Từ tháng 6 đến nay, tôi vẫn chưa xem Trăng Nơi Đáy Giếng một cách trọn vẹn. Tìm được một bản rò rỉ trên mạng nên tôi nhiều phần ỷ y.
Nguyên tắc thưởng thức
Tôi phạm phải một lỗi trầm trọng trong thưởng thức điện ảnh. Đó là tôi đã xem đứt đoạn. Tôi lại còn tua nhanh nữa chứ. Điều tối kỵ này chắc chắn sẽ chẳng bao giờ xảy ra nếu xem phim trực tiếp ở rạp.
Thử đặt một giả thuyết, “nếu tôi được ngồi đúng rạp tiêu chuẩn và xem Trăng Nơi Đáy Giếng đúng năm 2008 thì điều gì sẽ xảy ra?”.
Thử đặt một giả thuyết, “nếu tôi được ngồi đúng rạp tiêu chuẩn và xem Trăng Nơi Đáy Giếng đúng năm 2008 thì điều gì sẽ xảy ra?”.
Chắc là tôi cũng chẳng hiểu được thâm ý gì. Như một kẻ mông muội, dốt nát vậy thôi. Điện ảnh có ngôn ngữ và kỹ thuật biểu đạt riêng. Muốn thâm nhập thì phải học. Không trường lớp thì lấy giang hồ làm bục giảng. Giáo trình hay lượm mót có hề gì. Có thiết tha hay không mới là tối thượng. Vì không thiết tha người ta không thể đi tới.
Nhắc đến thiết tha, tôi nghĩ sự ấy hoàn toàn vắng bóng ở cột mốc 2008. Không có nguồn cơn của thiết tha thì cấu tạo tâm thức không thể nào vận hành. Linh hồn mãi mãi cằn cỗi, mãi mãi xác xơ dưới mưa trời điện ảnh.
Tháng 8 này đang khác, khác rất nhiều. Lại giả thuyết, “nếu lúc này thấy tấm ảnh một cô gái nón lá, áo dài tím chôn mình nơi những cánh cửa vần luật, đứng nhìn ra khu vườn thì tôi có đến tìm không?”. Câu trả lời không phải là một. Nhiều hơn một. Không biết bao nhiêu lần. Nhưng ít nhất phải là hai.
Tôi sẽ tìm bản DVD chánh gốc để chứng thực lời mình. Và tất nhiên là trong hai lần tới đây, tôi sẽ thưởng thức theo đúng bộ quy chuẩn ứng xử mà tôi đã tự tay phác thảo (chép trong quyển Để trở thành người yêu điện ảnh). Một trong số hành xử, như đã viết ở hàng đầu tiên, đó là xem trọn vẹn, không nghỉ, không dừng.
Căn tính Huế
Trong thời gian chờ đợi lần xem đúng nghĩa đầu tiên, tôi có truy vấn nguồn gốc của hai người quan trọng nhất trong xuất phẩm Trăng Nơi Đáy Giếng. Đó là đạo diễn và tác giả truyện ngắn. Lý do cho sự truy vấn là tôi biết bối cảnh phim diễn ra ở Huế. Phim ghi hình duy chỉ tại thành phố này. Và tôi không hề bất ngờ khi thấy cả hai anh chị Nguyễn Vinh Sơn và Trần Thùy Mai đều là người Huế. Không biết họ đã sống bao nhiêu năm ở đó. Gốc rễ huyết thống của họ có thật sự thuộc về nơi này hay không. Nhưng đọc văn lẫn lướt qua những đoạn hậu trường của phim thì tôi liều nghĩ đó đều là những tâm hồn Huế chơn thiệt.
Diễn tiến này khiến cho tôi thì thầm xác quyết đây chắc chắn sẽ không thể nào là một tác phẩm để tôi xem hai, ba lần rồi thôi. Phim hàm tàng một đề tài mà tôi say sưa đến muôn đời. Căn tính. Căn tính của con người, căn tính của thành phố, căn tính của một vùng miền. Trường hợp cụ thể ở đây là Huế. Tôi tin rằng nếu nghiêm túc đào sâu tôi có thể chạm tới một túi nước sạch trong, một túi nước khổng lồ.
Muốn quả ngọt thì phải ra công. Nhưng không phải là dạng hối hả đeo mang hành trang đến cố đô, không phải là kiểu cuống cuồng kết giao bằng hữu. Chạy theo lối ấy có khi tôi chỉ mang đến Hương Giang sự ồn ào nhiễu loạn, những tấm ảnh điểm tô cho ham muốn chinh phục và nhất là rác. Đi nhiều đem lại điều gì? Tôi chỉ thấy sau những chuyến đi, cái tôi để lại phần lớn là rác, đủ kiểu và đủ dạng. Kết giao nhiều để là gì khi mà tôi chỉ thấy sự giả trá bóng đè thành thực nơi tôi?
Tôi đang tha thiết với Huế, tha thiết một cảnh Huế, một hồn Huế. Nhưng tôi muốn được lặng lắng. Tôi xin được là lặng lắng. Sự dấn thân nếu có thì cũng chỉ là lúc tôi tự nghĩ đã tích thâu tạm đủ kiến thức phông nền. Đọc do vậy cần thiết hơn là đi. Đọc trước đi sau. Mà đọc thì chắc chắn không gây hủy hoại kết cấu công trình lẫn kết cấu xã hội.
Kế hoạch của tôi là thế. Đọc trước đã. Còn khi đi thì luôn phải cẩn trọng. Đi là để kiểm nghiệm, để suy xét. Chung quy của đi cũng chỉ để đọc, đọc lần hai, đọc mình. Trên hết và sau hết, vẫn là sự đọc. Tôi đang giam mình trong giai đoạn nền tảng, giai đoạn đọc lần đầu.
Yêu cầu của tôi là một tập sách. Ngắn thôi. Độ dài 200 trang đổ lại. Ít nhưng khái quát bức tranh Huế. Nên là một tuyển tập các đoản văn để tôi không cần phải đi theo dòng trật tự thời gian. Mở ra bất kỳ lúc nào cũng được. Không tính toán. Không lưu dấu. Và còn gì bằng khi được chính một người Huế cẩn thận chép ghi.
Thật buồn là tôi chỉ có một cái tên duy nhất đáp ứng sở nguyện. Trong lịch sử đọc tiếng nước mình của bản thân, một lịch sử còn quá khiêm nhường và chưa tương xứng với 2 tiếng “lịch sử”, tôi không thể biết liệu còn cái tên nào khác không. Lựa chọn chỉ một của tôi, lựa chọn trong tháng tám đặc biệt này chỉ có một.
Lời tạ từ gửi một dòng sông
Hoàng Phủ Ngọc Tường
Nhiên