1.12.19

ĐÓN TRĂNG TẠI RẠP | TNĐG#16

Lối Phong, đêm 30, Trăng nơi đáy giếng, Đào Hải Phong, Nguyễn Vinh Sơn, Hồng Ánh, Trần Thùy Mai, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, Góc O, Góc Nghệ, 10 năm Trăng Nơi Đáy Giếng

1.
Đêm 29.11.2019, Trăng Nơi Đáy Giếng có buổi chiếu tại Rạp Bến Thành (phòng chiếu ở tầng trệt, số 6, Mạc Đĩnh Chi). Rất tiếc, tôi không thể có mặt. Tôi vẫn tin không gì thay thế được không khí tại 1 rạp chiếu vì đó là xúc tác quan trọng tạo nên không khí điện ảnh của 1 bộ phim. Nghe nói lần này khán giả được xem cùng với cả đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Đã có quá nhiều bộ phim có ngôn ngữ chính là Bắc Bộ, Nam Bộ với bối cảnh cũng chỉ là Sài Gòn, Hà Nội. TNĐG là tiếng nói Huế, tâm tình Huế, thành phố Huế.


2.
Dịp này tròn 10 năm phim ra mắt tại Việt Nam (2009-2019). Cũng là thời khắc đặc biệt để nhìn lại vòng đời của TNĐG. Câu hỏi quan trọng, "Phim có cũ chưa?", "Đề tài của phim đã lỗi thời?", "Thủ pháp kể có lạc hậu?". Tôi nghĩ chưa có gì cũ, lợt và lạc ở đây cả. Khi xem phim, cảm xúc vẫn tươi mới, dư vị trong tâm tư vẫn sâu đậm. Xem lại bộ phim dù chỉ bằng màn hình 14 inches nhưng trạng thái thú vị vẫn hiện hữu. Nhiều bộ phim sản xuất gần đây hay ngay trong năm này vẫn ưa dùng hồi tưởng hay thoại kể để tái hiện tiền truyện của nhân vật. Có phim sa đà vào hồi ức trong dòng tiểu sử cuộc đời để gây thương cảm, tạo điểm nhấn và tính bất ngờ. TNĐG không đi theo lối phổ thông này. Câu chuyện chỉ có tiến lên, mạch tự sự khởi đầu từ hiện tại của gia đình Phương+Hạnh rồi chuyển động bằng hằng loạt các xung đột trong thì hiện tại và sự giải quyết xung đột của gia đình này.

3.
TNĐG là chuyện kể của cô giáo Hạnh. Vấn đề bên trong của cô có thể cũng là vấn đề của bất kỳ người phụ nữ Việt Nam và thế giới ở mọi thời. Đó là mong ước về 1 mái ấm hạnh phúc và hít thở cảm giác mãn nguyện khi chính tay mình chăm sóc chồng con. Vấn đề bên ngoài của Hạnh là bảo vệ đường công danh đang bị đe dọa của Phương, hiệu trưởng, đồng nghiệp công tác tại trường cấp 3, người chồng trần gian của Hạnh. Đến khi giải quyết triệt để vấn đề bên ngoài thì Hạnh va vào vấn đề bên trong. Va chạm cực mạnh khiến cô đứng trước viễn cảnh mất chồng, mất con vĩnh viễn. 2 vấn đề bên trong và bên ngoài của Hạnh xung đột lẫn nhau. Sự đặc biệt của phim này là dường như đến khoảng giữa hồi 2 (nửa thời lượng), thế lực phản diện biến mất.

4.
Tuyến nhân vật (công đoàn nhà trường, hiệu phó, thầy cô giáo viên đồng nghiệp) tấn công địa vị xã hội của Phương, tức đồng thời cản ngăn hành trình đắp xây tổ ấm của Hạnh bị đánh bật. Ngay lúc này, cô chấp nhận tạm thời ly tán chồng con và lờ mờ nhận ra hình ảnh 1 gia đình ấm êm chỉ là bọt nước. Từ đầu phim đến phút này, 2 sự kiện có chức năng tạo kịch tính chỉ đưa tới khủng hoảng nhất thời, trước sau Hạnh vẫn vượt qua được. Thế chủ động vẫn như trong tầm kiểm soát của Hạnh. Giữ chiếc ghế hiệu trưởng cho chồng, giữ không khí đầm ấm gia đình, tiếng đàn của chồng, tiếng cười của cu Nhứt. Ván cờ nào cũng như trong tầm kiểm soát của Hạnh. Và rồi 1 cú lật đảo xảy ra. Cơn sang chấn tâm lý này là thử thách mà Hạnh tưởng như không thể vượt qua. Cô suýt chết. Điều khó nhất ở đây là nguyên mẫu của 1 vai phản diện không rơi vào 1 nhân vật cụ thể nào. Tính phản hay bóng tối đối kháng với phân vai chính diện (Hạnh) là chính cô, chính vấn đề bên trong của cô. Bi kịch của Hạnh là do cô tạo ra.

