyện lớn. Có chuyện nhỏ. Lồng chuyện nhỏ và chuyện lớn vào nhau. Giải quyết chuyện lớn thì chạm đến chuyện nhỏ. 

FF do vậy là bộ phim đồng thời xử lý 2 khối XUNG ĐỘT lớn. Đó là mâu thuẫn giữa X và Đ. Tạm gọi đây là mâu thuẫn bên ngoài, 2 tập thể tranh giành thị phần, tranh giành sức mua từ khách hàng. Còn một diễn biến nội tại khác, đó là mâu thuẫn giữa K và X. K là kẻ không được X chấp nhận ngay từ đầu. Nghĩa là “quân X” không tin vào người thủ “ấn tiên phong” của mình. Đây là mâu thuẫn giữa cá nhân (K, S) với một tập thể (X). 

1 cuộc đua đã diễn ra ở hồi thứ nhất giúp khán giả thấy được thực tài của K. Một buổi giới thiệu xe sau đó cũng là dịp để cho K ra mắt với “quân X”. 2 cảnh này giúp tôi hiểu được giữa K và X chắc chắn không thể nào hòa hợp. Nhưng vì sao K lại chấp nhận dưới trướng của X? 

Cần một nguyên do ở đây. Cái cớ được dàn dựng rất nhanh. Một thợ sửa xe có một cửa hàng. Điều gì sẽ khiến anh ta phải dấn thân vào tổ chức khác? Hợp thức hóa diễn biến này là câu chuyện của người viết kịch bản. Nghĩa là sẽ có một sức ép, một diễn tiến đóng vai trò nghịch cảnh để K không còn cách nào khác phải gia nhập X. 

Xem phim, tôi thấy S đóng vai trò này. S dù xuất hiện đầu phim nhưng chỉ sau 15 phút, tôi biết rằng đây không phải là nhân vật trung tâm. S hoán đổi trong nhiều dạng NGUYÊN MẪU. Là đồng minh của K, là người hướng dẫn, là người gợi ra ý định “tham chiến”. 

Hai THẾ GIỚI lúc này đã được lập ra. Đó là trước và sau “trận chiến” Le Mans. Có 2 phe “tham chiếm” là X và Đ. Nhân vật trung tâm là K.

VẤN ĐỀ BÊN NGOÀI của K người xem có thể hiểu khá dễ dàng. VẤN ĐỀ BÊN TRONG của K cũng vậy. Theo tôi đó là tính cách tự do, thích hoạt động độc lập, không thích giam mình và chịu sự quản lý bởi một tổ chức. K đập phá chính chiếc xe để được tham dự cuộc đua. Đây là một dạng diễn ý cho sự hoang dã của anh. Đối lập là X với khối bê tông bề thế, băng chuyền công nghiệp và hệ thống cấp bậc tầng tầng lớp lớp.

Đ đóng vai đối đầu với phe X và nhưng tuyến phản diện bên X cũng được thiết lập. K phải đối đầu với cả 2 thế lực. Đụng độ đầu tiên của K chính là tại buổi ra mắt xe của X. Hẳn nhiên K từ chối lời mời dấn thân vào cuộc chiến từ “sứ giả” S. Đó là một nhịp lùi thông thường để là một bước tiến về sau. S vừa là vai báo tin (chuyển lời đề nghị tham gia) cho K vừa là vai tư vấn (thuyết phục việc tham gia). 

Động cơ của S là tiền nhưng con người này dấn thân không phải chỉ bởi tiền. Đoạn hồi tưởng đầu phim giúp người xem thấu đạt điều này. Ở đây có 2 phe là X và Đ. Nhưng bên trong X cũng đã hình thành 2 phe. Đó là S, K và lực lượng đối kháng từ X. 

Chưa cần đi hết hồi thứ nhất. Chưa cần phải chứng kiến giây phút lên đường, chính thức dấn thân vào hành trình của K. Ngay khi nhìn thấy mâu thuẫn bên trong “đội quân” X, tôi đã nhìn thấy mâu thuẫn thật sự của câu chuyện và cố tìm một lối miêu tả nào đó để diễn đạt. 

Một nét rất rõ trong phần giới thiệu của FF đó là sự TƯƠNG PHẢN. Sự tương phản giữa Xanh và Đỏ, giữa cung cách lãnh đạo của 2 bên X và Đ là rất rõ ràng. Đó là hình bóng của kẻ thống trị, 1 ông vua và một đội quân khởi nghĩa yếu thế hơn nhưng tiềm tàng hiểm họa soán ngôi. Còn về tương phản giữa K và phe X và kể cả S với X nữa, đó là gì?  