5.
Tâm lý của Hạnh là hy vọng quá mức chuyển thành tuyệt vọng. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn dùng 1 loạt hoạt ảnh liên quan đến bọt nước không biết có phải là chủ ý tạo nên tính xuyên suốt cho bi kịch của Hạnh? Cô tắm cho Nhứt, lau nhà với cu Nhứt. Sàn nhà trơn trợt, 2 mẹ con chới với. Cảnh vui mà dự báo điềm chẳng lành. Cô xa Nhứt thật. Cô lạc Xám, tìm được Xám tắm Xám rồi chú chó cũng chạy khỏi cô. Cô rửa xe của Phương rồi Phương cũng lìa bỏ. Với bất kỳ đối tượng nào mà Hạnh dành tình thương, cô đều chủ ý muốn giữ thơm. Nhưng rồi tất cả vụt mất. Và hình ảnh kinh hoàng nhất cũng liên quan đến xà phòng. Đó là khung cảnh Phương ngồi giặt đồ. Đây là cú đại bác vào trái tim Hạnh. Nhịp ở đây theo tôi là nhịp 3. Đến / chứng kiến / rời đi. Phân cảnh này xác suất diễn xuất cường điệu, dàn dựng cường điệu rất dễ xảy ra. Thế nhưng theo ghi nhận của tôi, sự biểu hiện của Hạnh ở phút này không dồn biểu cảm ở khuôn mặt, thoại mà chia sẻ cùng hình thể. Đạo cụ xe đạp được dùng để bật ra sự lẩy bẩy bên trong. Hạnh có thêm 1 đoạn đường đạp xe để tạo ra khoảnh khắc "cái chết ở trong lòng".

6.
Cảnh bọt nước của Phương rất quan trọng. Theo tôi đây là điểm khủng hoảng trọng tâm của phim. Khủng hoảng lớn nhất này dẫn đến sự kiện dàn xếp và cái kết tạm thời để khép lại hồi 2. Mong ước của tôi là với tính chất quan trọng của nó, cảnh này được kéo dài thêm vài giây và nhấn mạnh hay khuếch trương 1 chút về hình ảnh bọt nước. Tuy nhiên, có lẽ đạo diễn muốn nhường ánh sáng cũng như thời lượng cho người chồng thượng giới của Hạnh. Đã có những dẫn dắt từ hồi 1 đến hồi 2 qua các tình tiết đóng vai trò lời giới thiệu và các nhân vật ở nguyên mẫu đồng minh và quân sư như cặp mẹ con ở chợ và bà đồng Thơi. Nay Ông Hoàng Bảy chính thức xuất hiện đưa Hạnh vượt qua khủng hoảng. Cũng từ đây, bộ phim bước sang 1 cảnh giới khác. Vấn đề bên trong của Hạnh được dàn xếp và đưa lên 1 tầm cao mới.

7.
Khi xác định các mốc điểm cho 3 hồi của TNĐG, tôi cảm thấy phim giống như 1 vòng lập mở khép liên hoàn. Con số 3 dần hiện ra nhưng khủng hoảng, cao trào chắc chắn không dễ xác định chỉ sau 1 lần xem. Phim không tạo ra chất lâm ly bằng tam giác tình cảm Hạnh-Phương-Thắm hay Hạnh-Phương-Ông Hoàng Bảy. Chất ly kỳ chân chân giả giả xuất hiện ngay từ biến cố ở hồi 1 sang đến khủng hoảng ở hồi 2 cộng dồn thêm tính kỳ ảo. Xung lực chính thúc đẩy câu chuyện chuyển động chỉ duy mỗi Hạnh. Cô giống như tác nhân của tất cả. Hình ảnh đạp xe xuyên suốt có tính gợi hình đặc biệt và chiếc cầu Tràng Tiền đóng vai trò nguyên mẫu cho 1 đường biên giới hay là sự vượt ngưỡng mộng thực của Hạnh. Khi cầu chuyển màu nhập nhòe nhấp nháy chính là lúc Hạnh bắt đầu đi vào 1 cõi khác, 1 cõi có lẽ là chính cô, chứ không ai khác, đã tự thôi miên, tự huyễn hoặc.

8.
Việc đổ dồn tình cảm cho 1 người chồng trần gian rồi chuyển sang 1 người chồng thượng giới rất dễ gặp phải phản ứng không thoải mái nơi người xem. Sự quy chụp về ứng xử tôn sùng thái quá trong hôn nhân gia đình dẫn đến mê tín loạn thần là hoàn toàn có thể. Nhất là với 1 giáo viên, 1 người có tri thức. Đối với tôi, trí thức ở Hạnh là hành động mực thước, thu vén vào trong. Còn thái quá là vì tâm hồn giàu lòng thương. Mà sự thương nơi Hạnh không vô cớ, xuẩn ngốc mà ý nhị, sâu sắc và thủy chung. 1 chú chó phục chờ ở mộ chủ làm cô rung động thì tôi biết lòng trắc ẩn của cô ở mức nào. Không dễ để đánh giá về phim này và tôi cũng hoàn toàn thông cảm với những chỉ trích về phim, chẳng hạn thiếu vắng tính Huế trong đài từ nhân vật trung tâm và lựa chọn hướng giải quyết mang màu sắc tôn giáo thờ Mẫu.