Tôi nghĩ đến những người đầu bếp. Họ chỉ đam mê làm ra một món ăn ngon. Họ không có nhu cầu được biết tới. Tôi nghĩ đến những người muốn bán thật nhiều suất ăn. Họ mê đắm tiền, mê đắm sự biết tới. Tình thế này là tương tự như một một họa sĩ chuyên tâm vẽ tranh. Mong muốn thật sự chỉ là được vẽ một bức tranh đẹp. Còn trong lòng một kẻ bán tranh hẳn là làm giá và bán thật cao, bán thật nhiều. Ở FF là những người dành cả mạng sống cho đam mê đua xe, cho ý nghĩa cuối cùng của việc lướt đi trong không gian. Đối lập là những kẻ chỉ muốn bán xe thật nhiều. Tôi chưa tìm được từ nào để diễn đạt 2 khối xung đột này. Phải chăng là giữa nghệ thuật và thương mại, giữa vị thầy và kẻ bán khóa học, giữa nhà văn và tác giả có sách bán chạy, giữa diễn viên và kẻ thích trưng thống kê về lượt xem? Đây chính là CHỦ ĐỀ của tác phẩm. Tôi vẫn chưa tìm ra một lối nào diễn đạt cho gọn gàng.

Nhưng chạm đến tầng mức này thì tôi nhận định phim không còn là câu chuyện về tinh thần thể thao trong bộ môn đua xe hay là cuộc chiến giữa 2 hãng xe nữa. Phim liên hệ rõ ràng đến một mâu thuẫn thường thấy ở khắp nơi và ngay cả trong chính tôi lúc này. 

Một bộ phim chỉ cần khoảng trên dưới 15 phút (về thời gian có lẽ tôi không chính xác, một nửa hồi 1 của phim này phải mất 30 phút, nhưng tôi thật sự cũng không rõ, sự lôi cuốn khiến tôi không thể vừa ngồi vừa đo đếm thời gian) đã hoàn thành phần giới thiệu, dự báo, tạo tương phản, thiết lập chủ đề, xây dựng tuyến nhân vật đối lập và quan trọng là cho khán giả thấy được vấn đề bên trong, bên ngoài của nhân vật trung tâm. Thuật kể chuyện ngay ở những phút đầu tiên đã cho thấy một tư duy vững chắc về cấu trúc tự sự trong điện ảnh. Quan trọng là phản ứng đồng nhất đã xảy ra, dù chưa phải đồng nhất hoàn toàn nhưng người xem đã thật sự “lên xe” và đồng hành cùng nhân vật.

Tôi nhận ra 1 bài học lớn ngay từ phần mở đầu của bộ phim này. Đó là kể sao thì kể nhưng nhất thiết phải tạo được phản ứng phóng ngoại nơi người xem. Họ sẽ phải quên mình để hòa một phần tâm thức vào hành trình của nhân vật trung tâm.

Nhắc đến sự hòa mình, tôi nhớ đến cách S đã phóng xe từ bệnh viện ra đường. Máy quay đi theo con đường mà S đi. Đây là cách dựng hình thường thấy để tạo ra phản ứng đồng nhất. Ở Once Upon A Time In Hollywood rất thường dùng cách thức này. Ở phim đó, tôi thấy thú vị hơn. Thiết kế bối cảnh công phu hơn. Nhưng dụng ý giữa 2 phim theo tôi là khác nhau. Ở FF, do vị trí xuất hiện nên cảnh phóng xe của S chỉ đơn giản giữ chức năng giới thiệu nhân vật. Tuy nhiên, tính hòa điệu, ăn khớp giữa các cảnh trước và sau đó đã giúp thiết lập được sự đồng cảm nhanh chóng. Khối lượng thông tin cần phải thiết lập trong FF là rất lớn nhưng cách sắp xếp rất mượt mà và có tính quy luật các sự kiện (từ 3 thực thể S, K,X) đã thật sự giúp tôi nhìn thấy được tiết tấu trong phim này.

Nhắc đến “tiết tấu” theo tôi đây là định nghĩa khó nhất của việc làm phim. Đến thời điểm này, theo cách hiểu (có lẽ là sai lạc) của tôi, nếu muốn biết một bộ phim có tiết tấu hay không thì cần kiểm tra nơi phản ứng hòa nhập của người xem trong khi thưởng thức nó. Nếu có, họ sẽ không bị phân tán, buông lơi. Tiết tấu như vậy cũng không khác so với khái niệm đồng nhất mà tôi đã nhắc đến đầu bài cũng như thêm lần nữa nhắc lại để kết thúc bài viết này.

#Nhiên