9.
Cả 1 câu chuyện chỉ có 2 người phát ra phương ngữ Nam Bộ là cô Hạnh và bà đồng Thơi. Xung quanh là tiếng nói Huế mai phục. Bà đồng Thơi đúng ở nguyên mẫu biến hóa, luân phiên qua nhiều dạng vai, chung tiếng nói, chung tư duy và đồng cảm, đồng điệu. Tôi không nghĩ sự lựa chọn phương ngữ và diễn viên này là đường đột và không tính toán. Các chỉ trích về sự mê tín tôi cũng không phục vì sự suy xét của tôi về 1 bộ phim vẫn luôn từ giá trị nội tại tác phẩm. Cụ thể như là xét ở mặt cấu trúc tự sự. Ở điểm này, tôi thấy mình xét mãi vẫn không hết điểm để nói. Nhìn toàn cục, chắc chắn, phim không hỏng về cấu trúc. Nhìn chi li, chỉ cần lẩy ra 1 cảnh cô Hạnh và ông Phương đi qua đi lại, án ngữ khung hình là hàng rào cây xanh che ngang người đã thấy ngay tính ẩn ý kích thích giác quan người xem về 1 bí mật, 1 kế hoạch tiềm tàng. Phim có rất nhiều những ẩn ngôn trong hình và cảm tưởng như mọi bối cảnh đều được vận dụng tối đa hiệu ứng tạo hình lẫn chức năng tâm lý để tạo nên ngôn ngữ điện ảnh. Duy chỉ có 1 điều tôi cảm thấy chưa thỏa là các cảnh nội đêm giữa Hạnh và 2 người chồng. Xử lý ánh sáng trở nên tù mù và không rõ nghĩa. Hoặc có lẽ xem ở rạp sẽ khác hơn khi xem qua máy tính?

10.
Khi 1 người gặp phải sang chấn tâm lý, đâu là liệu pháp phù hợp? Liệu thuốc viên, thuốc tiêm an thần là phương cách? Đối thoại nhóm có hiệu quả? Thiền tập có phải là 1 dạng ám thị thôi miên? Đối với 1 triệu chứng thần kinh tôi nghĩ không có phương án nào là khả thi 100% và không có phản ứng phụ. Cũng không thể xác quyết dùng các nghi lễ dân gian để trị liệu là hoàn toàn không hiệu quả. Hạnh trước sau vẫn là 1 con người đầy tràn lòng thương. Hạnh phúc của cô là được phục vụ, ấp ôm, chở che cho 1 đối tượng mà cô rung động. Phản ứng nơi cô là lòng trắc ẩn, lúc này chưa có chỗ cho ta / người, cao / thấp, thiệt / hơn. Bi kịch của Hạnh là đối tượng tương xứng cho tình thương nơi cô không xuất hiện dưới những con mắt trần gian. Chấn thương quá lớn khiến tâm thức tự tìm kiếm sự bù đắp trong mộng tưởng để đạt được trạng thái cân bằng. Nhưng liệu có chắc đó là ảo mộng? Thật khó có thể nói kết phim là có hậu hay là bi ai nối dài. Sự vùng lên với chính Phương tưởng như là minh chứng cho sự tái sinh của Hạnh thì ngay lập tức Hạnh đưa khán giả vào cõi thơ phiêu bồng mê hoặc. Hạnh đã tìm được bến đỗ bình yên hay cô đã hóa ra điên dại? Diễn tiến này buộc người xem phải xét lại điểm nhìn của tác phẩm này. Nghĩa là phải xem phim lần nữa. Nhìn kỹ hơn chuyển động của camera, khám phá thêm 1 điểm nhìn khác, từ 1 nhân vật khác, không thuộc về trần gian.

#Nhiên
30.11.2019


Lối Phong, Đêm 30, Trăng nơi đáy giếng, Đào Hải Phong, Nguyễn Vinh Sơn, Hồng Ánh, Trần Thùy Mai, Đạm Nhiên, Vũ Đạm Nhiên, Nhiên, Góc O, Góc Nghệ, 10 năm Trăng Nơi Đáy Giếng


T/B: Tôi thấy bức tranh này trong triển lãm mới xem ở 49 Nguyễn Du gần hồ Thiền Quang, Hà Nội. Trong toàn bộ thì thích tấm này của họa sĩ Đào Hải Phong. Tên được đặt là "Đêm 30" trùng với đêm ra mắt của Hạnh và Ông Hoàng Bảy. Tôi chỉ biết tên tranh sau khi nhìn kỹ chú thích. Màu sắc và có lẽ không khí tỏa ra từ nó đã thu hút mình trước tiên. Không trăng mà như có trăng. Một sự đổi thay lớn lao sắp thành hình ngay đêm 30 giao thời giữa mới và cũ, giữa ta và không ta. Hạnh sau lần chết hụt đã phục sinh bằng một ánh sáng đang giáng thế, ánh sáng không thể nhìn thấy bằng những con mắt trần.